Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vào mỗi năm, ngày thứ Hai của tuần thứ 3 trong tháng Giêng là một ngày lễ toàn quốc tại Hoa Kỳ. Một đạo luật liên bang được lưỡng viện thông qua vào năm 1983 đã lập ra ngày lễ vinh danh và kỷ niệm ngày sinh của Mục sư Martin Luther King, Jr. Người Mỹ thường gọi ngày này là Ngày MLK (MLK Day), viết tắt của tên ông.
Mục sư Martin Luther King, Jr. là công dân Hoa Kỳ đầu tiên và duy nhất tuy chưa từng là nguyên thủ quốc gia, nhưng được vinh danh ngày sinh bằng một ngày lễ toàn quốc. Ngoài mục sư King, chính quyền liên bang Hoa Kỳ trước đó chỉ vinh danh ngày sinh của Tổng thống đầu tiên, George Washington, vào ngày thứ Hai của tuần lễ thứ 3 trong tháng Hai hằng năm.
Theo lịch của Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ (U.S. Office of Personnel Management), trong năm 2017, nước Mỹ có tổng cộng 10 ngày nghỉ lễ liên bang.
Nhân ngày sinh của mục sư King lần thứ 88, hãy cùng Luật Khoa tìm hiểu về ông cũng như quá trình của cuộc vận động cho ngày lễ vinh danh ông tại Mỹ.
Mục sư Martin Luther King, Jr. sinh ngày 15 tháng Giêng năm 1929 tại Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ, trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều là những mục sư Tin lành Protestant. Ảnh: Mục sư Martin Luther King, Jr. khi còn là một cậu bé 7 tuổi (Stanford University).
Ông có một tuổi thơ và giai đoạn trưởng thành khá tốt đẹp. Ông tham gia vào các hoạt động ở nhà thờ, hát lễ, chơi bóng bầu dục khi còn học trung học.
Nhưng cũng như rất nhiều người da đen lớn lên trong thời kỳ đó, Martin Luther King, Jr. đã phải chứng kiến những hậu quả mà đạo luật Jim Crow và các đạo luật phân biệt chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ gây ra cho người da đen. Chính bản thân gia đình ông đã từng bị đuổi khỏi một cửa hàng chỉ vì là người da đen. Ảnh: Mục sư King chụp cùng cha mẹ, bà ngoại, chị gái và em trai khi còn bé (Reading Rainbow).
Martin Luther King, Jr. không cần tốt nghiệp trung học vì năm 15 tuổi, ông đã thi đậu vào trường Đại học Morehouse với số điểm rất cao trong kỳ thi tuyển sinh (college entrance examination). Mục sư King tốt nghiệp đại học năm 1948, ngành Xã hội học. Cùng năm đó, ông cũng được thụ phong chức mục sư bởi Hội đồng Mục sư. Ảnh: Mục sư King (hàng đầu thứ 3 từ trái đếm qua) khi còn học đại học (Huffington Post).
Martin Luther King, Jr. tiếp tục theo học thạc sỹ tại trường Crozer Theological Seminary và sau đó là Đại học bang Pennsylvania. Ở cả hai nơi, ông đều được đánh giá xuất sắc trong thời gian học. Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ thần học tại trường Crozer, mục sư King tiếp tục chương trình tiến sỹ thần học tại trường Đại học Boston vào năm 1951. Ảnh: Martin Luther King, Jr. trong lễ tốt nghiệp thạc sỹ tại trường Crozer (EduSkyster.com).
Trong quá trình theo học chương trình tiến sỹ, Martin Luther King, Jr. đã gặp bà Coretta Scott vào năm 1952 và hai người đã kết hôn năm 1953. Sau khi thành hôn, bà theo họ chồng và tên của bà trở thành Coretta Scott King. Bà King cũng chính là người đã dành hơn 14 năm sau khi mục sư King qua đời vận động chính sách thành công, để ngày sinh của Martin Luther King, Jr. trở thành ngày lễ liên bang tại Mỹ.
Năm 1955, Martin Luther King, Jr. bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với đề tài “Một sự so sánh về Thượng đế trong tư tưởng của Paul Tillich và Henry Wieman”. Cùng vào năm 1955, phong trào “tẩy chay xe buýt” nhằm phản đối việc người da đen và người da trắng không được ngồi cùng xe tại thành phố Montgomery, bang Alabama do bà Rosa Parks khởi xướng đã nổ ra.
Bà Rosa Parks bị cảnh sát bắt vào ngày 1 tháng 12 năm 1955 khi không nhường chỗ của mình trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng. Vào ngày 5 tháng 12 năm 1955, Martin Luther King, Jr. được bầu làm chủ tịch Hội Vì một sự tiến bộ cho Montgomery (Montgomery Improvement Association – MIA) và trở thành người lãnh đạo của phong trào “tẩy chay xe buýt”. Ảnh: Martin Luther King, Jr. và bà Rosa Parks trong một buổi họp của hội MIA (ABC News).
Vào tháng 11 năm 1956, tòa án tuyên bố các đạo luật buộc người da đen và da trắng không được ngồi cùng xe buýt là vi hiến. “Tẩy chay xe buýt” được xem là một trong những chiến thắng đầu tiên và quan trọng của phong trào Dân quyền (Civil Rights Movement) tại Mỹ. Mục sư Martin Luther King, Jr. từ vai trò lãnh đạo của hội MIA, đã từng bước trở thành người lãnh đạo của phong trào Dân quyền.
Phương pháp đấu tranh ôn hòa của ông đã trở thành kim chỉ nam cho những phong trào xã hội về sau, không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Ảnh: Martin Luther King, Jr. (áo đen) sau một phiên xử tại tòa về vụ việc “tẩy chay xe buýt” năm 1956 (Bettmann/Getty).
Ngày 17 tháng 5 năm 1957, phong trào Dân quyền đã tổ chức một cuộc hành hương cầu nguyện cho tự do (Prayer Pilgirmage for Freedom) và người dân từ khắp nơi trên nước Mỹ đã tụ tập về thủ đô Washington, D.C. Đó cũng là lần đầu tiên Martin Luther King, Jr., 28 tuổi, đã diễn thuyết trước 30.000 người trong một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia tại tượng đài tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln. Ảnh: Bob Henriques.
Năm 1958, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật Dân quyền đầu tiên (Civil Rights Act of 1958) sau khi chế độ nô lệ bị xóa bỏ ở Mỹ gần 100 năm trước đó. 1958 cũng là thời điểm Martin Luther King, Jr. xuất bản cuốn sách đầu tay, Sải bước đến Tự do (Stride to Freedom), và bị ám sát hụt khi một người phụ nữ da đen dùng dao rọc giấy đâm suýt thủng tim ông trong buổi ra mắt cuốn sách ấy tại Harlem, bang New York.
Ảnh: Bác sỹ Emil Naclerio bên cạnh mục sư King sau khi thực hiện thành công ca phẫu cứu sống ông. Mũi dao đâm vào chỉ cách động mạnh tim của King một khoảng cách rất nhỏ và chỉ cần một cái hắt hơi cũng đủ khiến nó xuyên qua (New York Daily News).
Là một người rất ngưỡng mộ con người, cũng như chủ trương và đường lối đấu tranh ôn hòa của Mahatma Gandhi, năm 1959 Martin Luther King, Jr. đã đến thăm Ấn Độ. Ảnh: Mục sư King và vợ, bà Coretta Scott King, viếng Đài tưởng niệm Gandhi (Huffington Post).
Tháng 10 năm 1960, Martin Luther King, Jr. tham gia tọa kháng tại nhà hàng Magnolia Room – là một nơi chỉ phục vụ người da trắng ở thành phố Atlanta, Georgia. Mục sư King lần đầu tiên bị chính quyền bắt giữ và bị tuyên án 4 tháng tù. Nhờ vào sự can thiệp của ứng cử viên tổng thống John F. Kennedy, ông đã được trả tự do. Kennedy đang trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm đó và có ý kiến cho rằng ông đã giành được sự ủng hộ của cử tri da đen qua hành động này. Ảnh: Mục sư King bị bắt sau khi tổ chức tọa kháng (theclio.com).
Ra tù, Martin Luther King, Jr. tập trung đẩy mạnh việc thực thi quyền của người da đen không bị đối xử phân biệtđã được các án lệ của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bảo vệ. Ông tổ chức phong trào “Chuyến xe tự do” (Freedom Ride) bằng cách sử dụng các xe buýt công cộng xuyên bang. Kết quả là Uỷ ban Thương mại Liên tiểu bang (Interstate Commerce Commission) của chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm phân biệt chủng tộc trong vận chuyển giữa các tiểu bang (interstate travel) vào năm 1961.
Ảnh: Martin Luther King, Jr. trong một buổi họp báo với những người trong phong trào, gồm có Ralph Abernathy và John Lewis. John Lewis (áo trắng) hiện nay là dân biểu lâu năm của bang Georgia (PBS.org).
Từ khi bắt đầu trở thành nhà hoạt động dân quyền, mục sư King đã nhiều lần bị bắt bớ bởi những hoạt động đấu tranh đòi quyền cho người da đen tại Mỹ. Lần nổi tiếng nhất là lần bị bắt và giam giữ 11 ngày với tội danh “gây rối trật tự công cộng” vào tháng 4 năm 1963. Trong những ngày bị giam giữ, ông đã viết Lá thư từ ngục Birmingham về tinh thần và phương pháp đấu tranh ôn hòa chống lại những đạo luật bất công trong xã hội. Ảnh: Martin Luther King, Jr. trong một lần bị giam tại ngục Birmingham (History.com).
Sau khi Martin Luther King, Jr. ra tù, tháng 5 năm 1963, Thoả thuận Birmingham (Birmingham Agreement) đã được ký kết, chấm dứt chính sách phân biệt chủng tộc ở Alabama. 11 ngày trong ngục và lá thư từ Birmingham của ông đã góp phần rất lớn vào điều này. Ảnh: Tháng 8 năm 1963, ông trở lại thủ đô Washington, D.C. và tổ chức cuộc Tuần hành Washington (March on Washington) để phản đối các chính sách phân biệt chủng tộc khắp nước Mỹ. Đây cũng là nơi ông đã đọc bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” trước gần 250.000 người.
Tháng 7 năm 1964, Martin Luther King, Jr. đã có mặt trong lễ ký ban hành Đạo luật Dân quyền năm 1964 của Tổng thống Lyndon Johnson. Đạo luật có giá trị lịch sử này đã nghiêm cấm tất cả sự phân biệt đối xử ở Mỹ dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, và nguồn gốc quốc gia của một người trên toàn nước Mỹ. Đây là một thành công lớn của Phong trào Dân quyền. Ảnh: Wikipedia.
Khi chiến tranh Việt Nam leo thang, mục sư King đã công khai phản đối cuộc chiến và điều này khiến ông bị liệt vào “danh sách đen” của những người chống cộng theo chủ nghĩa McCathyrism ở Mỹ. Ảnh: Mục sư King và bài diễn văn phản chiến tại Đại học Minnesota năm 1964 (Wikimedia Commons).
Vì những hoạt động của mình, Martin Luther King, Jr. đã sống dưới sự giám sát và theo dõi chặt chẽ của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (Federal Investigation Bureau – FBI) cho đến tận khi qua đời. Điều này đã tạo ra những áp lực rất lớn cho King, dẫn đến việc ông bị trầm cảm và đã vài lần có ý niệm tự sát. Ảnh: Giám đốc FBI Edgar Hoover, người chịu trách nhiệm về hồ sơ của mục sư King (yurtopic.com).
Năm 1964, mục sư King được Tạp chí Time vinh danh là Người đàn ông của năm (Man of the Year), vừa đồng thời được trao giải thưởng danh giá Nobel Hòa bình khi chỉ mới 35 tuổi cho những hoạt động thúc đẩy dân quyền trong ôn hòa. Ảnh: Mục sư Martin Luther King, Jr. cùng Chủ tịch Uỷ ban Nobel Gunnar Jahn tại lễ trao giải Nobel Hòa bình tại Oslo, Na Uy ngày 10 tháng 12, năm 1964 (AP Photo/Time).
Năm 1965, mục sư King tập trung đấu tranh về quyền được tham gia bầu cử công bằng cho người da đen. Lúc này, vợ ông, bà Coretta Scott King là một trong những người cộng sự đắc lực bên cạnh và dần trở thành một nhà lãnh đạo của phong trào Dân quyền.
Ảnh: Bà Coretta Scott King và mục sư King cùng tham gia cuộc tuần hành nổi tiếng vào tháng 3 năm 1965 từ thành phố Selma đến thủ phủ Montgomery, bang Alabama (History.com) để đòi quyền bầu cử được thực thi cho người da đen.
Tuy các cuộc tuần hành này bị đàn áp rất dã man, Đạo luật Quyền đi bầu 1965 (Voting Rights Act of 1965) đã được Tổng thống Lyndon Johnson ban hành trong cùng năm. Ảnh: Tổng thống Lyndon Johnson và Martin Luther King, Jr. bắt tay nhau sau khi Đạo luật Quyền đi bầu 1965 được ký vào tháng 8 năm 1965 (Wikimedia).
Những năm 1966-1967, Martin Luther King, Jr. dành phần lớn thời gian đấu tranh cho người nghèo khổ ở Mỹ. Ông đã tổ chức các cuộc vận động khác nhau, đòi hỏi quyền lợi kinh tế cho những nhóm yếu thế trong xã hội không phân biệt chủng tộc. Ảnh: Martin Luther King, Jr. và các vị lãnh đạo tôn giáo tham gia tuần hành đòi hỏi công việc làm cho người nghèo năm 1967 (Newsweek).
Ngày 4 tháng 4 năm 1968, Martin Luther King, Jr. đã bị bắn tại lầu 2 của khách sạn Lorraine, thành phố Memphis, bang Tennessee trong khi đang trên đường vận động sự ủng hộ cho cuộc đình công của các công nhân vệ sinh da đen. Ảnh: Những khoảnh khắc cuối cùng trước khi mục sư King bị ám sát (wate.com).
Ông qua đời sau một cuộc giải phẫu không thành công tại bệnh viện Thánh Cả Giuse (St. Joseph Hospital), hưởng dương 39 tuổi. Ảnh: Getty.
Đám tang của Martin Luther King, Jr. đã diễn ra cùng lúc với hàng loạt cuộc bạo động trên toàn nước Mỹ nổ ra ngay sau cái chết của ông. Ảnh: Đoàn người đưa tiễn quan tài mục sư King về nơi an nghỉ cuối cùng (History.com)
Sau hơn 2 tháng trốn chạy lệnh truy nã, James Earl Ray (1928-1988) đã bị bắt giữ tại phi trường Heathrow, Anh Quốc. Bị dẫn độ về Mỹ, Ray đã thú tội, nhận mình là hung thủ giết chết Martin Luther King, Jr. và đồng ý nhận án 99 năm để khỏi phải trải qua xét xử và đối diện với án tử hình.
Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, James Earl Ray đã sa thải luật sư biện hộ và muốn lật lại bản án. Cho đến khi qua đời, Ray tiếp tục khẳng định mình chỉ là một con cờ trong một thuyết âm mưu của các nhân viên an ninh Hoa Kỳ. Gia đình của mục sư King cũng có vẻ chấp nhận giải thích của Ray và đã từng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ mở lại phiên tòa xét xử James Earl Ray dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, James Earl Ray qua đời vì bệnh gan năm 1998 tại một nhà tù ở thành phố Memphis, bang Tennessee.
Cái chết của ông đã được Tổng thống Lyndon Johson vinh danh bằng việc ký và ban hành Đạo luật Dân quyền năm 1968 (Civil Rights Act of 1968), trong đó có điều khoản cấm kỳ thị đối với người thuê nhà, là một trong những điều mà Martin Luther King, Jr. đang đấu tranh dang dở. Ảnh: Tổng thống Johnson và các vị dân biểu trong buổi ký ban hành Đạo luật Dân quyền năm 1968 chỉ một tuần sau khi mục sư King bị ám sát (Minnesota History Center).
Ngày 8 tháng 4 năm 1968, 4 ngày sau cái chết của mục sư King, vợ con ông và những người bạn trong phong trào Dân quyền đã đi tuần hành ở thành phố Memphis, bang Tennessee cùng với hàng nghìn người dân ủng hộ việc tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của King. Ảnh: Cuộc tuần hành ngày 8 tháng 4 năm 1968 (History.com).
Trong đoàn người có sự góp mặt của dân biểu John Conyers từ bang Michigan. Dân biểu Conyers cho rằng họ cần phải làm một việc mang tính cách bền vững hơn để tưởng nhớ mục sư King. Và ngay trong tuần đó, ông Conyers đã đề xuất Dự luật vinh danh ngày sinh của Martin Luther King, Jr. là ngày lễ toàn quốc lên Hạ viện Hoa Kỳ. Tuy vậy, dự luật này đã nằm yên ở Hạ viện trong 3 năm với rất ít chuyển biến cho đến năm 1971. Ảnh: Dân biểu John Conyers và bà quả phụ Coretta Scott King.
Trong thời gian 3 năm từ 1968 đến 1971, bà Coretta Scott King đã thành lập Trung tâm Martin Luther King Vì sự thay đổi xã hội trong ôn hoà (Martin Luther King Center for Nonviolent Social Change) tại Atlanta, bang Georgia. Một trong những hoạt động của trung tâm này là vận động cho dự thảo luật về ngày lễ vinh danh mục sư King. Ảnh: Bà Corretta Scott King và phác thảo đồ công trình xây dựng trung tâm vào năm 1968 (kingcenter.org).
Năm 1971, 3 triệu chữ ký đã được thu thập trên cả nước và gửi đến Quốc Hội Hoa Kỳ ủng hộ việc vinh danh ngày sinh của mục sư King. Bà Coretta Scott King rất kiên trì vận động bằng cách gây áp lực lên các dân biểu, viết và diễn thuyết về việc này cũng như đã điều trần hai lần trước Quốc Hội Mỹ. Ảnh: Bà Coretta Scott King và Tổng thống Jimmy Carter, một trong những chính khách ủng hộ việc kỷ niệm ngày sinh mục sư King (CBS News).
Đến năm 1979, tuy có được sự ủng hộ của Tổng thống Jimmy Carter, dự thảo luật ngày sinh Martin Luther King, Jr. vẫn thiếu 5 phiếu mới có thể qua được cửa Hạ viện. Trong quá trình tiếp tục vận động cho dự luật, ngôi sao ca nhạc Stevie Wonder đã ủng hộ công khai bằng việc viết tặng cố mục sư King bài hát “Chúc mừng sinh nhật”. Trong đó, có một đoạn: “Tôi sẽ không bao giờ hiểu nổi, vì sao một người đã chết vì điều thiện như ông, lại chẳng thể có được cả một ngày để mọi người tưởng niệm ông”. Ảnh: Bà Coretta Scott King và ca nhạc sỹ Stevie Wonder trong một buổi kêu gọi ủng hộ vinh danh ngày sinh của mục sư King (earthtones.org).
Bài hát đã giúp gia tăng áp lực từ phía công chúng đến các dân biểu và thượng nghị sỹ Hoa Kỳ nhiều hơn. Vào năm 1983, một dự thảo luật mới được chấp bút bởi hai dân biểu, Jack Kemp của đảng Cộng hòa và Katie Hall của đảng Dân chủ, một lần nữa mang việc vinh danh ngày sinh của Martin Luther King, Jr. ra trước Quốc Hội.
Khi dự thảo luật được đưa ra Thượng viện, Thượng nghị sỹ Jesse Helms, một người từng chống lại Đạo luật Dân quyền năm 1964, đã hết sức tìm cách phản đối. Ông Helms đã mang toàn bộ hồ sơ mà FBI đã lưu trữ về mục sư King ra tranh luận ở Quốc hội nhằm tìm cách chứng minh King là một người cộng sản và không xứng được vinh danh. Tuy vậy, ông Helms đã thất bại và dự thảo luật đã được Thượng viện thông qua với số phiếu 78 ủng hộ và 22 phiếu chống.
Ảnh: Tháng 11 năm 1983, Tổng thống Ronald Reagan ký ban hành đạo luật liên bang vinh danh ngày sinh của Martin Luther King, Jr. hằng năm vào ngày thứ Hai của tuần thứ 3 trong tháng Giêng và gọi đó là Ngày Martin Luther King, Jr. Năm 1986 là lần đầu tiên ngày lễ này được kỷ niệm tại Mỹ (kingcenter.org).
Năm 2009, Ngày Martin Luther King, Jr. rơi đúng vào ngày lễ Tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống da đen đầu tiên, Barack Obama, và đã được nhiều người xem là kết cục hoàn hảo cho Phong trào Dân quyền mà mục sư King đã ngã xuống vì nó. Ảnh: Telegraph.
Tài liệu tham khảo:Martin Luther King Day with TrumpTimeline of Martin Luther King, Jr.’s Life