Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bài viết kỳ này giới thiệu đến bạn đọc phương pháp cuối cùng trong bốn tiếp cận dân chủ hóa tại Việt Nam: cách tiếp cận xã hội dân sự.
Cũng giống như phương pháp tham dự, những người ủng hộ xã hội dân sự đề cao việc phê phán các chính sách và quan chức xấu thông qua các thiết chế hợp pháp. Hai cách tiếp cận này tương đồng ở ý tưởng rằng dân chủ không đơn thuần đòi hỏi một hệ thống bầu cử đa đảng – tức đường lối đấu tranh của những người chọn phương pháp đối đầu. Không giống như cách tiếp cận Đảng dẫn dắt, cả hai cách tiếp cận tham dự lẫn xã hội dân sự đều không coi Đảng Cộng Sản (ĐCS) là lực lượng lãnh đạo quá trình dân chủ hóa, mà họ coi Đảng chỉ như một trong nhiều tác nhân của quá trình.
Cách tiếp cận xã hội dân sự
Học giả Benedict J. Tria Kerkvliet, ĐHQG Australia, là người có nhiều năm nghiên cứu về dân chủ hoá, thể chế và vấn đề đất đai ở Việt Nam. Ảnh: ANU.
Tuy nhiên, việc tham dự vào các thiết chế chính quyền không phải là mấu chốt của cách tiếp cận xã hội dân sự. Trọng tâm của phương pháp này là xây dựng môi trường để người dân có thể thảo luận và giải quyết các vấn đề chính trị. Bằng cách tạo ra các tổ chức, mọi người có thể hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy xã hội dân sự – một thiết chế vô cùng cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa.
Theo cách hiểu của nhiều nhà bất đồng chính kiến, xã hội dân sự là các hoạt động có tổ chức nằm bên ngoài khuôn khổ của chính quyền, gia đình và kinh doanh. Các hoạt động như vậy không nhất thiết mang tính chính trị, nhưng phải được tách biệt với nhà nước, vì vậy chúng giúp cho môi trường chính trị trở nên phong phú hơn.
Xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng vào việc dân chủ hóa. Những người ủng hộ cách tiếp cận xã hội dân sự cho rằng dân chủ không tự xuất hiện, chính người dân cần phải đấu tranh cho nó theo một cách hòa bình mà không làm ảnh hưởng đến xã hội và nền kinh tế. Cuộc đấu tranh đó đến từ các tổ chức xã hội dân sự, mỗi tổ chức theo đuổi mục đích riêng của họ và các tổ chức này sẽ tương tác với nhau vì một lợi ích chung.
Những người ủng hộ cách tiếp cận xã hội dân sự cho rằng, dân chủ đòi hỏi người dân biết cách nói lên tiếng nói của mình, song cũng biết lắng nghe, đối thoại và thỏa hiệp với người khác. Bằng cách tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự, người dân sẽ được thực hành các hoạt động này. Các công dân trong một nền dân chủ cũng cần hiểu biết đầy đủ về các lợi ích của họ, về các mối quan tâm của người khác và về các vấn đề quốc gia. Chính vì vậy, người dân cần phải được tiếp cận với đa dạng các nguồn tri thức.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang A
Nguyễn Quang A, người chủ trương cách tiếp cận xã hội dân sự, cho rằng mục tiêu chính là phải làm cho Việt Nam trở thành “một dân tộc giàu có, một quốc gia mạnh mẽ, một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”. Theo ông, trở thành một nền dân chủ không có nghĩa là phải bắt đầu bằng một hệ thống chính trị đa đảng, thậm chí điều này có nhiều khả năng gây ra hỗn loạn cho Việt Nam, nhất là trong tình hình như hiện nay.
Ông nói, chủ nghĩa đa nguyên chính trị “có mục đích tự thân, là kết quả của một quá trình [dân chủ hóa]”. Quá trình đó bao gồm việc phát triển một nền văn hoá chính trị mà tại đó người dân biết cách tranh luận, tôn trọng quan điểm của người khác và biết cách tìm kiếm thông tin. Nó đòi hỏi “người dân hiểu rõ các quyền của họ, biết cách sử dụng các quyền này, và liên tục gây áp lực lên chính quyền để cải thiện môi trường khiến cho các quyền của họ có thể được thực hiện một cách hiệu quả”.
Để có thể sống một cách dân chủ, Việt Nam cần thời gian và sự thực hành, và vì vậy “các tổ chức xã hội dân sự đóng một vai trò rất lớn”. Theo ông, điều quan trọng không kém chính là sự tự do báo chí và thông tin minh bạch.
Bắt đầu từ năm 2006, nếu không muốn nói là sớm hơn, Nguyễn Quang A đã công khai ủng hộ dân chủ hoá hệ thống chính trị của Việt Nam, một quá trình mà chính ĐCS sẽ tham gia nếu nó đủ khôn ngoan và muốn phục vụ đất nước. Quan điểm này của ông xuất phát từ nhiều kinh nghiệm riêng của bản thân trong suốt quá trình hoạt động.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vốn là một doanh nhân, trở thành một trong những người tích cực nhất trong cộng đồng các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký lẫn không có đăng ký ở Việt Nam. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Nguyễn Quang A sinh ra ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1946, năm bắt đầu cuộc chiến chống thực dân Pháp. Cha ông đã hi sinh trong cuộc chiến này.
Năm 1965, chính phủ cử ông đi du học tại Hungary, tại đây ông nhận bằng tiến sĩ về khoa học thông tin vào năm 1975. Sau khi trở về Việt Nam vào năm 1976, ông gia nhập quân đội. Năm 1983 ông trở lại Hungary, trở thành một nhà nghiên cứu khoa học và một giáo sư.
Về lại Việt Nam vào năm 1987, ông rời quân đội, làm việc cho chính phủ trong một thời gian ngắn, rồi chuyển từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu kinh doanh gia công phần mềm. Năm 1989, ông cùng với những người khác xây dựng một trong những công ty thiết bị máy tính đầu tiên của đất nước, và vào năm 1993, ông cùng một nhóm doanh nhân thành lập một ngân hàng tại Hà Nội, đây là một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam sau năm 1975.
Ngoài kinh nghiệm kinh doanh, nghiên cứu, quân sự và làm việc trong chính phủ, ông cũng là một đảng viên ĐCS (1978-1993). Ông đọc rất nhiều sách, bao gồm cả sách tiếng Hungary lẫn tiếng Anh về kinh tế và khoa học chính trị, ông còn dịch một số cuốn sang tiếng Việt.
Dự án lớn đầu tiên của ông nhằm thúc đẩy xã hội dân sự là Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS). Được thành lập vào tháng 9 năm 2007, IDS cho rằng trí thức phải đóng góp các phản biện công khai về chính sách. Nhiệm vụ của họ là nghiên cứu, thảo luận và công bố các khuyến nghị về kinh tế, giáo dục, y tế, phát triển nông thôn và các chủ đề khác.
Nguyễn Quang A giữ vai trò lãnh đạo Viện. Theo ông, Viện chính là cơ quan nghiên cứu chính sách độc lập đầu tiên ở Việt Nam. Được quản lý bởi một hội đồng gồm các học giả nổi tiếng, IDS thường tổ chức các hội thảo công khai, tại đó các chuyên gia trình bày các bài báo đã được thảo luận và đăng trên trang web của mình.
Những hoạt động này thường hướng tới chỉ trích các chính sách của chính phủ. Đầu năm 2009, một số quan chức cáo buộc IDS chống đối nhà nước; và vào tháng 7, Thủ tướng đã cấm các nhà nghiên cứu không được công khai các tài liệu làm mất uy tín “sự chỉ đạo, tư tưởng, hay chính sách của Đảng và Nhà nước”. Theo lệnh cấm này, các chuyên gia chỉ được phép gửi các ý kiến phản biện, chỉ trích đến riêng các cơ quan có thẩm quyền.
IDS đã phản đối kịch liệt yêu cầu này nhưng vô ích. Thay vì hoạt động trong điều kiện hạn chế như vậy, IDS đã tự giải thể vào tháng 9 năm 2009.
Sau đó, Nguyễn Quang A đã có nhiều đóng góp tập thể quan trọng nhằm thúc đẩy Việt Nam theo con đường dân chủ. Một trong số đó là kêu gọi thảo luận công khai về Hiến pháp của quốc gia vào năm 2013.
Khi Quốc hội công khai bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào cuối năm 2012, ông và khoảng một chục người khác (nhiều người là thành viên cũ của IDS) đã nhận thấy đây là cơ hội để người dân thảo luận về loại chính phủ họ mong muốn. Nhóm của ông đã viết một bài phê phán bản dự thảo Hiến pháp của Quốc hội, đồng thời kêu gọi những ý kiến đóng góp của người khác để hoàn chỉnh bản hiến pháp kiến nghị, và sau đó thu thập sự ủng hộ. Tài liệu này được gọi là Kiến nghị 72, tên gọi này xuất phát từ số người ban đầu tham gia ký tên.
Điểm chính của Kiến nghị 72 là, nó coi hiến pháp sửa đổi của Quốc hội “chắc chắn không phải là một hiến pháp dân chủ” khi các nhánh chính quyền không được tách biệt và không đảm bảo “các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, và biểu tình”.
Vào giữa tháng 1 năm 2013, Kiến nghị 72 được phát hành lên Internet cùng với một bản Hiến pháp kiến nghị về một chính phủ dân chủ. Đến tháng 5, hơn 14.400 người Việt Nam đã ký tên vào bản Kiến nghị, kết quả này đã khuyến khích nhiều người đưa ra các ý tưởng khác về mô hình chính quyền của Việt Nam.
Mặc dù cuộc thảo luận này ít có tác động đến bản Hiến pháp sửa đổi 2013, song Nguyễn Quang A vui mừng vì nhóm của ông đã giúp tạo ra một cuộc tranh luận rộng rãi.
Một hoạt động khác của ông là Diễn đàn Xã hội Dân sự, được ông và những người khác thành lập vào tháng 9 năm 2013. Mục tiêu của Diễn đàn là “tập hợp và thảo luận những quan điểm góp phần chuyển đổi hệ thống chính trị của đất nước từ độc tài sang dân chủ một cách hòa bình”.
Với mục đích này, cũng như mong muốn phát triển “xã hội dân sự, thiết chế cần thiết cho một nền dân chủ”, Diễn đàn đã tạo ra một trang web để truyền tải “các ý tưởng của tất cả các tổ chức, nhóm và cá nhân chia sẻ mục tiêu chung”. Diễn đàn cũng hợp tác với các tổ chức khác vì các mục tiêu như chống bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, và ủng hộ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Các thành viên cũng đã tìm cách điều hành Diễn đàn này một cách dân chủ.
Tuy thực hiện nhiều hoạt động lớn, song cảnh sát chưa bao giờ bắt Nguyễn Quang A, mặc dù họ thường xuyên quấy rầy ông. [Sau khi bài viết này của Giáo sư Benedict J. Tria Kerkvliet được đăng tải năm 2014, ông Nguyễn Quang A đã nhiều lần bị bắt và giam giữ dưới một ngày tại sân bay và nhiều địa điểm khác – ND]
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Một nhà vận động xã hội dân sự khác là Phạm Chí Dũng, sinh năm 1966 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông là một nhà báo và cũng là một nhà kinh tế học.
Nhà báo Phạm Chí Dũng là lãnh đạo của một trong các tổ chức xã hội dân sự không có đăng ký của giới nhà báo Việt Nam hiện nay. Ảnh: Dân News.
Bắt đầu từ cuối những năm 1980, ông đã viết nhiều tài liệu cũng như các bài báo về tình hình đất nước. Trong giai đoạn 2011-2012, khi vẫn là một viên chức chính phủ, ông đã viết một loạt các bài báo về tham nhũng bằng nhiều bút danh khác nhau. Ông bị bắt vào năm 2012 với cáo buộc phân phối tài liệu nhằm lật đổ chính quyền cũng như cấu kết với các nhóm đối lập ở nước ngoài. Cảnh sát giam giữ ông trong sáu tháng mà không chính thức kết tội, song sau đó họ đã thả ông. Sau đó, cảnh sát thường xuyên quấy rầy ông.
Vào giữa năm 2013, ông tuyên bố rời khỏi ĐCS, ông cho rằng “ĐCS không còn phục vụ và đại diện cho lợi ích của người dân nữa”.
Trong một bài báo kỷ niệm sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam, Phạm Chí Dũng đã lưu ý đến những thiếu sót của nó. Ông hoan nghênh số lượng ngày càng tăng của các tổ chức “độc lập” – tức các tổ chức tự thành lập mà không xin phép chính quyền hoặc đăng ký với chính quyền.
Theo ông, một ví dụ tiêu biểu là nhóm Bauxite Việt Nam ra đời năm 2009. Gần đây hơn là nhóm Kiến nghị 72, nhóm mà ông coi là rất quan trọng đối với Việt Nam hệt như Hiến chương 77 của Tiệp Khắc vào cuối những năm 1970-1980. Ông cũng vui mừng vì sự thành lập Hiệp hội các cựu tù nhân lương tâm Việt Nam vào năm 2014.
Ông nói thêm rằng, số lượng các tổ chức xã hội dân sự độc lập ngày càng tăng cho thấy rằng “cái thời” mà mọi người sợ bày tỏ quan điểm trái ngược với chế độ “đang dần dần qua đi” và “hệ thống độc tài của đất nước đang thay đổi hướng tới một hệ thống đa nguyên”. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, ông cho rằng chất lượng của nhiều tổ chức rất thấp, “họ không hoạt động tích cực và các thành viên thường thuộc về nhóm người lớn tuổi. Ông cho rằng “cuộc đấu tranh cho dân chủ” cần phải có những khuôn mặt mới, các tổ chức xã hội dân sự phải có các thành viên đến từ các thế hệ khác nhau, cũng như cần có sự hợp tác giữa các nhóm.
Vào tháng 7 năm 2014, Phạm Chí Dũng và một số người khác đã thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông trở thành chủ tịch Hội.
Hai trong số các mục đích của Hội này là bảo vệ các nhà báo “bị sách nhiễu, bắt giữ, bỏ tù, hoặc khủng bố” và phản đối các luật lệ “dùng để đàn áp tự do báo chí”. Hoạt động chính của Hội là xuất bản một tờ báo trực tuyến hàng ngày, tên là Việt Nam Thời Báo, trong đó đăng tải những bài viết về các sự kiện kinh tế, xã hội và chính trị ở Việt Nam mà phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước không đưa tin.
Ban đầu hiệp hội có 42 thành viên gồm cả nam và nữ, ở các độ tuổi khác nhau và đến từ nhiều vùng của đất nước. Ngay sau khi ra đời, nó đã hợp tác với các tổ chức khác.
Triển vọng hội tụ các cách tiếp cận
Từ khoảng năm 2012-2013, những nhân vật chính của cách tiếp cận đối đầu và cách tiếp cận tham dự có xu hướng đồng tình với giải pháp xã hội dân sự.
Năm 2008, Nguyễn Vũ Bình – một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng theo phương pháp đối đầu – đã lập luận rằng, để loại bỏ chế độ, phong trào dân chủ cần phải có “sức mạnh để tấn công vào các điểm yếu của ĐCS và nhà nước của nó”. Theo ông, “điều kiện cần là phải có một tổ chức cộng đồng gồm những người đấu tranh cho dân chủ”, và đây là “một điều kiện tiên quyết cơ bản” cho sự thành công mà những người tham gia phong trào phải nhận thức.
Tuy nhiên, đến năm 2014, Nguyễn Vũ Bình cho rằng Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức có thể dẫn dắt phong trào, “và cũng không biết khi nào sẽ có một tổ chức như thế”. Và thậm chí nếu có đi chăng nữa thì kết quả vẫn rất mơ hồ. Chế độ này đã có “tám mươi năm kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh chính trị”, với “quân đội, cảnh sát, lực lượng an ninh, và sức mạnh từ 30 tới 40 triệu người được hưởng lợi từ hệ thống hiện tại”.
Với hoàn cảnh như vậy, ông kết luận rằng giờ đây Việt Nam phải dựa vào xã hội dân sự để có thể tiến hành dân chủ hóa. Ông kêu gọi “phát triển xã hội dân sự ở nhiều khía cạnh của cuộc sống”, hướng các tổ chức theo các khuynh hướng chính trị, và kết nối với những người tiến bộ trong Đảng và nhà nước.
Trong khi đó, một số người ủng hộ cách tiếp cận tham dự, vốn vẫn hoài nghi các tổ chức, các cuộc biểu tình, và các kiến nghị chống lại chính phủ, gần đây đã bắt đầu ủng hộ các hành động tập thể. Ví dụ, Lê Hồng Hà (một nhà bất đồng chính kiến chủ trương cách tiếp cận tham dự) viết vào năm 2012 rằng “trong vòng hai năm trở lại đây, một phong trào cải thiện đất nước đã tăng tốc và được củng cố”. Ông trích dẫn các cuộc biểu tình ủng hộ Cù Huy Hà Vũ, các cuộc biểu tình phản đối việc xâm chiếm của Trung Quốc và các kiến nghị phản đối khai thác bauxite. “Nhìn chung, các lực lượng tiến bộ dưới nhiều hình thức khác nhau và với các quan điểm khác nhau đang gia tăng”.
Tương tự, đến năm 2013, Lữ Phương, một người ủng hộ cách tiếp cận tham dự, đã phấn khởi khi nhận thấy phong trào chính trị đa dạng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ông cho rằng mọi người “đang gieo hạt giống để đến một lúc thích hợp, đất nước sẽ thay đổi”. Theo ông, một trong những nhiệm vụ cấp thiết trước mắt để hỗ trợ phong trào chính là “khuyến khích và hỗ trợ việc thành lập các tổ chức xã hội dân sự”.
Đến nay [2014], chúng ta vẫn chưa rõ liệu các nhà bất đồng chính kiến có thể đi tới chỗ đồng thuận như vậy hay không. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là, trong những năm gần đây các nhà bất đồng chính kiến đã bắt đầu cộng tác với nhau, dẫu họ đến từ các cách tiếp cận dân chủ hóa khác nhau. Dù thế nào chăng nữa, những nhà đấu tranh vì dân chủ và phong trào dân chủ hóa cũng đã tạo ra dấu ấn không thể xóa nhòa trong lịch sử Việt Nam.
* Bài sử dụng ảnh bìa của tác giả Hoàng Thành.
(Hết)