Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Ngày 16/12, phiên sơ thẩm “thảm án Uông Bí” đã diễn ra với án tử hình dành cho bị cáo duy nhất của vụ án.
“Thảm án Uông Bí” là cách mà báo chí gọi một vụ án đau lòng khi bốn người trong một gia đình bị chính người họ hàng của mình sát hại do ảnh hưởng của ma túy đá. Không ly kỳ như vụ án ở Bình Phước, nhưng vụ án ở Uông Bí vẫn hội đủ những yếu tố để tạo nên sự căm ghét của quần chúng: giết người, cướp của, nạn nhân là người thân, và bị cáo giết người trong tình trạng phê ma túy đá. Báo chí nhanh chóng chạy những dòng tít nói về bài học cảnh tỉnh cho những ai phê ma túy, và cộng đồng được dịp than thở về đạo đức xã hội xuống cấp.
Hôm phiên tòa diễn ra, báo chí vẫn làm tốt vai trò khơi gợi lòng căm ghét của xã hội bằng cách miêu tả cặn kẽ từng cử động trên mỗi mm gương mặt bị cáo.
“Bị cáo bình thản khi nghe án tử hình”, “bị cáo bình thản ngặm vú nhựa (thật ra là dụng cụ chống cắn lưỡi – bị cáo khai anh bị ám ảnh vì tội ác mình gây ra và đã nghĩ đến việc quyên sinh)”, “bị cáo nhếch mép cười khi nghe tuyên án tử“.
Tất cả những hình ảnh đó tương phản với nỗi thống khổ của gia đình nạn nhân (mà đau xót thay cũng là gia đình bị cáo). Báo chí cũng không quên tường thuật sự đay nghiến của chồng nạn nhân, rằng ông nghĩ “án tử hình là quá nhẹ” cho hắn. Một người thân khác của nạn nhân thì mong rằng “[bị cáo] phải chịu cực hình suốt đời“. Án tử hình bỗng chốc trở thành một hình phạt quá sức nhân văn cho kẻ thủ ác.
Nhưng ai cũng thừa nhận rằng, vết thương trong lòng gia đình nạn nhân sẽ chỉ nguôi ngoai đi phần nào. Còn nạn nhân thì mãi không thể sống lại được, chỉ có cơn say máu và khát vọng trả thù là bao trùm phiên xử.
Không ai nói về sự tha thứ. Không ai dám nói về sự tha thứ.
Trong những vụ án có án tử hình, báo chí ít khi nào khai thác sự ăn năn, hối cải của bị cáo, hay sự tha thứ của gia đình nạn nhân dành cho kẻ thủ ác. Còn nhớ, khi những bị cáo ở Bình Phước cúi đầu xin gia đình nạn nhân tha tội chết, báo chí vẫn kịp bắt lại những “cặp mắt trắng dã“, những “điệu cười khó hiểu” của bị cáo.
Khi Lê Văn Luyện bước ra vành móng ngựa và mọi người biết rằng không thể tử hình y được, những tình tiết về đời tư và sự sỉ nhục cá nhân y được khai thác để nguôi lòng mọi người. Án tử hình hóa ra không phải để ngăn ngừa điều gì như ai đó lầm tưởng mà là để xoa dịu xã hội.
Tôi quan tâm hơn đến thân phận kẻ thủ ác. Trước vành móng ngựa, nhân phẩm của bị cáo không còn bao nhiêu. Nhân phẩm ở đây tức là quyền con người. Nhiều người nghĩ rằng bị cáo xứng đáng bị như vậy vì hắn là kẻ ác, hắn đã gieo rắc tai ương cho xã hội. Nhưng xét cho cùng, ít ai trở nên ác một cách tự nhiên. Tính cách, bản thiện của con người xoay vần vì hoàn cảnh và môi trường xã hội. Hình phạt lẽ ra là để cải tạo và nỗ lực hướng thiện cho một con người lầm lỗi thì nay lại tiếp tục được dùng để trừng phạt và trả thù cho đám đông.
Làm thế nào để cảm hóa một kẻ sát nhân? Tôi nhớ đến câu chuyện của phiên xử Gary Ridgway. Ridgway được mệnh danh là “sát nhân sông Xanh” (Green River Killer), kẻ đã gây ra vụ giết người hàng loạt đau lòng nhất nước Mỹ. Hắn bị buộc tội sát hại ít nhất 49 nạn nhân nữ và hãm hiếp thi thể của họ, người trẻ nhất có thể chỉ mới 12 tuổi. Hắn thú nhận xem việc giết phụ nữ là một “công việc”.
Tại phiên tòa xử Ridgway, người nhà các nạn nhân được mời phát biểu lời sau cùng. Hầu hết đều nguyền rủa hắn cho đến chết, có người còn cầu cho hắn không đầu thai kiếp sau. Tất cả đều dễ hiểu, vết thương trong lòng là quá lớn, đặc biệt là khi phản ứng lại với những lời này là một gương mặt bình thản, không cảm xúc của Ridgway.
Nhưng rồi, một người đàn ông xuất hiện tại phiên tòa. Tên ông là Robert Rule. Mái tóc ông bạc trắng, ông là bố của một nạn nhân bị hắn sát hại năm cô 16 tuổi. Giọng run rẩy, ông như kìm lại tiếng khóc và nói vào micro đặt tại phiên tòa:
– Ông Ridgway ạ, có rất nhiều người ở đây căm thù ông… Nhưng tôi không căm thù ông. Ông đã khiến tôi khó có thể sống đúng như những gì tôi hằng tin tưởng, là những gì Chúa trời đã răn dạy tôi: đó là tha thứ. Nhưng ông Ridgway ạ, ông được tha thứ.
Lần đầu tiên, người ta thấy được một thứ hiếm hoi trên khuôn mặt “kẻ sát nhân máu lạnh” Ridgway, đó là “nước mắt”. Hắn khóc, và chúng ta nhận ra, hắn vẫn là con người – như chúng ta.
Những người ủng hộ án tử hình lẫn những người phản đối án tử hình đều mong muốn xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng tôi không biết những người ủng hộ họ tin vào điều gì, còn tôi tin rằng “cái ác chỉ có thể bị chinh phục bởi tình yêu thương.”