Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thoả thuận Brexit giữa chính phủ Anh và EU rất có thể sẽ phải được Nghị viện Anh phê chuẩn trước rồi mới được ký kết.
Đây là một đề xuất bất ngờ của Thượng viện Anh, được thông qua hôm 7/3 vừa qua với tỉ lệ phiếu 366/268.
Như vậy, dự luật Brexit sẽ được chuyển lại cho Hạ viện với hai sửa đổi quan trọng: (i) bắt buộc chính phủ Anh phải đưa ra các đề xuất chính sách bảo toàn quyền cư trú tại Anh của các công dân EU đang cư trú hợp pháp ở Anh vào thời điểm dự luật có hiệu lực thi hành, và (ii) trao cho Nghị viện quyền phê chuẩn thoả thuận Brexit sau khi thương lượng.
Việc này làm dấy lên nhiều cáo buộc là các thượng nghị viên không dân cử của Anh đang cố tình trì hoãn tiến trình Brexit, vốn đã được quyết định bằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/06 năm ngoái.
Tranh cãi nảy lửa tại Thượng viện
Người đề xuất sửa đổi bổ sung ở phút 90 này không phải ai xa lạ. Ông là Bá tước Pannick, vị luật sư đã có vai trò rất lớn trong vụ một số công dân Anh kiện chính phủ Anh hồi đầu năm và buộc được chính phủ Anh phải đưa vấn đề Brexit ra Nghị viện.
Bá tước Pannick là một thượng nghị viên độc lập, không đảng phái (cross-bench). Đăng đàn ngay trong ngày sinh nhật của mình, ông tận dụng tối đa tài hùng biện luật sư để giải thích và biện hộ cho sửa đổi bổ sung mới.
Thượng nghị viên Pannick tranh luận. Ảnh: Parliament.tv.Theo ông, nội dung của sửa đổi này không đi xa hơn những gì đã được bàn thảo tại Hạ viện Anh về tiến trình Brexit.
Trước và trong khi tranh luận tại Hạ viện, để thuyết phục đa số các hạ nghị viên ủng hộ việc thông qua dự luật Brexit mà không thêm thắt gì, Thủ tướng Theresa May và Thứ trưởng phụ trách Brexit David Jones đã sử dụng chiến thuật ‘lá phiếu ý nghĩa‘ (‘meaningful vote’): bằng lời nói của mình, họ bảo đảm là sau khi hoàn thành thương lượng thỏa thuận Brexit với EU, chính phủ sẽ đưa thỏa thuận này ra cho Nghị viện xem xét và bỏ phiếu. Như vậy Nghị viện sẽ có được một ‘lá phiếu ý nghĩa‘ về việc chấp nhận hay không bản thỏa thuận Brexit.
Tuy nhiên, trong khi đa số các thành viên Hạ viện, cùng nhiều thành viên Thượng viện, tin tưởng các bảo đảm mang tính chính trị, ngoài-luật của chính phủ, thì Bá tước Pannick cùng các thượng nghị viên ủng hộ sửa đổi bổ sung của ông lại không.
Sửa đổi bổ sung của ông Pannick đơn giản là luật hoá các đảm bảo miệng của chính phủ Anh.
Đối lại, ông đã gặp phải không ít những ý kiến tranh luận trái chiều gay gắt.
Người hăng hái phản đối sửa đổi bổ sung này nhất là Thượng nghị viên Forsyth thuộc đảng Bảo thủ đang nắm quyền tại Anh.
Theo ông Forsyth, sửa đổi bổ sung của ông Pannick đơn giản là một ‘xảo thuật tinh vi’ của một luật sư để ngăn cản Brexit. Điều này không thể được chấp nhận khi đã có kết quả trưng cầu dân ý rõ ràng, cho thấy việc người dân Anh muốn Brexit diễn ra.
Thượng nghị viên Forsyth rất không hài lòng với sửa đổi bổ sung của Thượng nghị viên Pannick (Ảnh: Parliament.tv)
Ông Forsyth nhiều lần nhấn mạnh bản chất không dân cử của Thượng viện Anh (thượng nghị viên được Hoàng gia bổ nhiệm, theo tư vấn của chính phủ hoặc của Ủy ban phụ trách bổ nhiệm Thượng viện; hay do thừa kế tước vị quý tộc). Bản chất không dân cử đó không cho Thượng viện tư cách để ngăn cản việc thực hiện ý chí dân chủ của người dân,
Phần lớn các thượng nghị viên phản đối sửa đổi bổ sung của ông Pannick cho rằng đề xuất này sẽ ‘trói tay’ chính phủ, khiến cho chính phủ không có vị trí tốt nhất để thương lượng với EU.
Tranh luận giữa các thượng nghị viện diễn ra sôi nổi và rất thú vị về mặt nội dung, vì nó bộc lộ nhiều câu hỏi vẫn gây tranh cãi về cách mà một nền dân chủ lập hiến như Anh vận hành.
Sau khoảng 3 tiếng tranh luận, 366 thượng nghị viên bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi bổ sung của Bá tước Pannick, trong khi 268 thượng nghị viên bỏ phiếu chống.
Cờ về tay Hạ viện
Như vậy, màn “lập pháp bóng bàn” giữa Thượng viện và Hạ viện Anh trong vấn đề Brexit đang ngày càng gay cấn.
Đáng lưu ý là một số sửa đổi bổ sung nhằm trao thêm quyền kiểm soát và quyết định thương lượng Brexit cho Nghị viện Anh đã từng thất bại vì không được đa số tại Hạ viện ủng hộ hôm 08/02.
Các hạ nghị sỹ Anh không hề lạ lẫm gì với nội dung các bảo đảm mà chính phủ Anh đã đưa ra cho Nghị viện Anh. Vấn đề là họ có chịu cho biến những bảo đảm đó thành luật, theo đó ‘trói tay’ chính phủ Anh chặt chẽ hơn trong vấn đề thương lượng Brexit?