Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Lo lắng trước việc nhánh hành pháp của Tổng thống Donald Trump đang dần bỏ rơi các giá trị nhân quyền trong chính sách đối ngoại, Thượng nghị sĩ John McCain, lão tướng của Thượng viện Hoa Kỳ, đã phải đăng đàn trên The New York Times ngày 8/5.
Trong bài xã luận “Tại sao chúng ta phải ủng hộ nhân quyền” của mình, ông John McCain thẳng thừng chỉ trích phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
“…Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng đặt ra các điều kiện quá nặng nề về giá trị [nhân quyền] tạo ra rào cản trong việc gia tăng các lợi ích quốc gia của chúng ta. Với những lời lẽ đó, Ngoại trưởng Tillerson đã gửi một thông điệp với người dân bị đàn áp ở khắp nơi [trên thế giới], rằng: Đừng hy vọng gì vào nước Mỹ”.
Ít ai ở Washington D.C. có tiếng nói trọng lượng hơn John McCain trong các vấn đề nhân quyền toàn cầu. Không đơn giản chỉ vì ông từng là hạ nghị sĩ trong 4 năm, đã 6 lần liên tiếp trúng cử thượng nghị sĩ với tổng thời gian tại chức đến nay là 31 năm, và từng đại diện cho đảng Cộng hoà cạnh tranh chức tổng thống với Barack Obama vào năm 2008. Ông có tư cách mà không ai có: cựu tù nhân chiến tranh trong nhà tù Bắc Việt Nam.
John McCain kể rằng, trong những tháng ngày bị giam tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), ông và các bạn tù đã được động viên như thế nào, khi nghe được tin ông Ronald Reagan, khi đó là Thống đốc bang California, thường bảo vệ họ và kêu gọi người Mỹ không được quên họ. Nhờ vậy, bất chấp những lời khẳng định từ phía Việt Nam rằng chính phủ và người dân Hoa Kỳ đã bỏ rơi họ, ông vẫn nuôi hy vọng “trở về nhà trong danh dự vẹn toàn vào một ngày nào đó”.
Việc bị tra tấn trong thời gian bị cầm tù dẫn đến thương tật vĩnh viễn của John McCain đã khiến ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở các quốc gia độc tài. Trong nhiều lần đến thăm Việt Nam, ông đều tìm cách gặp riêng các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền như Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân, và Phạm Đoan Trang.
Thượng nghị sĩ John McCain cùng phái đoàn Thượng viên Hoa Kỳ gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam tại Hà Nội ngày 28/5/2015. Ảnh: FB Nguyễn Chí Tuyến.
Trong bài xã luận của mình, TNS John McCain kể: “Vài năm trước, tôi nghe Natan Sharansky, một biểu tượng nhân quyền, nhớ lại về việc ông và các đồng sự đấu tranh của mình ở Liên bang Xô-viết đã được tiếp thêm lòng can đảm từ những tuyên bố thay mặt họ của Tổng thống Ronald Reagan như thế nào. Ngôn từ đã vươn tới những trại cưỡng bức lao động [ở Liên Xô], nói rằng nhà lãnh đạo của đất nước hùng mạnh nhất trên Trái Đất đã lên tiếng bảo vệ quyền tự quyết của họ. Nước Mỹ, thông qua hình ảnh vị tổng thống, cho họ hy vọng, và hy vọng là sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại cường quyền”.
John McCain cũng chỉ trích những người cho rằng quan điểm của Ngoại trưởng Tillerson là thẳng thắn và thực tế.
“Nếu họ nói thực tế nghĩa là chính sách [đối ngoại] phải bám vào cái thế giới vốn có, chứ không phải cái thế giới chúng ta mong muốn có, thì họ không thể sai lầm hơn được nữa”.
“Tôi tự nhận là một người thực tế. Dĩ nhiên tôi nhìn thế giới như nó vốn có chứ không phải như tôi mong muốn có. Những gì tôi nhận ra là thật ngu xuẩn khi cho rằng sự thực tế và lý tưởng là hai thứ xung khắc với nhau, hay cho rằng sức mạnh và sự thịnh vượng của chúng ta bị những đòi hỏi về công lý, đạo đức, và lương tâm kìm hãm”.
McCain cho rằng, thực tế thế giới hiện nay chính là đòi hỏi về nhân quyền và nhân phẩm, là khao khát tự do, công lý và cơ hội, là sự căm ghét cường quyền, tham nhũng và cái ác.
“Bằng cách chối bỏ những thực tế này, chúng ta cũng chối bỏ luôn nguyện vọng của hàng tỷ người, và khơi gợi sự phẫn uất của họ”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được cho là sẽ sắp xếp lại trật tự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ảnh: MANDEL NGAN/AFP/Getty Images.
Trên thực tế, quan điểm của Ngoại trưởng Tillerson, cựu Giám đốc điều hành của hãng dầu lửa Exxon Mobile, tỏ ra phù hợp với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” (America First) của Tổng thống Donald Trump, vốn liên tục kêu gọi đặt các lợi ích an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của nước Mỹ lên hàng đầu. Trong khi đó, nhân quyền từ lâu luôn được đặt lên các bàn đàm phán thương mại, như một yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia đối tác của Mỹ. Rào cản mà nhân quyền tạo ra đối với giới làm ăn kinh doanh là có thật.
Tuy vậy, với John McCain, “những quyền đó là quyền chung của tất cả mọi người: các quốc gia, nền văn hoá, và các tôn giáo không thể lựa chọn chối bỏ chúng một cách đơn giản như vậy”.
“Nhân quyền tồn tại trên cả quốc gia, trước cả lịch sử. Không có chính quyền nào có quyền lấy lại hay ban phát. Nhân quyền sống trong nhân tâm, và ở nơi đó, tuy có thể bị chèn ép, nhưng chúng không thể nào bị bóp nghẹt”, ông viết.
Phản bác lập luận của Ngoại trưởng Tillerson cho rằng nhân quyền tạo ra gánh nặng cho an ninh quốc gia và nền kinh tế, John McCain nhấn mạnh rằng nước Mỹ là kiến trúc sư trưởng của cái trật tự thế giới hiện hành, vốn đã khiến cho nước Mỹ giàu có hơn và hùng mạnh hơn, đồng thời cũng nhờ đó mà chưa bao giờ trong lịch sử, nhân loại được sống trong tự do và no ấm đến mức như vậy.
“Giá trị của chúng ta là sức mạnh, và là tài sản vĩ đại nhất. Chúng ta khác với mọi quốc gia không phải vì chúng ta hình thành từ một mảnh đất hay một bộ lạc hay một nòi giống nào đặc biệt, mà từ lý tưởng coi tự do là quyền bất khả phân ly của con người, thuận theo lẽ tự nhiên và Tạo hoá”, ông viết.
TNS John McCain cảnh báo rằng, việc bỏ rơi nhân quyền trong chính sách đối ngoại sẽ làm tổn hại tốn uy tín và sức mạnh của nước Mỹ trong lịch sử. Và trong quá khứ, nếu nước Mỹ không coi những giá trị nhân quyền của mình là trọng tâm, họ sẽ không thể có được vị trí ngày nay trên bản đồ thế giới.
“Chúng ta đã nhìn thế giới như nó vốn có và chúng ta đã làm cho nó tốt đẹp hơn”, TNS John McCain viết.
* Bài có sử dụng tư liệu dịch của Facebooker Hưng Phạm Ngọc.