Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một sinh viên đại học Mỹ tình cờ phát hiện ra một cơ hội sửa đổi Hiến pháp và đã dành 10 năm sau đó để biến cơ hội này thành hiện thực.
Đó là vào năm 1982, tại Đại học Texas chi nhánh Austin, khi cậu sinh viên 19 tuổi Gregory Watson phải viết một bài luận về chính quyền. Cậu lên thư viện và bắt đầu dán mắt vào những cuốn sách về Hiến pháp Mỹ, chủ đề yêu thích của cậu. Và cậu đã phát hiện ra một điều thú vị.
“Chừng nào còn sống thì tôi sẽ không bao giờ quên chuyện này”, Watson nhớ lại. “Tôi mở một cuốn sách ra, trong đó có một chương về những tu chính án mà Quốc hội (liên bang) đã chuyển xuống cho cơ quan lập pháp các bang nhưng chưa có đủ số bang phê chuẩn để có thể trở thành một phần của Hiến pháp”.
Tu chính án hiến pháp (constitutional amendment) là văn bản sửa đổi, bổ sung hiến pháp.
Watson để ý đến dự thảo tu chính án sau:
“Không đạo luật nào thay đổi mức chi trả cho công việc của các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ được có hiệu lực cho đến khi có một cuộc bầu cử hạ nghị sĩ”.
Nguyên văn: “No law varying the compensation for the services of the Senators and Representatives shall take effect until an election of representatives shall have intervened.”
Vào thời điểm Watson phát hiện ra dự thảo tu chính án này, các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ Mỹ có quyền bỏ phiếu tăng lương và trợ cấp cho… chính mình, trong nhiệm kỳ hiện tại của mình. Nghĩa là người bỏ phiếu cũng đồng thời là người hưởng lợi từ chính lá phiếu đó. Đây rõ ràng là một xung đột lợi ích.
Nhà lập hiến James Madison đã nhìn ra được điều đó và trình dự thảo tu chính án này ra Quốc hội năm 1789, nghĩa là cùng thời điểm với 10 tu chính án đầu tiên về nhân quyền (The Bill of Rights). Ông muốn rằng mọi đạo luật điều chỉnh lương, trợ cấp cho các thành viên Quốc hội không được có hiệu lực trước cuộc bầu cử Hạ viện nhiệm kỳ tiếp theo.
Quốc hội liên bang, vào năm 1789, đã phê chuẩn tu chính án này, nhưng nó chỉ có hiệu lực nếu được ít nhất 3/4 quốc hội các bang phê chuẩn. Và nó đã không thể gom đủ số bang cần thiết để chính thức trở thành tu chính án.
Nhưng đây mới là điều thú vị: Bản dự thảo tu chính án này không có thời hạn phê chuẩn. Nghĩa là sau gần 200 năm, nó vẫn có thể có hiệu lực nếu 3/4 số bang đồng ý.
Quả là một phát hiện chấn động! Watson bèn làm tiểu luận về dự thảo tu chính án này và lập luận rằng nó vẫn có thể được phê chuẩn.
Kết quả thật đáng thất vọng. Giáo viên trợ giảng cho anh điểm C, nghĩa là tương đương điểm 2 trong thang điểm 4.
Watson không đồng ý và yêu cầu giáo sư bộ môn, Sharon Waite, chấm phúc khảo bài luận của mình. Giáo sư sau này nhớ lại: “Tôi lướt qua bài luận nhưng không thấy có gì đặc biệt cả, và tôi nghĩ điểm C có lẽ là ổn rồi”.
Hầu hết mọi người sẽ chấp nhận điểm số như vậy, nhưng Gregory Watson thì không.
“Ngay lúc đó, ngay tại đó, tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ làm cho nó được phê chuẩn”, ông nói. Và hành trình 10 năm của ông bắt đầu.
Vận động các nhà làm luật
Nước Mỹ vào năm 1982 không còn giống năm 1789 nữa. Thay vì chỉ có 13 bang miền Đông, nó đã phình to sang bờ biển phía Tây, kết nạp luôn cả Alaska ở gần Bắc Cực và quần đảo Hawaii chơ vơ giữa Thái Bình Dương vào “câu lạc bộ” của mình. Tất cả là 50 bang.
Như vậy, Watson sẽ cần tối thiểu 38 bang phê chuẩn dự thảo tu chính án này. 9 bang đã phê chuẩn, hầu hết là từ năm 1789. Ông phải thuyết phục thêm Quốc hội của 29 bang khác nữa.
Watson viết thư cho các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của Quốc hội liên bang, hỏi xem họ có biết ai ở các Quốc hội bang có thể giúp thúc đẩy vụ này không. Hầu hết không trả lời. Nếu có trả lời thì cũng là họ không biết, hoặc họ cho rằng dự thảo tu chính án này đã cũ quá rồi.
Nhưng may thay, một Thượng nghị sĩ nhận lời giúp. Đó là ông William Cohen, người sau này trở thành Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Ông chuyển dự thảo tu chính án này cho một ai đó ở bang Maine của ông, rồi người này lại chuyển cho một ai đó nữa, và rồi bản tu chính án này được Quốc hội bang Maine thông qua vào năm 1983.
“Tôi chợt nghĩ, ‘thắng lợi đầu tiên đây rồi, việc này có thể thành công đây'”, Watson nhớ lại.
Rồi ông bắt đầu viết hàng chục lá thư cho các nhà làm luật ở khắp các bang. Sau một thời gian, ông bắt đầu có kết quả. Bang Colorado thông qua tu chính án này năm 1984. Năm tiếp theo có thêm 5 bang nữa. Trong ba năm 1986, 1987 và 1988 mỗi năm đều có thêm ba bang. Và riêng năm 1989 đã có thêm 7 bang nữa.
Vào năm 1992, 35 bang đã phê chuẩn tu chính án này. Chỉ còn ba bang nữa thôi. Sau 10 năm ròng rã viết thư, nói chuyện ngọt nhạt lẫn bêu xấu các ông bà ở Quốc hội, cậu sinh viên điểm kém năm nào đã gần chạm tới đích.
Ngày 5/5/1992, có thêm hai bang Alabama và Missouri “nhập hội”. Và chỉ hai ngày sau đó, Watson nhận được một cuộc điện thoại, báo rằng Quốc hội Michigan cuối cùng đã thông qua Tu chính án thứ 27 của Hiến pháp Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ.
Hành trình hơn 200 năm của bản dự thảo tu chính án này đã kết thúc. Giờ đây nó chính thức trở thành một phần của Hiến pháp Mỹ.
“Tôi đã tự thưởng cho mình một bữa thịnh soạn ở một nhà hàng khá đắt tiền”, Watson nhớ lại.
Hoá ra một cá nhân nhỏ bé cũng có thể làm được cái việc cực kỳ khó khăn là tu chính Hiến pháp. Trên thực tế thì từ đó đến nay, nước Mỹ chưa có thêm bất kỳ bản tu chính án nào.
“Tôi muốn chứng tỏ là chỉ cần một người cực kỳ tận tuỵ, cực kỳ lớn tiếng và nhiệt huyết cũng có thể làm được việc này”, Watson nói. “Tôi nghĩ là tôi đã chứng tỏ được điều đó”.
Sau chiến thắng này, Watson còn phát hiện ra là bang Mississipi chưa phê chuẩn Tu chính án thứ 13 về bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông thúc họ thông qua, và rồi họ đã thông qua vào năm 1995. Tất nhiên việc này cũng chỉ mang tính biểu tượng mà thôi vì Tu chính án này đã có hiệu lực từ trước đó 130 năm rồi.
Sửa điểm bài luận
Về phần bà Sharon Waite, giáo sư cũ của ông Watson ở Đại học Texas Austin, cuộc sống của bà sau này không được thuận lợi lắm. Bà rời Austin đến Nam Texas với hy vọng tìm được một vị trí giảng dạy ở đó nhưng vận may đã không mỉm cười với bà.
“Tôi đã cảm thấy tội nghiệp cho những năm tháng học hành của mình. Bạn biết đấy, cuối cùng chẳng có gì cả”, Waite nói.
Nhìn vào đống sách vở, đồ đạc đã thu thập trong suốt những năm học thạc sĩ và tiến sĩ của mình, bà tự hỏi “Tất cả những thứ này để làm gì đây?”.
Rồi đến một ngày, bà nhận được một cuộc điện thoại của một người đang viết sách về các tu chính án.
“Họ hỏi là ‘Có phải bà dạy ở Đại học Texas Austin vào đầu những năm 80 không?’, tôi trả lời ‘Đúng vậy'”, Waite nhớ lại.
“Rồi họ hỏi ‘Bà có biết rằng một trong các sinh viên của bà, Gregory Watson, đã theo đuổi việc thông qua bản tu chính án hiến pháp này bởi vì bà đã cho anh ta điểm kém hay không?'”.
Bà Waite ngã ngửa người ra.
“Nhiều người nói rằng bạn chẳng bao giờ biết được bạn ảnh hưởng thế nào tới người khác và tới thế giới. Và giờ, ở cái tuổi 70, tôi trở nên rất, rất tin vào điều đó”, bà nói.
“Tôi tự nói với bản thân rằng, chỉ bằng cách cho một sinh viên số điểm mà anh ta chẳng mong muốn, tôi đã ảnh hưởng đến Hiến pháp Mỹ nhiều hơn bất kỳ giáo sư đồng nghiệp nào từng nghĩ đến chuyện đó. Thật mỉa mai!”.
Biết được chuyện này, bà Waite nói cậu sinh viên Watson ngày nào không đáng bị điểm C như vậy.
“Lạy Chúa tôi, cậu ta đã chứng minh một cách rất chắc chắn là cậu ta biết cách vận hành bản Hiến pháp như thế nào, cũng như cách tham gia tích cực vào chính trị và ý nghĩa của nó”.
“Vì thế, vâng, tôi nghĩ cậu ta đáng được điểm A sau nỗ lực đó – điểm A+”.
Bà Waite đã làm đúng như vậy.
Vào ngày 1/3/2017 vừa qua, bà chính thức ký giấy thay đổi điểm số của Watson. Cuối cùng, 35 năm sau khi sinh viên Gregory Watson yêu cầu phúc khảo bài luận của mình, ông cũng được chữa điểm C thành điểm A.
—
Lược dịch từ The Bad Grade That Changed The U.S. Constitution, 5/5/2017 (NPR).