Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
LLB, LLM, LLD,… là các bằng cấp luật học nước ngoài bằng tiếng Anh nghe rất oai, nhưng chúng thực sự có nghĩa là gì? Một chuyến du hành vào lịch sử từ nguyên của một số bằng được biết đến nhiều nhất sẽ cho chúng ta những phát hiện thú vị.
LLB, LLM, LLD
Nói đến bằng cấp học thuật dành cho luật học trên thế giới, nhiều người đã biết đến các bằng thông dụng nhất như LLB, LLM, LLD hay PhD.
Hệ thống bằng cấp luật học hiện nay chủ yếu được xây dựng, bồi đắp bởi các trường đại học ở Châu Âu từ thời Trung Cổ.
LLB là cụm từ viết tắt của nguyên văn tiếng Latinh Legum Baccalaureus, dịch sang tiếng Anh là Bachelor of Laws, Cử nhân luật. LLM là viết tắt của Legum Magister, Master of Laws hay Thạc sĩ luật. LLD là Legum Doctor, Doctor of Laws, hay được dịch ở Việt Nam là Tiến sĩ luật.
Baccalaureus (Bachelor) (từ Latinh gốc nghĩa cổ có lẽ dùng để chỉ người nam giới trẻ, không hẳn là chàng cô đơn, mà là chàng chưa có gia đình, sản nghiệp, chưa là thành viên của bang nhóm phường hội nào) là để chỉ một người mới học, mới vào nghề, non kiến thức và kinh nghiệm nhất.
Magister (Master) thì là từ Latinh gốc magis nghĩa là lớn hơn, nhiều hơn; ở đây hiểu trừu tượng là trình độ, kiến thức của người được nói đến đã lên cấp “đại ca”, nhiều hơn “tiểu đệ” Baccalaureus.
Từ Doctor có gốc chính là docere, động từ chỉ việc dạy dỗ (dịch sang tiếng Anh là ‘to teach’). Nguyên gốc là người nào trình học vấn, nghề nghiệp đã đạt tới mức thượng thừa, có thể chỉ dạy cho những người kém kiến thức, kinh nghiệm hơn, thì mới được gọi là Người dạy, Thầy, hay Doctor.
Bằng LLD danh dự trường Harvard trao tặng George Washington năm 1776. Ảnh: Stephanie Mitchell/Harvard Staff Photographer.Để ý khi dịch sang tiếng Anh, các bằng này thường được dịch với từ Laws mang nghĩa luật số nhiều thay vì Law số ít. Đây là bởi vì bản thân từ gốc legum là một dạng số nhiều của từ lex, mang nghĩa ‘luật’ trong tiếng Latinh. Học là phải học “hội đồng”, chứ không có học “lẻ tẻ”!
Nhóm nhiều luật ở đây có phải bao gồm nhiều loại luật theo cách hiểu hiện đại với luật dân sự, luật hình sự, luật thương mại… không? Không hẳn. Việc phân chia các loại luật thời Trung Cổ có lẽ là phân chia giữa Luật có nền tảng thế tục, dân sự (Civil Law – bao gồm Luật La Mã, Luật của các triều đình phong kiến Châu Âu, hay Thông luật của Anh) và Luật có nền tảng tôn giáo (Canon Law – luật do Giáo hội Thiên Chúa Giáo tại Vatican xây dựng qua nhiều thế hệ).
BA, MA, BCL
Phần nào ít thông dụng hơn các bằng cấp nêu trên trong ngành luật là BA, MA, và BCL. Ba bằng này hay được dùng tại các trường đại học cổ điển, đã có từ lâu đời (hoặc các trường muốn ra vẻ cổ điển). Hai ví dụ điển hình nhất có lẽ là các trường đại học Oxford (mở khoảng năm 1096) và Cambridge (mở năm 1231) của Anh.
BA là cụm viết tắt cho Bachelor of Arts, gốc Latinh cổ là Artium Baccalaureus. Bưng máy móc sang tiếng Việt thì thành Cử nhân các ngành Nghệ thuật, dễ làm liên tưởng đến hình ảnh… mấy anh chàng sinh viên học nghệ thuật đầu bù tóc rối và ăn mặc phong cách du mục bohemian.
Thực ra Nghệ Thuật ở đây gốc là để chỉ bảy môn nghệ thuật trong giáo dục khai phóng cổ điển của Châu Âu (the seven liberal arts).
Hình minh họa bảy môn nghệ thuật khai phóng thời Trung Cổ. Ảnh: britishmuseum.org.Các học giả Châu Âu trung cổ tin rằng để một con người có thể trở nên tự do (được ‘khai phóng’) thì phải rành bảy môn được xem là nghệ thuật: Grammar (Ngữ pháp tiếng Latinh hay tiếng Hy Lạp cổ), Logic (Tư duy, Lý luận học), Rhetoric (Hùng biện), Arithmetic (Toán đại số), Geometry (Toán hình học), Music (Âm nhạc), và Astronomy (Thiên văn học).
Việc học các môn nghệ thuật này phiều phần thông qua việc ngâm cứu các bộ sách, kiệt tác cổ điển (classics) vốn là tác phẩm của những nhà triết học, nhà toán học, và nhà văn Hy Lạp hay La Mã cổ đại.
Sau khi tốt nghiệp, bất kể chuyên ngành gì, một sinh viên vẫn được xem là một ông cử đã được đào tạo nhiều môn nghệ thuật khai phóng, và vì thế là một Bachelor of Arts. Lỳ lợm đèn sách thêm một thời gian nữa thì ông cử có thể thành ông thạc, Master of Arts (MA).
Sau này cho dù không còn dạy bảy môn nghệ thuật này nữa, các trường đại học cổ điển vẫn giữ nguyên tên bằng BA, MA như một cách lưu giữ truyền thống.
Bằng cử nhân luật của Cambridge vì thế là Bachelor of Arts in Law, trong khi bằng cử nhân luật của Oxford còn có cái tên “kêu” hơn nữa là Bachelor of Arts in Jurisprudence. Jurisprudence là ghép từ Latinh juris (dạng sở hữu của jus hay ius nghĩa là luật) với từ prudentia (kiến thức, sự hiểu biết), có thể dịch là Khoa học pháp lý.
Sao cùng để chỉ ‘luật’ mà trong tiếng Latinh cổ có cả
lexvà
ius? Giải thích cũng khá
lằng nhằng, nhưng có lẽ là ius mang nghĩa trừu tượng hơn lex. Ius có thể được dùng để chỉ cả luật, quyền, nghĩa vụ; trong khi lex thì hẹp hơn, liên quan nhiều hơn đến luật thành văn, luật văn bản.
Lễ phục truyền thống khi tốt nghiệp dành cho ba bằng khác nhau tại đại học Oxford. Ảnh: sandersofoxford.com.BCL là viết tắt của Baccalaureus Civilis Legis (Bachelor of Civil Law), Cử nhân Dân luật. Ở đây ta thấy legis, một dạng số ít của lex.
Riêng bằng BCL hơi lạ vì trong một trường hợp, nó tên vậy mà… hổng phải vậy. Bằng BCL của Oxford xưng là bachelor nhưng không phải là bằng ở cấp độ cử nhân bachelor, mà là một bằng ở cấp độ thạc sĩ (master) với chương trình và cách học được xây dựng theo truyền thống học thuật riêng của trường Oxford (có một cựu sinh viên BCL Oxford từng diễn tả lại cách dạy và học của chương trình BCL này là “người ta tháo một chiếc xe đua F1 ra hàng trăm mảnh và bắt bạn phải tự lắp tất cả lại thành một chiếc xe đua chạy được“!).
Civil Law gốc trong BCL của Oxford cũng không phải là danh từ chỉ luật/truyền thống/hệ thống dân luật Châu Âu (Civil Law), vốn hay được dùng để phân biệt với luật/truyền thống/hệ thống thông luật Anh (Common Law). Civil Law trong BCL chính là chỉ Luật thế tục, có ý phân biệt với Canon Law (Luật giáo hội) như đã nói ở trên.
PhD
Trong các bằng được dịch là Tiến sĩ luật tại Việt Nam ngoài bằng LLD cũng có bằng PhD in Law.
PhD là viết tắt của Philosophiae Doctor, nhảy sang tiếng Việt hay bị biến thành Tiến Sĩ… Triết học. Thực ra từ gốc Philosophiae không có nghĩa chỉ riêng ngành Triết học, mà là một dạng của từ Philosophia, gốc Hy Lạp cổ mang nghĩa là “tình yêu kiến thức” hay “tình yêu sự thông thái” (‘love of wisdom’). Sự phân biệt này thể hiện trong cách dịch tiếng Anh của Philosophiae Doctor: Doctor of Philosophy thay vì Doctor in Philosophy, vốn mới có nghĩa là bằng doctor môn Triết học.
Một tình yêu phải vượt qua rất nhiều gian khổ. Ảnh: solatesosoon.files.wordpress.com.
PhD hiểu sát theo từ nguyên Latinh với doctor/docere đi cùng philosophiae như vậy chính ra phải dùng để chỉ những con người vừa có trình độ cao tới mức đủ để đi dạy người khác, vừa có một tình yêu sâu sắc cho ngành học của mình.
Cách dịch các bằng cấp độ Doctor trong ngữ cảnh học thuật thành bằng Tiến Sĩ trong tiếng Việt theo đó có vẻ nông cạn vì không diễn tả được hết các ý trong các từ nguyên tiếng Latinh.
Nhìn sang cách một ngôn ngữ Á Đông khác dịch từ Doctor có thể thấy nhiều hơn các giới hạn của cách dịch Doctor trong tiếng Việt.
Từ trước tới nay Doctor dịch sang tiếng Việt chỉ có thể được dịch theo hai nghĩa tùy vào ngữ cảnh: Doctor trong ngữ cảnh học thuật thì bắt buộc chỉ có thể là… Tiến Sĩ, Doctor trong phần lớn các ngữ cảnh khác thì chắc phải là Bác Sĩ, những người được đào tạo chuyên môn về y khoa, có khả năng khám, chữa bệnh.
“Chắc toa sẽ thấy moa là một trong những bác sĩ THẤU CẢM nhất mà toa gặp!” Ảnh: mdjunction.com.
Người Tàu dịch Doctor, trong ngữ cảnh liên quan đến y khoa, là y sư (醫師), y sinh (醫生) hay đại phu (大夫). Trong khi đó họ dịch Doctor trong ngữ cảnh học thuật là 博士, nguyên văn chữ Hán của Bác Sĩ.
Đây là từ ghép của hai từ Bác (博) và Sĩ (士). Bác nghĩa đen rộng, lớn, nhiều, phong phú; khi để chỉ kiến thức thì thành ra thông suốt sâu rộng. Sĩ thì có nhiều nghĩa, hoặc là chỉ người học trò, hoặc là chỉ một người có chức tước, phẩm hạnh, tài nghệ riêng.
Để ý khi dịch Master, cấp thấp hơn Doctor, người Tàu dùng là từ Thạc (碩) có nghĩa đen là to, lớn gần giống với nghĩa từ Latinh gốc magis. Lên đến Doctor, thay vì dùng một từ nào đó liên quan đến việc dạy học như từ gốc xuất phát từ docere, người Tàu có vẻ lại dựa vào việc diễn tả chất lượng kiến thức ở cấp độ này, thể hiện qua từ Bác: kiến thức của Doctor không chỉ lớn hơn, nhiều hơn mà còn sâu rộng, phong phú.
Vậy theo cách hiểu trong tiếng Hán, Doctor học thuật, hay Bác Sĩ, chỉ những người có kiến thức chuyên môn thông suốt sâu rộng về một ngành bất kỳ nào đó. Không nhất thiết Bác Sĩ thì chỉ có thể là người có bằng và hành nghề y.
Ví dụ, một người có bằng doctor nghiên cứu văn chương trong tiếng Hán được gọi là 文学博士 (Văn học Bác sĩ) trong khi một vị mang bằng doctor ngành giáo dục là 教育博士 (Giáo dục Bác sĩ).
Cách dịch Doctor trong ngữ cảnh học thuật thành Tiến Sĩ là cách dịch đặc thù chỉ Việt Nam mới có.
Tiến Sĩ trong nguyên văn tiếng Hán là 进士, ghép hai từ Tiến (进) mang nghĩa đi lên, đi tới; và từ Sĩ (士). Nguyên gốc Tiến Sĩ ở Tàu như vậy có vẻ mang nghĩa là người/vị học trò học hành tấn tới, hay được dùng để chỉ chung những người đỗ đạt cao trong các kỳ thi tuyển quan chức của các vương triều phong kiến Trung Hoa.
Một tấm bằng Tiến Sĩ cấp tại Việt Nam năm 1780. Ảnh: Bùi Ngọc Long – Báo Thanh Niên.
Du nhập vào làng khoa bảng phong kiến Việt Nam, Tiến Sĩ cũng được dùng tương tự, không để chính thức chỉ riêng một học vị hay thành tích nào, mà chỉ chung một nhóm nhiều cấp bậc học vị hay thành tích khác nhau. Như một tác giả giải thích:
“…Tuỳ theo số điểm đạt được, người đỗ được xếp vào 3 hạng gọi là Tam Giáp. Bậc 3 là bậc thấp nhất, đại trà nhất là Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp, hay gọi chung là Tiến sỹ; Bậc 2 là Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp, hay còn gọi là Hoàng Giáp; Bậc 1 là Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp, gồm 3 thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam khôi: Đỗ hạng ba là Thám Hoa (ông Thám), hạng nhì là Bảng Nhãn (ông Bảng), đỗ đầu là Trạng Nguyên (ông Trạng)…”
Vậy nếu phải gán cho cụm từ Tiến Sĩ nguyên gốc một vị trí chính thức nào đó thì có thể hình dung Tiến Sĩ như kiểu một tấm bằng “khuyến khích”, một “huy chương đồng Nho học”; chưa đủ để làm “huy chương vàng” ông Thám, ông Bảng, ông Trạng; mà cũng chưa đạt “huy chương bạc” Hoàng Giáp.
Đến thời hiện đại, trớ trêu là một cụm từ có nghĩa gốc chung chung và mang màu sắc phong kiến thực dụng như Tiến Sĩ (các tiến sĩ xưa hoàn toàn học để làm quan cho vua thay vì học do yêu kiến thức) lại bỗng nhiên “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, thậm chí có giai đoạn còn tuyển thêm được ông đệ tử Phó Tiến Sĩ!
Tiến Sĩ nay có vị trí trang trọng tại Việt Nam, dùng để chỉ học vị cao nhất trong hệ thống bằng cấp học thuật, và cũng để chỉ học vị của những người có bằng cấp bậc Doctor của quốc tế, có lúc theo những cách rất gây tranh cãi.
Kỳ tới: Juris Doctor – Bác sĩ luật?
Về tác giả: Anh Cả Lý
Một logophile*. Chưa bao giờ lọt được vào một cái lớp “chuyên Anh” nào, nhưng rất yêu tiếng Anh. Bằng một cách may mắn khó hiểu nào đấy, đã đi du học. Bây giờ chuyên tám gió** chuyện tiếng Anh pháp lý và thời sự cho Luật Khoa. *Phối hợp hai từ tiếng Hy Lạp, logos (ngôn từ) và philos (người bạn). Dùng để chỉ những kẻ yêu chữ nghĩa, và dĩ nhiên, sính ngoại. **Phối hợp hai từ tiếng Việt, tám (nói chuyện phiếm) và gió (“những luồng không khí chuyển động trên quy mô lớn”, thứ duy nhất không bao giờ quá thiếu tại các hàng cà phê và quán nước vỉa hè Việt Nam). |