Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong lịch sử nhân loại, tiến trình dân chủ hóa đã phải trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn gần đây nhất được gọi là làn sóng dân chủ hóa thứ ba (1974–2000). Nó bắt đầu từ Nam Âu, sau đó lan sang Mỹ Latin, châu Phi, và rồi đến Đông Á. Đối với Đông Á, làn sóng này đã mang lại cho khu vực 7 nền dân chủ mới, đó là Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Mông Cổ, Campuchia, và Indonesia.
Philippines
Phillipines bắt đầu chuyển đổi sang nền dân chủ vào cuối thời kỳ cai trị độc tài của tổng thống Ferdinand Marcos.
Marcos nắm quyền trong suốt hơn hai thập kỷ, kể từ năm 1965 đến năm 1986. Trong giai đoạn này, ông đã thay thế bản hiến pháp dân chủ của Philipines, nhằm cho phép chính ông có thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ tổng thống mà không bị giới hạn về nhiệm kỳ.
Marcos áp đặt việc thiết quân luật để củng cố quyền lực và cho phép các cơ quan an ninh quốc gia tra tấn và giết chết hơn 30.000 người. Thậm chí, vào năm 1983, chính phủ này đã sát hại Thượng nghị sĩ Benigno Aquino, một nhân vật đối đầu mạnh mẽ.
Trong thời gian nắm quyền, tổng thống Marcos giao các chức vụ quan trọng trong chính phủ cho vợ, con, và giới thân hữu. Phe cánh của ông đã tham nhũng một cách có hệ thống. Trong suốt nhiệm kỳ, nguồn thu nhập hợp pháp của Marcos chỉ là khoản lương không quá 5.700 đô-la Mỹ mỗi năm, nhưng khi ông rời đất nước vào năm 1986, tài sản cá nhân của ông ước tính lên tới hơn 5 tỷ đô-la Mỹ.
Tình trạng tham nhũng tràn lan ngày càng gia tăng và bạo lực chính trị ở khắp nơi đã khiến người dân chán ghét chính quyền Marcos, kể cả những người từng ủng hộ ông. Vào tháng 2/1986, Marcos cạnh tranh với Corazon Aquino trong cuộc chạy đua cho nhiệm kỳ thứ tư, và rồi ông đã tự tuyên bố mình là người chiến thắng trong cuộc bầu cử đầy gian lận.
Tuy nhiên sau đó, vào ngày Marcos tuyên thệ nhậm chức, cuộc “Cách mạng Quyền lực Nhân dân” đã nổ ra với sự tham gia của 500.000 người dân cũng như một số nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và quân sự. Trước cuộc nổi dậy mạnh mẽ này, Marcos đã phải bỏ chạy khỏi đất nước, chấm dứt thời kỳ cai trị độc tài. Corazon Acquino, lãnh đạo của phong trào đối lập, đã trở thành vị tổng thống đầu tiên trong làn sóng dân chủ hóa thứ ba ở khu vực Đông Á.
Cách mạng EDSA lật đổ chế độ độc tài Marcos. Nguồn ảnh: Green Left Weekly.
Hàn Quốc
Sau Philippines, làn sóng dân chủ hóa thứ ba đã lan sang Hàn Quốc. Tại đất nước này, tiến trình dân chủ hóa đã diễn ra ôn hòa hơn, thông qua một cuộc đối thoại.
Trong gần hai thập niên kể từ năm 1961, tướng Park Chung Hee đã cai trị đất nước một cách tàn bạo. Ông bị Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc ám sát vào ngày 26/10/1979. Chưa đến hai tháng sau khi Park bị ám sát, tướng Chun Doo Hwan đã lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính khác, và tiến hành đàn áp các phong trào dân chủ.
Vào ngày 17/5/1980, Chun mở rộng việc thiết quân luật trên toàn quốc và giải tán Quốc hội. Sau đó, vào ngày 18/5, ông phái quân đội đi đàn áp các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng ở Kwangju nhằm chống lại việc thiết quân luật. Trong lần đàn áp này quân đội đã giết chết 207 người và làm bị thương 987 người. Sự kiện này chính là biểu tượng của chủ nghĩa chuyên chế ở Hàn Quốc, và ngày này trở thành ngày lễ tưởng nhớ những nạn nhân của vụ thảm sát Kwangju.
Sau đó, các cuộc biểu tình trên đường phố, thường được gọi là “cuộc nổi dậy tháng 6”, đã liên tục thu hút nhiều người tham gia, đến nỗi áp đảo lực lượng cảnh sát. Chính quyền Chun phải đối mặt trước một lựa chọn đau đớn. Liệu có nên đưa quân đội đàn áp những cuộc biểu tình khi mà chỉ vài tháng nữa là tới Thế vận hội mùa hè? Hay chấp nhận bầu cử tổng thống trực tiếp theo như yêu cầu của các lực lượng chống chính phủ?
Sau 17 ngày liên tục diễn ra các cuộc biểu tình, và dưới áp lực của Mỹ và Uỷ ban Thế vận hội Quốc tế, chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý cải cách dân chủ. Thỏa thuận này được mệnh danh là “Tuyên bố Cải cách Dân chủ ngày 29/6”, và người ta coi nó là nền tảng cho quá trình dân chủ hóa một cách hòa bình của Hàn Quốc. Đây chính là một mô hình chuyển đổi dân chủ ôn hòa đáng học hỏi cho các nước Đông Á khác.
Đài Loan
Đài Loan đã trở thành một nền dân chủ tiếp theo trong Làn sóng thứ ba, sau 5 năm được tự do hóa dần dần dưới thời Tưởng Kinh Quốc, lãnh đạo Quốc Dân Đảng.
Kể từ khi Đài Loan tách khỏi Trung Quốc vào năm 1949, Quốc Dân Đảng đã cai trị hòn đảo này theo mô hình một quốc gia độc đảng trong điều kiện thiết quân luật. Trong gần bốn thập niên, các đảng đối lập bị cấm hoạt động, còn các nhà bất đồng chính kiến không được phép tranh cử trong các cuộc bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, từ năm 1980, phong trào phản đối thiết quân luật đã dần trở nên mạnh mẽ, nhất là sau cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân ở Philippines.
Tháng 9/1986, phong trào này thành lập Đảng Dân chủ Tiến bộ DPP (một cách bất hợp pháp), nhằm chống lại Quốc Dân Đảng. Đây chính là đảng đối lập đầu tiên ở Đài Loan. Vào ngày 12/6/1987, DPP đã tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội nhằm phản đối Luật An ninh Quốc gia. Nhận thấy những hậu quả không thể kiểm soát được của các cuộc biểu tình ngày càng tăng, đồng thời chịu sức ép ngày càng lớn của Quốc hội Mỹ về việc xây dựng một khuôn khổ cho nền dân chủ, Tổng thống Tưởng Kinh Quốc đã dỡ bỏ lệnh thiết quân luật vào ngày 14/7/1987.
Bước ngoặt cải cách này đã giúp người Đài Loan có thể chính thức tham gia biểu tình chống lại chính phủ Quốc Dân Đảng. Nhiều đảng chính trị mới, như Đảng Trung Quốc Mới và Đảng Đài Loan Độc lập, cũng đã thành lập và đòi hỏi nhà cầm quyền phải chấm dứt chế độ độc đảng. Các đảng này yêu cầu tự do hoá chính trị, thách thức Quốc Dân Đảng trong mọi lĩnh vực chính sách quan trọng, và phản đối mối quan hệ gần gũi của Đài Loan với Trung Quốc đại lục.
Cuối cùng, Quốc Dân Đảng và các lực lượng đối lập đã đồng ý với một loạt yêu cầu sửa đổi hiến pháp, tiến tới tổ chức cuộc bầu cử quốc hội trên toàn quốc một cách tự do, công bằng và cạnh tranh vào năm 1992, và cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống bằng cách bỏ phiếu trực tiếp vào năm 1996.
So với cách chuyển đổi sang nền dân chủ của Hàn Quốc, thì tiến trình chuyển đổi của Đài Loan diễn ra dần dần, và các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền đóng vai trò quan trọng hơn.
Thái Lan
Con đường dân chủ hóa của Thái Lan cũng phần nào tương tự với Hàn Quốc, ở chỗ đất nước này nằm dưới sự cai trị của quân đội trong nhiều thập kỷ trước khi tiến hành dân chủ hóa.
Vào năm 1932, một cuộc đảo chính đã diễn ra, thay thế chế độ quân chủ chuyên chế bằng một chế độ quân chủ lập hiến, trong đó quân đội thường xuyên nắm quyền cai trị. Năm 1986, Tướng Prem, người từng là lãnh đạo quân đội, đã bắt đầu tự do hóa hệ thống chính trị bằng cách cho phép các nhóm xã hội dân sự và các nhóm đối lập hình thành. Năm 1988, đất nước tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội một cách dân chủ, đồng thời thành lập một chính phủ liên hiệp dưới quyền Tướng Chatichai Choonhaven.
Dưới thời Choonhaven, nền kinh tế bùng nổ mạnh mẽ. Tuy vậy, vào năm 1991, ông bị bắt trong một cuộc đảo chính quân sự với cáo buộc tham nhũng và thiếu năng lực. Chính quyền quân sự mới do Tướng Sunthordn và Suchinda lãnh đạo đã tiến hành các biện pháp tàn bạo nhằm hủy bỏ những cải cách tự do hóa chính trị của tướng Prem và tướng Choonhavan. Điều này đã gây ra những cuộc biểu tình khổng lồ trên đường phố. Tuy bị đàn áp bằng bạo lực, song công chúng vẫn tiếp tục biểu tình.
Sau ba tuần xung đột, vào tháng 5/1992, chính quyền quân sự và các lực lượng chống đối đã ký một thỏa thuận trong đó có điều khoản sửa đổi hiến pháp để giảm thiểu vai trò của quân đội trong chính trị. Họ cũng chấp nhận rằng thủ tướng phải do các thành viên quốc hội bầu ra, thay vì để quân đội lựa chọn như trước đó. “Hiến pháp Nhân dân” năm 1997 là bản hiến pháp dân chủ nhất của khu vực Đông Á, qua đó Thái Lan đã tạo được ba thiết chế dân chủ mới và đưa ra quy định bầu cử Thượng viện trực tiếp.
Tuy nhiên, vào năm 2006, quân đội đã tổ chức một cuộc đảo chính khác để lật đổ chính phủ của Thaksin, bất chấp việc ông được bầu ra một cách dân chủ, với cáo buộc về tình trạng tham nhũng trong chính quyền của ông.
Phe áo đỏ – những người ủng hộ Thủ tướng Thaksin – biểu tình trên đường phố Bangkok, năm 2010. Nguồn ảnh: Harvard International Review.
Mông Cổ
Mông Cổ bắt đầu chuyển đổi sang nền dân chủ khi Liên Xô sụp đổ.
Vào đầu năm 1989, các nhóm dân sự (chủ yếu là các thành viên của tầng lớp trung lưu) bắt đầu yêu cầu cải cách dân chủ, đồng thời họ tự thành lập các đảng đối lập như Liên minh Dân chủ Mông Cổ. Đáp lại, những người có chủ trương mềm mỏng trong Đảng Cách mạng Nhân dân Mông Cổ (MPRD) đã tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài với lực lượng đối lập, tiến tới thông qua các cải cách dân chủ và soạn thảo một bản hiến pháp dân chủ mới.
Tháng 7/1990, Mông Cổ lần đầu tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội tự do và công bằng. Vào tháng 7/2003, quốc gia này tổ chức bầu cử theo hiến pháp mới, một bản hiến pháp đảm bảo các quyền chính trị và tự do dân sự. Đến nay, không kể Đông Âu, thì Mông Cổ là nước duy nhất đã có thể chuyển đổi thành công từ chế độ cộng sản sang chế độ dân chủ đa đảng cạnh tranh.
Campuchia
Giống như Mông Cổ, Campuchia cũng bắt đầu chuyển đổi sang nền dân chủ từ chế độ Cộng sản độc đảng.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này lại đến từ sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Bị tàn phá bởi những cuộc xung đột với Việt Nam, Campuchia phải viện đến sự hỗ trợ từ bên ngoài. Vào tháng 10/1991, bốn nhóm đối địch (Khmer Đỏ, Hoàng gia Funcinpac, đảng CCP của Hun Sen thân Việt Nam và một phe tư sản cộng hòa rất nhỏ) cùng với 18 quốc gia đã ký hiệp ước Paris, bắt đầu quá trình chuyển đổi. Mục tiêu của hiệp ước này là làm cho Campuchia trở thành một quốc gia dân chủ có chủ quyền thực sự, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của Việt Nam lên nền chính trị trong nước.
Như vậy, nền dân chủ này không xuất phát từ một phong trào mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Từ những thỏa thuận giữa các lực lượng ủng hộ chế độ quân chủ và các lực lượng ủng hộ Hun Sen, các cuộc bầu cử quốc hội hồi năm 1993 đã tạo ra một nền dân chủ đa đảng song lại rất bất ổn.
Tuy nhiên, vào năm 1997, một cuộc đảo chính đẫm máu và tàn bạo đã xảy ra nhằm khôi phục quyền lực độc tài của Hun Sen. Trong số những nền dân chủ mới nổi ở châu Á, Campuchia là quốc gia độc nhất tiến hành dân chủ hóa nhờ vào sự can dự trực tiếp của Liên Hợp Quốc để tạo ra một bản hiến pháp dân chủ và các cuộc bầu cử tự do.
Indonesia
Gần đây nhất, Indonesia đã chuyển đổi sang nền dân chủ khi chế độ độc tài dân sự sụp đổ.
Quá trình chuyển đổi của Indonesia bắt đầu từ tháng 8/1998. Điều này chủ yếu là do tình trạng suy sụp kinh tế kéo dài, dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á xảy ra vào cuối năm 1997. Sự thiếu hụt thực phẩm và thuốc men đã khiến sinh viên đại học và nhiều người dân đứng lên biểu tình chống lại Tổng thống Suharto, người đã nắm quyền cai trị đất nước trong hơn 30 năm kể từ năm 1967.
Vào ngày 21/5/1998, khi đối mặt trước áp lực ngày càng tăng của những cuộc biểu tình, Suharto đã trao quyền cho Phó Tổng thống Habibie, một người trung thành cũng thuộc đảng Golkar. Suốt nhiều tháng sau đó, đảng Golkar đã đàm phán với các đảng đối lập và quân đội để cho ra một bản hiến pháp dân chủ mới, đồng thời tiến tới tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng và cạnh tranh.
Như vậy, Indonesia đã chuyển sang nền dân chủ, với cuộc bầu cử quốc hội dân chủ đầu tiên vào năm 1999 và cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2004, qua đó hình thành nền dân chủ Hồi Giáo lớn nhất trên thế giới.
Lời kết
Ngày nay, hơn ba thập niên sau khi làn sóng dân chủ hóa bắt đầu lan rộng từ Nam Âu, gần một nửa các quốc gia Đông Á vẫn chưa chuyển sang chế độ dân chủ.
Hơn nữa, hai trong số các nền dân chủ trong làn sóng thứ ba (Campuchia và Thái Lan) đã bị đảo ngược, quay trở lại nền cai trị độc tài. Philippines cũng không còn được coi là một chế độ dân chủ vì các vụ giết người mang mục đích chính trị nhắm vào các nhà hoạt động chính trị cánh tả gần đây.
Theo báo cáo năm 2008 của Freedom House, chỉ một phần các quốc gia trong khu vực Đông Á (36%) là dân chủ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Indonesia và Đài Loan. Điều này cho thấy dân chủ hóa ở Đông Á vẫn còn một con đường dài nhiều trở ngại.