Luật Khoa ra mắt số báo tháng Mười Hai - 2024
Từ tháng 12/2024 trở đi, Luật Khoa tạp chí sẽ phát hành báo tháng vào thứ Năm cuối cùng
Có thể dễ dàng phản bác quy định buộc khách hàng phải chụp ảnh khi mua hay muốn giữ SIM điện thoại mà không cần phải phân tích tính hợp lý của quy định này.
Bằng cách viện dẫn Hiến pháp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Bộ luật Dân sự, chúng ta sẽ thấy quy định này không có cơ sở pháp lý vững chắc để có thể tồn tại.
1. Không phù hợp với Hiến pháp
Có thể hình dung, quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp viễn thông là một quan hệ hợp đồng thuần túy, hay ta còn gọi nó là một quyền dân sự.
Ở góc độ khách hàng, đó chính là quyền tự do hợp đồng. Hay nếu không muốn nói cụ thể như thế, thì đấy cũng chính là quyền công dân.
Ở góc độ doanh nghiệp, xác lập và thực hiện hợp đồng với khách hàng đang được quan niệm là quyền tự do kinh doanh.
Nói như thế để thấy, vấn đề này cũng đã được đề cập ở Hiến pháp. Khi quyền tự do đã được Hiến pháp ghi nhận thì việc hạn chế nó tất nhiên cũng phải có cơ sở pháp lý vững chắc từ Hiến pháp.
Điều 14 Hiến pháp quy định: “…các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Điều này có nghĩa là Hiến pháp đã chỉ dẫn cho phép Nhà nước được hạn chế quyền của công dân vì những mục đích thích đáng và đáp ứng lợi ích to lớn của quốc gia, cộng đồng, và xã hội.
Theo lý giải của Bộ Thông tin – Truyền thông thì việc bắt buộc chụp ảnh “là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”[1].
Cách lý giải này rất kém thuyết phục. Bởi đơn giản, thông tin cá nhân của khách hàng, đặc biệt là số chứng minh nhân dân (hộ chiếu), hay các thông tin liên quan khác đã đủ cho công tác quản lý về an ninh, an toàn xã hội. Hiệu quả của hoạt động quản lý phụ thuộc vào những yếu tố còn lại, đó là năng lực của cơ quan quản lý nhà nước được giao.
Về lý thuyết, thông tin càng nhiều thì càng dễ nắm bắt, chi phối, kiểm soát và phát hiện tiêu cực khi khách hàng sử dụng dịch vụ. Nhưng việc đưa ra những quy định như thế, tất nhiên cũng hạn chế khả năng và đối tượng thực hiện quyền nên phải có cơ sở từ Hiến pháp về vấn đề hạn chế quyền tự do của công dân. Nếu không sẽ khiến người ta nghĩ rằng, “khó quản lý thì hạn chế quyền, không quản lý được thì cấm thực hiện quyền”.
Câu nói này có hàm ý phê phán những cách thức hạn chế, cấm đoán chỉ dựa trên nhu cầu của người quản lý hay chỉ hướng đến phục vụ lợi ích của người quản lý mà thiếu đi tính khách quan. Cái gánh nặng trong quản trị, điều hành xã hội, thay vì Chính phủ phải gánh, nay có lẽ do quá nặng, đã bớt một nửa và đặt lên vai người thực hiện quyền.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng khi triển khai quy định này sẽ dẫn đến việc công dân không được phép ủy quyền cho bất cứ ai để xác lập hợp đồng. Đó là những biểu hiện hạn chế quyền dễ thấy nhất của quy định này.
Ở một khía cạnh khác, việc quy định doanh nghiệp phải tạo thêm những nguồn lực nhất định như: thiết bị chụp ảnh, cơ sở dữ liệu lưu giữ hình ảnh khách hàng, tăng nhân sự để mã hóa thông tin khách hàng vào cơ sở dữ liệu,… ngoài việc đặt ra điều kiện về nguồn lực, điều kiện kinh doanh thiếu cơ sở, nó còn cho thấy quyền hình ảnh của khách hàng không thực sự được tôn trọng một cách thích đáng.
Một quy định như thế có thể không có mục đích xấu, vì cho rằng hình ảnh đó sẽ được bảo mật và lưu giữ với chế độ cẩn trọng nhất. Nhưng nhà nước không có cơ sở bảo đảm chắc chắn rằng, doanh nghiệp sẽ quản lý tốt hình ảnh của công dân và buộc khách hàng phải chịu những rủi ro rất cao về hình ảnh của mình.
Càng cung cấp nhiều thông tin cá nhân cho nhà mạng, rủi ro của người dùng càng cao. Ảnh: Straits Times.
2. Trái với Bộ luật Dân sự về hình thức giao kết hợp đồng; về căn cứ hoãn thực hiện hợp đồng; về căn cứ chấm dứt quyền sở hữu
Điều 119 BLDS quy định, giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng có thể được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Như vậy, tác động của pháp luật nếu có để hạn chế quyền lựa chọn hình thức hợp đồng thì phải tác động theo hướng bắt buộc một hợp đồng nào đó phải có “văn bản, công chứng, chứng thực, đăng ký”.
Nghị định 49 đã liệt kê một chuỗi các hành vi mà các bên trong hợp đồng dịch vụ viễn thông buộc phải thực hiện khi giao kết hợp đồng (đặc biệt là cung cấp hình ảnh) là sự tác động không nằm ở các phương diện vừa nêu. Như thế, nghĩa là có sự thiếu thống nhất với BLDS vốn dĩ được coi là “Hiến pháp của luật tư” và được ban hành sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực. Hơn nữa, nghị định thì không phải là luật, kể cả khi tác động đúng theo phương diện hạn chế hình thức hợp đồng thì vẫn không phù hợp với tinh thần của BLDS về hợp đồng.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 49 này, việc chủ thuê bao di động đã đăng ký nhưng không thực hiện nghĩa vụ cung cấp hình ảnh cho doanh nghiệp viễn thông sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý căn bản, đó là “hoãn thực hiện hợp đồng” (theo cách gọi của BLDS, hoặc “tạm ngưng thực hiện hợp đồng” theo cách gọi của Luật Thương mại).
Điều này trái với Điều 411 BLDS, vốn đã nói rõ chỉ khi “bên có nghĩa vụ bị giảm sút khả năng thực hiện nghĩa vụ đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết” thì mới được phép hoãn thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, Nghị định 49 đã tạo ra thêm một căn cứ cho phép doanh nghiệp viễn thông được hoãn thực hiện hợp đồng.
Không chỉ có vậy, theo Nghị định, nếu chủ thuê bao không ký lại hợp đồng thì doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt thuê bao, đồng thời cấp số thuê bao đó cho khách hàng khác. Rất khó giải thích một cách thuyết phục rằng, tại sao hậu quả của đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng lại là mất quyền sở hữu đối với số thuê bao. Quy định này nằm ngoài các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tại Điều 237 của BLDS[2], vốn đã nêu rõ 8 căn cứ chấm dứt quyền sở hữu và không có bất cứ căn cứ nào cho thấy việc không giao kết lại hợp đồng theo Nghị định này là một trong số đó.
Đáng lưu ý hơn, căn cứ thứ 8 được nêu ở điều luật này cũng khẳng định, chỉ có luật mới được phép đưa ra căn cứ chấm dứt quyền sở hữu chứ không phải Nghị định của Chính phủ.
3. Trái quy định về ban hành văn bản pháp luật
Việc điều chỉnh về các khía cạnh của hợp đồng bằng một nghị định “có đầu”, tức là văn bản hướng dẫn thực hiện một văn bản cao hơn (luật, pháp lệnh), là trái với nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, và đồng thời là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, chính phủ cũng có quyền thực thi một chính sách độc lập với Quốc hội và thể hiện nó ở một Nghị định “không đầu”.
Nghị định không đầu là loại văn bản mang tính tiên phát, tác động trực tiếp vào đời sống khi mà lĩnh vực đời sống đó chưa có điều kiện để ban hành luật, pháp lệnh[3]. Do vậy, kể cả khi không cần quan tâm đến sự phù hợp giữa Nghị định này với Hiến pháp và BLDS được nêu ở trên thì Chính phủ cũng phải điều chỉnh các khía cạnh của hợp đồng này bằng một nghị định “không đầu” theo tính chất mà Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.
Với tính chất là một Nghị định “có đầu”, hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông (vì nó sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011/NĐ-CP) nhưng Nghị định 49 đã đưa thêm nhiều điều kiện mà Luật Viễn Thông không quy định, thu hẹp khả năng tiếp cận quyền cũng như đối tượng thực hiện quyền là không phù hợp.
Chú thích:
[1] Vì sao chủ thuê bao di động phải chụp ảnh đăng ký?, VOV, 20/6/2017.
[2] Theo Điều 237 BLDS:
“Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:
[3] Khoản 3, Điều 19, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định một trong những trường hợp chính phủ được ban hành Nghị định để điều chỉnh là, vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh, tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.