Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tổng thống Trump và những người ủng hộ sắc lệnh cấm nhập cảnh được ban hành vào ngày 27/1/2017 đã đưa ra một phép so sánh là sắc lệnh này cũng có ý nghĩa tương tự như sắc lệnh hành pháp số 9066 mà Tổng thống Franklin Roosevelt đã từng ban hành trong thập niên 1940.
Nhưng phía sau sắc lệnh 9066 của Tổng thống Franklin Roosevelt còn là một trang sử đau buồn và đen tối nhất của người Mỹ gốc Nhật nói riêng và người Mỹ gốc Á nói chung.
Sắc lệnh hành pháp của Roosevelt đã dẫn đến án lệ nổi tiếng Fred Korematsu kiện Chính phủ Hoa Kỳ, mở đầu cho công cuộc hơn 40 năm đấu tranh cho quyền dân sự của người Mỹ gốc Nhật và gốc Á trong thế kỷ 20.
Trước khi người Hồi giáo bị xem là một thành phần di dân cần phải lưu ý đặc biệt vì có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia tại Hoa Kỳ, thì người Mỹ gốc Nhật nói riêng và người Mỹ gốc Á nói chung đã từng là nạn nhân của những phong trào bài xích người di dân với cùng một lý do.
Sau khi Hoa Kỳ tham gia Thế chiến thứ Hai và tuyên bố tình trạng chiến tranh với Nhật Bản, ngày 19/2/1942, Tổng thống Franklin Roosevelt đã ban hành một sắc lệnh hành pháp (executive order) ngăn cấm công dân Mỹ gốc Nhật không được sinh sống ở một số khu vực “quân sự trọng yếu” đối với an ninh quốc gia.
Để thực thi sắc lệnh của Roosevelt, hơn 100 nghìn người Mỹ gốc Nhật dọc bờ biển phía Tây Hoa Kỳ (gồm các bang California, Washington, Oregon cho đến phía nam của bang Arizona) đã bị chính quyền cưỡng chế và phải rời khỏi nơi cư trú, bỏ lại tài sản để vào sống trong các trại tập trung do chính phủ lập ra (internment camps).
Người Mỹ gốc Nhật bị tập trung sinh sống tại các trại do chính phủ lập ra trong Thế chiến thứ Hai. Ảnh: globalresearch.ca.
Tháng 5 năm 1942, Fred Korematsu, một công dân Hoa Kỳ gốc Nhật sinh trưởng tại bang California đã bị bắt và kết án khi ông bất tuân sắc lệnh này và không chịu dọn khỏi căn nhà của mình ở thành phố San Leandro. Hồ sơ vụ án Korematsu được kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, yêu cầu tòa tuyên bố sắc lệnh của Tổng thống Franklin Roosevelt là vi hiến.
Ảnh: Tranh chân dung Fred Korematsu những năm 1940 (National Portrait Gallery).Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) trụ sở tại Bắc California đã nhận lời làm luật sư đại diện cho Fred Korematsu trong hồ sơ ông kiện chính phủ Hoa Kỳ.
Luật sư Ernest Besig, giám đốc điều hành ACLU ở Bắc California và cũng là người đại diện cho Fred Korematsu. Ảnh: ACLUNC.org.Vào năm 1944, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết tuyên bố sắc lệnh của Roosevelt ban hành không vi hiến mặc dù tòa thừa nhận sắc lệnh này có sự phân biệt về chủng tộc (racial classification) đối với người Mỹ gốc Nhật.
Án lệ Korematsu được các học giả môn Luật Hiến pháp Hoa Kỳ đánh giá là một trong những án lệ tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, xếp ngang hàng với các án lệ bảo vệ những đạo luật phân biệt chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ như Dred Scott kiện Sandford và Plessy kiện Ferguson.
Cho đến nay, vẫn chưa có một phán quyết nào từ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ lật ngược lại án lệ Korematsu. |
Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết trong án lệ Korematsu. Ảnh: supremecourthistory.org.
Những lập luận của phía chính phủ tại tòa dựa trên những lời khai từ các tướng lĩnh quân đội Hoa Kỳ, cho rằng rất khó có thể biết được những người Mỹ gốc Nhật có thật trung thành với nước Mỹ hay họ chỉ biết có nguồn gốc Nhật Bản của mình. Vì thế, chính phủ cần sử dụng biện pháp giam giữ họ ở những trại tập trung để đảm bảo “an ninh quốc gia” trong thời kỳ chiến tranh.
Đứng trước một nước Mỹ đang ở trong tình trạng chiến tranh, 6 trong 9 thẩm phán của Tối cao Pháp viện lúc ấy đã cho rằng những công dân Hoa Kỳ gốc Nhật cần phải “hy sinh” cho tổ quốc. Và những của cải bị mất mát, cũng như tự do cá nhân của họ bị tước đoạt là cần thiết cho sự an toàn của cả nước Mỹ. Do đó, tòa đã tuyên bố sắc lệnh hành chính của Tổng thống Roosevelt không vi hiến.
Một trong 3 thẩm phán Tối cao Pháp viện có ý kiến phản đối sắc lệnh hành chính của Roosevelt, Robert H. Jackson, đã cảnh báo quyết định của tòa trong hồ sơ Korematsu sẽ để lại di hại cho tương lai của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Thẩm phán Jackson đã ví von rằng, khi cho phép chính quyền hy sinh quyền lợi hiến định của một nhóm người, một chủng tộc của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ thì cũng đồng nghĩa với việc Tối cao Pháp viện đã trao cho những thế hệ lãnh đạo tương lai một vũ khí sát thương, giúp họ có thể bỏ mặc Hiến pháp Hoa Kỳ và ngang nhiên tước bỏ quyền lợi của bất kỳ sắc dân hay chủng tộc nào mà họ cho là nguy hiểm dưới chiêu bài “bảo đảm an ninh quốc gia”.
Thẩm phán Robert H. Jackson. Ảnh: roberthjackson.org.
Năm 1983, sau hơn 40 năm kể từ khi bị kết án vì vi phạm sắc lệnh hành pháp 9066 của Tổng thống Roosevelt, Fred Korematsu đã được tòa án liên bang khu vực Bắc California tuyên bố vô tội.
Các luật sư của ông đã sử dụng công cụ Writ of Coram Nobis, yêu cầu tòa xem xét những bằng chứng không được đưa vào trong vụ án trước đây. Bao gồm những tài liệu trong cuộc chiến của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ được công bố sau này, thừa nhận việc cấm cố người Mỹ gốc Nhật trong các trại tập trung vốn không giúp ích gì cho nước Mỹ trong Thế chiến thứ Hai. Trong tiếng La tinh, Coram Nobis có nghĩa là “sai phạm ngay trước mắt” (error before us).
Trong suốt 40 năm ấy, Korematsu đã là một tiếng nói mạnh mẽ trong việc đấu tranh cho quyền công dân của người Mỹ gốc Á. Ông tiếp tục vận động chính phủ Hoa Kỳ phải thừa nhận những gì người Mỹ gốc Nhật phải gánh chịu trong Thế chiến thứ Hai là bất công và cần phải được xin lỗi.
Fred Korematsu và các luật sư của ông tại tòa năm 1983 khi ông được xóa bản án của 40 năm trước. Ảnh: acaclu-il.org.
Vào năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan đã ký và ban hành Đạo luật Tự do Dân sự (Civil Liberties Act of 1988). Theo đó, chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức xin lỗi những công dân Mỹ gốc Nhật như Fred Korematsu và đưa ra sự đền bù về vật chất cho những tổn thất mà họ đã gánh chịu trong Thế chiến thứ Hai.
Ảnh: Legal Legacy.
Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton đã trao tặng Fred Korematsu Huân chương Tự do cho những đóng góp của ông trong công cuộc đấu tranh cho dân quyền của người Mỹ gốc Nhật và người Mỹ gốc Á Châu. Huân chương Tự do là phần thưởng dân sự cao quý nhất mà Tổng thống Hoa Kỳ trao tặng cho một công dân. Những người từng được nhận Huân chương Tự do gồm có mục sư Martin Luther King, Jr. và gần đây là cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Clintont trao tặng Fred Korematsu Huân chương Tự do. Ảnh: CNN.com.
Fred Korematsu dành những năm cuối đời để đấu tranh chống lại sự kỳ thị người Hồi giáo tại Mỹ, sau khi sự kiện 9/11 xảy ra vào năm 2001. Ông cho biết không muốn nhìn thấy người Hồi giáo phải gặp lại cùng một số phận như ông và phải nếm trải những gì người Mỹ gốc Nhật đã trải qua.
Ông đã ủng hộ các vụ kiện lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ liên quan đến phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo ở Mỹ. Trong đó có các án lệ Shafiq Rasul kiện George W. Bush, Khaled A.F. Al Odah kiện Chính phủ Hoa Kỳ, và Donald Rumsfeld kiện Jose Padilla.
Korematsu qua đời tháng 3 năm 2005, trên bia mộ của ông là những dòng rất khiêm tốn nhưng lại rất có ý nghĩa, và có lẽ là rất cần thiết tại Hoa Kỳ ngay lúc này:
“Sinh ra tại thành phố Oakland (ND: bang California), Fred chỉ muốn được đối xử như một người Mỹ. Khi phản kháng lại sắc lệnh tập trung người Mỹ gốc Nhật năm 1942, ông đã kiên cường chống lại sự đối xử bất công mà người Mỹ gốc Á đã phải gánh chịu tại Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ 2.
Ông đã thách thức lương tâm của đất nước (Hoa Kỳ) và nhắc nhở chúng ta rằng, các quyền tự do của công dân Mỹ vẫn phải được đảm bảo ngay cả trong khi chúng ta phải chiến đấu với những kẻ bạo quyền ở nơi khác. Một vị anh hùng thật sự và là một nhà đấu tranh dân quyền, Fred đã được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống vào năm 1998.” |
Ngày sinh nhật của ông, 30 tháng 1 hằng năm, là một ngày được kỷ niệm tại 5 tiểu bang ở Mỹ. Vào năm 2017, trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 98 của Fred Korematsu, chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump.
Và án lệ Korematsu kiện Chính phủ Hoa Kỳ một lần nữa được mang ra thảo luận. Liệu rằng trong những ngày sắp tới, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ lật ngược phán quyết được đưa ra hơn 70 năm trước, hay lại một lần nữa cho rằng chính quyền có thể vi phạm quyền hiến định của một số công dân để bảo vệ “an ninh quốc gia”?
Tài liệu tham khảo: