Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tiền lệ trả tự do cho tử tù Hàn Đức Long và quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 mở ra lối thoát cho cả nhà nước và công dân trong việc xử lý các vụ án oan, sai.
Cựu tử tù Hàn Đức Long trở về nhà ngày 20/12/2016 sau 11 năm ngồi tù. Ảnh: Nam Trần / Tuổi TrẻNgày 20/12, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ điều tra, trả tự do cho bị can Hàn Đức Long sau 11 năm giam giữ và 4 lần tuyên án tử hình.
Đây là vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng sau những vụ án oan của các ông Nguyễn Thanh Chấn cũng ở Bắc Giang và vụ ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận.
Điểm khác biệt quan trọng trong vụ án Hàn Đức Long so với hai vụ còn lại là người ta chưa tìm ra được hung thủ gây án thực sự.
Đây thực sự là điểm khác biệt rất đáng lưu tâm, vì nó vượt qua những thành kiến sai lạc hẹp hòi vốn đã khép lại cánh cửa kêu oan của nhiều người.
Bản thân tôi trong quá trình kêu oan 6 năm trời cho tử tù Hàn Đức Long đã chia sẻ câu chuyện vụ án với nhiều người. Sau khi nghe tôi phân tích mọi khía cạnh của vụ án, người đối thoại đều nói đến một chi tiết có tính mấu chốt đó là vụ này chưa tìm ra được hung thủ.
Họ bảo những ý kiến của tôi hay thật đấy, nhưng chưa tìm ra được hung thủ thì làm sao minh oan được. Trong nhận thức của nhiều luật sư và cán bộ tư pháp, chỉ khi nào kẻ phạm tội thực sự được chỉ mặt đặt tên thì mới minh oan được cho bị cáo.
Đây là quan điểm sai trái, nhưng có nhiều dẫn chứng thực tế cho thấy họ có lý, vì các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén chỉ được minh oan sau khi đã tìm ra được hung thủ. Còn những vụ kêu oan nhưng chưa tìm ra được hung thủ khác như Lê Bá Mai, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh thì có ai được minh oan đâu.
Cho nên việc ông Hàn Đức Long được minh oan là một sự kiện đột phá, có tính bước ngoặt.
Luật đã sửa
Ở một diễn biến khác, Bộ luật Tố tụng Hình sự ban hành năm 2015 (chưa có hiệu lực) đã hoàn thiện hơn về quy trình thủ tục xét xử, được kỳ vọng sẽ giúp giảm án oan, sai.
Một trong số nhiều điểm mới đáng chú ý có nội dung quy định tại Điều 13 rằng khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội theo trình tự, thủ tục luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Quy định mới này mở ra lối thoát cho những vụ án kêu oan lâu nay.
Theo nội dung trên, việc ‘không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội’ tức là vụ án còn tồn tại những điểm mù mờ, không rõ ràng dẫn đến nghi ngờ thì khi đó phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Có nghĩa là nếu những chứng cứ, lập luận buộc tội còn có những lỗ hổng, không thể kết luận chính xác là bị cáo có tội, thì phải tuyên bị cáo vô tội.
Nội dung này về bản chất là sự tiếp thu nguyên tắc pháp lý ‘nghi ngờ hợp lý’, một nguyên tắc khoa học tiến bộ đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Nội dung căn bản của nguyên tắc này là chỉ được kết luận có tội khi vụ án không còn điểm nghi ngờ hợp lý nào nữa, ngược lại khi còn tồn tại một điểm nghi ngờ hợp lý chưa được làm rõ về căn cứ buộc tội thì không được kết luận có tội.
Nguyên tắc này là một đảm bảo phòng ngừa rất tốt phòng tránh oan sai, vì nó đặt ra yêu cầu cao về cơ sở kết tội.
Bài liên quan: Nghi ngờ hợp lý – chiếc vương miện của nền tư pháp hình sự (Lê Nguyễn Duy Hậu)
Trước đây luật tố tụng hình sự Việt Nam chưa tiếp thu nguyên tắc này, thế rồi như một hệ quả tất yếu, thực tiễn xét xử đã xảy ra nhiều vụ án kêu oan như Hàn Đức Long, Lê Bá Mai, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh… với mức án tử hình.
Có một điểm chung trong các vụ án này là đều tồn tại một hoặc nhiều căn cứ kết tội chưa được làm rõ, tức tồn tại những điểm mâu thuẫn, vô lý, song họ vẫn bị kết tội vì các cơ quan tiến hành tố tụng thường cho rằng căn cứ vào các tài liệu bằng chứng khác có trong hồ sơ thì vẫn có đủ cơ sở để kết tội.
Kiểu phán xét định án như vậy đã gây ra những vụ án kêu oan kéo dài vì phía bị cáo và luật sư bào chữa căn cứ vào những điểm mâu thuẫn, vô lý chưa được làm rõ đó trong hồ sơ để đeo đuổi việc kêu oan.
Từ đó, các vụ án lâm vào tình trạng dằng dai kéo dài, mà vì hành lang pháp lý không có lối ra cho nên mặc dù đã điều tra đi điều tra lại nhiều lần, những điểm mù mờ vẫn không được làm rõ, bị cáo không được tuyên vô tội và vụ án cũng không thể khép lại.
Vụ án Hàn Đức Long có những nghi ngờ hợp lý nào?
Để thấy rõ hơn về ý nghĩa của nguyên tắc ‘nghi ngờ hợp lý’, hãy tham khảo vụ án Hàn Đức Long.
Ông Hàn Đức Long trong một phiên xử trước đây. Ảnh: Pháp luật PlusNăm 2005 ở huyện Tân Yên thuộc tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án một cháu bé 5 tuổi bị hiếp rồi giết vứt xác ở cánh đồng.
Chập tối hôm đó, một cặp vợ chồng đi làm đồng về muộn không thấy con gái đâu mới đổ xô đi tìm. Sáng hôm sau người đi làm đồng sớm phát hiện xác cháu bé tại mương nước cánh đồng, khám nghiệm tử thi cho thấy cháu bị hiếp rồi bị giết chết.
Căn cứ vào lượng thức ăn đã nhuyễn còn trong dạ dày của cháu, cơ quan giám định kết luận cháu bé chết sau bữa ăn cuối cùng từ 4 đến 6 tiếng. Hỏi cha mẹ cháu thì được biết cháu ăn bữa cuối cùng lúc 12 giờ trưa cùng ngày.
Từ điểm ấy suy ra cháu bé chết trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ chiều.
Ngày xảy ra vụ án là ngày 26/6/2005, một ngày mùa hè nóng nực, khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ chiều trời còn sáng rõ. Cánh đồng khi đó ruộng vừa mới cấy, không gian thông thoáng, trời còn sáng, nhiều người còn ở ngoài đồng, ngay như bố mẹ cháu bé cũng đi làm đồng đến tối muộn mới về.
Vậy liệu tội phạm có dám gây án trong khoảng thời gian đó không? Liệu có kẻ nào dám bắt, bế cháu bé ra giữa cánh đồng thanh thiên bạch nhật để hiếp rồi giết không? Đây là điểm vô lý trong căn cứ kết tội mà nhiều năm qua mặc dù đã điều tra nhiều lần vẫn không lý giải được.
Hồ sơ vụ án cũng mô tả thủ phạm Hàn Đức Long sau khi hiếp đã bế cháu bé ra đoạn bờ mương đất đặt cháu ngồi trên bờ, khi thấy cháu không cử động gì thì đẩy cháu ngã xuống mương nước rồi bỏ chạy về.
Như thế kết quả điều tra xác định cháu bé chết do đuối nước.
Nhưng khi cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường thì thấy lòng mương có nhiều cỏ và khoai nước, độ sâu 35cm. Trong khi đó cháu bé 5 tuổi có chiều cao 1,07m. Với mực nước mương chỉ hơn một gang tay thì khó có thể làm cháu bé chết đuối được, chỉ cần cháu ngồi là đã cao hơn mực nước.
Khi mổ tử thi thì thấy trong phổi và phế quản cháu bé có dị vật lẫn bùn đất, điều này chứng tỏ cháu đã hít thở mạnh khi ở dưới nước, vì phải hít thở mạnh thì dị vật lẫn bùn đất mới chui được vào trong phổi và phế quản. Như vậy khả năng là cháu đã bị dìm cho chết sặc chứ không phải do bị đẩy ngã đuối nước.
Do vậy, kết quả điều tra cho rằng thủ phạm Hàn Đức Long đẩy cháu bé ngã đuối nước khiến cháu chết không phù hợp với kết quả khám nghiệm tử thi và kết quả khám nghiệm mực nước ở hiện trường.
Những nội dung này tạo ra nghi ngờ hợp lý về việc oan sai, và sau nhiều năm ròng rã kêu cầu, thì tới nay ông Hàn Đức Long mới được trả tự do.
Giáp pháp cho án oan, sai
Liệu tiền lệ Hàn Đức Long có thể giúp ba tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh được minh oan? Ảnh: Nhân vật cung cấpVụ án Hàn Đức Long cũng như nhiều vụ án kêu oan khác đều tồn tại những điểm nghi ngờ hợp lý không được làm rõ.
Do luật tố tụng cũ chưa tiếp thu triển khai nguyên tắc nghi ngờ hợp lý nên án vẫn được tuyên, nhưng từ trong sâu thẳm nội tâm con người thẩm phán đã do dự hồ nghi về cơ sở kết tội, và với hành lang pháp lý trong hiện tại họ chỉ có thể làm được việc là hủy án yêu cầu điều tra lại. Điều này khiến cho các vụ án kêu oan đều ở trong tình trạng giải quyết kéo dài.
Nay Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã tiếp thu nguyên tắc nghi ngờ hợp lý đã mở ra lối thoát cho các vụ án oan, sai. Nó sẽ giúp chấm dứt quá trình tranh cãi bất tận giữa các quan điểm buộc tội và gỡ tội.
Nó tạo ra sự thắng thế cho một phía, cái phía mà lâu nay hay ở thế yếu, theo đó khi còn tồn tại một điểm chưa được làm rõ trong căn cứ kết tội thì phải kết luận không có tội thay vì bỏ mặc nó và vẫn tuyên có tội như lâu nay.
Việc xử lý minh oan cho vụ án Hàn Đức Long chính là một bước đi sớm trong thực hiện luật. Luật đã có quy định và thực tế đã xử lý án như thế thì đó sẽ là tiền đề, kiến tạo ra môi trường hành lang pháp lý thuận lợi cho các vụ án kêu oan, sai.
Ghi chú của toà soạn: Một phiên bản khác của bài viết này đã được đăng trên BBC Tiếng Việt ngày 2/1/2016, trước khi Luật Khoa đăng bài một ngày, do sự phối hợp không thông suốt giữa các bên.
Về tác giả:
Luật sư Ngô Ngọc Trai là Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính có trụ sở tại Hà Nội. Ông là luật sư của tử tù Hàn Đức Long trong hơn 5 năm, trước khi ông Long được trả tự do vào ngày 20/12/2016 sau bốn lần bị tuyên án tử hình. Ông cũng đồng thời là cây viết bình luận về các vấn đề tư pháp hình sự.