Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đó là những gì Dylann Roof, một thanh niên 21 tuổi, viết trên website riêng của mình trước khi xả 70 phát súng và giết chết 9 người da đen tại một nhà thờ ở bang South Carolina, Mỹ vào ngày 15/6/2015.
Nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal (AME) tọa lạc tại thành phố Charleston, là một nơi thờ phụng của những người da đen theo đạo Tin lành Protestant trong gần 200 năm qua.
Một nhân chứng sống sót kể lại, Roof đã tiếp tục nổ súng giết chết nạn nhân Tywanza Sanders, một thanh niên 26 tuổi vừa tốt nghiệp đại học, sau khi anh này khẩn cầu đương sự hãy dừng tay. Một trong những nạn nhân đã 87 tuổi, nhưng vẫn bị Roof dùng cả một băng đạn bắn chết.
Khi “thú tội” với nhân viên FBI, sát thủ này hoàn toàn tin tưởng động cơ gây án của mình là chính đáng, cũng như cho rằng những gì bản thân đã làm là đúng. Đối với anh ta, người da đen vốn không nên tồn tại trên thế gian này vì họ chính là lý do cản trở sự phát triển và tiến bộ của người da trắng.
Roof viết trên website của mình: “Tôi chẳng có lựa chọn nào. Tôi ở vào thế phải làm việc này một mình: tiến đến khu da đen và chiến. Tôi chọn Charleston vì đó là thành phố lịch sử của bang tôi. Nó đã từng là nơi có tỉ lệ người da đen trên người da trắng cao nhất cả nước. Ở đây chẳng có tụi đầu trọc nào [những người theo chủ nghĩa Tân Phát-xít – TG], chẳng có tụi nào thực sự là KKK [lực lượng chống người da đen Ku Klux Klan – TG], chẳng ai làm gì cả ngoài việc lên mạng chém gió”.
Dylann Roof với lá cờ của chính quyền ly khai miền Nam Hoa Kỳ trong cuộc Nội chiến. Ảnh được tìm thấy sau vụ thảm sát trên một trang mạng quảng bá cho chủ nghĩa da trắng thượng đẳng (white supremacy). Ảnh: PBS.Ngày 10 tháng 1 năm 2017, một đoàn bồi thẩm tại toà án liên bang ở thành phố Charleston, bang South Carolina, nhất trí tuyên án tử hình đối với Dylann Roof. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, Dylann Roof là người Mỹ đầu tiên nhận án tử hình vì tội thù hằn chủng tộc (hate crimes).
Vụ án này đã khiến toàn nước Mỹ rúng động không chỉ vì mức độ tàn ác của một người thanh niên khi ấy chỉ mới vừa qua 21 tuổi, mà còn vì sự lạnh lùng và bình tĩnh của sát thủ khi thừa nhận tội ác của mình với các nhân viên Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI).
Dylann Roof là một kẻ tự truyền bá tư tưởng “da trắng thượng đẳng” (white supremacy) cho bản thân. Những bằng chứng dùng để buộc tội Roof từ phía công tố cho thấy đó là một người đã nuôi dưỡng trong mình sự kỳ thị đối với người da đen bằng một mối thù hằn chủng tộc cực độ.
Ngay cả việc chọn hiện trường gây án của Roof cũng là việc làm có chủ đích. Thành phố Charleston mà nhà thờ AME tọa lạc chính là nơi những phát súng đầu tiên của cuộc nội chiến Nam Bắc ở Hoa Kỳ – vì xung đột quanh vấn đề bãi bỏ chế độ nô lệ – đã nổ ra.
Chọn nhà thờ AME để gây án, Dylann Roof không chỉ bắn trực tiếp vào những người có mặt tại hiện trường. Từng phát đạn của Roof đã đồng thời làm tan nát trái tim của tất cả những ai tin rằng nước Mỹ đã hoàn toàn thoát được bóng ma của chủ nghĩa nô lệ và phân biệt chủng tộc trong quá khứ.
9 nạn nhân trong vụ thảm sát tại nhà thờ AME, Charleston, South Carolina. Ảnh: NBC News/Getty Images.Cho dù đích thân Tổng thống Barack Obama đã đến dự tang lễ của những nạn nhân và hát thánh ca cầu nguyện cùng người thân và gia đình họ, điều đó cũng không thể xoa dịu hết được nỗi đau tinh thần mà Roof đã gây ra. Vụ án Dylann Roof nhắc nhở tất cả người Mỹ rằng, có một sự thù hằn chủng tộc sâu sắc – mà đại diện cho nó chính là Dylann Roof và những người như Roof – đã và vẫn luôn tồn tại trên đất nước của họ.
Thủ phạm thừa nhận hành vi và tự đề nghị hình phạt chung thân
Dylann Roof đã trực tiếp thừa nhận mình chính là hung thủ và tự đề nghị mức án chung thân để tránh bị mang ra xét xử – và có thể đối mặt với án tử hình – trong quá trình thương lượng với phía công tố viên (plea bargain). Tuy nhiên, các công tố viên liên bang và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vẫn quyết định truy tố Roof với 33 tội danh bao gồm các tội giết người và thù hằn chủng tộc (hate crimes) theo luật liên bang.
Do đây là một vụ án mà phía công tố liên bang đã đề nghị mức án tử hình nên sẽ có 2 giai đoạn xét xử. Phần thứ nhất là phiên xử định tội (guilty phase). Sau khi đoàn bồi thẩm quyết định Dylann Roof chính là hung thủ của vụ án thì tòa sẽ sắp xếp lịch xét xử cho phần thứ hai là định án (sentencing phase).
Tại Hoa Kỳ, trong những vụ án đại hình mà tử hình là khung hình phạt cao nhất, thì bồi thẩm đoàn, chứ không phải là quan tòa, mới có quyền quyết định việc có tuyên phạt án tử hình hay không.
Trong suốt quá trình xét xử của phần định tội, phía bị cáo không đưa ra bất kỳ bằng chứng bào chữa gì. Luật sư của Dylann Roof chỉ nêu lên những vấn đề tâm lý mà thân chủ của ông từng gặp phải trong phần trình bày mở đầu (opening statement).
Sau một tuần lắng nghe tranh luận của hai bên và chỉ dùng hai tiếng đồng hồ để nghị án, ngày 15 tháng 12 năm 2016, đoàn bồi thẩm tuyên phán Dylann Roof có tội (guilty).
Không cần luật sư bào chữa, không đưa ra chứng cứ để yêu cầu giảm án
Ngày 4 tháng 1 năm 2017, phiên xử định án dành cho Dylann Roof bắt đầu. Tuy đối diện với việc có thể bị kết án tử hình, Roof lại từ chối không sử dụng luật sư biện hộ và xin được tự biện hộ.
Dylann Roof tự biện hộ trong phần trình bày mở đầu phiên xử định án. Hình vẽ minh hoạ chính thức từ toà án (Reuters).Dylann Roof sở dĩ không muốn sử dụng luật sư vì đương sự không muốn công khai các thông tin cá nhân, cũng như những tin tức liên quan đến hồ sơ về tâm lý và thần kinh, để làm lý do thoát án tử hình. Luật sư biện hộ thì lại cho rằng đó là phương pháp duy nhất có thể cứu Roof khỏi cái chết.
Sau khi lắng nghe phần trình bày của bị cáo, thẩm phán chủ tọa đã đồng ý cho rằng Dylann Roof có đủ năng lực để tự biện hộ.
Bị cáo không trình bày gì nhiều ngoài việc phát biểu trong vòng 5 phút ở phần mở đầu phiên xử. Trong một tuần xét xử, Roof cũng không đưa ra chứng cứ nào và cũng không hề phản bác lại bất kỳ chứng cứ hay cung từ của phía công tố. Mặc dù tòa cho phép cựu luật sư biện hộ được phép ngồi cạnh và làm cố vấn, bị cáo cũng không hề sử dụng bất kỳ ý kiến gì của vị luật sư đó.
Phàn nàn duy nhất của Dylann Roof về phiên xử định án, là phía công tố đã đưa ra quá nhiều nhân chứng là người thân và bạn bè quen biết của các nạn nhân. Điều đó có vẻ không cần thiết khi bị cáo không hề gọi bất kỳ nhân chứng nào để bào chữa cho hành vi của bản thân. Việc mà các công tố viên đang làm chỉ khiến cho bồi thẩm đoàn thêm chán ghét bị cáo và tiến gần hơn đến quyết định tử hình.
Thẩm phán chủ tọa khuyến nghị các công tố viên không nên làm quá tay khi Dylann Roof tự bào chữa. Tuy vậy, ông cũng đồng ý rằng hầu như không có phương pháp nào khác có thể khiến cho các bồi thẩm viên hiểu thêm về những nạn nhân, nhằm quyết định xem có nên dùng mạng sống của Dylann Roof để trả lại công lý cho 9 người đã chết và thân nhân của họ hay không.
Ngày 10 tháng 1 năm 2017, bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết tuyên phạt Dylann Roof mức án cao nhất: tử hình.
Tranh cãi về việc xóa bỏ án tử hình ở Mỹ lại được xới lên
Năm 2016 là năm có số người bị thi hành án tử hình ít nhất trong vòng 25 năm qua tại Hoa Kỳ theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu PEW (PEW Research Center).
Chỉ có 5 tiểu bang là Alabama, Florida, Georgia, Missouri và Texas, đã thi hành án tử hình đối với 20 tử tù trong năm 2016. Cả năm 2016, chỉ có 30 bị cáo bị tuyên án tử hình so với 49 người trong năm 2015, và càng thấp hơn thời kỳ đỉnh điểm của năm 1996 khi có đến 315 người.
Thống kê về con số thi hành án tử hình ở Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu PEW.Năm 2016 cũng là năm mà con số người chống án tử hình tại Mỹ lên cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Xu hướng trên cũng giải thích được làn sóng chỉ trích nhắm đến quyết định truy tố và đề nghị tử hình Dylann Roof của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, sau khi Roof đã thú tội và chủ động đề nghị án chung thân. Những người chỉ trích cho rằng đây là một quyết định chính trị chứ không phải đơn thuần là việc tìm công lý cho những nạn nhân.
Để bảo vệ quan điểm của mình, nhóm chỉ trích dẫn ra việc Dylann Roof sẽ phải tiếp tục đối diện với các cáo buộc của tiểu bang South Carolina cho những hành vi đã gây ra. Theo quy chế liên bang, một hành vi cấu thành tội phạm theo cả luật tiểu bang và luật liên bang, trên lý thuyết, sẽ có thể bị truy tố bởi hệ thống tư pháp của cả hai. Bang South Carolina đã có quyết định truy tố và sẽ mang Dylann Roof ra xét xử vào đầu năm 2017.
Khi bị truy tố theo luật của bang South Carolina, Dylann Roof cũng sẽ cầm chắc nhận án tử hình vì đây là một trong những tiểu bang có số người ủng hộ án tử hình khá cao. Do đó, đối với những người chống án tử hình ở Mỹ, thì việc làm của Bộ Tư pháp lần này rất thừa thãi.
Các công tố viên của chính phủ thì cho rằng việc đề nghị án tử hình cho Dylann Roof là việc phải làm vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng và tàn bạo của vụ án.
Từ năm 1988 đến nay, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đề nghị án tử hình cho khoảng 200 hồ sơ. Gần đây nhất là đối với Dzhokhar Tsarnaev, thủ phạm vụ án khủng bố đặt bom cuộc đua marathon ở Boston năm 2013.
Vấn đề xóa bỏ hay giữ án tử hình là một chủ đề tranh cãi gay gắt ở Mỹ trong gần 40 năm qua, và vẫn chưa có hồi kết. Theo trung tâm PEW, đây là một vấn đề xã hội gây chia rẽ nước Mỹ bởi những quan điểm quá đối ngược nhau, giữa các đảng phái chính trị, các chủng tộc và các cộng đồng.
Ngay cả gia đình các nạn nhân của vụ án Dylann Roof cũng không thống nhất quan điểm.
Tuy Dylann Roof bị kết án tử hình nhưng vụ việc này vẫn chưa được xem là đã chấm dứt. Những câu hỏi được đặt ra về sự thù hằn chủng tộc cực đoan ở Mỹ đang trên đà trỗi dậy và liệu án tử hình có giúp thay đổi được điều đó hay không? Tất cả vẫn còn chưa có câu trả lời chính xác và thỏa đáng.
Tài liệu tham khảo: