Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngày 9 tháng 1 năm 2009, Grace Gao thức giấc với một cảm giác thật kỳ lạ. Cô cảm thấy dường như có người sắp phải đi xa. Nhưng không thấy ai gói ghém đồ đạc cả. Mọi thứ đều bình thường – bình thường như mọi ngày.
Nhưng bố đang bế cậu em trai sát vào lòng. Rồi ông ghì chặt mẹ và cô. Thế là cô biết: họ, bao gồm mẹ, em trai và cô – sắp sửa phải đi xa.
Hôm đó, họ trốn khỏi Trung Quốc. Ban đầu họ đi bằng xe máy. Sau đó họ trốn vào khoang chứa hành lý trên xe buýt. Cuối cùng, họ đến được Thái Lan, rồi từ đó bay sang Mỹ.
Lúc đó Grace vừa tròn 15 tuổi. Cô đã vượt qua được địa ngục trần gian, với những khổ đau không bút mực nào tả xiết. Tới Mỹ, cả nhà mới bắt đầu học tiếng Anh từ con số không. Grace tốt nghiệp trung học khi cô tròn 20 tuổi. Hiện nay, cô đang học đại học và sắp tốt nghiệp.
Tôi ngồi cạnh cô ở Diễn đàn Tự do Oslo, cuộc gặp mặt hàng năm của những người đấu tranh cho nhân quyền, được tổ chức ở thủ đô Norway.
Bố cô là Gao Zhisheng, một trong những người bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Ông là luật sư nhân quyền, ông bị tù đày và tra tấn suốt mấy năm liền. Grace và tôi nói chuyện sơ qua về cuộc đời ông.
Ông sinh năm 1964 trong một ngôi làng thuộc tỉnh Thiểm Tây, miền Trung Trung Quốc. Cha mẹ ông sống bằng nghề nông. Họ không có tiền cho Zhisheng vào trường tiểu học. Cậu bé phải ngồi nghe ké bên ngoài cửa sổ lớp học. Và cậu tự học, bằng mọi cách có thể.
Ông nhập ngũ, và cũng trong quân đội, ông đã gặp người vợ tương lai của mình, Geng He. Ông trở thành đảng viên đảng Cộng sản. Sau khi xuất ngũ, ông bán rau để kiếm sống. Mọi thứ sau đó là do “số phận”, như Grace nói.
Một lần, Gao nhìn thấy một tờ báo ở giữa đường. Ông nhặt lên và trông thấy một bài viết nói rằng Trung Quốc đang cần luật sư. Ông quyết định trở thành luật sư. Và ông đã trở thành một luật sư có tài.
Năm 2001, ông được Bộ Tư pháp vinh danh là một trong mười luật sư giỏi nhất Trung Quốc. “Sự kiện khá lớn”, Grace vừa mỉm cười vừa nói, “được đưa lên TV”. Nhưng chẳng bao lâu sau, Gao đã gặp rắc rối: các khách hàng của ông. Ông đại diện cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Trung Quốc, trong đó có các thành viên của những nhóm tôn giáo thiểu số, ví dụ, Thiên chúa giáo và học viên Pháp Luân Công. Ông thường hoạt động vì lợi ích cộng đồng.
Luật sư Gao Zhisheng tại văn phòng luật của ông trước năm 2006. Ảnh: China Change.
Cái gì tạo nên tính cách của Gao? Con gái ông nghĩ rằng đấy là do ông lớn lên trong cảnh nghèo khó. Ông có nhiều lòng trắc ẩn.
“Khi mọi sự bắt đầu, tôi mới có 12 tuổi”, Grace nói. Cô sinh năm 1993. Em trai cô sinh năm 2005, năm “mọi sự bắt đầu”. “Mọi sự” là gì? Bố bị bắt, bị giam cầm và bị tra tấn.
Khi ông đang ở tù, một nhóm gồm tám mật vụ đến sống chung trong căn hộ của gia đình Gao. Họ theo dõi tất cả mọi thứ mấy mẹ con làm, kể cả trong phòng tắm. Bên ngoài căn hộ, lúc nào cũng có mười, hai mươi, thậm chí ba mươi mật vụ khác. Chỉ để theo dõi một người đàn bà – Geng He – và hai con của bà.
Hàng ngày, họ theo Grace đến trường – bảy hay tám nhân viên. Ở trường, họ cũng quan sát cả khi cô vào phòng vệ sinh. Họ đe dọa các học sinh khác, không cho nói chuyện với cô. Các nhân viên nói rằng nếu họ nói chuyện với cô thì cha mẹ họ sẽ phải đi tù, tương tự như bố của Grace. Các học sinh khác “tránh tôi, như thể tôi bị bệnh truyền nhiễm vậy”, Grace nói. Ngoài ra, mật vụ còn đánh cô ngay trước mặt các bạn cùng lớp.
Bạn có thể tưởng tượng nó đã làm cho cô gái bị tổn thương tới mức nào. Đã nhiều lần cô định tự tử.
Một đêm, cô nói thẳng với bố: Chẳng nhẽ bố không thể quan tâm tới gia đình mình, mặc kệ người dân Trung Quốc hay sao? Mắt Gao Zhisheng đầy nước. Mãi sau ông mới trả lời: “Hãy cho bố thêm vài năm nữa. Bố phải làm xong mấy vụ án. Sau đó, bố sẽ dành hết sức lực để lo cho gia đình”.
Gia đình tiếp tục chờ đợi, như Grace nói.
Tôi biết ngày mấy mẹ con Grace bỏ trốn: 9 tháng 1 năm 2009. Ngày 4 tháng 2, Cao Zhisheng biến mất. Trong suốt 13 tháng sau đó, không ai biết ông ở đâu, đấy là khi nhà chức trách cho ông xuất hiện trở lại, trong một thời gian ngắn. Rồi họ không cho ông xuất hiện nữa.
Xin tóm tắt câu chuyện như sau, Gao đã bị bắt giam từ năm 2009 đến năm 2014. Tôi sẽ không nhắc đi nhắc lại những đòn tra tấn mà ông đã trải qua. Chỉ xin nói, đấy là những biện pháp tàn ác nhất: chọc que tre vào dương vật..v.v.. Họ tống ông vào phòng biệt giam trong suốt ba năm trời. Ông không được phép đứng hay nói chuyện. Trên thực tế, ông đã quên, không biết làm những việc này như thế nào. Họ bắc loa tuyên truyền cộng sản vào trong xà lim của ông trong suốt một năm rưỡi.
Khi được tha, ông đã bị đưa trở lại làng quê thuộc tỉnh Shaanxi và bị quản thúc chặt chẽ tại gia. Ông ít liên lạc với gia đình ở Mỹ. Nhà cầm quyền coi tất cả những mối liên hệ có ý nghĩa đều là “nhạy cảm về mặt chính trị”, và do đó, cấm.
Sức khỏe của ông rất kém. Vì thiếu ăn, ông đã rụng hết răng. Ông không thể ăn những món cứng. Chính quyền không cho ông chữa bệnh. Tuy nhiên, Grace nói, tinh thần ông vẫn tốt. Khá tốt. Làm sao ông có thể vẫn giữ được đầu óc sang suốt? Đấy là nhờ đức tin Kitô giáo của ông, Grace nói. Chính Gao từng nói: “Chúa chữa lành cho tôi từ bên trong”.
Dù bị quản thúc tại gia, nhưng ông vẫn tìm cách viết hồi kí – bằng tay. Ông không được dùng các phương tiện công nghệ cao hơn. Từng đoạn hồi ký của ông được những người ủng hộ đưa ra ngòai, để đánh máy và sau đó thì xuất bản. Quần đảo Gulag của Solzhenitsyn cũng đến với thế giới bằng cách đó.
Chẳng cần phải nói là, ở Trung Quốc, đây là sách cấm. Nhưng nó được xuất bản ở Đài Loan. Và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ đã dịch sang tiếng Anh với nhan đề Những niềm tin không lay chuyển (Unwavering Conviction).
Không lay chuyển, đúng như thế. Gao nói rằng tìm cách mang lại tự do, dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc là “sứ mệnh mà Chúa đã ban cho tôi”.
Grace có muốn một người cha bình thường hơn không? Ồ, có chứ. Ngày nào cũng vậy. Đồng thời, cô hiểu ông, ngưỡng mộ ông và ủng hộ ông.
Mặc dù Gao có thể là người không lay chuyển, nhưng không phải là ông không cảm thấy có lỗi. Ngược lại. Ông đã viết một lá thư, nói rằng đau đớn về thể xác là khổ – nhưng không khổ bằng khi biết rằng ông đã gây đau khổ cho gia đình mình. Ông đã dùng những từ ngữ đặc biệt để nói về những người con mình như sau: “Thật là không may cho chúng là phải sinh ra ở đất nước này”, sinh ra ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “càng không may hơn khi có một người cha như tôi”.
Vợ Gao, bà Geng He, giữ vai trò quen thuộc, vai trò của các bà vợ của những người bất đồng chính kiến. Dù họ có đến từ Trung Quốc, Liên Xô hay Saudi Arabia, thì vai trò đó cũng không bao giờ thay đổi. Nếu được an toàn ở nơi lưu vong, các bà vợ đều tìm cách làm cho người ta chú ý đến trường hợp của chồng mình, với hy vọng sẽ đòi được tự do cho chồng hay ít nhất, cũng giảm bớt được đau khổ cho chồng mình.
Vài tháng sau khi đến Mỹ cùng với các con mình, Geng He đã gửi thư cho Quốc hội Mỹ. Có một đoạn như sau:
Tôi còn nhớ, khi chồng tôi còn được tự do, khi xảy ra bất cứ vụ kiện nhân quyền quan trọng nào ở Trung Quốc, ông đều hướng về Mỹ. Ông luôn luôn nói: Mỹ là hòn đá tảng của tự do, nhân quyền và trật tự xã hội trên thế giới; Mỹ không bao giờ tha thứ cho chế độ độc tài và ngược đãi một cách tùy tiện những người yếu đuối và quần chúng nhân dân.
Con gái của hai người, Grace, cảm ơn Mỹ vì được sống tự do. Rõ ràng là như thế. Nhưng, đương nhiên, cô cũng muốn rằng Mỹ sẽ chú ý nhiều hơn – không chỉ đối với trường hợp của cha cô mà còn đối với nhân quyền ở Trung Quốc, nói chung.
Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Xi Jinling, đã tấn công các luật sư nhân quyền, như Gao Zhisheng, một cách tàn ác. Tháng 7 năm 2015, khoảng 250 người trong số họ đã bị bắt trong một chiến dịch gọi là “Trừng trị 709”. (Ám chỉ ngày bắt đầu cuộc đàn áp, 9/7). Một số luật sư đã bị tra tấn đến mức hóa điên.
Cuối cuộc trò chuyện, tôi hỏi Grace một câu thường thấy: “Bạn muốn thế giới biết những gì?”
“Sự thật”, cô nói. “Đấy là sức mạnh. Càng nhiều người biết về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, sẽ càng có nhiều người quan tâm, và có thể một ngày nào đó sẽ dẫn đến một sự thay đổi đầy kịch tính”.
Khỏang 10 ngày sau Diễn đàn Tự do Oslo, tôi sẽ lại nói chuyện với Grace. Cô ấy đang thi năm cuối. Còn hai tuần rưỡi nữa thì sẽ tốt nghiệp. Do cô có mặt ở Oslo mà chính phủ Trung Quốc đã hoàn toàn không cho cô tiếp xúc với cha mình nữa.
Hệ thống cộng sản – dù được lập nên ở bất cứ đâu – đều là cái xấu được thể hiện bằng hàng ngàn cách khác nhau, chứ không chỉ bằng những việc mà nó làm đối với những cô gái như Grace và những gia đình như Gao Zhisheng.
Tác giả Jay Nordlinger là một biên tập viên cấp cao của National Review.