Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Dự luật cho phép nhà nước Anh khởi động tiến trình Brexit, vừa được Hạ viện Anh thông qua hôm 08/02, đã bị Thượng viện ngăn lại vào hôm qua vì duy nhất một vấn đề: dự luật chưa đảm bảo được quyền cư trú tại Anh quốc sau Brexit của công dân các nước EU tại Anh.
Xem thêm: Hạ viện Anh đã ‘thông qua’ Brexit? Chưa. Cùng tìm hiểu quy trình làm luật của Anh.
Hôm qua 01/03, với một đa số phiếu 358 phiếu chống lại một thiểu số 256 phiếu, Thượng viện Anh ủng hộ việc đưa vào Dự luật Brexit một sửa đổi bổ sung: bắt buộc chính phủ Anh phải đưa ra các đề xuất chính sách bảo toàn quyền cư trú tại Anh của các công dân EU đang cư trú hợp pháp ở Anh vào thời điểm dự luật có hiệu lực thi hành.
Sửa đổi bổ sung này được thượng nghị viên, Nam tước phu nhân Hayter thuộc Công đảng Anh đưa ra. Đây là sửa đổi bổ sung duy nhất được Thượng viện chọn đem ra bỏ phiếu, từ một nhóm 36 các đề xuất do các thượng nghị viên đưa ra.
Trong nhóm đa số ủng hộ sửa đổi bổ sung này, ngoài hai nhóm đông đảo các thượng nghị viên thuộc Công đảng và thuộc đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democrat), có 7 thượng nghị viên đảng Bảo thủ đang cầm quyền và 78 trên 103 thượng nghị viên trung lập.
Một trong những thượng nghị viên ủng hộ sửa đổi bổ sung này là Bá tước Pannick, vị luật sư đã giành chiến thắng trong vụ kiện đầu năm nay của một số công dân Anh, giúp ép được chính phủ Anh phải đưa vấn đề Brexit ra Nghị viện.
“Quyền lợi của người dân EU không thể bị dùng làm món đồ đem ra mặc cả.”
Phát biểu mở đầu của Nam tước phu nhân Hayter đi thẳng vào vấn đề bà muốn giải quyết: tình trạng pháp lý không chắc chắn của hơn 3 triệu công dân EU đang sống và làm việc tại Anh quốc.
Bà Hayter chỉ ra rằng các quan chức chính phủ Anh, gần đây nhất là Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd, đã nhiều lần thể hiện một quan điểm chính sách đáng ngại: chính phủ Anh sẵn sàng sử dụng quyền lợi của hơn 3 triệu công dân EU tại Anh làm một quân bài để mặc cả trên bàn thương lượng Brexit với Liên minh 27 nước EU. Theo đó, việc đảm bảo hay không quyền lợi các công dân EU tại Anh có thể được đưa ra để gây sức ép trong thương lượng.
Nam tước phu nhân Hayter. Ảnh: labourmovement.eu.Theo bà Hayter, lo lắng cho việc các công dân EU tại Anh bị chính phủ Anh lợi dụng trên bàn đàm phán ở đây thực ra cũng là lo lắng cho chính các công dân Anh đang sống và làm việc tại các nước EU. Liên minh Châu Âu cũng có thể dùng biện pháp tương tự để đối lại chiêu trò mặc cả của chính phủ Anh. Quyền lợi của các công dân Anh đã có gia đình, cuộc sống, và công ăn việc làm ổn định tại các nước EU như thế cũng sẽ bị đe dọa.
Bà Hayter, cũng như nhiều thượng nghị viên khác, trong thời gian qua đã nhận được rất nhiều thư từ của các công dân EU đang sống tại Anh và của các công dân Anh đang sống tại EU. Cả hai nhóm đều chia sẻ một nỗi lo chung về tình trạng pháp lý không chắc chắn của họ khi Brexit được thương lượng.
Sửa đổi bổ sung của bà Hayter, nếu được chấp nhận đưa vào luật, sẽ đảm bảo các công dân EU đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Anh có thể yên tâm rằng quyền cư trú của họ được giữ nguyên trong quá trình ít nhất là 2 năm khi Anh và EU thương lượng Brexit.
Trong phát biểu giàu cảm xúc ủng hộ sửa đổi bổ sung của bà Hayter, Tử tước Hailsham thuộc đảng Bảo thủ chia sẻ rằng, cho dù ông hiểu được là chính phủ Anh đang cố gắng suy nghĩ thực dụng, nhưng quyền sống, quyền làm việc tại Anh quốc theo đúng lựa chọn của mình của hơn 3 triệu công dân EU tại Anh, nhiều người trong số đó đã ở Anh rất nhiều năm, không phải là những quyền có thể được xem nhẹ.
Áp dụng một quan điểm thực dụng khi đối xử với những quyền công dân đó, theo Tử tước Hailsham, đơn giản là “chống lại công lý tự nhiên” và có nguy cơ vi phạm “các nguyên tắc lập pháp về nhân quyền”.
Tử tước Hailsham phát biểu. Ảnh: Parliament.tv.Đáp lại đa số ý kiến ủng hộ sửa đổi bổ sung của Nam tước phu nhân Hayter, một số thượng nghị viên cho rằng việc đưa vấn đề quyền công dân EU tại Anh vào đạo luật này là không cần thiết và không thích hợp, đặc biệt khi chính phủ đã có một số đảm bảo về quyền lợi cho các công dân EU tại Anh.
Tuy nhiên, đa số các thượng nghị viên có vẻ rất hoài nghi các đảm bảo nằm-ngoài-luật-pháp và có phần mâu thuẫn nhau của các quan chức chính phủ.
Sức mạnh thuyết phục của sửa đổi bổ sung do Nam tước phu nhân Hayter đưa ra tại Thượng viện có lẽ còn nằm ở giá trị đạo đức mà nó muốn đề cao: không có thượng nghị viên nào lên tiếng công khai ủng hộ phương án dùng quyền công dân EU làm quân bài mặc cả Brexit mà các quan chính phủ trông có vẻ đang rất muốn dùng.
“Lập pháp bóng bàn”?
Bước tiếp theo của tiến trình thông qua Dự luật Brexit sẽ có thể là một màn “lập pháp bóng bàn” giữa Thượng viện và Hạ viện Anh.
Cho dù Thượng viện có quyền để xuất sửa đổi bổ sung vào luật, họ không có quyền phủ quyết (từ chối thông qua luật). Mọi sửa đổi bổ sung do Thượng viện đưa ra đều phải được Hạ viện Anh chấp thuận.
Theo đó, có khả năng xảy ra một tình huống là Thượng viện cứ đòi sửa, Hạ viên cứ đòi bác, sàng xê qua lại như một ván bóng bàn, cho đến khi một trong hai bên chịu nhường nhau (Luật quy định Thượng viện chỉ có thể trì hoãn việc thông qua một dự luật trong một khoảng thời gian tối đa là 2 năm).
Thực tế là khi thảo luận tại Hạ viện Anh hôm 08/02, vấn đề chính phủ Anh phải đảm bảo quyền lợi cho công dân EU tại Anh đã được đưa vào một sửa đổi bổ sung (Số hiệu NC57). Tuy nhiên sửa đổi bổ sung này đã thất bại tại Hạ viện vì chỉ nhận được 290 phiếu ủng hộ so với 332 phiếu chống.
Như vậy, chênh lệch ủng hộ/phản đối tại Hạ viện thấp hơn tại Thượng viện (42 so với 102). Tuy nhiên, con số đó không đảm bảo là Hạ viện sẽ dễ dàng chấp nhận đưa vào dự luật một vấn đề họ đã bỏ ra.
Thượng viện Anh tranh luận Dự luật Brexit. Ảnh: Parliament.tv.Một thủ tướng không dân cử đối đầu một thượng viện không dân cử
Diễn biến mới này tại Nghị viện Anh tạo ra một tình huống hiếm có trong lịch sử chính trị Anh: các thành viên quốc hội không do dân bầu (thượng nghị viên được Hoàng gia Anh, theo tư vấn chính phủ, bổ nhiệm hoặc do thừa kế tước vị quý tộc) ‘đọ kiếm’ với chính phủ do một thủ tướng cũng không do dân bầu lãnh đạo (Thủ tướng Anh bà Theresa May lên nắm quyền sau khi thủ tướng tiền nhiệm ông David Cameron từ nhiệm hồi năm ngoái, ông Cameron được dân gián tiếp bầu ra còn bà May thì không).
Hai lực lượng có vẻ ‘phản dân chủ’ nhất này lại đang làm cho tiến trình dân chủ trở nên thú vị hơn mong đợi tại một trong những nền dân chủ cổ kính nhất thế giới.
Nhiều người cũng có thể ngạc nhiên là sao hai ‘cột trụ thể chế’ của nước Anh lại có thể mâu thuẫn với nhau vì quyền lợi của một nhóm thiểu số người ngoại quốc – những công dân các nước EU đang cư ngụ tại Anh như thế?
Lựa chọn chiều tối hôm qua của Thượng viện Anh là một diễn biến đáng chú ý trong thời đại mà tinh thần chính trị thực dụng sắt đá vẫn chi phối chính trị toàn cầu và chủ nghĩa dân tộc bài ngoại vẫn đang lên.
—
* Ảnh bìa của báo Independent.co.uk.