Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Hãy tưởng tượng khách hàng của bạn là một phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Cô thuê một căn nhà cấp bốn, sống cùng một đứa con nhỏ và không có chồng. Nghề nghiệp chính của cô là bán dâm, và cô còn nghiện ma tuý.
Cô đang gặp phải một vấn đề pháp lý rất nghiêm trọng. Tình tiết vụ án khá đơn giản, cô có hành vi hành hung và lấy tiền của một vị khách khi anh này từ chối trả tiền cho cô sau khi đã sử dụng “dịch vụ”. Vị khách sau đó trình báo công an và cô bị khởi tố về hành vi cướp tài sản.
Hãy gọi cô gái ấy là Hương, hãy cho cô một cái tuổi 23, hãy cho cô một quê quán ở Nam Định, và hãy gọi con của cô là Sơn, năm nay ba tuổi rưỡi.
Là một luật sư, bạn sẽ làm gì để giúp Hương trong tình huống này? Bạn sẽ giải quyết vụ án ra sao?
Những vụ án như của Hương không quá hiếm gặp trong một ngày bình thường của các luật sư, đặc biệt là ở thành phố lớn. Câu trả lời khá đơn giản. Bạn sẽ bào chữa cho Hương, bạn sẽ cố gắng tìm các luận cứ pháp lý, các chứng cứ, các nhân chứng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của Hương trong vụ án hình sự này.
Khả năng cao là bạn sẽ không thể cãi cho Hương vô tội, nhưng bạn có thể đưa vào các tình tiết giảm nhẹ để giúp Hương được chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn. Và biết đâu được, bạn có thể giúp Hương hưởng án treo. Hương sẽ không phải ở tù, cô tiếp tục quay về nuôi con, và bạn hài lòng vì đã giúp được hai mẹ con Hương.
Những gì diễn ra tiếp theo với Hương có lẽ sẽ không còn là chuyện của bạn nữa vì dịch vụ pháp lý đã chấm dứt.
Nhưng hãy thử tưởng tượng, sau khi thoát án tù giam, cô sẽ làm gì? Cô sẽ tìm một công việc tốt hơn để làm, để nuôi Sơn? Có thể, đó là mơ ước của tất cả chúng ta. Nhưng khả năng cao là Hương sẽ tiếp tục quay lại “công việc” cũ, vì đó là cái “nghề” duy nhất cô biết làm.
Cô sẽ từ bỏ ma tuý? Có thể, nhưng một bản án khoan hồng làm sao giúp cô cai nghiện ma tuý được?
Cô có thể tiếp tục ở căn nhà trọ cô đang thuê? Mong là vậy, nhưng khả năng cao hơn là cô sẽ bị chủ nhà trọ đuổi đi. Đơn giản là đâu ai muốn cho một người vừa là “gái điếm”, vừa là “cướp” thuê nhà.
Và rất có thể, Hương sẽ gặp lại bạn trong một vụ án khác.
Luật sư không làm gì sai cả. Anh ta đã cung cấp một dịch vụ pháp lý tuyệt vời. Anh cũng đã làm đúng bổn phận của mình theo Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư. Anh làm tất cả những gì anh được dạy để làm: cung cấp một dịch vụ bào chữa truyền thống tốt nhất có thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hương trong vụ án này. Vậy cớ gì chúng ta lại đem những câu chuyện hậu tố tụng của Hương vào đây?
Nhiều luật sư không chấp nhận tình cảnh như vậy. Rất khó để cảm thấy yên lòng khi bạn đã biết về một người nào đó, đã làm hết sức để giúp họ, và cuối cùng lại thấy họ quay lại con đường cũ. Sau cùng thì nghề luật là nghề làm việc với con người và dựa trên cơ sở cá nhân.
Hãy thử hình dung tiếp lý do vì sao Hương trở thành tội phạm. Suy cho cùng, có phải Hương phạm tội vì Hương là một người xấu hay không? Có phải bản chất của Hương là một tên tội phạm? Có phải vì Hương lười biếng và muốn kiếm tiền bằng con đường phi pháp? Hay có một lý do sâu xa hơn?
Với Clarence Darrow, luật sư huyền thoại của nước Mỹ, đa số tù nhân phạm tội như là lựa chọn cuối cùng của cuộc đời họ, vì những hoàn cảnh khiến họ không thể tránh khỏi.[1]
Nguyên nhân của tội phạm nhiều khi không phải là lòng dạ con người (thật ra chỉ có những tầng lớp trên của xã hội mới phạm tội vì lòng dạ), mà là hậu quả của nhiều yếu tố ngoại cảnh, trong đó có cái nghèo, cái khổ, cái khó. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là người phạm tội không phải chịu trừng phạt vì hành vi của họ. Nhưng tội phạm không phải là một vấn đề cá nhân, mà chính là một vấn đề xã hội.
Trong trường hợp giả định của Hương, cô phạm tội vì cô cảm thấy mình bị đối xử bất công. Nhưng tại sao cô không thể tiếp cận công lý một cách chính thống, chẳng hạn như báo công an bắt vị khách kia? Vì cô hành nghề mại dâm là một nghề vẫn còn bị pháp luật cấm. Tại sao Hương hành nghề mại dâm? Vì đó là nghề duy nhất cô biết để kiếm tiền. Cô kiếm tiền cho ai? Cô kiếm tiền cho con cô và để trang trải chi phí tồn tại. Nhưng Hương còn nghiện ma tuý? Rất có thể cô nghiện ma tuý vì cô quá tuyệt vọng với cuộc sống và cần tìm đến một lốt thoát. Trình độ học vấn thấp cũng có thể là vấn đề của Hương.
Vấn đề của lối bào chữa theo kiểu truyền thống là nó không giúp giải quyết được các vấn đề đã và sẽ đẩy Hương đến việc phạm tội. Người luật sư trong vụ án cướp tài sản của Hương đang bảo vệ Hương chống lại cáo buộc về hành vi cướp tài sản, chứ không bảo vệ cô khỏi con đường phạm tội. Anh ta giúp cô thắng được vụ án, nhưng chưa chắc giúp cô thắng được cuộc đời.
Hương cần một ai đó “biện hộ” cho cô như một thân chủ, chứ không chỉ là một bị cáo trong vụ án có mở đầu, có kết thúc đó. Đối với một thân chủ, hay một cộng đồng thân chủ, chỉ mình luật sư tham gia biện hộ là không đủ. Các thân chủ, hay cộng đồng thân chủ, có nhu cầu lớn hơn là nhu cầu pháp lý. Họ cần có người giải quyết giúp họ các vấn đề về sinh kế, đói nghèo, về tâm thần, về chứng nghiện, về nhà cửa, và về gia đình. Chẳng hạn như Hương, việc phải quay lại với nghề mại dâm và bị đuổi khỏi căn nhà trọ của mình có khi còn tệ hơn là bản án tù treo.
Tất nhiên, đâu thể trách các luật sư được. Nhưng có cách nào làm tốt hơn không?
Hiện có một phong trào bào chữa mới trên thế giới đang được nhiều liên minh làm về nhân quyền áp dụng, đặc biệt là cho các thân chủ có hoàn cảnh đặc biệt như Hương. Phong trào đó thúc đẩy một kĩ thuật bào chữa mới gọi là “bào chữa toàn diện” (holistic defense). Tổ chức được coi là cha đẻ của phong trào này là Bronx Defenders, đặt trụ sở tại khu Bronx thuộc thành phố New York, nơi nổi tiếng với các thân chủ như Hương.
Các luật sư và nhân viên của Bronx Defenders. Ảnh: Facebook Bronx Defenders.
Bronx Defenders tin rằng công việc của một luật sư sẽ trọn vẹn hơn nếu anh ta có thể giúp cho thân chủ của mình loại bỏ nguy cơ tái phạm tội. Để làm được như vậy, luật sư cần nhìn xa hơn những gì đang diễn ra trong vụ án anh xử lý. “Bào chữa toàn diện” đưa ra tiêu chí như vậy và hướng dẫn luật sư cách làm. Cách làm đó chính là khi tham gia những vụ án như vậy, luật sư nên hợp sức với những chủ thể khác.
Một mô hình liên minh lý tưởng mà Bronx Defenders đưa ra đó là đội ngũ bào chữa bao gồm một luật sư hình sự, một luật sư dân sự để giải quyết các vấn đề bên cạnh (nhà cửa, con cái), một người công tác xã hội (social worker – giúp bị cáo giải quyết các vấn đề xã hội của họ, chứng nghiện ma tuý, việc làm, sinh kế sau bản án, nhà cửa,…), và một người tổ chức cộng đồng (để tăng cường các mối quan hệ và vốn xã hội cho thân chủ của mình).
Tất nhiên, mục tiêu tối thượng và trước mắt vẫn sẽ là giúp thân chủ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, nhưng vụ án sẽ không khép lại khi có bản án mà kéo dài cho đến khi người thân chủ đó thực sự có thể tiếp tục cuộc sống của mình mà không cần phải phạm tội nữa. Khi xã hội bớt đi một tội phạm tiềm năng, xã hội đó sẽ an toàn hơn.
Hương, khi nhận bản án treo, sẽ được nhân viên công tác xã hội giới thiệu việc làm, giúp cô cai nghiện, và có được một chỗ ở phù hợp hơn. Người tổ chức cộng đồng sẽ giúp Hương có nhiều mối quan hệ với cộng đồng để giúp tăng vốn xã hội cho cô. Luật sư dân sự sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho cô khi bị các bên khác gây khó dễ, chẳng hạn như trong trường hợp chủ nhà muốn chấm dứt hợp đồng thuê nhà sớm. Như vậy, công việc của luật sư hình sự có vẻ sẽ trọn vẹn hơn.
“Bào chữa toàn diện” không triệt tiêu “bào chữa truyền thống” và nó không phải là một tiêu chí bắt buộc các luật sư phải làm theo. Tuy nhiên, với những luật sư thật sự coi thân chủ của mình là một cá nhân có ý nghĩa trong cuộc đời, chứ không đơn giản chỉ là một bị cáo hay bị can trong vụ án, thì có lẽ “bào chữa toàn diện” gợi ý cho họ về một giải pháp. Bài viết này không đi sâu giới thiệu và phân tích một trường hợp bào chữa toàn diện sẽ như thế nào mà chỉ gợi mở về một hướng đi mới cho tư pháp hình sự Việt Nam.
Chú thích:
[1] Clarence Darrow’s Address to the Prisoners in Cook County.