Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Hôm nay, 18/5/2017, Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc đã xuất hiện và hát vang một bài hát đấu tranh dân chủ tại buổi tưởng niệm dành cho những nạn nhân của cuộc nổi dậy của sinh viên thành phố Gwangju, hãng thông tấn Reuters cho biết.
“Những giá trị dân chủ và tự do mà các thanh niên, sinh viên tại Gwangju theo đuổi và đã dùng tính mạng của mình để trả giá, cũng sẽ là những giá trị mà chúng tôi sẽ theo đuổi trong suốt nhiệm kỳ của Moon Jae-in”, ông nói.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của nền cộng hòa Hàn Quốc, một tổng thống đương nhiệm khẳng định rằng, tinh thần dân chủ từ một cuộc nổi dậy do sinh viên lãnh đạo sẽ trở thành kim chỉ nam cho nội các của mình.
Các nhà hoạt động xã hội và các nhà đấu tranh nhân quyền tại Hàn Quốc cho rằng đây là một điều đáng mừng vì danh dự đã được trả lại trọn vẹn cho những sinh viên đã hy sinh trong cuộc nổi dậy tại Gwangju năm 1980.
Vì sao ngày 18/5/1980 lại trở thành một sự kiện lịch sử gây tranh cãi đến thế ở Hàn Quốc?
Hàn Quốc đã sống trong một nền độc tài của Tổng thống Park Chung-hee từ năm 1961-1979.
26/10/1979, Park Chung-hee đã bị Giám đốc Cục Tình báo Trung ương của mình ám sát. Tuy nhiên, thời kỳ thiết quân luật và độc tài lại bị các tướng lĩnh quân đội tiếp tục áp đặt lên người dân Hàn Quốc gần như là ngay lập tức.
Sau khi lật đổ thành công chính quyền dân sự vào tháng 12/1979, tướng Chun Doo-hwan đã trở thành người nắm chính quyền. Rất nhiều cuộc biểu tình do sinh viên tổ chức để phản đối chính quyền quân đội của Chun Doo-hwan đã nổ ra tiếp theo đó.
Để trấn áp, Chun Doo-hwan đã thành lập những binh đoàn đặc biệt có tên là Chân Tâm (True Heart), dành riêng để đối phó với các cuộc biểu tình của sinh viên.
Vào tháng 5/1980, tình trạng thiết quân luật được lập lại sau khi các cuộc biểu tình của sinh viên bùng nổ trên toàn quốc. Tại các thành phố lớn như Seoul, Busan, sinh viên đã liên tục biểu tình phản đối Chun Doo-hwan.
Cùng lúc đó, các sinh viên tại Gwangju cũng tham gia vào phong trào và bắt đầu bằng việc tổ chức một buổi tưởng niệm ôn hòa cuộc đấu tranh chống Nhật của sinh viên vào năm 1929. Thế nhưng, chính phủ Chun Doo-hwan lại quyết định sử dụng biệt đoàn Chân Tâm để trấn áp.
Hiện trường cuộc nổi dậy Gwangju. Ảnh: The Australian.
Vì Gwangju vốn là một thành phố có nền kinh tế yếu ớt và cuộc sống của người dân tại đây thì rất khó khăn. Do đó, phía chính quyền đã xem Gwangju là một phép thử để xem xét mức hữu hiệu của biệt đoàn Chân Tâm.
Vào sáng ngày 18/5/1980, quân đội tiến vào thành phố. Ngay lập tức, họ đã tiến đến Đại học Chonam, tiến hành bắt bớ và trấn áp. Súng đạn đã được sử dụng để đáp trả những đoàn học sinh, sinh viên đang biểu tình ôn hòa. Ngay trong ngày, quân đội đã nổ súng bắn chết nạn nhân đầu tiên, anh Kym Gyeong-cheol.
Các sinh viên không còn cách nào khác là cầm súng và vũ khí tự chế để chống lại sự đàn áp của quân đội. Từ ngày 18-27/5, người dân và sinh viên của Gwangju đã đoàn kết, nương tựa lẫn nhau và đánh bật quân đội ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, ngay trong ngày 27/5, quân đội đã tái chiếm lại được Gwangju sau khi tiến hành phong tỏa và sử dụng xe tăng, trực thăng quân sự, bắn giết, đánh đập và bắt bớ hàng nghìn người.
Hơn 150 sinh viên và thường dân đã chết, hàng trăm người bị bắt giữ, tra tấn, mất tích, và hàng nghìn người bị thương để bảo vệ tự do và dân chủ. Cuộc nổi dậy Gwangju đã chính thức trở thành cột mốc quan trọng đánh dấu tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Hàn Quốc.
Trước khi Hàn Quốc bắt đầu chuyển đổi sang thể chế dân chủ vào năm 1987, cuộc nổi dậy Gwangju đã bị chính quyền bôi đen, và bị xem là một cuộc bạo loạn do vấn đề kinh tế của dân địa phương và những sinh viên tham gia còn bị gán ghép là cộng sản và khủng bố. Việc này vẫn tiếp tục sau đó và chỉ chấm dứt vào năm 1992, khi một nhà đấu tranh dân chủ, Kim Yong-sam, được bầu làm tổng thống. Những nạn nhân ở Gwangju đã phải sống trong mặc cảm nhiều năm trời khi những mất mát và hy sinh của họ hoàn toàn bị chối bỏ.
Phong trào dân chủ Gwangju bị quân đội đàn áp. Ảnh: Getty Images.
Năm 1997, cuộc nổi dậy tại Gwangju mới được chính phủ công nhận là ngày lễ được tưởng niệm trên toàn quốc.
Một nỗ lực đấu tranh nhằm trả lại danh dự cho những người đã nằm xuống vẫn tiếp tục. Và vào năm 2011, những nỗ lực đó đã được ghi nhận qua việc UNESCO công nhận cuộc nổi dậy tại Gwangju là một Ký ức của Thế giới (Memory of the World).
Tuy nhiên, giá trị lịch sử của cuộc nổi dậy Gwangju vẫn tiếp tục bị cản trở ngay tại chính quê hương của nó
Trong vòng 10 năm qua, khi phe cánh hữu nắm quyền lãnh đạo tại Hàn Quốc, những sự kiện tưởng niệm cuộc nổi dậy Gwangju 1980 đã bị chính quyền tìm cách hạn chế.
Đỉnh điểm của những việc này là sự kiện cấm sử dụng bài hát “Xuống đường vì quê hương thân yêu” (A March for The Beloved) trong những buổi lễ tưởng niệm hằng năm dành riêng cho cuộc nổi dậy Gwangju, của chính quyền bảo thủ của Lee Myung-bak từ năm 2009. Sau khi bà Park Geun-hye, con gái của nhà độc tài Park Chung-hee trở thành tổng thống vào năm 2012, lệnh cấm vẫn được gia hạn tiếp tục.
Trong cuộc nổi dậy tại Gwangju, Hàn Quốc vào ngày 18/5/1980, bài hát “Xuống đường vì quê hương thân yêu” đã được sinh viên dùng làm biểu tượng chống lại nền cai trị độc tài.
Bản nhạc này lại tiếp tục được thanh niên, sinh viên, học sinh của Hàn Quốc hát vang trong những cuộc xuống đường đòi hỏi dân chủ tại đất nước này trong những thập niên 80 và 90. Tổng thống tân nhiệm Moon Jae-in cũng được xem là một nhà hoạt động trẻ trong thời kỳ này.
Sự hy sinh của những sinh viên Gwangju không những không được công nhận, mà ngược lại, nó lại lần lượt bị những thế hệ khác nhau của những thế lực chính trị độc tài và cực đoan dùng đủ mọi cách để khiến cho người dân lãng quên thêm lần nữa.
Sau khi trở thành tổng thống ngày 10/5/2017, ông Moon Jae-in đã ngay lập tức ký sắc lệnh bãi bỏ việc cấm sử dụng bài hát “Xuống đường vì quê hương thân yêu” tại buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân của cuộc nổi dậy tại Gwangju.
Tổng thống Moon ngày hôm nay đã có mặt tại Gwangju và cùng hát vang với người dân tại đây:
“Sông núi ngàn năm sẽ nhớ, hồn thiêng đất nước gọi tên chúng ta.
Hãy vững tin tiếp tục tiến bước, vững tin tiếp tục tiến bước!”
Bài viết sử dụng một số tư liệu của May 18 Foundation.