Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Trung Quốc vẫn đã và đang liên tục tuyên bố chủ quyền và xây dựng cơ sở hạ tầng trên quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là ở đảo Phú Lâm (Woody Island).
Nhiều nhà quan sát cho rằng đảo Phú Lâm chính là một bản thiết kế mẫu cho các công trình sau này của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Do đó, họ tập trung phân tích việc Trung Quốc tiến hành xây dựng cơ sở quân sự ở đảo này.
Tuy nhiên, Shinji Yamaguchi – nghiên cứu viên cao cấp ở Viện Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một chuyên gia về chính trị và chính sách an ninh của Trung Quốc – lại cho rằng rất cần phải tìm hiểu cả các hoạt động phi quân sự mà Trung Quốc đang thực hiện.
Trong bài viết được CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế – Hoa Kỳ) đăng ngày 17/4 vừa qua, ông Shinji Yamaguchi cho biết, Trung Quốc có cả một kế hoạch tổng thể để dựng nên một chính quyền cấp tỉnh ở khu vực tài phán của Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough, và bãi ngầm Macclesfield. Văn phòng trụ sở của chính quyền này nằm trên đảo Phú Lâm.
Ông cũng nói rõ: Kể từ năm 2012, Beijing (Bắc Kinh) có chính sách đặc biệt ưu tiên cho hoạt động của các cấp chính quyền địa phương trên Biển Đông, coi việc xây dựng và vận hành chính quyền ở đó như một cách để thiết lập một đầu mối trung tâm thực thi luật biển, hải quan và tổ chức mạng lưới tình báo.
Ông Shinji Yamaguchi nhận định rằng các vụ việc gần đây mà Trung Quốc góp mặt, như lần va chạm với chiến hạm Impeccable của Mỹ vào năm 2009, xung đột tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippines năm 2012, rồi triển khai dàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981 năm 2014, đều cho thấy Beijing đang phối hợp mọi biện pháp, cả quân sự lẫn hành pháp, dân quân biển, để đạt mục đích khẳng định chủ quyền.
Tuy nhiên, biện pháp hàng đầu mà Trung Quốc sử dụng là các biện pháp phi quân sự, như canh phòng bờ biển (tuần duyên) hoặc thăm dò, khai thác tài nguyên. Đây là cách làm rất khôn khéo để thay đổi nguyên trạng (status quo) của khu vực và bình thường hóa, chính thức hóa quyền tài phán của họ. Thật ra, cũng không phải chỉ mình Beijing làm như vậy – nhiều nước khác đều dùng biện pháp phi quân sự để củng cố yêu sách chủ quyền của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước sử dụng hoạt động phi quân sự nhiều nhất, kể cả về quy mô lẫn ảnh hưởng.
Một trong những dự án phi quân sự là việc thành lập thành phố Sansha (Tam Sa). Ngày 17/7/2012, Trung Quốc chính thức tuyên bố thành lập Sansha (bao gồm cả đảo Hainan [Hải Nam]), đặt văn phòng trụ sở trên đảo Phú Lâm, và quản lý các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khắp Biển Đông.
Ông Shinji Yamaguchi cho rằng “quyền quản lý nhà nước mà Beijing trao cho Sansha dường như là một sự cố ý, nhằm tăng cường kiểm soát về mặt chính trị các đảo và cấu trúc địa lý đang tranh chấp” với các nước trong khu vực.
Ông cũng dẫn lời người đứng đầu nhà nước Trung Quốc – Chủ tịch Xi Jinping (Tập Cận Bình). Ông Xi từng phát biểu về tầm quan trọng và định hướng tương lai của thành phố Sansha, cũng như nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của nó.
Vào tháng 4/2013, khi đi thăm đảo Hainan, Xi Jinping chỉ đạo tỉnh đảo này thành lập một “chính phủ vận hành tốt” ở Sansha, để “đáp ứng bốn mục tiêu mà Đảng (tức là đảng Cộng sản Trung Quốc) đề ra trên Biển Đông”: bảo vệ quyền, bảo vệ ổn định, bảo tồn môi trường biển, và phát triển. Để đạt các mục tiêu đó, chính quyền Sansha đã và đang theo đuổi ba hoạt động cụ thể: 1. phối hợp hành pháp; 2. phát triển mạng lưới tình báo và thu thập thông tin; 3. và cải thiện điều kiện sống của cư dân trên đảo.
Trước hết, về hành pháp, chính quyền Sansha thúc đẩy cái mà họ gọi là “phối hợp quân-cảnh-dân” (tức là quân đội, cảnh sát và dân thường), và xây dựng Trung tâm Phối hợp Quân-Cảnh-Dân để hỗ trợ cho hoạt động hành pháp trên biển. Cụ thể, Trung tâm là nơi chia sẻ thông tin, lên chương trình thực thi luật biển, chỉ huy cảnh sát và dân quân biển.
Sansha cũng sẽ xây dựng trụ sở ủy ban nhân dân, trung tâm văn hóa, đồn bốt dành cho dân quân, một trung tâm chỉ huy thời chiến, và nhiều hầm tránh bão.
Quyền chủ quyền và quyền tài phán Quyền chủ quyền (sovereign rights) là các quyền mà quốc gia ven biển được hưởng trên cơ sở chủ quyền của họ đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, cũng như đối với những hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đó vì mục đích kinh tế, chẳng hạn như sản xuất năng lượng từ nước, từ hải lưu và từ gió. Quyền tài phán (jurisdiction) là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển được quy định, cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên đảo, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia đó. (Nguồn: Biên Giới Lãnh Thổ – Uỷ ban Biên giới Quốc gia, dựa theo UNCLOS 1982) |
Sansha đã củng cố các yêu sách về quyền tài phán của nó trong khu vực quần đảo Hoàng Sa bằng việc tổ chức tuần tra và tập trận. Ở đây, tập trận diễn ra cả trong lĩnh vực phối hợp hành pháp giữa quân, cảnh và dân, và trong hoạt động đào tạo, huấn luyện thanh kiểm tra tàu thuyền nước ngoài, tìm kiếm, cứu hộ. Khi dân quân và/hoặc cảnh sát biển Trung Quốc phát hiện ra tàu thuyền nước ngoài câu cá “trái phép”, chẳng hạn vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa mà Beijing đặt ra, thì họ sẽ báo cáo sự việc đến lực lượng đồn trú ở Sansha; lực lượng này sẽ xác định vị trí của tàu nước ngoài đó và báo cho cơ quan hành pháp Trung Quốc bắt giữ.
Hainan và Sansha cũng đã phối hợp xây dựng mạng lưới tình báo và thông tin trên Biển Đông. Mạng lưới tình báo sử dụng thiết bị được đặt tại các đảo hoặc các cấu trúc địa lý do Trung Quốc chiếm hữu thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, để đảm bảo nắm được tình hình ở các vùng biển quanh đó và hỗ trợ mọi hoạt động quân sự trong khu vực. Quân ủy Hainan đã xây hàng chục đồn hải quân và thiết lập một mạng lưới thông tin thăm dò. Các đồn hải quân này đều là những cơ sở thông tin, được trang bị radar, hệ thống định vị tàu bè, camera theo dõi và kính viễn vọng cực mạnh. Thông tin tình báo thu thập được sẽ được chuyển cho Trung tâm Phối hợp Quân-Cảnh-Dân ở Sansha, cơ quan này sau đó sẽ chỉ đạo các cơ quan hành pháp.
Shinji Yamaguchi trích dẫn một báo cáo cho biết, hơn 50.000 tàu cá Trung Quốc có trang bị hệ thống vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu) và thường xuyên nhận tài trợ từ chính quyền Trung Quốc. Từ đó, có thể thấy chắc chắn có sự phối hợp giữa chính quyền Beijing và đội tàu cá trong việc thu thập thông tin.
Bí thư đảng ủy, Thị trưởng Sansha Xiao Jie (Tiêu Kiệt) gần đây có nói với tờ Hainan Daily về kế hoạch xây dựng một trạm quan trắc môi trường trên bãi cạn Scarborough. Tiết lộ của Xiao Jie gây ra sự phẫn nộ lớn trong cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc cứ bí mật, dần dần xây công trình ở các khu vực đang tranh chấp. Tuần sau đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận thông tin trên của Thị trưởng Sansha và bác bỏ luôn chuyện Trung Quốc có những kế hoạch như vậy.
Tuy thế, các hoạt động có chủ đích của Sansha nhằm củng cố chủ quyền là có thật.
Và cuối cùng, thành phố Sansha đã nỗ lực nâng cao mức sống của cư dân trên đảo. Các công trình xây dựng gần đây có cả bệnh viện, trường học cho con em quân nhân, một nhà máy lọc nước, và nhiều cơ sở vui chơi giải trí.
Thông qua nâng cao mức sống và đưa gia đình các quân nhân ra đảo, Sansha có thể duy trì một lượng dân cư nhất định cho “thành phố”. Bên cạnh đó là hoạt động giao thông vận tải dân sự thường xuyên giữa đảo với đại lục, thậm chí có cả các chuyến du lịch biển quanh khu vực Hoàng Sa dành cho những du khách đã được kiểm tra, thanh lọc rất kỹ.
Những điều này giúp củng cố yêu sách chủ quyền trên danh nghĩa của Trung Quốc, để từ đó kiểm soát thực tế các đảo.
Nhà nghiên cứu Shinji Yamaguchi cho rằng Trung Quốc có một kế hoạch rất tổng quát đối với quần đảo Hoàng Sa, nhằm tạo ra một thực thể chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự đầy đủ trên Biển Đông. Chính quyền địa phương là một thành tố quan trọng trong kế hoạch đó, mặc dù chính quyền được dựng lên đó luôn phải phối hợp với đại lục, và Beijing luôn là nơi có tiếng nói cuối cùng.
Là người Nhật, bản thân ông Shinji Yamaguchi cũng nhận định rằng các diễn biến trên biển Hoa Nam rất cần được theo dõi, rất có giá trị, ở chỗ chúng có liên quan đến tình hình biển Đông Hải, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Trung Quốc càng ngày càng cố thể hiện sự kiểm soát của họ đối với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) bằng cách triển khai các tàu tuần duyên đến hiện trường, và đi qua những vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố là thuộc vùng tiếp giáp, thậm chí lãnh hải của họ. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa bộc lộ ý đồ thành lập một đơn vị hành chính cai quản Senkaku.
Tình hình ở biển Hoa Nam và Đông Hải khác nhau ở nhiều khía cạnh. Quan trọng nhất là quần đảo Senkaku vẫn nằm trong sự kiểm soát về hành chính của Nhật Bản. “Tuy nhiên, trong tương lai, nếu Trung Quốc thành lập một đơn vị hành chính có quyền tài phán đối với Senkaku, thì đó sẽ là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị leo thang” – tác giả Shinji Yamaguchi khẳng định.
Trung Quốc vừa đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá lần thứ 18. Theo đó, từ ngày 16/5 đến ngày 1/8, hoạt động đánh bắt cá sẽ bị cấm trên biển Hoa Nam (tức Biển Đông), tại các vùng biển mà Beijing cho là thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, nghĩa là kể cả Trường Sa và Hoàng Sa. Beijing ra lệnh cấm này thường niên, kể từ năm 1999. Năm nay là năm thứ 18 lệnh cấm đánh bắt cá được họ áp đặt trên Biển Đông – cấm mọi hình thức, chỉ trừ đánh bắt bằng lưới rê đơn hoặc các phương pháp khác được Trung Quốc chấp thuận. (Tân Hoa Xã) |