Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhầm lẫn là đặc tính của tuổi trẻ và tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Sau khi mở văn phòng riêng, những tưởng sẽ phát triển khấm khá thì ngờ đâu đó lại là những chuỗi ngày buồn chán, thất vọng, nặng nề. Không có khách hàng và không có thu nhập, cường độ làm việc trước đó sôi động bao nhiêu thì tới đó trầm lắng lại bấy nhiêu. Tôi chìm sâu vào những suy tưởng về nghề nghiệp và cuộc đời.
Trong cái rủi lại có cái may, tôi được một luật sư đồng nghiệp giúp đỡ mời về ngồi cùng văn phòng. Đó là luật sư Hoàng Đạo, hơn tôi vài tuổi và cũng mới mở công ty riêng sau nhiều năm làm phó giám đốc tại các công ty luật chuyên về doanh nghiệp. Luật sư Hoàng Đạo bố trí cho tôi không gian và sử dụng chung thiết bị văn phòng mà không đòi hỏi kinh phí, địa điểm tại số nhà 62 Yên Lãng, một con phố mới còn ít người biết đến tại Hà Nội.
Luật sư Hoàng Đạo có chuyên môn cứng về tư vấn còn tôi làm về tranh tụng, sự khác nhau về chuyên môn được hy vọng sẽ là sự bổ trợ tốt cho công việc. Nhưng là một người tử tế, nghiêm chỉnh, luật sư Hoàng Đạo lại cũng lận đận trong công việc do không chịu uốn mình theo những ngoắt ngoéo của môi trường hành chính tư pháp mà nhiều khi nó cứ lấy đi của người ta tư cách.
Tình hình hoạt động không khả quan nhưng đó lại là môi trường tốt cho những hoạt động thúc đẩy kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long. Có thời gian và phương tiện, tôi dành nhiều tâm lực cho việc suy tính tìm cách kêu oan cho vụ án, bối cảnh lúc đó tưởng chừng như đã tuyệt vọng vì ông Long đã chịu tới bốn lần tuyên án tử hình và vụ án đã từng bị hủy bỏ toàn bộ để điều tra, truy tố và xét xử lại từ đầu rồi mà vẫn bị kết án là có tội.
Tôi chia sẻ với nhiều người là việc kêu oan nếu thành công sẽ tạo ra uy tín và thương hiệu tốt để hành nghề. Đây được xem như là một kế hoạch đầu tư mà vốn thì ít nhưng đòi hỏi nhiều về thời gian, sự bền bỉ, trí lực và công sức.
Trong điều kiện nguồn lực có hạn, tôi suy nghĩ làm sao để có thể kêu oan. Nếu chỉ soạn và gửi đơn đi theo đường bưu điện thì khó đạt được kết quả. Tôi nghĩ đến cái sẵn có đó khi đó là báo chí điện tử và mạng xã hội.
Đầu tiên, tôi nhờ luật sư Hoàng Đạo lập cho một website lấy tên mình, trên đó tạo riêng một chuyên mục lấy tên là Án oan Hàn Đức Long. Tại đó tôi cho đăng tải những đơn thư kêu oan và mọi thông tin về vụ án.
Cho đến lúc đó chỉ có một số bài báo viết về vụ án theo hướng kết tội ông Long với những tiêu đề như “Công lý đã bắt kẻ ác phải đền tội”, “Bị cáo vu khống cơ quan điều tra”, “Yêu râu xanh bị ám ảnh bởi trinh tiết”. Tôi copy đưa về đăng lại như một cách góp nhặt mọi thông tin truyền tải nội dung vụ án tới mọi người.
Không có nhiều việc để làm, tôi lang thang trên mạng và sưu tầm lại địa chỉ email của tất cả những trang báo điện tử tìm được, tổng hợp lại và gửi thư đến họ nội dung về vụ án oan đính kém theo các công văn kêu oan cho tử tù và mong được phản ánh.
Trong số thông tin hiếm hoi phản hồi lại thì có Tạp chí Cộng sản. Một người ở Ban bạn đọc đã nhận được email và đề nghị tôi cung cấp đơn kêu cứu bản giấy in có chữ ký thay vì bản word. Tôi đã làm theo và mang đơn đến gặp. Anh bảo cơ quan của anh không có chức năng giải quyết nhưng sẽ chuyển đến cơ quan có thẩm quyền trách nhiệm. Tôi gửi lại nhưng sau đó cũng không thấy thêm thông tin gì.
Một số báo cũng liên hệ lại hỏi xin hồ sơ vụ án và được tôi cung cấp. Tôi cũng nói chuyện về vụ án và gửi hồ sơ cho nhiều luật sư đồng nghiệp. Việc trao đổi, bàn luận sẽ giúp tôi trui rèn kỹ năng và củng cố thêm các luận điểm kêu oan.
Khi nghiên cứu kỹ vụ án oan tôi nhận thấy nhiều vấn đề bất cập của nền tư pháp mà từ những sai trái trong thực thi pháp luật và tự bản thân các quy định pháp luật sai lệch là nguyên nhân dẫn đến án oan. Tôi đi sâu tìm hiểu và viết nhiều bài báo phân tích các vấn đề của nền tư pháp hình sự lấy dẫn chiếu từ vụ án Hàn Đức Long. Các bài báo đăng trên các trang báo điện tử được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao về kiến thức chuyên môn. Các bài báo có chiều sâu đã giúp tạo lập dần sự hiện diện và vị thế của tôi trong giới tư pháp, và qua đó gây được sự chú ý của cộng đồng và ban ngành đến vụ án Hàn Đức Long.
Văn phòng có nhận một số em sinh viên trường luật đến học việc. Luật sư giúp các em tiếp cận với các hồ sơ vụ án thực tế để bổ trợ cho kiến thức lý thuyết khô cứng học trên lớp, các em rất thích.
Tôi cho các em xem hồ sơ vụ án Hàn Đức Long và các em giúp tôi đánh máy lại các văn bản, tài liệu vụ án để đăng lên website giúp đông đảo mọi người xa gần dễ dàng tiếp cận nội dung vụ án. Tinh thần tích cực và khí thế tuổi trẻ ở các bạn sinh viên đã tiếp thêm những nội lực kêu oan, ngay từ lúc ấy tôi đã nghĩ là các em đang tham gia vào một vụ việc mà người ta sẽ còn nhắc đến mãi cho tới sau này.
Tuy vậy, để đạt đến kết quả cuối cùng thì những nỗ lực của luật sư là không đủ. Để ông Long được sống đến ngày được minh oan còn có những yếu tố khách quan bên ngoài mà chẳng ai tính lường đến.
Quãng thời gian năm 2012, 2013 là quãng thời gian nguy hiểm đối với ông Hàn Đức Long vì bản án khi đó có hiệu lực nên việc thi hành án có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Song khi đó ở Việt Nam lại xảy ra vấn đề là thay đổi hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thay cho xử bắn.
Ngày 16/9/2011, Chính phủ ban hành nghị định số 82/2011/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Theo dự kiến kế hoạch thì Việt Nam sẽ mua thuốc từ các nước ở Châu Âu, nhưng họ đã từ chối không bán với lý do là các nước đó đã bỏ án tử hình rồi nên sẽ không bán thuốc cho Việt Nam để thi hành án tử hình. Sau đó các ban ngành ở Việt Nam mới đặt ra vấn đề tự nghiên cứu điều chế thuốc để thực hiện.
Sự việc cập rập đó tạo ra một quãng thời gian sống sót cho nhiều tử tù, trong đó có ông Hàn Đức Long. Báo chí cũng quan tâm phản ánh về tình trạng căng thẳng chờ đợi đến ngày tiêm thuốc của nhiều tử tù. Khi đọc được một bài phóng sự của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ở báo Lao động nói về tình trạng sống trong chờ đợi của các tử tù ở trại giam Kế của tỉnh Bắc Giang có đăng ảnh chụp phòng giam của tử tù, tôi liên hệ với nhà báo hỏi xem anh có nắm được thông tin nào về kế hoạch thi hành án tử hình ở Bắc Giang không và có biết tử tù Hàn Đức Long không?
Anh trả lời là không. Không thất vọng, ngược lại, tôi cung cấp cho nhà báo bộ hồ sơ tài liệu vụ án Hàn Đức Long để rồi sau đó trong nhiều giai đoạn khác nhau anh đã cho đăng nhiều loạt bài về vụ án.
(Còn nữa)
Về tác giả:
Luật sư Ngô Ngọc Trai là Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính có trụ sở tại Hà Nội. Ông là luật sư của tử tù Hàn Đức Long trong hơn 5 năm, trước khi ông Long được trả tự do vào ngày 20/12/2016 sau bốn lần bị tuyên án tử hình. Ông cũng đồng thời là cây viết bình luận về các vấn đề tư pháp hình sự.