‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Việt Nam xem vấn đề án tử hình và thi hành án tử hình là bí mật quốc gia. Những thông tin liên quan đều được giữ kín. Cho đến tháng 2 năm nay Bộ Công an mới hé lộ những thông tin về án tử hình trong một báo cáo được cho là rất bất thường.
Báo cáo thi hành án hình sự trong 5 năm (2011-2016) nói rằng Việt Nam có 1.134 tử tù. Trong ba năm (2013-2016), có 429 phạm nhân bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Báo cáo không có thông tin về số vụ tử hình trước đó.
Có ít nhất 63 phạm nhân lãnh án tử hình trong năm 2016 và còn ít nhất 681 phạm nhân chờ ngày tiêm thuốc độc, tức là cứ 201 phạm nhân thì có một người chờ bị xử tử.
Khi so sánh trong cùng thời gian (2013 – 2016), Ân xá Quốc tế (Amnesty International), một tổ chức vận động xóa án tử hình, xếp Việt Nam là nước thi hành án tử hình nhiều thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Iran.
“Mức độ thi hành án tử những năm gần đây của Việt Nam thực sự gây sốc”, Tổng thư ký của Ân xá Quốc tế, Salil Shetty nói. “Bạn phải tự hỏi cuối cùng Việt Nam đã tử hình bao nhiêu người trước đó mà thế giới không biết?”
Việt Nam che giấu loại thuốc tử hình
Chỉ có ba nước tử hình phạm nhân bằng hình thức tiêm thuốc độc năm 2016 là Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam.
Việt Nam bắt đầu áp dụng hình thức này từ cuối năm 2011 sau khi Luật Thi hành Án hình sự có hiệu lực. Tuy nhiên, các nhà làm luật đã “cầm đèn chạy trước ô tô”. Việt Nam thiếu nhiều thứ để áp dụng hình thức tiêm thuốc độc, trong đó có thiếu… thuốc độc, dẫn đến một số lượng lớn tử tù bị dồn lại.
Đến năm 2012, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định 10 khu vực thử nghiệm tiêm thuốc độc đã sẵn sàng nhưng không có thuốc.
“Chuẩn bị bài bản, nhanh chóng nhưng đến khâu cuối cùng mới ‘ngã ngửa’ vì không có thuốc độc để thực hiện, không mua được ở đâu vì ‘không ai bán thuốc cho mục đích sát hại người cả'”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói sau hai năm việc thi hành án bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực.
Ức chế vì chờ “dài cổ” mà chưa được thi hành án, một số tử tù đã tự tử. Có ít nhất 36 tử tù chết trong trại (2011-2016), theo báo cáo của Bộ Công An.
Nguyễn Đức Nghĩa, người bị tuyên án tử hình năm 2010 về tội giết người và cướp tài sản. Anh bị thi hành án theo hình thức tiêm thuốc độc vào năm 2014. Ảnh: Zing.
Theo báo Lao Động, tử tù Sỹ – một bác sĩ ở Thái Nguyên, phạm tội buôn ma túy cùng với người tình của mình là Ngọc (Cao Bằng) nằm trong trại tạm giam Công An tỉnh Bắc Giang gần chục năm. Cả hai muốn “tiêm sớm“. Họ oán hận, buồn bã cũng vì bị biệt giam, bị cùm chân ngồi một xó với cảm giác đêm nào cũng nghĩ là trời sáng ra sẽ lìa xa cõi thế.
Trước đó, Chính phủ ra Nghị định 82/2011 hướng dẫn tiêm thuốc cho tử tù, quy định chính xác tên thuốc và liều lượng cần tiêm. Cụ thể: “Bước 1: Tiêm 5 grams Sodium thiopental” để gây mê; “Bước 2: Tiêm 100 miligrams Pancuroium bromide” làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp; và “Bước 3: Tiêm 100 miligrams Potassium chloride” làm tim ngừng đập. Đó là ba mũi tiêm giết chết tử tù.
Do không mua được thuốc, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công An và Bộ Y tế trực tiếp chế thuốc. Do đó, Nghị định 82/2011 phải được sửa đổi hai điều gồm tên thuốc và liều lượng bằng Nghị định 47/2013.
Tuy nhiên, tên thuốc và liều lượng cụ thể lại “biến mất” trong Nghị định 47/2013. Các bước tiêm thuốc độc bị “đơn giản hóa”. Ví dụ: thay vì “Bước 1: Tiêm 5 grams Sodium thiopental” trở thành “Bước 1: Tiêm thuốc làm mất tri giác”.
Sau nghị định này, tử tù đầu tiên bị tiêm thuốc độc ngày 06/8/2013 là Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) vì tội giết người và cướp tài sản.
Giữa năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công An Đặng Văn Hiếu trả lời phỏng vấn cho hay thuốc tử hình của Việt Nam có cả thuốc tự sản xuất và nhập khẩu. Liệu chính tử tù hay gia đình họ có biết loại thuốc nào được tiêm? Cái chết có diễn ra nhẹ nhàng, êm ái như mục đích nhân đạo của tiêm thuốc độc? Chuyện này vẫn còn là bí mật.
Tiêm thuốc độc không nhân đạo hơn xử bắn
Đa số ý kiến cho rằng tiêm thuốc độc thì nhân đạo hơn các hình thức xử tử khác. Ghế điện làm đau đớn phạm nhân, tử tù đôi khi bị thiêu sống. Phòng hơi ngạt sẽ là cái chết ghê rợn nhất khi khí độc được bơm vào từ từ và cái chết cũng đến từ từ trong đau đớn. Tùy theo trọng lượng cơ thể, hình thức treo cổ có thể cắt đầu nạn nhân hay làm nạn nhân giãy giụa mà chết. Xử bắn là cách hiệu quả nhưng bị cho là tàn bạo.
Bộ Công an cũng cho rằng tiêm thuốc độc thể hiện “tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước và phù hợp với xu thế thi hành án tử hình trên thế giới”. Hình thức này được cho là giúp giảm ám ảnh cho người thi hành án vì không phải “bóp cò súng” và giảm bớt đau đớn cho tử tù. Nhưng nhiều ví dụ tại Mỹ chứng minh điều ngược lại.
Mô phỏng quá trình tiêm thuốc độc cho tử tù tại Mỹ. Ảnh: #DeathPenaltyFail Campaign.
Năm 2014, vụ tiêm thuốc độc thất bại cho tử tù Clayton Lockett tại bang Oklahoma khiến Nhà Trắng ra thông báo việc hành hình là “thiếu các tiêu chuẩn nhân đạo”. Lockett vẫn tỉnh táo sau 10 phút tiêm thuốc độc. Nhân chứng kể lại anh ấy không bất tỉnh, vùng vẫy tay chân và cố nói gì đó. Hơn 30 phút sau Lockett mới chết trong một cơn đau tim. “Nó giống như một cuộc tra tấn”, luật sư của Lockett kể lại.
Cùng năm, chính quyền bang Arizona mất đến hai giờ đồng hồ để hành hình Joseph Wood. Một nhân chứng nói: “Wood nằm ở đó thở gấp trong 1 tiếng 40 phút, nó giống như bạn quăng một con cá lên bờ, rồi nó mở miệng và thoi thóp cho đến chết”. Khi khám nghiệm tử thi, người ta phát hiện lượng thuốc tiêm cho tử tù này gấp 15 lần mức quy định. Thượng nghị sĩ John McCain nói sau vụ Wood: “Việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc cần phải dùng thuốc độc thật sự, chứ không phải là cái thứ thổ tả mà chúng ta vừa biết đến. Thứ đó là tra tấn”.
Hai trường hợp trên xảy ra sau khi châu Âu từ chối bán thuốc cho các bang ở Mỹ nhằm hành hình tử tù, tương tự trường hợp của chính phủ Việt Nam, các bang đã tự tìm nguồn thuốc mà không công bố nguồn gốc.
Một nghiên cứu về tử hình bằng thuốc độc của các giáo sư Mỹ kết luận rằng chất thiopental trong mũi tiêm đầu tiên có thể không đủ để gây mê trong suốt quá trình hành hình, tử tù có thể cảm thấy đau đớn; chất potassium chloride trong mũi tiêm thứ 3 có thể không đủ mạnh để làm tim ngừng đập. Nếu mũi thứ nhất và thứ hai không có tác động thật sự, tử tù sẽ ngạt thở đến chết vì mũi tiêm thứ hai chứa pancuronium làm toàn thân tê liệt, kể cả cơ quan hô hấp.
Chính phủ Việt Nam đã quy định ba chất này trong Nghị định 82/2013 nhưng sau đó bị xóa bỏ như đã đề cập ở trên.
Người thi hành án vẫn bị ám ảnh
Mặc dù không trực tiếp nổ súng vào tử tù nhưng người thi hành án vẫn phải bấm nút tiêm thuốc cho nạn nhân, đôi khi chứng kiến họ chết trong đau đớn.
Allen Ault, một người từng giám sát 5 vụ tiêm thuốc độc trong hai năm ở Mỹ và giờ đây đang chạy một chiến dịch chống án tử hình, cho biết: “Ngoại trừ những kẻ bị biến thái nhân cách, ai cũng sẽ bị sang chấn tâm lý khi cố tình giết chết người khác”.
“Tôi chưa thấy ai không bị sang chấn tâm lý sau khi thực hiện các vụ tử hình”, Ault dẫn chứng các đồng nghiệp làm việc cùng ông bị rối loạn tâm lý, nghiện ma túy, thậm chí là tự tử.
Cuối năm 2013, một bác sĩ và một điều dưỡng viên của bệnh viện Đa khoa Phú Yên sửng sốt khi hội đồng thi hành án yêu cầu đưa kim tiêm vào tử tù để truyền thuốc độc. “Từ lúc đó đến giờ, tôi và điều dưỡng T. bị sốc rất nặng, lúc nào khuôn mặt tử tù cũng ám ảnh trong đầu tôi. Tôi làm nghề y để cứu người chứ sao lại ép tôi làm trái với chức năng nghề nghiệp. Nếu biết trước phải làm như vậy, chắc chắn tôi sẽ không đi”, vị bác sĩ nói với báo Pháp luật TP.HCM. Vị bác sĩ này chỉ mới tốt nghiệp và công tác được bốn tháng, chưa hề được tập huấn kỹ thuật thi hành án tử hình.
Tuy nhiên, điều này lại được đề cập trong Nghị định 82/2011, theo đó Bộ Y tế có quyền chỉ đạo bệnh viện cử bác sĩ đến xác định tĩnh mạch của tử tù khi cần thiết. Xác định tĩnh mạch cũng không phải là việc dễ dàng. Ở Mỹ có một số trường hợp tử tù nửa sống nửa chết vì xác định tĩnh mạch không chính xác. Việc này sẽ gây ám ảnh không chỉ cho bác sĩ mà còn những người xung quanh khi lương y trở thành “đao phủ”.
Tài liệu tham khảo: