Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chúng tôi nhận được thông báo mở phiên tòa xét xử dự trù kéo dài trong ba ngày 23, 24 và 25/9/2011.
Từ tối hôm trước nhóm luật sư bào chữa đã về Bắc Giang. Sau khi lựa chọn một nhà nghỉ trên địa bàn thành phố, chúng tôi đi tìm quán ăn tối và đến thăm nhà một người quen của luật sư đồng nghiệp.
Liên quan đến việc đi công tác ở các tỉnh thì cũng nhiều điều đáng nói. Nhiều luật sư muốn vui chơi giải trí vào buổi tối ở nơi công tác, nên sau khi ăn nhậu thường hay đi hát karaoke. Nếu dừng lại ở đó thì tốt, nhưng một số lại đi xa hơn khi đến những nơi tẩm quất mát xa tìm gái gú, một số khác thì hay tụm lại đánh bài.
Có những luật sư gạo cội đi công tác xa với một nhóm luật sư đã ngả ghế đánh bài suốt quá trình ngồi trên xe ô-tô, khi đã đến nơi thì thuê phòng nghỉ, kê giường chặn cửa rồi ngồi đánh bài với nhau.
Đây thực sự là lối sống bê tha và nó chỉ tồn tại ở những luật sư mà lối làm án là chạy chọt. Cái lối sinh hoạt như vậy không thể tồn tại ở những luật sư làm việc theo lối công chính, nhưng ngay cả những luật sư nghiêm chỉnh cũng rất dễ bị cám dỗ bởi những cạm bẫy giăng ra trước mặt.
Điều này là rất nguy hại vì luật sư tham gia các vụ án lớn, nổi cộm ở địa phương thì không loại trừ khả năng đã lọt vào tầm ngắm của các thế lực hắc ám ở địa phương. Thông tin về ngày giờ mở phiên tòa đã có cho nên họ sẽ sớm biết được các luật sư sẽ về làm việc. Nếu theo dõi thì họ sẽ biết luật sư ăn nghỉ ở đâu và sinh hoạt thế nào. Họ theo dõi xem luật sư có làm gì sai trái, vi phạm pháp luật không để có thể phá vỡ kế hoạch bào chữa, làm chệch hướng giải quyết đúng đắn của vụ án.
***
Để chuẩn bị cho phiên tòa ngày hôm sau, chúng tôi về phòng nhà nghỉ xem lại một lần nữa bộ hồ sơ và trao đổi với nhau về luận cứ bào chữa.
Cùng tham gia bào chữa cho bị cáo Hàn Đức Long còn có luật sư Dương Minh Nhâm thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang. Ông là một cán bộ tư pháp về hưu nhưng tỏ ra là người cần mẫn và cũng cố kiếm những đồng tiền ít ỏi cho cuộc sống khi về hưu.
Phía gia đình cháu bé bị hại cũng có hai luật sư bảo vệ gồm luật sư Trần Văn An – Trưởng Văn phòng luật sư Dân An, hiện là chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang và luật sư Trần Bá Ngọc, Giám đốc Công ty luật số 1 Bắc Giang.
Bị cáo Hàn Đức Long được dẫn giải đến tòa. Dáng người nhỏ gầy của ông chìm lấp trong hàng chục sắc phục công an. Ông bị còng tay ngồi đợi Hội đồng xét xử trước vành móng ngựa.
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Mai và người anh trai là Hàn Đức Minh cùng một số người nhà không được vào phòng xử. Họ phải đứng ngoài sân và nghe diễn biến phiên tòa qua chiếc loa tậm tịt. Lúc giải lao, ông Minh gặp luật sư than phiền là loa nói nhỏ và nhiễu nghe chẳng rõ.
Tranh thủ lúc chưa làm việc, một vị luật sư đồng nghiệp đến gần thăm hỏi động viên ông Long và hứa hẹn là sẽ viết một cuốn sách về vụ án Hàn Đức Long như một cách cam đoan là sẽ minh oan cho ông.
Đến tham dự phiên tòa, về phía gia đình cháu bé nạn nhân có bố mẹ cháu và một số người nhà. Họ cầm theo bức ảnh chân dung gương mặt cháu còn nhỏ, trông rất thương tâm.
Bố cháu bé là anh Nguyễn Đình Sơn, sinh năm 1973, năm đó mới 38 tuổi. Tuổi đời còn sung sức nhưng nỗi đau thương đã sớm lấy đi sức trẻ của anh. Với đôi vai trĩu nặng và gương mặt khắc khổ, anh lê bước vào tòa, đi tới ngồi ở hàng ghế đầu. Có lẽ sau nhiều lần xét xử, anh đã biết được vị trí chỗ ngồi của mình.
Một kinh nghiệm của luật sư khi tham gia bào chữa trong những vụ án có bị hại là ngay khi bắt đầu phần xét hỏi hoặc tranh luận, luật sư nên thay bị cáo nói lời chia buồn, tới gia đình bị hại. Đó là cách giúp giảm bớt đi sự thù nghịch trong tâm tưởng của họ.
Tất nhiên, nếu bị cáo đã thú nhận tội thì mới làm thế, còn trong trường hợp này bị cáo Hàn Đức Long chối tội, do vậy luật sư không thể nói lời xin lỗi. Tôi phải lựa lời xử lý sao cho giảm bớt mức độ bức xúc và phẫn uất của gia đình bị hại.
Chẳng có thể làm gì nhiều trong tình huống này ngoài việc luật sư nói với một tông giọng phù hợp, đầy ôn hòa và chân thành, chia sẻ những mong muốn tìm ra được sự thật vụ án Tuy vậy, mặc dù đã cố hết sức tránh gây hấn, một điều tôi nhớ rất rõ là chúng tôi liên tục bị cha mẹ cháu bé chửi bới. Khi luật sư đặt câu hỏi cũng bị chửi, khi trình bày luận cứ bào chữa cũng bị chửi cắt ngang.
Họ nói rằng loại luật sư chúng tôi chỉ làm vì tiền, bao che cho tội ác, nói xuôi nói ngược. Tôi kiên nhẫn nói rằng luật sư chúng tôi làm miễn phí, chúng tôi không xấu xa đến mức cầm tiền của bị cáo rồi đổi trắng thay đen. Chúng tôi chỉ muốn tìm ra sự thật, đó là mong muốn chung cùng với các vị là bị hại, kẻ thủ ác thực sự còn đang nhởn nhơ ngoài kia.
Ngồi ở mấy hàng ghế dưới là hàng chục nhân chứng, những người đã tham gia xay xát thóc buổi chiều cái ngày định mệnh đó.
Về phía mẹ con bà cụ tố cáo Hàn Đức Long hiếp dâm thì chỉ có người con gái là Trương Thị Năm đến tham dự phiên tòa. Chị ta ngồi cùng hàng với các nhân chứng của vụ án, gồm hàng chục người ngồi túm lại ở mấy hàng ghế phía dãy bên kia.
Trong đám đông lố nhố tôi để ý tìm mặt ông Nguyễn Văn Giang, người đã đến nhà cháu bé mua chai nước uống và là người sau cùng tiếp xúc với cháu bé. Tôi cố đoán và tìm mặt ông ta vì đến lúc đó tôi cũng chưa gặp lần nào mà chỉ đọc các lời khai trong hồ sơ vụ án. Sau đó tôi hỏi vị luật sư đồng nghiệp xem cái người mà tôi đoán định có phải là ông ta không thì được trả lời là đúng như vậy.
Tôi cũng muốn phán đoán điều gì đó qua những cử chỉ ngôn ngữ của ông ta nhưng có vẻ như đây lại là một trò trẻ con. Chẳng thể đoán định được gì bởi họ đã từng chịu sự dò xét rất kỹ lưỡng của các cán bộ điều tra, kiểm sát viên và tòa án trong quá trình giải quyết vụ án nhiều năm trước đó.
Điều nhận thấy rõ nhất là ông ta với gương mặt xám xịt, góc cạnh, khô khốc ngồi trườn người ra trước để cơ thể lún sâu xuống hàng ghế khuất lấp trước những bức tường người nhằm tránh những cái nhìn dò xét từ phía chúng tôi. Ông ta như cố thu mình bé lại để tránh những ánh mắt xoi mói và không lần nào liếc nhìn sang phía luật sư chúng tôi.
***
Hầu như tất cả các nhân chứng đều trả lời với nội dung vô hại. Đại thể là ngày hôm đó họ có đi xay xát thóc và họ nhớ là hôm đó có Hàn Đức Long, song họ không nhớ là Hàn Đức Long có mặt ở quán suốt thời gian họ xay xát hay không. Những lời khai báo như vậy đã được chấp nhận, và nghe có vẻ hợp lý. Sau bao nhiêu năm tháng kể từ ngày xảy ra vụ án, làm sao họ có thể nhớ là ông Long có mặt tại quán suốt thời gian họ xay xát thóc hay không.
Các cơ quan tư pháp cũng chỉ cần có thế. Họ dựa vào những lời khai không thể xác quyết chính xác, rõ ràng để xào nấu, sắp xếp lại cho ra diễn biến một hành vi phạm tội. Theo đó, trong lúc chờ đợi đến lượt mình xay xát thóc, Hàn Đức Long đã đi sang nhà cháu bé gây án rồi quay trở về như không có chuyện gì xảy ra.
Các nhân chứng đến tham dự phiên tòa dường như với một tâm trạng hồi hộp và tò mò, vì hẳn họ muốn nhìn lại mặt bị cáo, kẻ bị cho là đã gây tội ác mà trước đây họ từng giao lưu, tiếp xúc. Có lẽ họ cũng cảm thấy mình gặp may vì cái vận hạn đen đủi đang đày đọa kẻ khác chứ không rơi vào họ. Tất nhiên, họ giữ vẻ bên ngoài bình thản và bình tĩnh thực hiện vai trò của người làm chứng.
Một kinh nghiệm rút ra là với những con người nhiều nỗi sợ hãi thì thường không có chính kiến. Vì sự yếu thế và thiếu những sự bảo hộ, họ sợ tai ương nên tránh dây dưa với những chuyện rắc rối. Vì thế, những lời khai báo chỉ chung chung, thể hiện một điều là ý thức trách nhiệm công dân còn là một khoảng trống và số phận của bị cáo cũng như công lý khó mà trông đợi gì được vào những người như vậy.
(Còn nữa)
Về tác giả:
Luật sư Ngô Ngọc Trai là Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính có trụ sở tại Hà Nội. Ông là luật sư của tử tù Hàn Đức Long trong hơn 5 năm, trước khi ông Long được trả tự do vào ngày 20/12/2016 sau bốn lần bị tuyên án tử hình. Ông cũng đồng thời là cây viết bình luận về các vấn đề tư pháp hình sự.