Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hunsen đang tìm cách củng cố quyền lực nhằm duy trì địa vị thống trị từ năm 1997 của mình trước thách thức từ các đảng đối lập.
Dịch từ: “
Cambodia: towards single party dictatorship?”, Sorpong Peou, 17/3/2017.
Đương kim Thủ tướng Hunsen (phải) của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và Sam Rainsy, lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia chiếm thiểu số trong Quốc hội. Ảnh: VOA Khmer.Liệu Campuchia có đang hướng tới một chế độ độc tài độc đảng? Đây là một câu hỏi chính đáng sau khi chính phủ Campuchia đã áp dụng một biện pháp quyết liệt nhưng không gây ngạc nhiên vào tháng 2 năm 2017, nhằm sửa đổi luật về các đảng chính trị – động thái này bị chỉ trích là làm suy yếu nền dân chủ tự do. Theo quan điểm của tôi, kể từ năm 1997, Campuchia đã không còn giống với bất kỳ hình thức dân chủ tự do nào, và nhiều khả năng là hệ thống đảng thống trị hiện tại vẫn sẽ tiếp tục tồn tại.
Ngay khi có hiệu lực, luật về đảng chính trị sửa đổi sẽ cho phép Tòa án Tối cao giải tán bất cứ đảng chính trị nào nếu các vị lãnh đạo của nó từng có lý lịch phạm tội, và các vị lãnh đạo này bị cấm tham gia chính trị trong vòng năm năm. Hơn nữa, luật mới buộc rằng bất kỳ đảng nào không còn người lãnh đạo thì phải tìm kiếm một nhà lãnh đạo thay thế trong vòng 90 ngày kể từ ngày đức Vua thông qua.
Luật sửa đổi cũng sẽ cho phép Bộ Nội vụ đình chỉ vô thời hạn bất kỳ đảng phái nào bị chính phủ coi là có liên quan đến các hoạt động có thể dẫn đến “sự kích động làm tan rã quốc gia” và lật đổ “chế độ dân chủ tự do đa đảng”.
Các sửa đổi trong bộ luật này được thiết kế để đảm bảo rằng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do Thủ tướng Hun Sen đứng đầu vẫn sẽ là đảng thống trị về chính trị, nhưng không loại bỏ các đảng đối lập. Chúng được đưa ra để gia tăng quyền lực cho hai cơ quan nhà nước mà CPP kiểm soát – là Tòa án Tối cao và Bộ Nội vụ – nhằm ngăn chặn các đảng đối lập giành đủ số ghế để thành lập chính phủ, đặc biệt là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP).
CPP không muốn chứng kiến những kết quả của cuộc bầu cử quốc gia năm 1992 hay năm 2013 lặp lại lần nữa. Vào năm 1992, CCP tuy thất bại trong cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc tổ chức, song nó đã buộc đảng chiến thắng (do giới hoàng gia lãnh đạo) phải chia sẻ quyền lực, và sau đó nó loại bỏ quyền lực của vị thủ tướng hoàng gia này bằng vũ lực vào tháng 7 năm 1997.
Từ đó, hệ thống đa đảng bị suy yếu, dẫn đến sự xuất hiện của hệ thống một đảng thống trị do CPP nắm quyền lực chi phối. Tuy nhiên, địa vị của đảng này đã bị lung lay do kết quả bầu cử năm 2013: nó chỉ giành được 68 ghế (so với 55 ghế của CNRP), ít hơn hẳn so với các cuộc bầu cử trước đó.
Sau cuộc bầu cử năm 2013, lãnh đạo CPP đã thực hiện rất nhiều cuộc tự kiểm và đã áp dụng vài biện pháp nhằm làm suy yếu CNRP. Các chính trị gia đối lập đã bị đe dọa và kiện tụng. Sam Rainsy, vị cựu chủ tịch của CNRP và cũng là lãnh đạo phe đối lập (lưu vong từ năm 2015), đã bị kết án bảy năm tù. Phó chủ tịch CNRP là Kem Sokha bị truy tố hình sự và chịu án 5 tháng tù giam (vì không trình diện tại tòa án trong một vụ kiện đáng ngờ chống lại ông) trước khi được nhà vua tha thứ theo thỉnh cầu của Hun Sen.
Tất cả những điều này chỉ ra rằng, lãnh đạo CPP đã nhận thức được cái thực tế là nó sẽ không thể giành được kết quả thuận lợi trong cuộc bầu cử địa phương sắp tới vào tháng 6 năm 2017 và cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2018 – nếu CNRP không bị kiểm soát. Sau vụ giết hại một nhà bình luận chính trị nổi tiếng là Kem Ley vào tháng 7 năm 2016 vì sự chỉ trích mạnh mẽ của ông đối với chính phủ, CPP ngày càng bị chán ghét, khi sự tức giận của công chúng đang ngày một tăng.
Thủ tướng Hunsen có nhiều việc phải lo cho cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2018. Ảnh: Asian Correspondent.Các quan chức chính phủ đã tự tin tỏ ra rằng CPP chắc chắn sẽ không bị thua trong các cuộc bầu cử sắp tới, và dù có thua thì nó cũng không chuyển giao quyền lực cho bất cứ đảng nào chiến thắng. Những sửa đổi trong luật về đảng phái chỉ là một bước đi khác mà CPP đã thực hiện trong một loạt các biện pháp ngăn ngừa trước, được thiết kế để tránh lặp lại các kết quả bầu cử năm 1992 và 2013.
Nhiều bài báo đã coi cái văn hóa miễn trừng phạt của Campuchia như một trở ngại cho sự phát triển của dân chủ, nhưng người ta vẫn ít chú ý tới một điều rằng nỗi sợ bị trả thù cá nhân (có thật hoặc cảm nhận được) thấm đẫm trong nền văn hóa mới là mối đe dọa chính đối với nền dân chủ.
Các thành viên hàng đầu của giới chóp bu CPP vẫn cảm thấy bấp bênh như trước. Chứ còn điều gì khác có thể giải thích cho việc Thủ tướng (CPP) có tới 6.000 vệ sĩ cá nhân? Các thành viên phe đối lập gọi các nhà lãnh đạo của CPP là những kẻ phản bội và đe dọa đưa họ ra tòa vì những vi phạm nhân quyền trong quá khứ (có lẽ gồm một vài người phạm tội trong chế độ Pol Pot diệt chủng) và tham nhũng lan tràn. Do đó, có vẻ như các nhà lãnh đạo CPP tin rằng số phận chính trị của họ sẽ bị định đoạt nếu họ thua trong cuộc bầu cử.
Rất có lý khi cho rằng CPP không quan tâm đến việc biến đất nước thành một chế độ độc tài độc đảng, theo như cách nghĩ của một số nhà bình luận. Đảng cầm quyền vẫn sẽ hạnh phúc nếu nó có thể tiếp tục duy trì một hệ thống đảng cho phép nó thống trị và an toàn.
Hành vi của CPP cũng có thể giúp giải thích những phản ứng yếu kém từ các thành viên của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà tài trợ, mà một số trong đó dường như thích sự ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của CPP hơn là một nền chính trị dân chủ hỗn loạn. Một số khác lại đơn giản nhận thức rằng họ khó có thể làm được điều gì để làm suy yếu việc kiểm soát quyền lực của CPP.
Trong vài năm qua, các nhà lãnh đạo CPP đã tích cực hơn trong việc tăng cường quan hệ với hai cường quốc độc tài là Nga và Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Campuchia. Mối quan hệ Trung Quốc-Campuchia ngày càng được thắt chặt hơn trong những năm gần đây. Có một thực tế không dễ chịu là giới lãnh đạo CPP vẫn còn nghi ngờ về sự can thiệp của các nước phương Tây nhằm thay đổi chế độ, và họ cảnh giác trước bất kỳ lời chỉ trích nào nhắm vào tình hình nhân quyền ở Campuchia.
Môi trường chính trị toàn cầu hiện nay cũng không cho phép nền dân chủ ở Campuchia phát triển. Các vấn đề địa chính trị đang dần trở lại (sự trỗi dậy của Trung Quốc, căng thẳng leo thang ở Biển Đông, cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Nga và phương Tây tại Crimea và Ukraine), các lực lượng cánh hữu ở châu Âu và Hoa Kỳ đang nổi lên, và các chế độ độc tài ở Đông Nam Á vẫn còn tồn tại dai dẳng – tất cả những điều này đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền chính trị Campuchia.
Tiến sĩ Sorpong Peou là Giáo sư tại Khoa Chính trị và Quản trị Công thuộc Đại học Ryerson, Canada. Ông cũng là thành viên của Yeates School of Graduate Studies.