Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Việc phế truất Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã cho thấy mức độ tham nhũng ăn sâu vào Hàn Quốc như thế nào. Nhưng đó cũng là bằng chứng chỉ ra sức mạnh của các thiết chế dân chủ của Hàn Quốc.
Dịch từ John West,
Korea’s corrup Democracy, Asian Century Institute.
Người biểu tình Hàn Quốc đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức sau một vụ bê bối tham nhũng dính dáng tới hàng loạt người khác. Ảnh: mic.com.
Từ độc tài đến dân chủ
Hàn Quốc đã kinh qua một thời kỳ cực kỳ độc tài vào những năm 1960 và 1970 dưới thời tổng thống Park Chung Hee, cha của vị nữ tổng thống Hàn Quốc mới bị phế truất. Tuy nhiên, không gian chính trị của Hàn Quốc vẫn luôn đầy xung đột – đặc biệt với hai vị cố tổng thống hồi những năm 1990 là Kim Young Sam và Kim Dae Jung. Và những cuộc biểu tình của sinh viên Hàn Quốc vẫn cứ luôn tái diễn.
Năm 1987, trong khi các cuộc biểu tình của sinh viên và công đoàn đang lan rộng, thì người được chỉ định kế nhiệm tổng thống là Roh Tae Woo đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử, ấy là tiến hành tổ chức các cuộc bầu cử, và rồi ông đã giành chiến thắng.
Việc chuyển đổi sang nền dân chủ của Hàn Quốc tiếp tục được khẳng định qua cuộc bầu cử vào năm 1992, khi mà Tổng thống Kim Young Sam từ Đảng Tự Do Dân Chủ trung hữu lên nắm quyền. Quá trình chuyển đổi này có tính chất vô cùng quan trọng, bởi lúc đó Kim, một nhà hoạt động dân chủ, đã lên kế vị Roh, một vị tướng quân đội nghỉ hưu từng có mối liên hệ gần gũi với quá khứ độc tài của Hàn Quốc.
Cuộc bầu cử tổng thống năm 1997 đã đưa Kim Dae Jung từ một đảng trung tả lên nắm quyền, tức đảng Quốc Hội Tân Chính. Điều này chứng tỏ rằng nền dân chủ mới của Hàn Quốc có khả năng chấp nhận việc luân chuyển quyền lực giữa các tổng thống cánh hữu và cánh tả. Kim Dae Jung từng bị giam giữ nhiều năm trong nhà tù và cũng từng bị ám sát vài lần, ông thường được coi là “Mandela của châu Á”.
Sự trưởng thành của nền dân chủ Hàn Quốc đã được minh chứng sau đó, khi một vị tổng thống trung tả khác là Roh Moo Hyun được bầu lên nắm quyền vào năm 2002, và sau đó là hai vị tổng thống cánh hữu là Lee Myung Bak (năm 2007) và Park Geun Hye (năm 2012 ). Theo như quan sát của Freedom House thì “chủ nghĩa đa nguyên chính trị ở Hàn Quốc rất mạnh mẽ, khi ngày càng có nhiều đảng cạnh tranh giành lấy quyền lực và thay nhau nắm quyền”.
Sự chuyển dịch của Hàn Quốc từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ là một trong những thành tựu lớn nhất của châu Á thời kỳ hậu chiến. Trong khoảng một thế hệ, Hàn Quốc đã chuyển từ một nước nhận viện trợ nước ngoài trở thành một thành viên của OECD, đây là một nhóm gồm các nền dân chủ phát triển và cũng là các nhà viện trợ. Cựu Tổng thư ký OECD là Donald J. Johnston đã nói rằng, “Hàn Quốc là một tấm gương cho các nền kinh tế thị trường mới nổi khác noi theo”.
Những yếu tố độc tài vẫn tiếp tục tồn tại
Nhưng nền dân chủ của Hàn Quốc vẫn còn rất bê bết bởi cái quá khứ độc tài của mình.
Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, tự do báo chí ở Hàn Quốc bị can thiệp nghiêm trọng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn, điều này khiến cho Hàn Quốc bị xếp vào hạng 70 trên thế giới (trong số 180 quốc gia được khảo sát) theo số liệu năm 2016, thấp hơn mười bậc so với năm 2015. Chính phủ của Park không hề tán thành những chỉ trích, và họ còn đe dọa đến tính độc lập của truyền thông. Việc tranh luận công khai về quan hệ giữa Hàn Quốc với Bắc Triều Tiên là điều bị cấm.
Đáng lo ngại nhất là, vào tháng 3 năm 2016, có tới 74 nhà hoạt động công đoàn bao gồm Chủ tịch Liên Minh Công Đoàn Hàn Quốc (KCTU) bị bắt giữ. 504 thành viên khác của KCTU bị buộc tội “gây cản trở giao thông” khi tham gia cuộc biểu tình diễn ra vào năm 2015.
Khi gia nhập OECD vào năm 1996, Hàn Quốc đã cam kết cải cách luật lao động để phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Tuy nhiên, theo Ủy ban Cố vấn Công đoàn cho OECD (TUAC), thì hiện nay các quyền lao động cơ bản, bao gồm cả quyền tổ chức và thương lượng tập thể không còn được tôn trọng ở Hàn Quốc. Sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động công đoàn vẫn còn là điều hiển nhiên.
“Đáng tiếc là sau 20 năm gia nhập OECD, Hàn Quốc vẫn chưa xây dựng được một hệ thống quan hệ công nghiệp dựa trên các tiêu chuẩn của ILO để giải quyết các xung đột, giảm thiểu sự bất bình đẳng và đảm bảo tiến bộ xã hội. Trong ba năm qua, việc đàn áp công đoàn và hình sự hóa các hoạt động của họ dường như đã trở lại”, John Evans, Tổng thư ký TUAC nói.
Tham nhũng cũng là căn bệnh thường thấy ở những cấp bậc cao nhất trong đời sống chính trị và kinh doanh của Hàn Quốc.
Cố Tổng thống Roh Moo Hyun, người tự tử vì tham nhũng liên quan đến gia đình. Ảnh: The New York Times.
Thật vậy, tất cả các tổng thống được bầu lên một cách dân chủ của Hàn Quốc hoặc gia đình của họ đều dính líu vào những vụ bê bối tham nhũng. Chẳng hạn như khi xảy ra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến gia đình mình, Tổng thống Roh Moo Hyun đã tự tử vào tháng 5 năm 2009. Hay như hồi tháng 6 năm 2000, hội nghị hòa bình mang tính lịch sử của Tổng thống Kim Dae Jung với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il cũng bị tổn hại bởi một vụ tự sát. Chủ tịch Hyundai là Chung Mong Hun đã tự tử khi ông đang đối mặt với cáo buộc phạm tội do ông được cho là đã tiến hành thỏa thuận hối lộ 500 triệu USD cho Kim Jong Il để được tham dự vào hội nghị.
Sự sụp đổ của Tổng thống Park Geun-hye
Thậm chí theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc, thì vụ bê bối tham nhũng dẫn đến phế truất chức vụ tổng thống của Park Geun Hye trong năm 2016-2017 cũng vô cùng ghê gớm.
Người ta cho rằng bạn thân của Tổng thống Park là Choi Soon Sil, một “pháp sư” và là con gái của một nhân vật giáo phái mờ ám, đã thông đồng với Park để moi ít nhất 70 triệu đô-la từ các tập đoàn tài phiệt Hàn Quốc cho hai nguồn quỹ của bà.
Samsung, biểu tượng thực sự của Hàn Quốc, cũng bị cuốn vào vụ bê bối này. Vào tháng 2 năm 2017, người đứng đầu Samsung là Lee Jae-yong đã bị bắt và bị truy tố về cáo buộc hối lộ và biển thủ. Samsung được cho là đã đưa 38 triệu USD cho Choi để đổi lấy sự ưu đãi, đặc biệt là sự ủng hộ của chính phủ cho việc sáp nhập hai chi nhánh của Samsung trong năm 2015 và điều này đã giúp Lee kế thừa việc kiểm soát tập đoàn từ người cha bị liệt của mình.
Vụ bê bối của Tổng thống Park thậm chí còn ảm đạm hơn. Bà dường như bị Choi thao túng, người được cho là đã sai khiến và tác động tới tất cả các quyết định công việc và cá nhân của Park. Choi có thể truy cập vào tài liệu mật và thông tin của Tổng thống. Vụ tai tiếng này được cho là được tiết lộ từ “trai bao” của Choi, người dường như có bất hòa với bà này. Choi đã bị buộc tội lạm dụng thẩm quyền, cưỡng ép và gian lận.
Khi vụ bê bối này được công bố vào tháng 10 năm 2016, tại Seoul đã có những cuộc biểu tình khổng lồ chống lại Tổng thống Park vào mỗi tối thứ bảy suốt hai tháng.
Biển người biểu tình đòi phế truất nữ Tổng thống Park Geun Hye hồi cuối năm 2016. Ảnh: Daily Sun.
Ngày 9 tháng 12 năm 2016, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết buộc tội Park. Công việc lãnh đạo được trao cho một vị Tổng thống tạm quyền là Hwang Kyo Ahn.
Sau đó, vào ngày 10 tháng 3 năm 2017, Toà án Hiến pháp nhất trí ủng hộ việc luận tội. Park đã mất quyền miễn trừ của tổng thống và có thể phải đối mặt với một phiên xử hình sự. Cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm 2017.
(đoạn này bị cắt, xin xem ở phần chú thích)
Như các nhà lãnh đạo Hàn Quốc (gồm cả Park) đã đề xuất trong quá khứ, Tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ cần phải cắt đứt mối ràng buộc chặt chẽ giữa chính phủ với các tập đoàn tài phiệt. Sự hợp tác bền chặt giữa các nhà tài phiệt và chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế của Hàn Quốc từ những năm 1960. Nhưng giờ đây các tập đoàn tài phiệt của Hàn Quốc có vẻ đã trở nên mạnh hơn chính phủ, và mối quan hệ thông đồng giữa các tập đoàn này với chính phủ đang làm tổn hại lớn đến nền dân chủ của Hàn Quốc, và nó cũng là trung tâm của nạn tham nhũng.
(đoạn này bị cắt, xin xem ở phần chú thích)
Cơ may trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc
Tổng thống mới cũng cần phải rút ra những bài học từ trường hợp tham nhũng của Park, và đưa ra những cải cách cho hiến pháp và hệ thống chính trị của Hàn Quốc, như là giảm quyền lực của tổng thống.
Một điểm đáng hoan nghênh mà chúng ta có thể thấy từ vụ bê bối tham nhũng của Tổng thống Park chính là các thiết chế dân chủ của Hàn Quốc vận hành rất tốt, nhờ đó Park đã phải đối mặt với ý chí nhân dân và nền pháp trị.
Các thiết chế này mang đến hy vọng rằng Hàn Quốc có thể cải cách nền dân chủ của mình và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Các cuộc biểu tình rộng lớn có lẽ cũng là bằng chứng cho thấy những công dân Hàn Quốc đã thấm đẫm một tinh thần dân chủ.
Chú thích:
Biên tập viên cắt đoạn dưới đây vì không liên quan trực tiếp đến nội dung chính của bài này và chuyển vào phần chú thích cho những ai muốn tham khảo thêm:
Những thách thức chính trị của Hàn Quốc Moon Jae In, người đứng đầu Đảng Dân chủ trung tả, là người có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây – khi mà đảng cánh hữu của Park đang trong tình trạng hỗn loạn. Giống như các tổng thống theo khuynh hướng tự do trước đây, khả năng cao là Moon sẽ mở lại cuộc đối thoại và hợp tác với Bắc Triều Tiên, thay vì áp dụng đường lối cứng rắn như chính quyền Park và Mỹ đã áp dụng. Mặc dù các biện pháp trừng phạt cứng rắn không ngăn được Bắc Triều Tiên thôi phát triển vũ khí hạt nhân, song trong quá khứ các biện pháp đối thoại và hợp tác cũng không mang lại kết quả gì. Hàn Quốc vẫn chưa có tổng thống kể từ khi Donald Trump đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Mỹ. Cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Bắc Triều Tiên có thể sẽ tạo ra căng thẳng đáng kể với Mỹ, một quốc gia đồng minh thân cận với khoảng 30.000 quân đóng tại Hàn Quốc để bảo vệ nó trước Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc cũng có thể phải đối phó với các mối đe dọa bảo hộ từ Trump và khả năng Hoa Kỳ muốn đàm phán lại hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Hàn Quốc, một quốc gia vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, sẽ chịu bất lợi trước chính sách bảo hộ này. Mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc đang rất căng thẳng, khi mà Trung Quốc phản đối việc Mỹ lắp đặt hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước hệ thống tên lửa của Bắc Triều Tiên. Trung Quốc quan ngại rằng THAAD sẽ cho phép Mỹ do thám lãnh thổ của nó, và do vậy nó đang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Lotte, công ty Hàn Quốc cung cấp đất để lắp đặt THAAD. Trung Quốc cũng đang ngăn chặn khách du lịch đến thăm Hàn Quốc. Mối quan hệ với Nhật Bản cũng ngày càng xấu đi, liên quan tới việc người dân Hàn Quốc phản đối một thỏa thuận của Park với Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui”. Có vẻ như một vị Tổng thống Hàn Quốc theo khuynh hướng tự do sẽ có khuynh hướng hòa giải hơn với Trung Quốc cũng như cứng rắn hơn với Nhật Bản, và điều này hẳn sẽ không làm Mỹ hài lòng, khi mà Mỹ luôn khuyến khích hai đồng minh châu Á của mình cải thiện việc hợp tác với nhau. (…) Về khía cạnh kinh tế trong nước, Hàn Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như mức độ thất nghiệp cao, bất bình đẳng, và tăng trưởng chậm. |