Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vụ việc vừa qua ở xã Đồng Tâm đã gây chia rẽ đáng kể và củng cố thêm các chia rẽ hiện có trong xã hội Việt Nam, ngay cả sau cuộc “đối thoại lịch sử” giữa chính quyền Hà Nội và dân địa phương.
Xin cố ghép lời bài hát “Ta đã thấy gì trong đêm nay?” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào hoàn cảnh hôm nay, ngày 22/4/2017, sau khi Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến gặp và đối thoại với bà con xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
“Ta đã thấy gì trong đêm nay?
Cờ bay trăm ngọn cờ bay
Rừng núi loan tin đến mọi miền
Gió hòa bình bay về muôn hướng
Ta đã thấy gì trong đêm nay?
Bàn tay muôn vạn bàn tay
Những ngón tay thơm nối tật nguyền
Nối cuộc tình, nối lòng đổ nát
Bàn tay đi nối anh em…”.
Nhưng thực tế không được êm đẹp như trong bài hát: Vụ việc ở xã Đồng Tâm đã gây chia rẽ đáng kể và củng cố thêm các chia rẽ hiện có trong xã hội Việt Nam, ngay cả sau khi đối thoại.
Mâu thuẫn chính quyền – nhân dân
Vụ Đồng Tâm làm nổi bật lên mâu thuẫn bấy lâu nay giữa chính quyền và người dân trong một vấn đề mang tính nguyên tắc cốt tử của thể chế hiện nay: quyền sở hữu đất đai. Sự kiện này đã không xảy ra nếu công an và quân đội không phối hợp cưỡng chế đất của dân cho những mục đích không thỏa đáng và không minh bạch, bất cần đối thoại, tham vấn.
Nó bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết sự nghi ngờ, mất niềm tin của cả hai bên – chính quyền và người dân – vào nhau. Vụ Đồng Tâm có thể đã không kéo dài (từ sáng 15/4 đến chiều 22/4) nếu công an tin được dân mà không tìm cách đe dọa, tấn công dân, và nếu dân tin được công an mà thả con tin. (Thực ra, cho đến giờ phút này, nhiều người vẫn nói rằng thật may mà Đồng Tâm không thả hết 38 cán bộ, chiến sĩ công an ngay một lần, chỉ thả dần dần từng đợt; nếu không, lấy gì đảm bảo họ không bị bắt và truy tố với những tội danh nặng nề?).
Chia rẽ báo chí chính thống – báo chí công dân
Nó gây chia rẽ giữa giới báo chí chính thống và các facebooker – nhà báo công dân. Trong những giây phút căng thẳng đêm 19/4, khi có tin rò rỉ từ xã Đồng Tâm ra ngoài rằng có tới 300 côn đồ đang tấn công vào làng, cộng đồng mạng đã gần như náo loạn. Ngày hôm sau, báo chí “lề phải” trích lời bà con Đồng Tâm nói rằng không có chuyện gì xảy ra cả, chỉ có những tin đồn được tung lên mạng làm nhiễu tình hình. Điều này đã củng cố thêm định kiến của nhiều người về hoạt động đưa tin (nghiệp dư) của các công dân mạng và làm giảm tính chính danh của cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách công bằng rằng: Để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, phần lỗi thuộc về một nhà nước hạn chế tự do ngôn luận và của một nền báo chí bị nhà nước kiểm soát. Ngoài ra, nếu ngay từ đầu chính quyền không làm gì sai thì đã không có vụ Đồng Tâm, và nếu không có mạng xã hội lên tiếng – bình luận, phân tích, mở rộng vấn đề thay vì chỉ đưa tin – thì rất có thể Đồng Tâm đã bị đàn áp trong im lặng như những Nghệ An, Thái Bình, Tây Nguyên năm nào.
Ta nhớ đến triết gia Đức Hannah Arendt với cuốn sách nổi tiếng “Bản tường trình về sự tầm thường của cái ác” (1963) và “thí nghiệm Milgram” nổi tiếng của nhà tâm lý học Đại học Yale, Stanley Milgram (1961), theo đó, một người bình thường có thể làm những điều tàn ác khi họ biết rõ họ sẽ không phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nếu không bị mạng xã hội biết đến và tố cáo sai phạm, nếu không phải chịu hình thức xử lý nào từ cấp trên và dư luận, lực lượng công quyền chẳng có lý do gì để không mạnh tay đàn áp dân chúng, trong vụ Đồng Tâm cũng như tất cả các vụ tương tự.
Chia rẽ trong làng báo
Bản thân làng báo nội chính ở Việt Nam cũng chia rẽ vì sự kiện Đồng Tâm, nhất là sau khi một số cơ quan báo chí (Đài Truyền hình Việt Nam VTV, báo Pháp luật TP. HCM, báo Hà Nội Mới…) đăng tải những bình luận theo hướng phê phán, thậm chí mạ lị người dân Đồng Tâm. Cái đáng nói là, tuy luôn thể hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật”, nhưng tất cả đều chỉ đòi hỏi điều ấy ở người dân mà thôi.
Họ không đả động gì tới những kẻ thực sự đã có hành vi nguy hiểm và phạm pháp: dùng bạo lực cưỡng chế đất đai, bắt người trái phép, hành hung ít nhất một người – cụ Lê Đình Kình, 83 tuổi.
Các tác phẩm báo chí và tác giả đó bị nhiều đồng nghiệp công kích. Làng báo càng thêm rạn nứt.
Một trong các chức năng nguyên thủy của báo chí là giám sát, phản biện chính quyền. Trong trường hợp phải lựa chọn giữa bảo vệ nhân quyền và bảo vệ chế độ, báo chí phải đứng về phía dân, đặc biệt là về phía đám đông thầm lặng, người yếu thế, hay nói đơn giản: Vì dân, không vì cường quyền. Nếu suy nghĩ một cách tiêu cực, có thể hiểu đó là sự dân túy, nhưng một cách tích cực thì nên hiểu đó là công lý.
Tuy nhiên, một số đông nhà báo Việt Nam có vẻ đã quên hoặc không biết đến sự lựa chọn bắt buộc ấy.
Chia rẽ “phe chủ chiến” – “phe chủ hòa”
Có lẽ điều đáng mừng duy nhất trong câu chuyện Đồng Tâm là bạo lực cuối cùng đã không xảy ra. Nhưng cũng chỉ là “có lẽ”, bởi thực tế, có không ít ý kiến trên mạng thể hiện sự thất vọng: Họ muốn dân Đồng Tâm quyết tâm phản kháng, chấp nhận đàn áp và đổ máu. Có thể họ nghĩ rằng như thế, ít ra mâu thuẫn cũng sẽ được đẩy đến cùng để rồi tức nước vỡ bờ, còn hơn là kéo dài tình trạng tranh chấp đất đai như hiện nay.
Ý thức về chính trị, pháp luật còn xa vời
Phần đông người dân trong xã hội Việt Nam dường như không nhận thấy một trong các nghĩa vụ quan trọng nhất của quan chức và chính quyền là bảo vệ quyền lợi của dân, nếu không làm được điều đó thì mất chức.
Để làm được điều đó thì lẽ tất nhiên, quan chức, chính quyền phải lắng nghe dân – nghĩa là phải đảm bảo không gian tự do ngôn luận và đối thoại. Do vậy, việc một quan chức như Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến gặp dân Đồng Tâm để nghe giãi bày là chuyện hết sức bình thường, không có gì phải tán dương.
Song dân chúng đã đón chào ông Chung như đón chào một ông tiên về làng.
Ở dân, điều ấy không đáng trách. Nó chỉ cho thấy dân Việt Nam quá khổ, khi mà hàng chục, hàng trăm năm nay họ đều phải cam phận sống như tầng lớp dưới của chính quyền, không hề có ý thức về sự bình đẳng giữa các công dân, về nghĩa vụ của quan chức với dân…
Ở báo chí – lực lượng luôn tưởng mình đi đầu trong công cuộc khai dân trí – sự tán dương ấy dành cho ông Chung mới là điều đáng ngại.
Tuy vậy, dù sao thì nỗ lực đối thoại của ông Chung với dân Đồng Tâm hôm nay cũng xứng đáng được ghi nhận như là một tiền lệ cho việc quan đối thoại với dân thay vì đối đầu, giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán thay vì bạo lực.
Và cuối cùng, ý niệm về “tam quyền phân lập”, “nhà nước pháp quyền” còn rất xa vời ở Việt Nam, khi mà một lãnh đạo thành phố (nhánh hành pháp) lại quyết định được việc của cả viện kiểm sát, tòa án (nhánh tư pháp), và được báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, được dân vỗ tay vang trời – dù rằng đó là quyết định đúng đắn.