Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
5. Giúp duy trì sự tồn tại của các nước độc tài đồng minh chiến lược hoặc quan trọng về phương diện kinh tế.
Trong những năm vừa qua, sự lớn mạnh của Trung Quốc đã tác động mạnh mẽ tới trật tự chính trị thế giới. Sức ảnh hưởng này không chỉ đến từ sức mạnh kinh tế và quân sự của nó, mà còn từ những kỹ thuật cai trị độc đoán mà nó áp dụng và truyền bá ra cộng đồng các nước độc tài, theo Giáo sư Chính trị học Andrew J. Nathan của Đại học Columbia (Mỹ).
1. Khuyến khích các chế độ độc tài bằng sự thành công của chính nó
Bằng việc chứng tỏ bản thân có thể vừa phát triển kinh tế vừa cai trị kiểu độc tài, Trung Quốc đang tạo ra một niềm hy vọng mới cho các nhà độc tài ở khắp nơi trên thế giới.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã áp dụng vô số các kỹ thuật cai trị khác nhau để đảm bảo trật tự. Họ đàn áp những người chống đối một cách quyết liệt bằng bạo lực, đẩy các tổ chức xã hội dân sự chân chính, những người bất mãn chính trị, và các tổ chức tôn giáo độc lập ra ngoài vòng pháp luật.
Đồng thời, chính quyền Trung Quốc tự phát triển một hệ thống truyền thông chuyên nghiệp, và họ tiến hành kiểm duyệt chính trị nhằm giữ vững vị thế độc tôn của mình. Tuy chấp nhận nguồn hỗ trợ từ các chính phủ và các quỹ quốc tế, song họ lại không cho phép nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước tiếp cận các nguồn ấy. Và quan trọng nhất, họ đã có thể kiểm soát tầng lớp trung lưu bằng cách đưa những thành viên của tầng lớp này vào hệ thống chính trị.
Các chế độ độc tài trên toàn cầu đã coi cách quản lý Internet của Trung Quốc là một mô hình đáng học hỏi. Trung Quốc hiện nay vừa có thể làm lợi nhờ cho phép kết nối mạng internet một cách rộng rãi, song vẫn không chịu những tác động về mặt chính trị.
Bức Vạn lý Tường lửa (The Great Firewall) của Trung Quốc tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn chặn các thông tin mà họ cho là “xấu, độc” từ bên ngoài. Ảnh: CNN.
Để làm được điều này, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp kiểm soát Internet, chẳng hạn như kiểm soát các đường truyền (cho phép chính quyền ngắt hoặc tiếp cận vào các trang web cụ thể), ban hành các quy định pháp lý yêu cầu cả người cung cấp và người dùng Internet phải chịu trách nhiệm cho những gì họ đăng tải, và phát triển một mạng lưới “an ninh mạng” rộng lớn để giám sát những gì được đăng tải trên mạng.
Trung Quốc cũng sử dụng một bộ lọc để người dân không thể tìm thấy các chủ đề nhạy cảm như Tiananmen (Thiên An Môn), các vấn đề ở Tibet (Tây Tạng). Tường lửa (Firewall) ngăn các công dân Trung Quốc tiếp cận với các tin tức quốc tế và các website nước ngoài mà chính quyền coi là không thân thiện hoặc mang tính chỉ trích. Chính quyền Trung Quốc cũng mở rộng mô hình kiểm soát này tới các loại hình truyền thông xã hội khác như tin nhắn điện thoại và các dịch vụ chat.
Trung Quốc cũng đi đầu trong việc sử dụng các biện pháp an ninh để kiểm soát những người bất mãn chính trị. Trong khi các lực lượng như cảnh sát thường trực, dân quân, và những kẻ giết người thuê vẫn còn được sử dụng để giải quyết các bất ổn dân sự, thì Bộ Công an đã tạo ra một cơ quan được gọi là guobao – “cơ quan bảo vệ an ninh đội địa” – chuyên trách xử lý các mục tiêu quan trọng, nhắm tới các trí thức, nhà báo, tức những người mà chế độ muốn ngăn cản.
Guobao gồm các đội làm việc chuyên trách để theo dõi các nhân vật mục tiêu, “mời” các nhân vật này “uống trà” để tra hỏi và đe dọa họ, “đưa” họ khỏi Beijing (Bắc Kinh) trong những dịp lễ kỷ niệm nhạy cảm, và đôi khi giam giữ họ một thời gian để truyền đi cái thông điệp rằng những cá nhân bất đồng này quá yếu ớt để có thể chống lại nhà nước.
2. Nỗ lực đánh bóng hình ảnh quốc gia bằng cách thúc đẩy các giá trị độc tài trên thế giới
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn bằng quyền lực mềm trên toàn thế giới. Có thể quan sát được điều này qua những hành động như mở rộng Hãng thông tấn Xinhua thành một hãng toàn cầu, phát sóng Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tại nhiều nước trên thế giới, và thiết lập gần 500 Viện Khổng Tử (Confucius Institute) tại các đại học và các tổ chức ở nước ngoài.
Trung Quốc thể hiện ra bên ngoài như một nền văn minh, một quốc gia tử tế, và một người bạn quốc tế. Trên tư cách này, nó nỗ lực đánh bóng cho kiểu cai trị độc tài, ca ngợi các lợi ích của chủ nghĩa xã hội phiên bản Trung Quốc, và đồng nhất sự cai trị của đảng Cộng sản với các giá trị Khổng giáo truyền thống, chẳng hạn như sự hài hòa xã hội.
Các Viện Khổng Tử là công cụ chiến lược trong việc xuất khẩu quyền lực mềm của Trung Quốc ra thế giới. Ảnh: Colorado State University.
Trước những công kích của phương Tây về các hành vi vi phạm nhân quyền, Trung Quốc đã phản công bằng cách chỉ ra những khuyết điểm trong thực tiễn nhân quyền của phương Tây. Chẳng hạn, chính quyền nước này đưa ra một bản báo cáo về các vấn đề nhân quyền ở Mỹ để đáp lại sự chỉ trích của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền Trung Quốc.
Xinhua cũng thực hiện nhiều báo cáo về các sự kiện như vụ biểu tình chống cảnh sát ở Furguson, Missouri, để cho khán giả quốc tế thấy rằng chính sách nhân quyền của Mỹ là đạo đức giả, và thậm chí Xinhua còn nỗ lực thuyết phục khán giả quốc tế rằng phương Tây cần ngừng chỉ trích Trung Quốc.
Trung Quốc ngày càng cố gắng sử dụng sức mạnh mềm của mình để thâm nhập vào mọi nơi, hòng đảo ngược các thiết chế dân chủ tại nhiều quốc gia khác. Nó còn cố gắng kiểm soát các nhà báo hay các học giả nước ngoài mà nó không ưa. Chẳng hạn, Trung Quốc đã từ chối cấp visa cho các nhà báo của Bloomberg và The New York Times, bởi những người này đã viết các báo cáo khiến chính quyền Trung Quốc không hài lòng.
Họ cũng gây áp lực lên Frankfurt Book Fair, Melbourne Film Festival, và nhiều tổ chức khác, ép các tổ chức này không được mời những nhân vật mà chính quyền Trung Quốc chưa chấp thuận. Chính các biện pháp như vậy đã thúc đẩy sự tự kiểm duyệt từ truyền thông quốc tế và các học giả nước ngoài.
Trong khi đó, bằng sự ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của mình, Trung Quốc có thể thúc đẩy các nước dân chủ hướng tới loại bỏ các vấn đề liên quan đến nhân quyền và dân chủ ra khỏi chính sách ngoại giao của họ với Trung Quốc. Chẳng hạn như, giờ đây các nhà cung cấp internet nước ngoài làm việc tại Trung Quốc buộc phải hợp tác với cơ quan kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc.
Với nhiều biện pháp đa dạng như vậy, Trung Quốc đang làm suy giảm sức sống của các thiết chế tự do ở khắp mọi nơi.
3. Đóng vai trò tích cực trong nhóm các nước độc tài
Chính quyền Trung Quốc mở nhiều lớp đào tạo về luật, báo chí, quản lý công cho các chuyên gia và quan chức nước ngoài, đặc biệt từ châu Phi. Trung Quốc cũng mở nhiều ngành hàn lâm để thu hút sinh viên nước ngoài. Không mấy ai nắm rõ thông tin về nội dung của những chương trình này, song người ta vẫn hoài nghi một cách rất hợp lý rằng các lớp đào tạo này được dùng để truyền tải những kỹ thuật điều hành hệ thống độc tài của Trung Quốc.
Trung Quốc và những đồng minh Á – Âu trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) còn ký kết các hiệp ước bí mật, yêu cầu dẫn độ bất cứ công dân nào đang ở các nước thành viên SCO về nước nếu công dân này bị nước mình coi là khủng bố. [Hiệp ước này vi phạm nguyên tắc bất khả hồi (non-refoulement) theo điều 33 của Công ước người tị nạn 1951 – ND].
Ngoài ra, Trung Quốc và Nga cũng đi đầu trong việc kiểm soát các ngân hàng để ngăn chặn các tổ chức xã hội dân sự không được nhận nguồn quỹ hỗ trợ từ bên ngoài. Các biện pháp này đã được nhiều chế độ độc tài ở khắp nơi sao chép.
4. Nỗ lực làm suy yếu các thiết chế dân chủ ở nhiều nơi
Khi Hong Kong còn là thuộc địa của Anh, Thống đốc người Anh Chris Patten ở Hong Kong đã tìm cách củng cố các phương thức dân chủ tại thuộc địa này, như mở ra cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp. Trung Quốc coi hành động này là một liều thuốc độc khiến cho nó khó bề kiểm soát Hong Kong trong tương lai. Đối với Trung Quốc, những cải cách này hoàn toàn bất hợp pháp.
Phong trào dân chủ ở Hong Kong là điều Trung Quốc không thể chấp nhận được. Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images.
Bởi vậy, khi nắm quyền cai trị Hong Kong, chính quyền Trung Quốc đã giải tán Hội đồng Lập pháp đương nhiệm và dựng lên một hội đồng mới. Phương thức lựa chọn hội đồng này thậm chí còn kém dân chủ hơn cả những phương thức cũ kỹ có từ trước thời cải cách của Patten. Ngoài ra, các nhà quan sát cho rằng Beijing đã tác động tới nền dân chủ Hong Kong thông qua giới doanh nhân địa phương, giới quan chức, và các nhân vật thế giới ngầm, nhằm đe dọa và đôi khi tấn công các nhà báo và học giả – những người được coi là tự do quá mức.
Trung Quốc cũng hành động tương tự đối với Ma Cao, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha. Khi được trao lại quyền cai trị Ma Cao vào năm 1999, họ đã đưa ra một Luật Cơ Bản nhằm đảm bảo các quyền của người dân, song các quy định của luật này về việc bầu người lãnh đạo và bầu Hội đồng Lập Pháp thì rất kém dân chủ. Giới chóp bu Ma Cao có quan hệ gần gũi với Beijing và lực lượng ủng hộ dân chủ ở Ma Cao tương đối yếu. Vào tháng 8 năm 2014, chính quyền Ma Cao đã bắt giữ năm nhà hoạt động khi họ kêu gọi Ma Cao phải dân chủ hơn.
Ở Đài Loan, Beijing tỏ ra không hài lòng khi khu vực này lựa chọn dân chủ, vì khi đó các chính sách của Đài Loan sẽ phụ thuộc vào các thiết chế dân chủ. Vào năm 2000, khi chính trị gia ủng hộ sự độc lập của Đài Loan là Chen Shui-bian (Trần Thủy Biển) chạy đua chức tổng thống, thì Thủ tướng Trung Quốc Zhu Rongji (Chu Dung Cơ) đã xuất hiện trên truyền hình để đe dọa các cử tri Đài Loan về hệ quả thảm khốc nếu họ lựa chọn Trần Thủy Biển.
Trung Quốc cũng tìm cách gây ảnh hưởng tới truyền thông Đài Loan nhằm đưa tin tức ủng hộ các chính sách của Trung Quốc – đáng chú ý nhất là khi nước này mua lại cơ quan truyền thông China Times vào năm 2008 từ tay một doanh nhân Đài Loan.
Beijing vẫn liên tục phản đối nền dân chủ ở ba lãnh thổ này, nhằm bảo vệ chế độ độc tài của mình khỏi các thách thức dù lớn dù nhỏ.
5. Giúp duy trì sự tồn tại của các nước độc tài đồng minh chiến lược hoặc quan trọng về phương diện kinh tế
Các hứa hẹn của Trung Quốc với các nước xung quanh như Bắc Triều Tiên, Campuchia, Myanmar, Pakistan, và Nepal là nhằm duy trì các quốc gia vệ tinh và giành quyền tiếp cận các lợi ích kinh tế. Đồng thời, qua đó nó còn có thể khiến cho các nước này hợp tác dẫn độ người Uyghurs (Duy Ngô Nhĩ), người Tibet và các nhà hoạt động dân chủ. Nó cũng có thể đảm bảo cho các ưu tiên trong chính sách ngoại giao của mình, như là cô lập Đài Loan.
Trung Quốc còn hợp tác với chính quyền Nga, Iran, Venezuela, Sudan, và Zimbabwe để có thể tiếp cận với các nguồn lực kinh tế, và kiểm soát mức độ ảnh hưởng của phương Tây. Khi phát triển mối quan hệ như vậy, Trung Quốc sẽ cung cấp nhiều lợi ích như vốn đầu tư, thị trường, vũ khí, và các hỗ trợ về ngoại giao, cũng như các lợi ích khác nhằm duy trì sự tồn tại của các nước này.
6. Can thiệp vào các thiết chế quốc tế để ngăn việc thúc đẩy dân chủ, nhân quyền
Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc thường trì hoãn hay ngăn chặn việc can thiệp nhân đạo vào các quốc gia khác, với lý do rằng các quốc gia cần tự mình giải quyết vấn đề nội bộ của họ. Điều này giúp bảo vệ các chế độ độc tài có những hành động vi phạm nhân quyền trên diện rộng.
Chỉ đôi khi Trung Quốc mới cho phép can thiệp, nhưng nó làm vậy chỉ để duy trì sự đoàn kết với Nga, hoặc để bảo vệ các lợi ích kinh tế của Trung Quốc (như ở Sudan và Libya), song nó lại đưa ra điều kiện là Liên Hợp Quốc không được sử dụng việc can thiệp để lật đổ chế độ.
Đại sứ Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an. Ảnh: Russia Insider.
Tương tự như vậy, tại Hội đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC), Trung Quốc ủng hộ sáng kiến rằng mỗi quốc gia nên tự đưa ra một Kế hoạch Hành động Nhân quyền, đây cũng là cách mà Trung Quốc đang làm. Theo sáng kiến này, mỗi quốc gia có thể tự đưa ra quan điểm riêng về việc diễn giải các chuẩn mực nhân quyền quốc tế để áp dụng cho quốc gia đó.
Đồng thời, Trung Quốc cũng cố gắng hạn chế vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong UNHRC và trong các ủy ban nhân quyền. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm bảo vệ chính Trung Quốc và các nước đồng minh khỏi những phê phán của cơ quan này.
Trung Quốc không tham gia hay hợp tác với Tòa án Hình sự Quốc tế. Điều này có lợi cho các nhà độc tài ở Sudan, Syria, Bắc Triều Tiên, và Sri Lanka. Trung Quốc cũng bác bỏ các điều kiện bổ sung về nhân quyền đối với việc nhận viện trợ và vốn đầu tư nước ngoài. Điều này giúp cho các nước độc tài không phải chịu áp lực từ World Bank và các chính phủ phương Tây trong việc cải thiện nhân quyền khi nhận viện trợ và vốn đầu tư.