‘Sharenting’: Cha mẹ có quyền đăng ảnh con lên mạng?

Câu trả lời không đơn giản là có hay không.

‘Sharenting’: Cha mẹ có quyền đăng ảnh con lên mạng?

Cha mẹ có được phép đăng ảnh con nhỏ lên mạng không? Câu trả lời không đơn giản là có hay không. Một nghiên cứu mới đây của Mỹ cho thấy cả phe phản đối lẫn đồng tình đều có những lập luận rất thuyết phục.

Ảnh: Cultura RF/Getty Images.

Vào cuối tháng 10 năm 2016, giáo sư luật Stacey B. Steinberg của Đại học Luật Levin bang Florida (Levin College of Law) đã công bố một nghiên cứu của bà về quyền riêng tư của trẻ em trong thời đại mạng xã hội.

Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Hoa Kỳ về cơ sở pháp lý cho quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội, và đã được tạp chí luật của Đại học Luật Emory (Emory Law Journal) xuất bản chính thức vào tháng 3/2017.

Theo đó, việc phụ huynh chia sẻ hình ảnh con cái lên mạng xã hội tại Mỹ đã trở thành một “phương pháp dạy con” thời đại Internet, và hiện tượng này được các nhà nghiên cứu đặt tên là “sharenting”.

Sharenting là kết hợp của động từ “share” có nghĩa là chia sẻ và “parenting” có nghĩa là nuôi dạy con cái. Sharenting là việc cha mẹ chia sẻ trên các mạng xã hội về quá trình nuôi dạy con cái. 

Theo nghiên cứu của giáo sư Steinberg, trong vòng 15 năm qua, khi mạng xã hội ra đời và phát triển mạnh mẽ, các bậc cha mẹ cũng bắt đầu sử dụng nó để chia sẻ một cách chóng mặt tất cả mọi điều về con cái của mình.

Từ giây phút một đứa trẻ chào đời, mỗi ngày trôi qua trong quá trình trưởng thành của nó đều được cha mẹ ghi lại qua việc đăng tải trên mạng xã hội.

Những lúc đáng yêu hay khi càng quấy, tất tần tật mọi thứ của trẻ đều được cha mẹ tỉ mỉ cập nhật.

Có nhiều bậc cha mẹ chỉ chia sẻ hình ảnh con cái với người thân và bạn bè. Tuy nhiên, cũng không ít người sẵn sàng khoe con với cả thế giới.

Một số lại dùng mạng xã hội để nêu lên những vấn đề về sức khoẻ hay bệnh tật mà con cái mình đang gặp phải, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng. Ví dụ như kêu gọi mọi người hiến tủy hay hiến máu để cứu người, hay chia sẻ về sự khó khăn khi phải nuôi dạy trẻ bị tự kỷ, v.v.

“Sharenting” đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu về trẻ em đặt câu hỏi về sức ảnh hưởng của nó đối với quá trình trưởng thành của trẻ em.

Giáo sư Stacey Steinberg. Ảnh: Đại học Luật Levin bang Florida.

Hãy thử nghĩ xem, đã có bao nhiều lần bạn – một người trưởng thành – phải nhăn mày nhíu mặt khi có ai đó đăng một tấm ảnh kém xinh xắn của bạn lên mạng xã hội mà bạn cảm thấy không thích?

May mắn cho bạn là một người trưởng thành ít ra có nhiều phương pháp để yêu cầu người đăng gỡ bỏ một tấm ảnh như thế.

Vậy còn trẻ em thì sao? Trẻ em có quyền yêu cầu hoặc chỉ cho phép người khác, kể cả bố mẹ, chia sẻ hình ảnh theo ý kiến và sở thích của mình hay không?

Và, có bao nhiêu bậc làm cha mẹ lại hỏi ý kiến của con mình trước khi đăng tải hình ảnh hay thông tin về chúng?

Tại Mỹ, có hai luồng quan điểm chính về vấn đề quyền riêng tư của trẻ em trong việc bị bố mẹ chia sẻ hình ảnh trên các mạng xã hội.

Phe bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em

Những người này cho rằng trẻ em có quyền bảo vệ sự riêng tư của mình ngay cả đối với cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ không có quyền tự ý đăng tải hình ảnh con cái mình trên các mạng xã hội.

Lý do được đưa ra là trong thời đại kỹ thuật số, mỗi cá nhân đều bắt đầu hình thành một căn tính (identity) trên mạng khi họ bắt đầu tham gia vào mạng xã hội, blogs, v.v. Một người 30 tuổi hiện nay trung bình sẽ có một quá khứ khoảng 14-15 năm được ghi lại trên mạng.

Thế nhưng, một đứa trẻ chào đời hôm nay sẽ có 30 năm quá khứ trên mạng khi nó đến tuổi 30, vì có nhiều bậc cha mẹ đã bắt đầu chia sẻ hình ảnh siêu âm của con cái từ lúc còn nằm trong bụng mẹ.

Luật pháp Mỹ hiện nay không có bất kỳ điều khoản nào ngăn cản cha mẹ thực hành “sharenting” cả.

Người trưởng thành có thể dùng một số biện pháp để xóa bỏ những dữ liệu cá nhân trên mạng. Tuy nhiên, trẻ em lại không thể làm như thế nếu người đăng tải là cha mẹ chúng.

Quá khứ trên mạng của một đứa trẻ sinh ra ngày hôm nay có thể bắt đầu từ trước khi nó chào đời. Ảnh: Lotus Carroll/The Conversation.

Ngay tại tiểu bang California, là nơi mà luật về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư của một người trên mạng được xem là tiến bộ nhất Hoa Kỳ, thì trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi cũng chỉ có thể yêu cầu gỡ bỏ những gì mà bản thân mình đăng tải trên mạng.

Ví dụ như một thiếu niên bắt nạt bạn trong lớp và bị bố mẹ của mình đăng tải hình ảnh cùng những lời răn đe trên mạng xã hội như một hình thức giáo dục, thì bản thân thiếu niên đó không thể yêu cầu công ty cung cấp mạng xã hội gỡ bài của bố mẹ mình xuống.

Hay nếu bố mẹ khoe điểm số thành tích con cái trên Facebook chẳng hạn, thì bản thân đứa trẻ cũng không thể yêu cầu xóa nó đi.

Tại Hoa Kỳ, luật yêu cầu nhà trường bảo mật thành tích học tập và điểm số của những người dưới 18 tuổi. Thế nhưng các bậc cha mẹ là thành phần được đặc cách trong điều luật này. Cha mẹ được quyền biết, cũng như có toàn quyền xử lý thông tin đó, kể cả việc đăng tải nó trên mạng xã hội.

Phe bảo vệ quyền chia sẻ về con cái trên mạng

Những người đồng tình với việc cha mẹ có quyền đăng tải hình ảnh con cái trên mạng xã hội thì lại cho rằng “sharenting” là một cách nuôi dạy con, và là một quyền lợi hợp pháp.

Trước hết, quan điểm này đề cao việc đa số cha mẹ đều mong có thể làm những gì tốt nhất cho con cái của mình. Và việc chia sẻ hình ảnh con cái trên mạng xã hội cũng không nằm ngoài mục đích đó. Họ không hề có ý xấu (bad intent) khi chia sẻ thông tin về con cái mình.

Chưa kể, ở Mỹ, người được xã hội và cả pháp luật trao cho quyền hạn quyết định về việc nuôi dạy trẻ em chính là cha mẹ.

Lịch sử án lệ tại Mỹ có xu hướng diễn giải là Hiến pháp công nhận quyền của cha mẹ được nuôi dạy con theo ý mình (fundamental right to raise their children as they see fit), vì họ được mặc định là sẽ đặt quyền lợi của con cái mình (best interest of the child) lên trên hết.

Tòa án Mỹ nhìn nhận con cái và cha mẹ không phải là những cá thể tách rời, mà ngược lại, là một đơn vị gia đình (family unit).

Quyền riêng tư của trẻ em nằm trong toàn bộ quyền riêng tư của cả đơn vị ấy. Vì vậy khi trẻ em dưới 18 tuổi, cha mẹ là người được ủy thác để đưa ra những quyết định liên quan đến quyền này.

Phụ huynh chia sẻ hình ảnh gia đình con cái trên mạng xã hội đã trở thành một phần của việc nuôi dạy trẻ em. 

Luật Hoa Kỳ hiện đang nghiêng về phe nào?

Những người ủng hộ quyền riêng tư của trẻ em tại Mỹ cho rằng có thể nhìn vào luật quốc tế để cải cách pháp luật và bảo vệ sự riêng tư cho trẻ em tốt hơn.

Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em (United Nations Convention on the Rights of the Child – UNCRC) đã công nhận trẻ em có quyền được bảo vệ sự riêng tư.

Ngoài ra, vào năm 2014, tòa án ở châu Âu đã công nhận quyền được quên lãng (right to be forgotten) của một cá nhân. Theo đó, một người, kể cả trẻ em, có quyền được xóa bỏ tất cả những dữ liệu về bản thân vốn đã từng được lưu trữ trên mạng.

Những người ủng hộ cho rằng trẻ em tại Mỹ cần được hưởng quyền lợi này, dù người đăng tải thông tin hình ảnh có là cha mẹ của các em đi chăng nữa.

Phe phản đối thì dẫn ra, ngoài quyền được nuôi dạy con cái, thì Tu chính án thứ Nhất (First Admendment) của Hiến pháp Mỹ còn bảo vệ quyền tự do ngôn luận, bao gồm quyền tự do đăng tải hình ảnh con cái, của cha mẹ.

 

Hiện nay, cán cân của tòa án Mỹ đang nghiêng về phía quyền tự do ngôn luận và quyền nuôi dạy con theo ý mình.

Khác với các tòa án châu Âu, hình ảnh và thông tin của trẻ em được cha mẹ đăng tải không bị xem là dữ liệu (data), mà được xem là ngôn từ (speech).

Khi được tòa xem là “ngôn từ” thì quyền tự do ngôn luận của cha mẹ khi đăng tải những thông tin và hình ảnh đó mới là vấn đề pháp lý chính của một vụ án, chứ không phải là quyền bảo vệ sự riêng tư của trẻ em.

Tại Hoa Kỳ, tự do ngôn luận là một quyền hiến định được tòa án bảo vệ mạnh mẽ nhất. Do đó, tiêu chuẩn thẩm định của tòa án liên quan đến việc giới hạn tự do ngôn luận của một người là rất nghiêm khắc.

Rất hiếm khi tòa án đồng ý giới hạn quyền tự do ngôn luận của một người. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, quyền tự do ngôn luận của các bậc cha mẹ vẫn được pháp luật Hoa Kỳ xem nặng hơn quyền bảo vệ sự riêng tư của trẻ em.

Phụ huynh cần chia sẻ hình ảnh con cái của mình một cách chọn lọc và thông minh để bảo vệ cho chúng. Ảnh: The Observer.

Cuộc tranh cãi pháp lý giữa quyền bảo vệ sự riêng tư của trẻ em và quyền được nuôi dạy con theo ý mình cũng như quyền tự do ngôn luận của cha mẹ ở Hoa Kỳ chỉ vừa bắt đầu.

Hiện nay, các luật gia và các nhà tâm lý học Mỹ cho rằng việc nâng cao nhận thức về “sharenting” là tối cần thiết.

Nếu pháp luật không thể ngăn cấm các bậc cha mẹ đăng tải hình ảnh con cái mình lên mạng xã hội, thì họ cần phải chia sẻ những thông tin đấy một cách thông minh.

Họ cần phải tìm hiểu về những mạng xã hội mà họ dùng để đăng tải thông tin về con cái. Ví dụ như dữ liệu được đăng tải sẽ được các công ty đấy sử dụng ra sao? Chính sách bảo vệ các dữ liệu đó là thế nào, liệu có bị tiết lộ hay các cá nhân khác sử dụng không?

Ngoài ra, nếu mục tiêu chung của xã hội và những người làm cha mẹ đều là bảo vệ trẻ em và nuôi dưỡng chúng một cách tốt nhất, thì điều mà các bậc cha mẹ cần làm nhất chính là thể hiện sự tôn trọng đối với con cái.

Khi trẻ em bắt đầu có nhận thức về hình ảnh và thông tin của bản thân, trước khi chia sẻ điều này với cộng đồng mạng, người làm cha mẹ nên hỏi ý kiến con em của mình và hãy gỡ xuống những thông tin mà các em không muốn được phổ biến.

Tài liệu tham khảo:

Sharenting: Children’s Privacy in the Age of Social Media

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.