Nguyên thượng tá công an tháp tùng Thích Minh Tuệ đến Ấn Độ; nhà nước tiếp tục hạn chế quyền lập hội
Các sự kiện nổi bật: * Thích Minh Tuệ bắt đầu hành trình đến đất Phật * Project 88: Nghị định 126
Nước Pháp đã có một tổng thống trẻ nhất trong lịch sử, vượt qua Louis Napoléon, Tổng thống nền Cộng hoà thứ hai, năm 1848 lúc 40 tuổi, và Giscard d’Estaing chủ nhân điện Elysée khi 48 tuổi, năm 1974.
Nhưng phía trước Emmanuel Macron là một rắc rối lớn gần như không có cách nào khắc phục được. Đó là khả năng ông phải chia sẻ quyền lực hành pháp với một Thủ tướng bất đồng quan điểm với mình.
Vấn đề nằm ở chỗ, Hiến pháp Pháp trao cho tổng thống quyền bổ nhiệm thủ tướng và quyết định bổ nhiệm này phải được Quốc hội thông qua. Điều đó gần như luôn luôn đồng nghĩa với việc thủ tướng phải đến từ phe đa số trong Quốc hội, mà tổng thống không phải khi nào cũng được phe đa số trong Quốc hội ủng hộ.
Như vậy, luôn tồn tại khả năng là Macron sẽ phải chấp nhận bổ nhiệm một thủ tướng thuộc… phe đối lập với mình.
Chuyện này đã từng xảy ra ba lần trước đây. Đó là khi Tổng thống François Mitterrand của đảng Xã hội cánh tả phải chia sẻ quyền lực với vị Thủ tướng Jacques Chirac của phe cánh hữu từ 1986 tới 1988. Sau khi tái đắc cử, ông lại phải bổ nhiệm một thủ tướng đối lập khác từ 1993 tới 1995. Đến khi Jacques Chirac đắc cử tổng thống năm 1995, ông cũng phải “chung sống” với một Thủ tướng đối lập trong 5 năm (1997-2002).
Không giống như tổng thống Mỹ vốn nắm toàn quyền hành pháp, tổng thống Pháp chỉ nắm được quyền ngoại giao và quốc phòng, quyền giải tán quốc hội và trưng cầu dân ý, cũng như quyền bổ nhiệm ba thẩm phán của Hội đồng Hiến pháp – cơ quan bảo hiến của nước này.
Vị Tổng thống trẻ tuổi Macron thừa hiểu ông không thể đề xuất bất kỳ dự luật nào ra Quốc hội mà không được vị Thủ tướng của ông đồng ý. Và cho dù Thủ tướng đồng ý đưa luật đó ra Quốc hội và được Quốc hội thông qua thì người thực thi đạo luật đó vẫn là Thủ tướng chứ không phải Tổng thống. Nói cách khác, thủ tướng mới là người quản trị các công việc hàng ngày của quốc gia chứ không phải tổng thống.
Vấn đề của Macron là ông thậm chí còn không có nổi một đảng chính trị trong tay chứ đừng nói đến việc có được đa số ghế trong Quốc hội. Ông trúng cử nhờ lập ra một phong trào, chứ không phải một đảng phái. Hãy chờ xem phong trào này có thể làm gì trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 11 và 18/6 tới.
Một số ứng cử viên mà phong trào En Marche! của Tổng thống tân cử Macron giới thiệu ra ứng cử Quốc hội. Ảnh: En Marche!
Hành pháp hai đầu – lỗ hổng của Hiến pháp
Bản Hiến pháp 1958 của nước Pháp đã khai sinh ra một thể chế bán đại nghị. Mặc dù bản Hiến pháp này đã tăng thêm quyền cho vị trí tổng thống nhưng nó vẫn tránh tập trung quá nhiều quyền lực vào trong tay một người.
Tuy vậy, người Pháp đã không dám đi đến cùng đường. Sinh ra thiết chế hành pháp hai đầu, nhưng họ đã không dám xác định mối liên hệ giữa hai cái “đầu” đó. Họ chỉ biết tới một yêu cầu có tính nguyên tắc là quyền lực phải được và chỉ có thể được khống chế bởi quyền lực, vì thế các cơ chế quyền lực phải độc lập với nhau.
Đây chính là lỗ hổng của hiến pháp.
Trường hợp đa số trong Quốc hội thuộc cùng một đảng chính trị với tổng thống, việc tạo ra một thủ tướng là người đứng đầu một chính phủ có tính độc lập tương đối theo Hiến pháp, trong đảng sẽ hình thành hai lãnh tụ, chính là nguồn gốc của sự phân hoá, dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ đảng. Ở trường hợp ngược lại, nếu có sự trung thành và phục tùng vô điều kiện của thủ tướng, nguy cơ độc chế và chuyên quyền của tổng thống là một thực tế khó tránh.
Trường hợp đa số trong Quốc hội không cùng đảng hoặc thuộc đảng đối lập, xuất hiện hiện tượng gọi là “chung sống” (cohabitation) trong hệ thống hành pháp như đã nói ở trên.
Đây lại là một lỗ hổng nữa của hiến pháp.
Đa số của Quốc hội cũng là bầu chọn của toàn dân, nhưng lại là kết quả bầu chọn cho một đường lối chính trị khác, một chương trình kinh tế – xã hội khác với đường lối chính trị và chương trình kinh tế – xã hội mới được lựa chọn trước đó chưa đầy hai tháng. Như vậy có thể coi cuộc bầu cử quốc hội phủ nhận cuộc bầu cử tổng thống chỉ sau hơn một tháng.
Chính phủ với hai thiết chế mâu thuẫn, thậm chí đối kháng và loại trừ nhau khó có thể là một chính phủ hiệu quả.
Jacques Chirac và François Mitterrand đã phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” với nhau trong sự nghiệp chính trị đỉnh cao của mình. Ảnh: La Parisien.
Cần thay đổi hiến pháp
Tình trạng hành pháp hai đầu như trên tỏ ra không hiệu quả và cần phải thay đổi. Chỉ có hai lựa chọn là tập trung hầu hết quyền hành pháp vào tay tổng thống hoặc thủ tướng.
Nếu tập trung vào tay tổng thống thì hiến pháp phải đảm bảo chương trình của tổng thống là chương trình cao nhất, là khuôn khổ quy định hoạt động của chính phủ.
Điều này dẫn đến cuộc bầu cử quốc hội nhằm mục đích thành lập một chính phủ độc lập chỉ còn mang tính hình thức, và trở thành không cần thiết. Để đảm bảo một chính phủ phục vụ tổng thống, chỉ cần thủ tướng và nội các do tổng thống trực tiếp chỉ định.
Quốc hội sẽ chỉ là cơ quan phê chuẩn luật của chính phủ và giám sát hành vi của chính phủ căn cứ trên hiến pháp. Chức năng của quốc hội sẽ không còn là tìm kiếm đa số để lập ra chính phủ mà chỉ lựa chọn ra những đại biểu chân chính nhất đại diện cho nguyện vọng và ý chí của toàn dân. Chức năng này đòi hỏi các đại biểu phải thực sự là tinh hoa trí tuệ và phẩm hạnh đại diện của toàn dân.
Mô hình này sẽ khiến cho tổng thống có nhiều quyền hành hơn. Để có thể kiểm soát khả năng cực đoan, chỉ cần duy trì quy định thể thức bầu cử tổng thống bắt buộc phải qua hai vòng.
Nếu không sửa hiến pháp, xác suất xảy ra khả năng Macron phải bổ nhiệm một Thủ tướng thuộc phe đối lập là rất cao, vì ông có rất ít khả năng có đa số trong Quốc hội.
Nếu tập trung quyền hành pháp vào tay thủ tướng như các mô hình đại nghị thông thường thì thủ tướng sẽ do phe đa số trong Quốc hội chọn ra.
Khi đó, tổng thống chỉ là người đại diện mang tính hình thức cho chủ quyền quốc gia và lợi ích tổng thể của mọi thành phần xã hội. Điều kiện đầu tiên để trở thành tổng thống sẽ phải là người không đảng phái. Tổng thống phải thể hiện tính trung lập, bảo vệ và cân bằng lợi ích tổng thể, giữ vai trò trọng tài và kiến tạo phát triển.
Tổng thống sẽ là người cuối cùng phê chuẩn các đạo luật do chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua, là người giám sát và kiểm soát hành vi của thủ tướng và chính phủ. Như vậy, tổng thống là người đủ năng lực và phẩm chất bảo vệ hiến pháp và trung thành với lợi ích tổng thể toàn xã hội, không cần phải gắn kết với một chương trình kinh tế xã hội nào nữa.
Tài liệu tham khảo:
Why Emmanuel Macron faces a huge problem if he becomes French president, 30/3/2017, The Local