Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ca sĩ Mai Khôi đang trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi mới về một đề tài rất cũ: lá cờ.
Trên Facebook của mình, cô ca sĩ từng là ứng cử viên độc lập chạy đua vào Quốc hội hồi năm ngoái bày tỏ quan điểm không muốn đứng chung với lá cờ vàng – vốn là quốc kỳ của ít nhất hai thể chế từng tồn tại ở nước ta là Việt Nam Cộng hoà và Quốc gia Việt Nam.
Mai Khôi “không thích cờ vàng, cũng không thích cờ đỏ” và cho biết nếu được chọn sẽ chọn cờ hồng vì đó là “màu của yêu thương”. Cô nhận được không ít lời khen, nhưng cũng không ít lời chỉ trích, phê phán và cả chửi rủa của nhiều Facebookers bảo vệ lá cờ vàng.
Ca sĩ Mai Khôi – Ảnh: Facebook nhân vật.Vụ việc của Mai Khôi diễn ra sau một sự kiện văn nghệ ở Virginia (Mỹ) ngày 11/1. Cũng tại tiểu bang này cách đây hơn hai năm, một người Việt Nam khác từ trong nước tới cũng gặp phải một tai nạn với lá cờ vàng: cựu tù nhân chính trị Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải). Ông bị một người phụ nữ ép khoác một chiếc khăn cờ vàng trong khi đang giao lưu với cộng đồng người Việt ở đây.
Hầu hết người Việt Nam ở độ tuổi 30 trở lên sinh sống trên đất Mỹ, Canada và Úc có ít nhất hai điểm chung: là người miền Nam và bỏ nước ra đi sau ngày 30/4/1975, khi những người cộng sản giành được chiến thắng quân sự sau cùng và thống nhất đất nước.
Trong suốt hai thập kỷ sau chiến tranh, có ít nhất 800 nghìn người vượt biên ra đi và đến được một nước khác. Tuyệt đại đa số vượt biên bằng đường biển và mãi mãi đi vào lịch sử thế giới với tên gọi “thuyền nhân Việt Nam” (Vietnamese boat people). Hàng trăm nghìn người bỏ xác trên biển và không bao giờ tới được nơi họ muốn tới. Những người may mắn sống sót trở thành người tị nạn và hầu hết sau đó được một nước khác tiếp nhận làm công dân. Lẽ dĩ nhiên, họ coi lá cờ vàng là quốc kỳ, họ luôn mang trong mình mối thù với những người cộng sản và căm ghét lá cờ đỏ.
Chỉ hai tháng trước vụ việc của Mai Khôi, nhiều người Việt ở California đã vẩy nước mắm và đuổi doanh nhân Lê Đình Hùng (Hùng Cửu Long) sau khi anh này tuyên bố sẽ mặc áo cờ đỏ sao vàng đi giữa khu vực cộng đồng.
Ngay sau đó, vào ngày 14/12/2016, Hội đồng thành phố Westminster, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn ở Mỹ, đã thông qua nghị quyết tái khẳng định sự công nhận lá cờ vàng và phản đối việc treo cờ đỏ tại các công sản của thành phố này.
Ông Tyler Diệp, Phó Thị trưởng thành phố tuyên bố: “Lá cờ máu là lá cờ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, tượng trưng cho một thể chế độc tài đảng trị, vi phạm nhân quyền và không hề được người Việt quốc gia chúng ta công nhận. Chúng ta chỉ công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ”.
Đó là chuyện xảy ra ở Mỹ. Tình huống ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.
***
Giữa tháng 10/2012, hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên lần lượt bị công an bắt ở Long An và TP. Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra cho biết đây là hai “đối tượng” chống phá nhà nước với ba hành vi cụ thể: rải truyền đơn, âm mưu gây nổ, và dán cờ vàng ba sọc đỏ tại các khu dân cư.
Phán quyết của toà sơ thẩm (5/2013) và phúc thẩm (8/2013) đều tuyên bố hành vi dán cờ vàng ba sọc đỏ là tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự. Một trong số các tang vật vụ án được liệt kê trong phán quyết là “01 cờ vàng 03 sọc đỏ”. Toà tối cao tuyên phạt Kha 4 năm tù giam và 3 năm quản chế, tuyên phạt Uyên 3 năm tù treo với 52 tháng thử thách.
Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam đăng bài công khai coi việc phất cờ vàng là “trò vè”, “lố bịch”, “kỳ quái” và là một việc làm sai trái.
Ít lâu sau đó, ngày 12/4/2015, vấn đề cờ vàng lại nổi sóng ở Việt Nam khi thanh niên Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) bị công an bắt khi đang tham gia một cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội. Nhiều người lập tức bày tỏ thái độ bất bình và cho rằng công an đang vi phạm quyền biểu tình của người dân, đặc biệt là trong một phong trào bảo vệ môi trường vốn không liên quan gì đến chính trị.
Khi đó, không ai biết lý do chính xác của vụ bắt bớ này là gì, nhưng giả thuyết được nhiều người quan tâm nhất là Dũng mặc quân phục Việt Nam Cộng hoà có hình lá cờ vàng trên ngực. Những hình ảnh của Dũng trong cuộc biểu tình hôm đó khiến nhiều người tin vào giả thuyết này. Không những thế, hình ảnh Dũng mặc quân phục Việt Nam Cộng hoà chụp với lá cờ vàng ở quê nhà Nghệ An lan truyền trên mạng, khiến không ai còn nghi ngờ gì là Dũng có cảm tình với lá cờ một thời này ở Việt Nam.
Dư luận lập tức phản ứng. Nhiều người dùng lý do này để phản đối biểu tình. Nhiều người công kích và chửi bới những ai ủng hộ Nguyễn Viết Dũng và lá cờ vàng. Nhiều người dù không phản đối Dũng nhưng cũng phát biểu rất dè dặt. Cuộc tranh cãi về việc nên hay không nên bảo vệ Dũng cũng nổ ra giữa những người kêu gọi biểu tình và các nhà hoạt động nhân quyền.
Ngược trở lại đầu những năm 2000, hai ca sĩ Bằng Kiều và Thu Phương cũng liên tục bị báo chí và công chúng trong nước chỉ trích khi quyết định ở lại Mỹ gây dựng sự nghiệp và xuất hiện trong một số sự kiện có lá cờ vàng. Cả hai bị ví như những kẻ “lầm đường lạc lối”, “phản bội Tổ quốc” và bị chính phủ cấm biểu diễn ở Việt Nam trong một thời gian dài.
***
Người Việt Nam từ trong nước đi ra bị kẹt trước lá cờ vàng. Người Việt Nam hải ngoại về nước bị kẹt trước lá cờ đỏ. Những người như Mai Khôi bị kẹt giữa hai lá cờ.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: một thể chế dân chủ ở Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Liệu thể chế đó sẽ chỉ công nhận một lá cờ và cấm tất cả các lá cờ khác? Liệu những người chẳng thích lá cờ nào như Mai Khôi có được quyền bày tỏ chính kiến của mình hay không?
Nước Mỹ có câu trả lời cho riêng họ.
Ngày nay, ai cũng quen thuộc với lá cờ hoa của Mỹ, bởi vậy mà người ta còn gọi nước Mỹ là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam, Mỹ đã từng bị chia cắt làm hai miền trong cuộc nội chiến 1861-1865 và kết quả sau cùng đều là chiến thắng của phe miền Bắc.
Trong suốt những năm nội chiến, phe miền Bắc (Union) tiếp tục sử dụng lá cờ hoa của Mỹ vốn đã được sử dụng từ thời lập quốc. Phe miền Nam (Confederate States) thiết kế một lá cờ riêng của mình.
Sau chiến tranh, lá cờ hoa của phe miền Bắc đương nhiên giữ nguyên địa vị là biểu tượng của toàn nước Mỹ, bao gồm cả các bang miền Nam. Nhưng không vì thế mà lá cờ của phe miền Nam biến mất. Lá cờ chính thức lẫn các phiên bản khác nhau của nó vẫn tung bay ở rất nhiều công sở, xí nghiệp, hộ gia đình và các sự kiện ngoài trời ở nhiều bang miền Nam, điển hình là South Carolina.
Lý do đơn giản của việc này là Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do biểu đạt quan điểm của người dân, bao gồm cả quyền giương cao bất kỳ lá cờ nào mà họ muốn.
Lá cờ không chính thức của phe miền Nam thời nội chiến được sử dụng trong một cuộc tuần hành ở South Carolina năm 2000. Ảnh: Wall Street Journal.Đảng Cộng sản Mỹ là một tổ chức chính trị hợp pháp tại Mỹ và họ đương nhiên được treo cờ đỏ búa liềm – biểu tượng của phong trào cộng sản thế giới.
Vào năm 1919, trước nỗi lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản, tiểu bang California ban hành một đạo luật cấm sử dụng cờ đỏ ở nơi công cộng trong một số trường hợp cụ thể. Một thanh niên 19 tuổi, đoàn viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản vốn có quan hệ với Đảng Cộng sản Mỹ, giương một lá cờ đỏ trong một hội trại cho trẻ em và lập tức bị bắt. Vụ án sau này được kháng cáo lên Tối cao Pháp viện. Toà tuyên đạo luật của California vi hiến trong án lệ nổi tiếng Stromberg v. California.
Mỹ thậm chí còn đi xa hơn: bảo vệ quyền được đốt quốc kỳ.
Năm 1984, thanh niên Gregory Lee “Joey” Johnson, thành viên của một tổ chức cộng sản trẻ, đốt quốc kỳ Mỹ trong một cuộc biểu tình ở Dallas, tiểu bang Texas để phản đối một số chính sách của Tổng thống Ronald Reagan. Hành vi này cấu thành tội xúc phạm các biểu tượng thiêng liêng theo luật tiểu bang. Khi đó, có đến 48/50 bang ở Mỹ có luật tương tự.
Johnson bị bắt, bị toà tiểu bang kết án một năm tù và phải chịu phạt 2.000 USD. Ông kháng cáo lên Tối cao Pháp viện. Phán quyết sau cùng vào năm 1989 tuyên bố hành vi đốt cờ được Hiến pháp bảo vệ như một phần của quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ Nhất.
Phán quyết ghi rõ quan điểm của phe đa số của Tối cao Pháp viện như sau: “Chính quyền không được cấm đoán việc bày tỏ quan điểm bằng lời nói hay không bằng lời nói chỉ vì xã hội cảm thấy bị xúc phạm và không thể chấp nhận được quan điểm đó, ngay cả khi việc này liên quan đến lá cờ của chúng ta”.
Dĩ nhiên, rất nhiều người Mỹ phản đối việc đốt cờ cũng như treo cờ miền Nam. Cũng giống như câu chuyện lá cờ của Việt Nam, các cuộc tranh cãi và biểu tình ở Mỹ nổ ra liên miên, chưa khi nào có dấu hiệu chấm dứt.
Điều quan trọng nhất là pháp luật Mỹ tôn trọng và bảo vệ quyền bày tỏ những quan điểm khác nhau. Một nền tảng pháp lý như vậy sẽ bảo vệ tất cả những người yêu mến lá cờ đỏ, những người yêu mến lá cờ vàng, những người yêu mến cả hai lá cờ, những người căm ghét cả hai lá cờ, và rất nhiều những thái độ khác nhau nữa.
Liệu đó có phải là một xã hội mà chúng ta nên hướng đến? Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hình dung được rõ ràng hơn rất nhiều về một đất nước Việt Nam mà chúng ta muốn thấy trong tương lai.