Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Màn “lập pháp bóng bàn” giữa Hạ viện và Thượng viện Anh đã kết thúc chóng vánh vào tối hôm qua với phần thắng nghiêng về phía chính phủ Anh và các dân biểu Hạ viện. Hai sửa đổi bổ sung do Thượng viện đề xuất đều bị Hạ viện từ chối. Dự luật khởi động Brexit được thông qua nguyên vẹn không sửa đổi.
Tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện
Hôm 08/03, Thượng viện Anh từ chối thông qua dự luật Brexit và thống nhất đề nghị đưa vào dự luật này hai thay đổi bao gồm: (i) bắt buộc chính phủ Anh phải đưa ra các đề xuất chính sách bảo toàn quyền cư trú tại Anh của các công dân EU đang cư trú hợp pháp ở Anh vào thời điểm dự luật có hiệu lực thi hành, và (ii) trao cho Nghị viện quyền phê chuẩn thoả thuận Brexit sau khi thương lượng. Dự luật Brexit theo đó được đưa về cho Hạ viện tranh luận bỏ phiếu lại.
Tại Hạ viện hôm qua, tranh luận về hai sửa đổi bổ sung nói trên vẫn đã diễn ra sôi nổi tuy nhiên không kéo dài, do các nội dung chính yếu của các sửa đổi bổ sung này đã từng được tranh luận tại Hạ viện hồi tháng 2.
Người thay mặt chính phủ trong phiên họp Hạ viện hôm qua là Bộ trưởng phụ trách Brexit ông David Davis.
Ông Davis khẳng định rằng chính phủ Anh không hề xem nhẹ quyền lợi của cộng đồng 3 triệu công dân EU đang sống tại Anh, cũng như quyền lợi của 1 triệu công dân Anh đang sống tại các nước EU.
Tuy nhiên, chuyện bảo đảm quyền lợi của các công dân EU và Anh này là một phần phải có trong nội dung thương lượng Brexit giữa Anh và EU và về bản chất phải là những bảo đảm “có qua có lại” giữa Anh và EU. Anh hứa bảo đảm quyền lợi công dân EU tại Anh trong khi EU hứa bảo đảm quyền lợi công dân Anh tại các nước EU.
Vì thế, không thể có chuyện chính phủ Anh phải đơn phương đưa ra các bảo đảm trước và luật-hóa “bút sa gà chết” các bảo đảm này trong khi phía EU chưa hề có động thái gì.
Bộ trưởng Davis đề nghị các hạ nghị viên từ chối các sửa đổi bổ sung của Thượng viện (Ảnh: parliament.tv)Theo ông Davis, việc làm thiết thực nhất để bảo đảm quyền lợi cho cả hai nhóm công dân EU và Anh là thông qua dự luật Brexit càng sớm càng tốt, cho phép chính phủ của Thủ tướng Anh bà Theresa May có thể nhanh chóng khởi động tiến trình thương lượng Brexit với EU một cách hợp pháp, theo đó sớm chấm dứt tình trạng “không chắc chắn” hiện nay.
Để trấn an các hạ nghị viên, ông Davis hai lần tuyên bố: “Tôi nhận trách nhiệm đạo đức cho các đảm bảo sắp tới về tương lai của tất cả 4 triệu công dân – cả EU và Anh quốc“.
Liên quan đến chuyện Nghị viện phải được trao quyền phê chuẩn thoả thuận Brexit sau khi thương lượng, ông Davis cũng gặp phải những chất vấn khá gay gắt từ các hạ nghị viên, bao gồm cả các thành viên cùng đảng Bảo Thủ với ông.
Nhiều thành viên đảng Bảo Thủ sẵn sàng chấp nhận không dùng dự luật Brexit “trói tay” chính phủ trong việc thương lượng, nhưng họ không hài lòng khi phía chính phủ vẫn không sẵn sàng giải trình rõ ràng chính sách, đường hướng của Anh quốc là gì trong trường hợp không đạt được thỏa thuận tốt với EU.
Đáp lại, Bộ trưởng Davis vẫn vận dụng chiến thuật ‘lá phiếu ý nghĩa‘, đưa ra các bảo đảm chung chung về quyền quyết định cuối cùng của nghị viện Anh.
Theo ông Davis, chính bản chất hên xui, không chắc chắn của kết quả thương lượng Brexit cuối cùng là lý do mạnh mẽ cho việc tạo điều kiện cho chính phủ Anh “uyển chuyển” trong việc thương lượng, thay vì bị “trói tay” bằng luật thành văn.
Sau hơn 1 tiếng rưỡi tranh luận, 335 hạ nghị sỹ bỏ phiếu chống sửa đổi bổ sung về quyền công dân EU trong khi 287 hạ nghị sỹ bỏ phiếu thuận. Sửa đổi bổ xung quyền định đoạt thỏa thuận Brexit cũng bị bác với tỷ lệ 331/226.
Dự luật Brexit ngay sau đó được đưa lại sang cho Thượng viện xem xét.
Thượng viện ‘giơ cờ trắng’ trước nửa đêm
Thượng viện bắt đầu phiên họp về dự luật Brexit lúc 8:15 tối trong không khí khá ảm đạm. Các sửa đổi bổ sung của họ đã bị viện dân cử của lưỡng viện từ chối với các đa số phiếu rõ rệt.
Trong khi đó, Thượng viện, một viện không dân cử, thật sự không có nhiều lựa chọn. Họ có thể ‘trả bóng’ lại cho Hạ viện thêm lần nữa, nhưng luật lệ cơ chế không cho họ có một cú quật bóng mang tính quyết định.
Nam tước phu nhân Hayter, người đưa ra sửa đổi bổ sung về quyền công dân EU, tỏ rõ sự bất bình với phản ứng tiêu cực của chính phủ và Hạ viện trong vấn đề quyền công dân EU. Tuy nhiên, thay mặt các thượng nghị viên Công đảng của mình, bà Hayter tuyên bố chấp nhận, không cương quyết đòi Hạ viện xem xét lại vấn đề này.
Nam tước phu nhân Hayter phát biểu (Ảnh: parliament.tv)Bà Hayter khẳng định rằng quyền công dân Anh và EU sẽ vẫn là một vấn đề mà Thượng viện Anh quan tâm sâu sát và việc giám sát bảo đảm chính phủ Anh bảo vệ các quyền này sẽ vẫn tiếp diễn trong tiến trình thương lượng Brexit sắp tới.
Bầu không khí trong Thượng viện nóng lên đôi chút khi có va chạm giữa Nam tước phu nhân Hayter và các thượng nghị viên đảng Dân Chủ Tự Do. Các thành viên đảng này tỏ ra không hài lòng vì họ cho rằng phe Công đảng đã chịu bỏ cuộc quá sớm.
Đáp lại một cách gay gắt, bà Hayter chỉ ra rằng các thành viên đảng Dân Chủ Tự Do đang lợi dụng vấn đề bảo vệ quyền công dân EU chỉ để tạo ảnh hưởng và kiếm thêm phiếu bầu từ các cử tri chuộng EU, thay vì thực sự vì quyền lợi của các công dân EU.
Bá tước Pannick, người đưa ra sửa đổi bổ sung về quyền định đoạt thỏa thuận Brexit của Nghị viện, cũng chọn cách tiếp cận thực dụng như Nam tước phu nhân Hayter. Ông nói rõ rằng cho dù Thượng viện có “cứng đầu” thì cũng chỉ lặp lại màn “lập pháp bóng bàn” thêm một lần nữa một cách vô bổ.
Ông Pannick tuy vậy nhân cơ hội này mà nhắc cả Thượng viện về vai trò quan trọng của Nghị viện Anh trong việc giám sát và ảnh hưởng đến quyết định của chính phủ Anh trong vấn đề Brexit.
Nếu không có đơn kiện thắng lợi hồi năm ngoái của bà Gina Miller, thân chủ của ông Pannick, thì nguyên tắc chủ quyền tối cao của Nghị viện đã không thể được Tối cao pháp viện Anh khẳng định, theo đó buộc chính phủ Anh phải đưa vấn đề Brexit ra Nghị viện.
Bá tước Pannick khẳng định vai trò của Nghị viện Anh trong vấn đề Brexit (Ảnh: parliament.tv)Ông Pannick cũng nhắc nhở rằng vai trò giám sát và ảnh hưởng của Nghị viện sẽ tiếp diễn chứ không chấm dứt khi dự luật Brexit được thông qua. Chính phủ Anh sẽ phải trình thêm một số đạo luật để có thể dần dần bãi bỏ các luật lệ EU tại Anh. Các thành viên Thượng viện có thể chấp nhận thất bại lần này, nhưng họ sẽ không từ bỏ các cơ hội ‘sửa lưng’ chính phủ các lần tới đây.
Tranh luận đến sau 10h đêm, 274 thượng nghị sỹ chọn chấp nhận bỏ sửa đổi bổ sung về quyền công dân EU so với 174 người chống.
Về sửa đổi bổ sung quyền định đoạt thỏa thuận Brexit, có 274 phiếu chấp nhận bỏ so với 118 phiếu chống.
Dự luật khởi động Brexit như vậy, sau rất nhiều tranh cãi cả tại Hạ viện và Thượng viện Anh, đã được thông qua không sửa đổi.
Brexit khởi động
Đạo luật khởi động Brexit sẽ sớm được Hoàng gia Anh phê chuẩn, bước nghi thức cuối cùng cho phép đạo luật này được thông qua và đưa vào thực tế. Thủ tướng Anh bà Theresa May sẽ sớm hoàn thành lời hứa được đưa ra hồi cuối năm ngoái, đó là gửi thông báo cho EU khởi động tiến trình Brexit trong tháng 3/2017.
Tiến trình Brexit, theo đúng nội dung điều 50 Hiệp ước Lisbon, sẽ kéo dài 2 năm. Nếu vào khoảng tháng 3/2019, Anh và EU vẫn không thống nhất được thỏa thuận về các quyền lợi và nghĩa vụ hậu-Brexit, thì Anh quốc vẫn sẽ tự động hết tư cách thành viên EU, không còn quyền lợi và nghĩa vụ EU nào nữa.
Kịch bản này được cho là có nhiều rắc rối và bất định lớn về kinh tế, vì khi không còn tư cách thành viên EU và không có thỏa thuận riêng nào với EU, Anh quốc sẽ quay trở lại làm một thành viên WTO với các quy định thương mại, thuế khóa tương ứng kèm theo. Đó có thể là một cú ‘hạ cánh cứng’ sau khi nhảy khỏi EU.
Nhiều chuyên gia kinh tế trông đợi vào một kịch bản ít bất ổn hơn, đó là Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit, tạo điều kiện cho Anh nhảy khỏi EU với một cú ‘hạ cánh mềm’.
Liên quan đến địa chính trị, việc vùng thoát khỏi ảnh hưởng của EU, theo nhiều chuyên gia, không hẳn có nghĩa là Anh quốc sẽ bỗng nhiên tự do tự tại. Các giới hạn quốc gia sẵn có khó thay đổi trong ngắn hạn, cùng các mối quan tâm dài hạn về kinh tế, an ninh quốc phòng trong một thế giới đầy bất ổn sẽ buộc Anh quốc phải phụ thuộc nhiều hơn vào các thế lực ‘ngoài EU’, như Mỹ và Trung Quốc.
Những sự phụ thuộc đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vai trò quốc tế của Anh trong các năm sắp tới.
—
*Ảnh bìa của báo Independent.co.uk