Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngày 12/5, chỉ hai ngày sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Moon Jae-in đã cho bãi bỏ toàn bộ sách giáo khoa lịch sử do chính phủ tiền nhiệm của bà Park Geun-hye ban hành, tờ South China Morning Post dẫn lời hãng thông tin AP cho biết.
Vốn dĩ, kể từ năm 2011, sách giáo khoa ở Hàn Quốc đều do các nhà xuất bản tư nhân biên soạn và phát hành, kể cả sách lịch sử. Các trường học có toàn quyền quyết định loại sách giáo khoa họ muốn dùng.
Tuy nhiên, sau khi giành được ghế Tổng thống vào năm 2012, bà Park – con gái của nhà độc tài Park Chung-hee – đã yêu cầu Bộ Giáo dục nước này tổ chức viết lại sách giáo khoa lịch sử và dự định sẽ ép các trường cấp 2 và cấp 3 phải sử dụng từ năm 2017.
Lý do được chính phủ của bà đưa ra là các sách giáo khoa lịch sử do tư nhân xuất bản hiện nay quá thiên tả, không đánh giá đúng bản chất cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, có xu hướng “thân Bắc Triều Tiên” và ít nói đến những vi phạm nhân quyền của chính quyền miền Bắc.
Nhưng đây mới là điều được nhiều người chú ý: chính phủ cho rằng sách giáo khoa tư nhân xem nhẹ những thành tựu dưới thời kỳ độc tài của Park Chung-hee, đặc biệt là những thành tựu công nghiệp hoá.
Theo South China Morning Post, Thủ tướng Hàn Quốc hồi năm 2015 là Hwang Kyo-ahn đã tuyên bố “chúng ta không thể tiếp tục cho phép sử dụng những sách giáo khoa lịch sử xuyên tạc và đầy thiên kiến để dạy những đứa trẻ yêu quý của chúng ta nữa. Chúng ta phải sửa lại cách xuất bản sách giáo khoa lịch sử để có thể có sách giáo khoa đúng”.
Vào tháng 1/2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục nước này đã công bố bản chính thức của các sách giáo khoa này và nói, “chúng ta cần phải xây dựng nhận thức lịch sử sao cho khuyến khích những cách nhìn tích cực về lịch sử của chúng ta”.
Phe chỉ trích thì ngay lập tức nhận thấy là bộ sách giáo khoa mới này đã phóng đại thành tựu kinh tế thời Park Chung-hee và chỉ lướt qua vài vi phạm nhân quyền của ông này. Đơn cử là đoạn này: “Kết quả của những nỗ lực kích thích xuất khẩu của chính phủ là kim ngạch xuất khẩu nhảy vọt 40 phần trăm trong mọi năm”.
Nữ Tổng thống mới bị phế truất Park Geun Hye cùng cha Park Chung Hee vào giữa những năm 1970. Ảnh: EPA.
Khi còn là lãnh đạo phe đối lập hồi năm 2015, ông Moon Jae-in đã chỉ trích gay gắt chương trình này: “Thế này không khác gì độc tài trắng trợn. Không có nền dân chủ tự do nào trên thế giới lại có sách giáo khoa lịch sử do nhà nước ban hành cả”. Làn sóng phản đối cũng dâng cao ở Hàn Quốc, kéo theo các cuộc biểu tình của cả giới giáo viên và các nhà sử học.
Khi tuyên bố bãi bỏ bộ sách giáo khoa này ngày 12/5 vừa qua, người phát ngôn của Tổng thống nói: “Sách giáo khoa lịch sử do nhà nước ban hành là biểu tượng của cách giáo dục lịch sử cứng nhắc trong quá khứ và là biểu hiện của lối giáo dục chia rẽ con người bằng cách ép buộc họ phải chọn phe”.
Để hiểu rõ hơn bối cảnh của vấn đề này, chúng ta cần trở lại năm 1974, khi Tổng thống độc tài Park Chung-hee lần đầu tiên ban bố sách giáo khoa lịch sử nhằm kiểm soát cách thế hệ trẻ suy nghĩ về mình và về tính chính danh của chế độ của ông. Việc này xảy ra chỉ hai năm sau khi ông ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc.
Sau 18 năm ở đỉnh cao quyền lực, ông bị chính Giám đốc Cục Tình báo Trung ương giết chết vào năm 1979. Tuy nhiên, bộ sách giáo khoa này vẫn được duy trì trong các trường học cho đến đầu những năm 2000, bất chấp Hàn Quốc đã bắt đầu dân chủ hoá từ năm 1987.
Vào năm 2003, một số nhà xuất bản tư nhân bắt đầu được phát hành sách giáo khoa lịch sử và một số trường học bắt đầu được chọn học theo bộ sách của tư nhân. Đến năm 2011 thì sách giáo khoa lịch sử của nhà nước hoàn toàn bị bãi bỏ, chỉ còn sách tư nhân.
Việc bà Park lạm dụng quyền lực để can thiệp vào sách giáo khoa lịch sử được cho là để cứu vãn thanh danh của cha bà. Nhưng bà chưa kịp hoàn thành công việc này thì đã bị phế truất và bỏ tù hồi tháng 3 vừa qua.