Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Báo cáo thường niên của tổ chức nhân quyền Front Line Defenders (Ireland) cho biết có đến hơn 1000 nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới bị sát hại và đàn áp trong năm 2016. Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh của Việt Nam nằm trong số bị “giam giữ tuỳ tiện”.
Những nước có nhà hoạt động nhân quyền bị sát hại trong năm 2016. Ảnh: Front Line Defenders.Trong báo cáo này, Front Line Defenders (FLD) thống kê được 281 nhà hoạt động bị sát hại ở hơn 25 nước trải dài trên các lục địa Á, Phi và Mỹ La-tinh. Khu vực Mỹ La-tinh chiếm tới 3/4 trong số này với 217 người. Colombia và Brazil dẫn dầu danh sách với con số lần lượt là 85 và 58.
Ở khu vực Đông Nam Á, những nước bị điểm danh trên bản đồ này là Philippines (31 người), Campuchia (1), Indonesia (1), Myanmar (1), và Malaysia (1).
49% trong số các nhà hoạt động bị giết trên thế giới năm qua hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền đất đai, quyền của người thiểu số và môi trường.
FLD cũng lưu ý rằng, trong đa số các vụ giết người này, nạn nhân đã bị đe doạ từ trước, cảnh sát đã được thông báo nhưng thường làm ngơ.
Việt Nam bị điểm danh 4 lần
Việt Nam bị điểm danh trong báo cáo này liên quan đến việc bắt và giam giữ tuỳ tiện, hành hung các nhà hoạt động và cấm các nhà hoạt động xuất cảnh.
FLD cho rằng có đến hơn 500 người biểu tình, trong đó có cả nhà hoạt động nhân quyền, bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống Formosa và ô nhiễm môi trường. Công an TP. Hồ Chí Minh thì khẳng định hai cuộc biểu tình ở thành phố này vào tháng 5/2016 là các cuộc tụ tập gây rối do Việt Tân đứng sau tổ chức.
Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) bị công an bắt giam tại nhà riêng ở Nha Trang vào tháng 10/2016 và bị khởi tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự. Báo cáo nói rõ “cảnh sát phát hiện ra cô sở hữu các biểu ngữ kêu gọi truy tố công ty Đài Loan [Formosa]”.
Trích dẫn nguồn tin từ Công an Khánh Hoà, Tuổi Trẻ cho biết, bà Quỳnh “thường xuyên soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân”.
Bà Quỳnh là thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam và từng được tổ chức Civil Rights Defenders (Thuỵ Điển) trao giải Người bảo vệ nhân quyền năm 2015. Nhà hoạt động này không tham dự được lễ trao giải tại Thuỵ Điển do bị cấm xuất cảnh.
Mặc dù báo cáo của FLD nhắc đến Việt Nam trong phần cấm xuất cảnh các nhà hoạt động nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Trao đổi với Luật Khoa, luật gia Nguyễn Trang Nhung – thành viên một nhóm đấu tranh về quyền xuất cảnh cho các nhà hoạt động – cho biết, hiện nhóm của cô đã thu thập được dữ liệu của khoảng 100 nhà hoạt động bị cấm đi ra nước ngoài, dù đi với bất kỳ mục đích gì.
Luật gia Nhung cũng tin rằng còn nhiều nhà hoạt động khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng hoặc họ không công bố thông tin, hoặc họ không biết vì chưa bao giờ xuất cảnh.
FLD nêu rõ lý do phổ biến mà giới chức đưa ra trong các vụ cấm xuất cảnh trên thế giới là vì “nguy hại đến an ninh quốc gia”. Đây cũng là lý do chính mà các quốc gia sử dụng để hình sự hoá hoạt động của các nhà đấu tranh nhân quyền.
Front Line Defenders là một tổ chức nhân quyền lớn trên thế giới, được thành lập năm 2001 và có trụ sở tại thủ đô Dublin của Cộng hoà Ireland. Tổ chức này đặt ra sứ mệnh bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền đang gặp hiểm nguy trên toàn thế giới bằng cách truyền thông và vận động quốc tế, đào tạo kỹ năng an ninh mạng, hỗ trợ tài chính cho các nhà hoạt động bị đàn áp và các hoạt động khác.