‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Có đủ căn cứ và cơ sở để cho rằng tồn tại hai quốc gia tách biệt trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 1955 cho đến năm 1975.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Tư năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF ngày 26/4/2022.
Đây là một bài viết mà người đọc cần đi đến cuối bài.
Một cách khách quan, để nhận định một cuộc chiến là một cuộc xung đột nội địa hay quốc tế, trước tiên phải xác định được danh nghĩa pháp lý của các bên tham gia. Cụ thể hơn, họ có được xem là quốc gia (state) theo quy định của pháp luật quốc tế hay không?
Pháp luật quốc tế vẫn chưa có một định nghĩa hay tiêu chuẩn chính thức để xác định danh tính quốc gia. Cho đến nay, các quốc gia, các tổ chức và các học giả quốc tế đều dựa vào bốn tiêu chuẩn từ Điều ước Montevideo về Quyền và Trách nhiệm của Quốc gia (Montevideo Convention on the Rights and Duties of States), ký kết vào năm 1933.
Đây vốn chỉ là một điều ước khu vực giữa các quốc gia thuộc châu Mỹ. Tuy nhiên, theo cân nhắc của nhiều học giả, các tổ chức học thuật có thẩm quyền (như International Law Association hay International Law Commission) và thực hành của nhiều quốc gia khác nhau, bốn tiêu chuẩn này thật sự chỉ pháp điển hóa tập quán pháp quốc tế. Vì vậy, chúng được xem là căn cứ hợp pháp để xác định tư cách quốc gia.
Bốn tiêu chuẩn được ghi nhận gồm: (1) Lãnh thổ xác định, (2) Dân cư xác định (cả hai tiêu chuẩn này không cần thiết phải tuân thủ theo một số lượng cụ thể), (3) Chính phủ có năng lực kiểm soát hiệu quả và (4) Năng lực tham gia vào điều ước với quốc gia khác.
Có ba điểm cần chú ý trong bộ tiêu chuẩn nói trên.