Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Trong trái tim kẻ tội phạm gớm ghiếc nhất có một khu vườn bí mật. Và trái tim của người trung thực nhất cũng có thể là cái ổ của những loài rắn độc”.
Đó là lời của Jacques Vergès, một trong những luật sư nổi tiếng nhất của thế kỷ 20.
Tên tuổi của luật sư người Pháp này gắn với những mâu thuẫn lớn lao, vì khách hàng của ông là những kẻ khủng bố (đánh bom, cướp máy bay) hay tội phạm chống lại loài người (diệt chủng, tàn sát hàng loạt), trong đó có những yếu nhân của Đức quốc xã và Khơ-me Đỏ.
Các phương tiện thông tin đại chúng đặt cho ông cái mác là ‘Người bào chữa của quỷ’ (the Devil’s Advocate). Vergès cũng tự đặt tên cho cuốn hồi ký của mình là ‘Kẻ khốn nạn xuất sắc’ (the Brilliant Barstard). Nhưng Vergès không chỉ được biết đến vì công việc luật sư ‘khủng khiếp’ của mình. Ông còn được công chúng biết tới như một người đàn ông lịch lãm, một trí thức sắc bén với tư tưởng tiến bộ.
Ông từng tham gia chương trình truyền hình Sau khi trời tối (After Dark) – một chương trình được ca ngợi là thông minh nhất, thú vị nhất từng xuất hiện trên truyền hình nước Anh, và là nhân vật chính trong một số phim tài liệu.
Về cuối đời Vergès còn tham gia diễn xuất kịch nghệ tại một số sân khấu ở Paris vì tin rằng hệ thống tư pháp của nước Pháp cũng giống như một sân khấu.
Ảnh: francetvinfo.frGốc gác Việt Nam
Cuộc đời của Jacques Vergès giống như một tiểu thuyết.
Ông sinh năm 1925 tại Siam, Thái Lan. Bố ông là một nhà ngoại giao người Pháp, và mẹ ông là một cô giáo người Việt. Vào thời điểm đó, chính quyền Pháp không chấp nhận hôn nhân khác sắc tộc nên bố ông đã phải từ bỏ sự nghiệp ngoại giao.
Vergès lớn lên tại một hòn đảo là thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ Dương có tên là La Réunion. Đây cũng chính là nơi thực dân Pháp lưu đày vua Thành Thái và Duy Tân của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ 20.
Mẹ mất khi mới 3 tuổi, nhưng Vergès được thừa hưởng từ bà thái độ chống đối quyết liệt với tư tưởng thực dân. Ông dị ứng với việc người da màu phải nhường đường cho người da trắng. Với ông, đó là sự xúc phạm, và ông ghét việc nhìn thấy người khác bị xúc phạm.
Vergès mất hết mối liên hệ với gia đình Việt Nam của mình. Tất cả kỷ vật ông giữ lại được từ mẹ là chiếc khăn vấn đầu và một số đồ trang sức của bà. Sau này, ông có thực hiện nhiều chuyến đi dài ngày tới các vùng khác nhau trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và một số nước châu Á khác, nhưng ông không bao giờ tới Việt Nam. Các nhà bình luận cho rằng nguồn gốc con lai và tuổi thơ phức tạp của Vergès đã định hình tính cách và nghề nghiệp của ông sau này.
Được sự khuyến khích của cha, Vergès trở lại châu Âu khi tới tuổi trưởng thành. Ông gia nhập đảng Cộng sản Pháp năm 1945.
Sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, ông học luật tại Đại học Tổng hợp Paris. Năm 1949, Vergès trở thành Chủ tịch của Hội sinh viên thuộc địa. Ông đã gặp và kết bạn với Pol Pot trong thời gian này.
Duyên phận với những thân chủ khét tiếng nhất thế kỷ 20
Vergès nổi tiếng nhờ những vụ án phức tạp.
Năm 1957, ông là luật sư đại diện cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN) trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân. Vì vụ việc này mà ông bị tạm đình chỉ hành nghề tại Đoàn luật sư Paris.
Thành viên của FLN là bà Djamila Bouhired đã đánh bom một quán café ở Algeria, nơi người Pháp thường lui tới (thuật ngữ ‘khủng bố’ xuất hiện sau sự kiện này). Djamila Bouhired bị bắt, tra tấn, và có nguy cơ bị tử hình.
Vergès đã yêu chính khách hàng của mình khi là luật sư bào chữa của bà. Djamila Bouhired sau này được trả tự do nhờ những cố gắng của Vergès, và trở thành vợ của ông năm 1963. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của họ đổ vỡ sau một số năm và hai người chia tay nhau. Vergès gia nhập quốc tịch Algeria sau khi nước này giành được độc lập và giữ một chức vụ quan trọng trong Bộ Ngoại giao nước này.
Năm 1965, Vergès tới Israel với ý định bào chữa cho Mahmud Hijazi – một người Palestine bị Israel buộc tội khủng bố vì đã đánh bom một cơ sở sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng Tư pháp Israel đã cấm luật sư nước ngoài bào chữa cho Hijazi. Tuy nhiên, những cố gắng gây tác động tới công chúng của Vergès đã ảnh hưởng tới bản án của Hijazi, và ông này được trả tự do năm 1971.
Một vụ án nổi tiếng khác mà Vergès tham gia bào chữa là vụ xử Klaus Barbie năm 1987. Klaus Barbie là thành viên của Đức quốc xã, và có biệt danh là ‘Đồ tể Lyon’.
Luật sư Jacques Vergès và bị cáo Klaus Barbie (tóc bạc) trong phiên toà xét xử ông này vào năm 1987 tại Pháp. Ảnh: AP.Vụ án này là điển hình cho những trái khoáy trong nghề luật sư của Vergès. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc đại diện cho những người phản kháng chế độ thực dân Pháp, nhưng sau đó lại bào chữa cho một trong những tên giết người khét tiếng nhất của Đức quốc xã.
Luận cứ cơ bản mà Vergès sử dụng để bào chữa là nhấn mạnh vào ‘tính người’ trong Barbie. Ông muốn bồi thẩm đoàn và công chúng hiểu rằng Barbie cũng là một con người.
Ông đã nói với Barbie: ‘Anh không vô tội, nhưng anh cũng không phải là quỷ dữ. Anh chỉ là một quân nhân của một quân đội đang chiếm đóng một đất nước khác và bị đất nước đó phản kháng. Anh không tốt hơn, nhưng cũng không xấu hơn một quân nhân Pháp ở Algeria, một quân nhân Mỹ ở Việt Nam, hay một quân nhân Nga ở Kabul’.
Năm 1999, Vergès đại diện cho Chính phủ Tô-gô để kiện tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International).
Năm 2003, ông đề nghị bào chữa cho cựu Tổng thống Iraq Sadam Hussein, nhưng gia đình ông này đã quyết định từ chối.
Tháng 4/2008, Vergès bào chữa cho người đứng đầu Khơ-me Đỏ Khieu Samphan khi ông này bị kết tội diệt chủng. Luận cứ của Vergès là mặc dù Khieu Samphan không chối cãi việc hàng triệu thường dân Cam-pu-chia bị thảm sát, ông ta chỉ là người đứng đầu một chính thể, và không trực tiếp chịu trách nhiệm cho những cái chết này.
Vergès cũng tuyên bố rằng lẽ ra mình nên bào chữa cho Hitler. Ông cũng sẽ bào chữa cho Tổng thống Mỹ George W. Bush với điều kiện Bush nhận mình có lỗi.
Mối quan tâm lớn nhất của Vergès là lịch sử. Việc bào chữa cho các tội phạm chống loài người, theo ông, là để tránh cho lịch sử không lặp lại.
“Một con người không bao giờ đơn giản như trắng và đen. Trong trái tim kẻ tội phạm gớm ghiếc nhất có một khu vườn bí mật. Và trái tim của người trung thực nhất cũng có thể là cái ổ của những loài rắn độc”, ông nói.
“Nếu bạn coi bị cáo như một con quỷ, bạn sẽ không còn cố hiểu được chuyện gì đã xảy ra nữa. Và nếu bạn không hiểu được chuyện gì đã xảy ra, bạn cũng không thể nào biết được cách ngăn chặn điều đó lặp lại ở một nơi khác”.
Vergès qua đời tháng 8/2013 vì một cơn đau tim, thọ 88 tuổi. Nơi ông qua đời chính là phòng ngủ trước đây của Voltaire tại Paris. Thế giới vẫn luôn nhớ đến Vergès như một người mà cuộc đời và sự nghiệp luật sư gắn với những mâu thuẫn lớn nhất của thế kỷ 20.
Tổng hợp từ các nguồn: