Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tháng 4/2017, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) công bố báo cáo thường niên về tự do báo chí toàn cầu, có tên Những cuộc tấn công vào báo chí năm 2017 (Attacks on the Press 2017).
Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu đến bạn đọc bản dịch bài viết của Giáo sư David Kaye – Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về quyền tự do quan điểm và biểu đạt – được trích từ báo cáo này.
***
Vào thập niên 1920, nhà văn Nga Yevgeny Zamyatin cho ra đời một quyển tiểu thuyết xuất sắc, Chúng ta (We).
Đáng tiếc là cuốn sách này đã không được nhiều người đọc bằng những tác phẩm hậu duệ của nó, như 1984 và Thế giới mới quả cảm (Brave New World). Tuy vậy, không khó để có thể nhận thấy rằng George Orwell đã bị ảnh hưởng bởi tác phẩm của Zamyatin khi ông viết 1984.
Tác giả Yevgeny Zamyatin trên bìa tiểu thuyết Chúng ta
Zamyatin đã đưa ra một sự so sánh trực tiếp giữa tiểu thuyết và đời thực về việc kiểm soát thông tin, khi sự riêng tư cùng những giá trị nền tảng của tinh thần tự do chính trị hoàn toàn bị xoá bỏ.
Một nhà nước bí ẩn dưới sự dẫn dắt của một giáo chủ lãnh tụ, người có ham muốn khống chế sự riêng tư cá nhân, thông tin, và cả suy nghĩ của người dân.
Ở nơi ấy, tình yêu là một thứ bị cấm đoán và tự do thì bị thẳng thừng chối bỏ. Bạo lực và sự tàn bạo của quyền lực len lỏi phía dưới bề mặt của một xã hội nhìn như có vẻ hết sức sạch sẽ và trật tự.
Là nơi mà những từ ngữ thông dụng bị chính quyền định nghĩa lại. Ban tuyên giáo thì hoạt động và xuất hiện đầy rẫy trong đời sống người dân.
Tóm lại, đó là một thế giới mà người ta chối bỏ thực tế, trong khi lại ôm ấp sự giả dối và những điều mị dân.
Nhân vật chính trong câu chuyện của Zamyatin, người có bí danh D-503, dần nhận ra sự thật vốn rất khác những gì mà chính quyền nói với anh và những người dân.
D-503 phản tỉnh và trở thành một kẻ phản động, chống đối lại học thuyết của nhà nước. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết và bằng phương pháp ngoại suy, Zamyatin đã phản ánh và miêu tả cuộc sống đương đại trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa Bolshevik (Bolshevism).
Mặc dù tiểu thuyết Chúng ta của Zamyatin đã được viết gần một thế kỷ trước, và nó viết về viễn cảnh của một xã hội cách chúng ta hàng thế kỷ sau trong tương lai, nhưng sự xung đột cốt lõi trong câu chuyện này lại có vẻ như rất đúng thời điểm.
2016 là một năm đã cho chúng ta rất nhiều cơ hội nhìn thấy những giá trị của tự do đã liên tục bị các chính quyền phủ nhận và chối bỏ như thế nào.
Tuy hình ảnh nhà nước mà Zamyatin miêu tả không thể phản ánh một cách toàn diện bất kỳ một chính phủ nào mà chúng ta biết. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, những mệnh đề chính trong tác phẩm của ông lại có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình thế giới hiện nay.
Vì bây giờ chính là lúc chúng ta phải đối mặt với các chính phủ, và cả những nhân tố phi chính phủ, cũng như việc họ liên tục tìm cách thắt chặt, ngăn chặn, hay chặn đứng hoàn toàn sự lưu chuyển của thông tin trong xã hội.
Nguồn: Freedom House
Thấy gì qua báo cáo Những cuộc tấn công vào báo chí 2017 của CPJ?
Chúng ta nhìn thấy có rất nhiều chính phủ của các nước trên thế giới đang đe dọa sự lưu chuyển của thông tin. Họ làm điều này bằng việc kiểm soát trên mạng, tấn công trực tiếp ngoài đời và sách nhiễu, sử dụng thủ tục pháp lý hay ban hành những luật lệ với khuôn khổ quá rộng để dễ dàng bắt bớ, cầm tù người dân.
Tất cả những hành vi ấy đều cho thấy, các chính phủ đó có cùng một nỗi sợ hãi và sự khát khao quyền lực không khác gì nhà nước trong tiểu thuyết của Zamyatin.
Những chính phủ này đều sợ rằng, nếu người dân được trao cho những công cụ giúp họ tự mình tìm ra sự thật (hoặc bất kỳ một thông tin chính xác nào đó), thì chính quyền sẽ suy yếu.
Càng tham lam và càng suy thoái vì quyền lực, thì những kẻ đứng đầu các chính phủ lại càng có động cơ để tìm cách ngăn chặn những cuộc tranh luận công khai và hạn chế việc người dân tiếp cận thông tin.
Không mấy ai còn nghi ngờ là những xu hướng chính phủ độc tài hiện đang trên đà trỗi dậy, và hậu quả mà nó mang đến là sự tấn công trực tiếp vào công việc của những người làm báo.
Nhưng không như thế giới trong tiểu thuyết Zamyatin, chúng ta may mắn có được một mạng lưới liên kết các thiết chế luật pháp quốc tế. Và điều này giúp đảm bảo rằng những quyền được tìm kiếm, tiếp nhận, và chia sẻ thông tin, sáng kiến thuộc mọi thể loại, không kể biên giới và bằng phương tiện truyền thông nào, cũng đều được bảo vệ như nhau.
Trong đó, quan trọng nhất là Điều 19 của Công Ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Các chính phủ vốn chỉ có thể giới hạn những quyền vừa được nêu ở trên khi có cả hai yếu tố sau đây. Thứ nhất, việc giới hạn phải có căn cứ luật pháp. Và thứ hai, chính phủ có nghĩa vụ phải chứng minh việc giới hạn là cần thiết và tương xứng với mục đích mà chúng đề ra. Hai yếu tố này phải nói là một chuẩn mực pháp lý rất khó để cho bất kỳ chính phủ nào có thể giới hạn được quyền tự do ngôn luận. |
Thế nhưng, cho dù là với một khuôn khổ pháp luật quốc tế cùng các thiết chế giúp bảo vệ các quyền tự do ngôn luận như thế, vẫn có hàng chục các giới hạn từ phía các chính phủ khiến chúng ta cảm thấy cần phải nâng cao cảnh giác, hoặc thậm chí là e sợ.
Và đó chính là nội dung của bản báo cáo mà tôi, trong cương vị Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do biểu đạt, đã gửi đến Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/2016 vừa qua.
Có 5 hình thức giới hạn quyền tự do ngôn luận tôi muốn đặc biệt nhắc đến trong bài viết này, vì chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến các phóng viên, ký giả, và nền báo chí nói chung.
1. Kiểm duyệt theo kiểu truyền thống
Những phương pháp kiểm duyệt truyền thống vẫn được các chính phủ sử dụng thường xuyên. Ở một số nơi, nhà nước tập trung đẩy mạnh việc giáo dục các chủ thuyết mà họ dùng để lý giải vì sao người dân không thể tiếp cận thông tin. Thông thường, họ sẽ sử dụng các lý do như đảm bảo chuẩn mực đạo đức hoặc ổn định trật tự xã hội.
Một trong những phương pháp đó chính là bức tường lửa vĩ đại (Great Fire Wall of China) do chính phủ Trung Quốc thiết lập để giới hạn cả số lượng lẫn chất lượng thông tin mà người dân có thể tiếp cận.
Các chính phủ khác thì tìm cách cản trở đường truyền Internet và các dịch vụ viễn thông, và họ làm điều này mà chẳng bao giờ giải thích gì với người dân cả. Hơn nữa, họ thường xuyên sử dụng phương pháp này vào những thời điểm có biểu tình, hay trong những ngày bầu cử.
Có khi, họ sẽ cắt mạng Internet toàn quốc, chặn mạng, hay làm chậm tốc độ tải một số các trang mạng và các mạng xã hội. Có khi, họ sẽ tìm cách phá sóng các dịch vụ viễn thông hay điện thoại di động của người dân. Tổ chức Access Now đã thống kê có 56 vụ việc cắt mạng Internet (shutdown) đã bị các chính phủ của 18 nước (ND: trong đó có Việt Nam) tiến hành trong năm 2016.
Trong các cuộc biểu tình đòi minh bạch vấn đề thảm họa môi trường biển miền Trung tại VN, đã có báo cáo về việc mạng xã hội bị chặn. Sài Gòn tháng 5/2016 (Ảnh: fvpoc.org)
Ngoài việc kiểm duyệt Internet, chính phủ các nước vẫn tiếp tục phương pháp giáo dục và tuyên truyền người dân, để họ cho rằng những thông tin mà các cơ quan truyền thông độc lập đưa ra là việc làm trái pháp luật.
Việc chính phủ Hoa Kỳ dùng từ “tin giả” (fake news) để tấn công các cơ quan truyền thông và báo chí được nhiều người cho rằng, nó không khác gì hình thức tuyên truyền mà các chính phủ độc tài vẫn sử dụng từ trước đến giờ.
2. Cuộc chiến chống khủng bố
Không ai có thể phủ nhận việc thế giới đang đối đầu với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Chính phủ các nước có nghĩa vụ phải bảo vệ sự an toàn cho người dân của mình, và đó là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, cũng có không ít các nước đã dùng việc chống khủng bố để tiện thể giới hạn quyền tự do ngôn luận và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân.
Từ Trung Á, đến Châu Âu và lan sang Bắc Phi, chính phủ nhiều nước đã cho ra đời những điều luật chống khủng bố, nhưng đồng thời lại giới hạn quyền con người của người dân. Một nhóm gồm nhiều chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung, cảnh báo về hành vi vi phạm quyền con người này của các chính phủ vào năm 2016.
3. Rào cản pháp lý
Có rất nhiều quốc gia đã ban hành những đạo luật nhằm chấm dứt tất cả chỉ trích đối với chính phủ.
Những điều luật “tuyên truyền chống nhà nước” hay “bôi nhọ lãnh đạo” là một số ví dụ cho việc vi phạm quyền tự do ngôn luận bằng việc ban hành luật pháp một cách mơ hồ để kiểm soát.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh – Ba Sàm – đã bị bắt và kết án vì Điều 258, một điều luật của Việt Nam liên tục bị quốc tế cho là vi phạm quyền tự do biểu đạt.
Một số chính phủ thì có những điều luật về tội “phỉ báng tôn giáo” và “xúc phạm hoàng gia”, hay những điều luật hết sức hà khắc cho tội mạ lỵ cũng như hình sự hóa hành vi này.
Chính phủ các nước cũng ngày càng gia tăng việc yêu cầu các nhà cung cấp mạng xã hội như Twitter, Facebook hoặc các công ty cung cấp dịch vụ như Google và YouTube, gỡ bỏ những nội dung mà chính quyền cảm thấy không hài lòng.
4. Theo dõi trên mạng
Người dân ngày càng bị mất đi quyền tự do riêng tư trên mạng. Chính phủ các nước đồng loạt gia tăng việc theo dõi và giám sát các hoạt động trên mạng của họ, cho dù không có bất kỳ nghi ngờ nào về hành vi phạm pháp.
Nó khiến người ta liên tưởng đến viễn cảnh của một thế giới như tiểu thuyết Zamyatin miêu tả. Nơi mà người dân sống trong những căn hộ bằng kính trong suốt và chính quyền có thể theo dõi hành vi của họ mọi nơi mọi lúc, trừ 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày được phép kéo màn che lại cho không gian riêng tư.
Không chỉ theo dõi, chính quyền còn có thể tìm cách tấn công vào tài khoản cá nhân của người dân và tìm cách phá vỡ hoặc nghiêm cấm việc sử dụng mã hóa để bảo mật.
5. Sự biến dạng của không gian kỹ thuật số
Ngày nay, các công ty cung cấp mạng xã hội đã kiến tạo nên những không gian mới với hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ người tham gia. Chúng ta sống, chia sẻ và chấp nhận những điều khoản, luật lệ mà các công ty cung cấp đề ra. Thậm chí, những thông tin mà chúng ta nhận được trong những không gian đó cũng được người khác tính toán và đưa cho chúng ta, trong khi chính bản thân thì không có quyền kiểm soát.
Có lẽ, lúc này đa số chúng ta vẫn cảm thấy điều này cũng ổn thôi. Tuy nhiên, chúng ta đang tham gia vào những không gian được kiểm soát bởi người khác đối với những việc mà đúng ra, thuộc về quyền cá nhân của mình. Vậy thì việc các công ty cung cấp dịch vụ này không cần phải tuân theo bất kỳ chuẩn mực nào về nhân quyền có vẻ không được ổn cho lắm.
***
Tôi muốn nhấn mạnh, những gì thế giới trải qua trong năm 2016 đã cho chúng ta một cơ hội thức tỉnh kịp thời, để tự nhắc nhở rằng, chúng ta không hẳn là châu chấu đá xe. Trái lại, chúng ta có đầy đủ công cụ để phản kháng lại sự kiểm soát của chính quyền.
Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm chúng ta phải bảo vệ và cải tạo những thiết chế luật pháp mà chúng ta đang có, để chúng có thể thực sự giúp bảo vệ nhân quyền.
Làm được như vậy là chúng ta sẽ cùng tiến về một tương lai, nơi mà chúng ta có quyền tung hô hay phê bình thế giới xung quanh theo ý mình, chứ không phải là theo ý chính phủ hay lãnh đạo nhà nước.
Và đó chính là lý do mà một nền báo chí tồn tại.
Giáo sư David Kaye. Ảnh: United Nations
Tác giả, giáo sư David Kaye là giáo sư Luật Quốc tế tại trường Đại học California, Irvine. Vào năm 2015, ông được Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm vào chức vụ Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do quan điểm và tự do biểu đạt (Special Rapporteur on the promotion and protection of the right to freedom of opinion and expression). Báo cáo viên đặc biệt là một chức vụ danh dự do Hội đồng Nhân quyền LHQ bổ nhiệm cho một chuyên gia độc lập với mục đích tìm hiểu, thăm viếng và báo cáo về tình trạng quyền con người ở các quốc gia. Mỗi báo cáo viên sẽ có trách nhiệm chuyên trách về một vấn đề nhân quyền nhất định. Chi tiết về thủ tục bổ nhiệm các báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền có thể đọc tại đây. |
Tài liệu tham khảo: