Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tối ngày 27/5/2017, ông Phan Châu Thành, một công dân Việt Nam và Ba Lan, bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Trao đổi với Luật Khoa tạp chí, bà Hà Thị Huệ Chi, vợ ông Thành, cho biết: “Tôi cùng chồng về Việt Nam lần này để giải quyết công việc. Chúng tôi cùng xuất trình hộ chiếu Việt Nam ở cửa khẩu nhưng tôi được nhập cảnh còn chồng tôi thì bị cán bộ xuất nhập cảnh dẫn vào một phòng riêng”.
Bà Chi được một nhân viên cửa khẩu nói rằng họ không có nghĩa vụ thông báo cho bà lý do ông Thành bị giữ lại. Tuy nhiên, khoảng hai giờ đồng hồ sau đó, bà liên lạc được với ông Thành qua điện thoại và được ông Thành nói rằng nhân viên an ninh đã tịch thu và mang đi tất cả giấy tờ của ông, bao gồm cả hộ chiếu và vé máy bay.
“Còn tôi thì được họ đưa cho vé lấy hành lý của cả tôi và anh Thành, nhưng cũng không thông báo gì thêm”, bà Chi nói.
Khoảng 12:00 đêm, bà Chi được một nhân viên an ninh thông báo ông Thành bị cấm nhập cảnh vì lý do “an ninh”.
“Tôi yêu cầu cung cấp văn bản thì họ từ chối, cũng không giải thích gì thêm, chỉ cho tôi chụp lại vé máy bay mới của anh Thành. Tôi nói rõ với họ là họ không có quyền cấm công dân Việt Nam nhập cảnh vào chính đất nước mình”, bà Chi cho biết.
Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Theo thông tin ghi trên vé, ông Phan Châu Thành sẽ phải rời Việt Nam trên chuyến bay VN522 khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh đi Shanghai (Thượng Hải) vào lúc 6:50 phút sáng ngày 28/5.
Nhầm lẫn của cơ quan an ninh?
Ngay khi làm việc xong với các nhân viên an ninh và có thể truy cập Internet trở lại, ông Thành đã thông báo trên Facebook: “Các đồng chí an ninh đưa một loạt bài trên Dân Luận/Dân Làm Báo ký tên Phan Châu Thành rồi bảo đấy là của mình, từ chối không cho nhập cảnh. Vấn đề là mình đã đủ trình độ viết thế đâu?”
Luật Khoa đã liên lạc được với ông Phan Châu Thành và ông xác nhận những thông tin trên là chính xác.
Ông Phan Châu Thành là một doanh nhân ở Ba Lan. Ông cho biết ông tốt nghiệp ngành Luật, Đại học Warsaw năm 2006 và nhập quốc tịch Ba Lan năm 2012.
Luật Khoa đã xác minh các bài viết ký tên “Phan Châu Thành” trên hai trang Dân Luận và Dân Làm Báo. Có 50 bài ký tên như vậy được đăng trên Dân Luận từ năm 2010 đến nay và rất nhiều bài khác được đăng trên Dân Làm Báo.
Tuy nhiên, trong một bài viết đăng năm 2014 trên Dân Luận, tác giả “Phan Châu Thành” nói rằng ông thuộc thế hệ 5x. Trong khi đó, ông Phan Châu Thành, người bị cấm nhập cảnh, sinh năm 1978.
Tác giả “Phan Châu Thành” cũng tiết lộ năm 16 tuổi, lớp ông tiễn 8 người bạn vào chiến trường Quảng Trị và cả 8 người đều hi sinh. Ông Phan Châu Thành sinh năm 1978, nghĩa là sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc được 3 năm.
Trong một bài viết khác, tác giả “Phan Châu Thành” nói ông từng làm việc 10 năm tại một cơ quan nhà nước, là “một giám đốc kỹ thuật kiên quyết không vào đảng” và sau đó bỏ cơ quan nhà nước ra ngoài làm ăn. Thông tin này cũng không ăn nhập với tiểu sử học luật và làm việc tại Ba Lan của ông Phan Châu Thành.
Các bài viết của tác giả “Phan Châu Thành” trên Dân Luận cho thấy ngoài việc trùng tên, hai ông còn ít nhất hai điểm chung là từng đi học ở Đông Âu và hiện nay đều là doanh nhân. Có thể đây là lý do khiến ông Phan Châu Thành bị cấm nhập cảnh?
Luật Khoa tạp chí đã liên hệ với Đồn Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất để xác minh vụ việc nhưng được trả lời rằng họ “chỉ là trực ban” và không thể xác minh được thông tin vụ cấm nhập cảnh này.
Ông Thành vốn là người thường xuyên tham gia các sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam ở Ba Lan. Ông có mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Ba Lan và đồng thời là người tài trợ cho một số dự án phát triển cộng đồng ở Việt Nam như Sách hoá Nông thôn, Nhà Chống Lũ. Ông cũng là người tài trợ cho Luật Khoa tạp chí như chúng tôi đã công bố.
Trả lời phỏng vấn Luật Khoa tạp chí, ông Nguyễn Quang Thạch, Giám đốc dự án Sách hoá Nông thôn, nói vợ chồng ông Thành đã “giúp cho nhiều trẻ em nông thôn có sách đọc”.
“Anh Thành luôn đồng quan điểm với tôi là chúng ta cần nỗ lực nâng cao dân trí để xã hội phát triển trong hòa bình. Nhóm Tủ Sách của anh Thành đã làm được hơn 300 tủ sách cho vùng sâu, vùng xa”.
Tháng 12/2013, một công dân Việt Nam khác là Phạm Văn Điệp cũng bị an ninh cửa khẩu từ chối cho nhập cảnh Việt Nam khi đáp xuống sân bay Nội Bài.
Điều 23, Hiến pháp Việt Nam quy định công dân Việt Nam “có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966, trong đó có điều khoản “không ai bị tước đoạt một cách tuỳ tiện quyền được trở về nước mình”.