Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chiến dịch giải tỏa vỉa hè của Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải dường như là sự kiện nổi bật nhất gần đây, tạo ra cuộc tranh luận giữa nhiều ý kiến đối nghịch nhau từ dư luận xã hội, cả ủng hộ lẫn phản đối. Bài viết này không bàn xem chiến dịch đó đúng hay sai trên một phương diện nhất định, mà chỉ đặt lại vài vấn đề liên quan đến nền tảng pháp lý mà dựa vào đó một xã hội công dân hiện đại được vận hành.
Chúng ta có sẵn sàng đặt hệ thống quản trị quốc gia trên nền tảng triết lý của “cuộc chiến vỉa hè”? Ảnh: Thanh Niên.Trước hết, cần xác định rõ rằng lấn chiếm vỉa hè là không hợp pháp và kém văn minh, bất kể được biện minh bằng lý lẽ mủi lòng nào về kế sinh nhai của người lao động đi nữa. Đó là chưa nói đến nguyên nhân sâu xa của tình trạng ấy là bởi nhiều quan chức đã nhận hối lộ để làm ngơ hoặc chây ỳ không xử lý dứt khoát. Sự dung túng như thế tất nhiên cũng hoàn toàn bất hợp pháp.
Việc bỏ mặc vỉa hè bị lấn chiếm bao nhiêu năm trời đã bộc lộ sự bất lực của bộ máy hành pháp ở mọi cấp bấy lâu, nên giải tỏa vỉa hè là việc cần làm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp quận như ông Đoàn Ngọc Hải. Do vậy, bất kể chiến dịch của ông bị chỉ trích vì không tuân thủ các thủ tục pháp lý cần thiết, hành động của ông vẫn nhận được nhiều tán thưởng từ cộng đồng, nhất là giới trung lưu muốn nhìn thấy đường xá trong thành phố sạch đẹp và văn minh.
Xua “quân” đi giải tỏa vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải cho phép nhân viên công quyền tạm giữ, tịch thu và thậm chí đập phá tài sản của người vi phạm. Khi có người phản kháng lại hành động đó, ông không ngần ngại tuyên bố sẽ bắt giam họ vì hành vi chống người thi hành công vụ.
Nói cách khác, ông phớt lờ các quy định pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính, vốn dĩ yêu cầu cơ quan xử phạt trước tiên phải lập biên bản vi phạm, rồi đưa ra quyết định xử phạt buộc cá nhân/tổ chức vi phạm khôi phục tình trạng ban đầu. Nếu cá nhân/tổ chức vi phạm vẫn không trả lại vỉa hè, bấy giờ cơ quan xử phạt mới có quyền cưỡng chế thi hành, bao gồm tạm giữ, tịch thu và phá dỡ tài sản có liên quan.
Giả định chiến dịch của ông Hải sẽ kết thúc thành công, theo nghĩa mục tiêu đạt được, rằng toàn bộ vỉa hè trở nên thông thoáng, không còn cảnh buôn gánh bán bưng bát nháo, khiến khách đi bộ không phải bước xuống lòng đường xe chạy đầy nguy hiểm, ở góc độ quản lý hành chính và xa hơn là sự vận hành một xã hội công dân, cách thức tiến hành chiến dịch của ông Hải vẫn dấy lên nhiều câu hỏi khiến chúng ta phải quay lại tận gốc vấn đề triết luận pháp luật (philosophy of law) để giải đáp.
Vấn đề thứ nhất: Trình tự pháp lý chuẩn mực
Theo dõi quan điểm ủng hộ ông Đoàn Ngọc Hải, chúng ta thấy đa phần có khuynh hướng viện dẫn lập luận “mục đích biện minh phương tiện”, bày tỏ và kêu gọi cộng đồng thông cảm với cách thức xem nhẹ thủ tục xử lý vi phạm mà luật pháp ấn định, miễn sao đạt được mục đích tối hậu là giành lại vỉa hè công cộng cho mọi người.
Một số bức tượng của một khách sạn bị tịch thu vì bị cho là lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Thanh Niên.Tuy nhiên, đối với một xã hội công dân hiện đại, “mục đích biện minh phương tiện” tiếc thay không phải là triết lý nền tảng để xây dựng hệ thống luật pháp công minh, bởi nó là nguồn cơn của căn bệnh lạm quyền khó chữa, mà các chế độ quân chủ phong kiến trong quá khứ luôn mắc phải.
Ngược lại, triết lý xuyên suốt của mọi hệ thống tư pháp văn minh ngày nay chính là quan niệm về “trình tự pháp lý chuẩn mực” (due process), theo đó nếu nhà cầm quyền muốn định đoạt thân phận pháp lý, quyền tự do hoặc quyền sở hữu của các cá nhân và tổ chức, thì cơ quan công quyền và tòa án phải tuân thủ các thủ tục luật định khắt khe, tức mang tính “trọng thức”, trong đó quyền biện hộ và khiếu nại của đương sự phải được tôn trọng và bảo đảm tối đa.
Tuân thủ trình tự pháp lý chuẩn mực giúp tránh hành động tùy tiện và lạm quyền của cơ quan công quyền và tòa án khi xử lý hành vi vi phạm pháp luật của công dân. Nếu không tâm phục quyết định của các cơ quan đó, người bị xử lý có quyền khởi kiện lại để yêu cầu họ bồi thường thiệt hại và hủy bỏ biện pháp cưỡng chế sai thủ tục pháp lý.
Vấn đề thứ hai: Tính hợp pháp của phương tiện
Từ lâu các học giả về triết luận luật pháp đã tranh luận với nhau về tính hợp pháp của phương tiện mà nhà cầm quyền có thể sử dụng để xử lý kẻ phạm pháp.
Thuở loài người còn mông muội, quan niệm cai trị độc đoán của giới quân chủ thường cho phép nhà cầm quyền áp dụng biện pháp bạo lực, thậm chí phi pháp, để trấn áp và trừng trị thứ dân. Đó là luật của kẻ mạnh. Mọi ràng buộc pháp lý chỉ áp dụng cho tầng lớp bị trị. Quan niệm ấy tất nhiên không còn đất sống trong những xã hội văn minh hóa hiện thời.
Tuy nhiên, vẫn còn vài vết tích của quan niệm cai trị bằng mọi phương tiện nói trên, chẳng hạn chính sách đối phó với nạn ma túy ở Philippnes hiện nay.
Ai cũng biết buôn bán và chứa chấp ma túy là phạm pháp nghiêm trọng, nhưng liệu cảnh sát, quân đội và cơ quan công quyền của Philippnes đương nhiên có thể tự ban cho mình thẩm quyền bắn chết kẻ phạm pháp mà không cần thông qua trình tự xét xử luật định hay không? Cách hành xử ấy có thể nói là vô pháp và chính nó đang khiến xã hội Philippnes ngày càng trở nên loạn lạc và cộng đồng quốc tế buộc phải lên tiếng can thiệp mạnh mẽ.
Kể từ khi Tổng thống Duterte lên cầm quyền từ tháng 6/2016, có không dưới 7.000 người bị giết chết không qua xét xử trong chiến dịch diệt trừ tội phạm ma tuý của ông. Ảnh: National Geographic.Cũng câu hỏi đó, nếu lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật, thì tài sản của kẻ vi phạm đương nhiên bị tước đoạt hoặc đập phá bất chấp thủ tục luật định?
Chúng ta đều biết, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác là tội phạm hình sự theo luật Việt Nam hiện hành, nên hành động tự trao cho mình quyền hành xử như vậy mà không theo trình tự pháp lý chuẩn mực, cũng chính là vết tích của quan niệm cai trị bằng mọi phương tiện như đã nêu trên. Đó là điều không thể chấp nhận xét từ góc độ quản lý hành chính hiện đại và vận hành xã hội công dân.
Hệ thống pháp luật của hầu hết các quốc gia Phương Tây đều được xây dựng trên một nền tảng triết lý nhất định. Dựa vào khuynh hướng mà triết lý đó chủ trương, người ta có thể đánh giá mức độ phát triển của hệ thống luật pháp ở một quốc gia.
Philippnes là một ví dụ cụ thể và dễ thấy nhất, lạm sát kẻ phạm pháp trong bối cảnh thiếu vắng trình tự pháp lý chuẩn mực thể hiện rõ quan niệm cai trị bằng mọi phương tiện của Tổng thống Duterte. Ở mức độ nhẹ hơn nhiều, nhưng cùng bản chất, chính là ông Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Hải với đội quân đập phá tài sản công dân vô pháp của ông.
Dưới nhãn quan văn minh ngày nay, triết lý sử dụng sức mạnh bạo lực và độc đoán thật ra không khác gì phi triết lý.