Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tình trạng phân hoá giàu nghèo sâu sắc trong các xã hội dân chủ dẫn đến hai thứ: (i) tham vọng của số đông cử tri muốn tái phân phối của cải xã hội thông qua các chính trị gia dân tuý, và (ii) các cuộc đảo chính do các đại gia chống lưng. Đó là thảm hoạ của các nền dân chủ.
Tình trạng phân hoá giàu nghèo sâu sắc trong các xã hội dân chủ dẫn đến hai thứ: (i) tham vọng của số đông cử tri muốn tái phân phối của cải xã hội thông qua các chính trị gia dân tuý, và (ii) các cuộc đảo chính do các đại gia chống lưng. Đó là thảm hoạ của các nền dân chủ.
Bất bình đẳng kinh tế là một vấn đề có ảnh hưởng quan trọng đến sự ổn định của xã hội, đặc biệt là trong các nền dân chủ.
Sự phát triển của kinh tế thế giới trong 30 năm qua đã mang lại một sự giàu có to lớn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các thành tựu kinh tế này được phân phối một cách hợp lý; mà phần lớn sự gia tăng của cải rơi vào tay một thiểu số chóp bu kinh tế, trong khi hoàn cảnh của đa phần người lao động không được cải thiện nhiều.
Sự gia tăng khoảng cách về giàu nghèo này không chỉ diễn ra ở các nền dân chủ chưa hoàn chỉnh như Mỹ Latin, mà còn ở các nền dân chủ hoàn chỉnh như Mỹ. Và nó chính là một trong những nguyên nhân gây ra những bất ổn gần đây trong các xã hội này.
Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng bất bình đẳng khiến nền dân chủ mất ổn định.[1] Xã hội dân chủ nào càng bất bình đẳng thì càng dễ dẫn tới chia rẽ, bởi khi đó có một áp lực rất lớn trong việc tái phân phối của cải từ người giàu sang người nghèo.
Khi giới chóp bu kinh tế tin rằng người nghèo đang tìm cách “chiếm đoạt tài sản” thông qua lá phiếu, thì điều này sẽ khiến cho việc duy trì nền dân chủ trở thành cái giá khá đắt đối với họ. Kết quả là, trong các xã hội bất bình đẳng cao, giới chóp bu kinh tế thường cố ngăn chặn các nỗ lực cải cách dân chủ hoặc tiến hành đảo chính nhằm đảo ngược tiến trình này.
Tuy nhiên, trong các nền dân chủ, người dân lại có quyền bầu chọn lên chính quyền của mình. Và với xã hội bất bình đẳng, thì họ có xu hướng bầu cho các nhà lãnh đạo và các đảng phái cánh tả với các chính sách tái phân phối rộng rãi. Song điều này đe dọa đến quyền lợi của giới chóp bu.
Kết quả là trong các nền dân chủ có sự bất bình đẳng cao, luôn có sự xung đột giai cấp giữa đa số nghèo đói với quyền bầu chọn chính quyền, và thiểu số chóp bu giàu có với các lợi thế về quyền lực, tiền bạc để lật đổ các chính quyền dân chủ mà họ cho là đe dọa đến lợi ích của họ. Xung đột này có thể kéo dài, như trường hợp của các nước Mỹ Latinh, hay Thái Lan gần đây.
Trong lịch sử của mình, Mỹ Latin luôn là khu vực bất bình đẳng nhất thế giới. Điều nay bắt nguồn từ di sản thuộc địa của nó.
Các nhà thuộc địa Châu Âu đã thiết lập mô hình cai trị bóc lột đối với người bản địa. Và mô hình này vẫn tiếp tục được sử dụng sau khi các quốc gia này độc lập. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với các cơ hội giáo dục, nghề nghiệp, cũng như các chính sách chi tiêu công không hiệu quả.
Trong năm 2014, 10% những người giàu nhất Mỹ Latin sở hữu 71% của cải khu vực. Nếu xu hướng này tiếp tục, theo tính toán của Oxfam, thì chỉ trong sáu năm tới 1% người giàu nhất khu vực sẽ giàu hơn 99% còn lại. Từ năm 2002 đến 2015, tài sản của các tỷ phú Mỹ Latin tăng trung bình 21%/năm, lớn hơn sáu lần so với tốc độ tăng GDP toàn khu vực.[2]
Sự bất bình đẳng này khiến cho các nước Mỹ Latin luôn trong tình trạng bất ổn. Trong lịch sử của mình từ khi giành được độc lập, hầu hết các nước Mỹ Latin đều chuyển dịch qua lại một vài lần giữa dân chủ và độc tài.
Đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân chủ là chuyện phổ biến, đặc biệt là những năm 1960, 1970, khi xung đột giữa cánh hữu và cánh tả tăng cao. Điển hình như các cuộc đảo chính Guatemala (1954), Chile (1973), và Argentina (1976). Dù các nước này giành được độc lập và thiết lập nền dân chủ từ cuối thế kỉ 19, song cho đến nay vẫn là các nước phát triển trung bình với các nền dân chủ khiếm khuyết.
Gần đây, Thái Lan cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Dữ liệu từ năm 2007 cho thấy rằng 10% gia đình giàu có nhất kiểm soát hơn 50% của cải trong khi 50% gia đình nghèo khó nhất chỉ kiểm soát 8.5%. Ở nhiều khu vực của đất nước, đất đai phần lớn nằm trong tay các chủ đất lớn, đặc biệt là Bangkok. Thống kê cho thấy rằng 10% dân số giàu có sở hữu khoảng 90% đất đai tư nhân.[3]
Tình trạng bất bình đẳng kinh tế này là hệ quả của các chính sách phát triển tập trung chủ yếu vào đô thị, và phục vụ cho giới chóp bu giàu có ở Bangkok. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 một mặt đã làm gia tăng bất mãn đối với sự bất bình đẳng xã hội, mặc khác làm suy yếu giới chóp bu ở Bangkok.
Điều này đã cho phép một chính trị gia dân túy như Thaksin nổi lên. Khi lên lắm quyền, Thaksin đã tiến hành các chính sách trợ cấp cho nông dân như chương trình hoãn trả nợ, các khoản cho vay với lãi suất thấp, hay cung cấp dịch vụ y tế rộng rãi. Những chính sách này đe dọa địa vị và lợi ích của giới chóp bu ở Bangkok, khiến họ giật dây cho quân đội đảo chính lật đổ Thaksin vào năm 2006.
Từ đó, Thái Lan rơi vào bất ổn, xung đột liên miên giữa hai phe – phe áo đỏ ủng hộ Thaksin, và phe áo vàng ủng hộ Hoàng gia do giới chóp bu Bangkok đứng sau.
Bất bình đẳng không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của những nền dân chủ non trẻ hoặc đang trong quá trình củng cố như các quốc gia ở Mỹ Latin, châu Á theo như phân tích ở trên, mà còn ảnh hưởng đến cả các nền dân chủ lâu đời như Mỹ.
Nghiên cứu Emmanuel Saez và Gabriel Zucman[4] về bất bình đẳng ở Mỹ cho thấy, trong ba thập kỷ qua, tài sản mà 0.1% các gia đình giàu có nhất sở hữu trong tổng tài sản quốc gia đã tăng từ 7% vào cuối những năm 1970 lên đến 22% vào năm 2012.
Trong khi đó, tài sản mà 90% gia đình nghèo nhất sở hữu đã giảm từ 36% vào giữa những năm 1980 xuống còn 23% vào năm 2012, chỉ nhiều hơn 1% so với 0.1% các gia đình giàu có nhất.[5]
Tất cả những điều này đã góp phần vào sự trỗi dậy của các chính trị gia dân túy, từ cánh hữu như Donald Trump đến cánh tả như Bernie Sanders.
Thành công của Trump trong cuộc bầu cử vừa qua đã phản ánh nhu cầu của một bộ phận công chúng về những cải cách lớn nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng và trì trệ ngày một nghiêm trọng mà đại bộ phận dân chúng đang phải trải qua. Tuy nhiên, cách thức mà Trump thực hiện dường như đang làm tổn hại đến các thiết chế và chuẩn mực cơ bản của nền dân chủ Mỹ. Điều này đẩy nước Mỹ vào những bế tắc và bất ổn chính trị mới.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, mức độ bất bình đẳng có ảnh hưởng lớn sự ổn định của nền dân chủ. Ảnh hưởng này khiến cho các thiết chế dân chủ không thể vận hành hiệu quả. Nếu tình trạng như vậy kéo dài, thì niềm tin của người dân vào thiết chế dân chủ sẽ giảm đi, và mở đường cho sự đi lên của các chính trị gia dân túy độc tài.
Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rằng, các chính trị gia như vậy không những không thể giải quyết vấn đề, mà làm cho tính trạng tồi tệ thêm.
Nếu họ không đủ mạnh, họ sẽ bị giới chóp bu đảo chính lật đổ, như diễn ra tại Argentina (1976), hay Thái Lan (2006), đất nước tiếp tục bất ổn. Nếu họ đủ mạnh, họ thúc đẩy hơn nữa các chính sách dân túy, đẩy đất nước đến các thảm họa kinh tế như trường hợp Chavez của Venezuena.
Do đó, đằng sau việc thúc đẩy và củng cố nền dân chủ, thì một yếu tố thiết yếu đó là thúc đẩy sự bình đẳng kinh tế, đó là nền tảng cho sự bền vững của nền dân chủ, cũng như của phát triển.
Tài liệu tham khảo
1. Acemoglu, Daron, và James A. Robinson. 2000. “Why Did the West Extend the Franchise? Democracy, Inequality, and Growth in Historical Perspective”, Quarterly Journal of Economics115, trang 1167-1199.
2. Latin America is the world’s most unequal region. Here’s how to fix it (ECLEC, 25/1/2016)
3. Inequality and Politics in Thailand (Kyoto Review, 3/2015)
4. Wealth inequality in the United States since 1913: Evidence from capitalized income tax data (10/2014)
5. US wealth inequality – top 0.1% worth as much as the bottom 90% (The Guardian)