Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhóm làm việc về Bắt giữ Tuỳ tiện (WGAD) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ra kết luận khẳng định blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) đã bị chính quyền Việt Nam bắt và giam giữ trái với luật quốc tế và cần phải được trả tự do ngay lập tức.
Kết luận này được đưa ra vào ngày 25/4 vừa qua trong phiên họp lần thứ 78 của AGAD (Working Group on Arbitrary Detention).
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Công an tỉnh Khánh Hoà bắt và tạm giam từ ngày 10/10 năm ngoái. Bà bị khởi tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999.
Kết luận trên của WGAD được đưa ra sau khi họ nhận được thông tin về vụ việc này và không cho biết rõ nguồn tin. WGAD cũng đã liên lạc với chính phủ Việt Nam ngày 31/1 và yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi trước các thông tin này không muộn hơn ngày 31/3.
Tuy nhiên, Nhóm làm việc cho biết đến tận 13/4 chính phủ Việt Nam mới gửi phản hồi và được coi là “trả lời muộn” theo quy trình của Liên Hiệp Quốc. Theo đúng quy trình, WGAD có thể ra kết luận mà không cần quan tâm tới phản hồi của chính phủ Việt Nam.
Nhóm làm việc về Bắt giữ Tuỳ tiện của LHQ gồm 5 chuyên gia quốc tế về nhân quyền, được Hội đồng Nhân quyền bổ nhiệm theo nhiệm kỳ để tiến hành điều tra về các vụ bắt giữ bị cáo buộc là vi phạm pháp luật quốc tế. Hiện Tiến sĩ José Guevara, người Mexico, đang là chủ tịch của Nhóm làm việc này. WGAD là một trong 56 Nhóm làm việc/báo cáo viên đặc biệt (mandates) của Hội đồng Nhân quyền, cấu thành nên các thủ tục đặc biệt (special procedures) của cơ chế nhân quyền LHQ.
Kết luận của Nhóm làm việc cho biết, Điều 88 BLHS mà Việt Nam dùng để cáo buộc bà Quỳnh là “quá rộng và mơ hồ”, đến mức việc áp dụng điều luật này sẽ “dẫn đến kết quả là áp đặt hình phạt cho những người chỉ thuần tuý thực hành quyền tự do quan điểm và tự do biểu đạt chính đáng của họ”.
Các chuyên gia luật học của Nhóm làm việc không phủ nhận rằng quyền tự do ngôn luận có thể bị hạn chế trong các trường hợp mà ngôn luận đó có thể dẫn tới bạo lực hoặc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, theo đúng luật quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, kết luận cho biết, trong phản hồi của chính phủ Việt Nam không có bất kỳ bằng chứng nào về việc bà Quỳnh sử dụng hay kích động bạo lực hay có bất kỳ hành vi nào làm tổn hại an ninh quốc gia.
Điều 88 BLHS, theo Nhóm làm việc, không hề phân biệt những hành vi bạo lực với việc thực hành quyền tự do ngôn luận một cách ôn hoà, và do đó không phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và Chính trị.
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Ảnh: UN.
Kết luận cũng khẳng định những hành vi ngôn luận và hoạt động môi trường của bà Quỳnh hoàn toàn nằm trong phạm vi tự do ngôn luận, hội họp và lập hội được quy định tại hai văn kiện nêu trên. Vì chính phủ Việt Nam không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bà Quỳnh sử dụng bạo lực hay đe doạ an ninh quốc gia, WGAD cho rằng “việc bắt giữ là nhằm hạn chế các hoạt động của bà Quỳnh với tư cách là một nhà hoạt động nhân quyền”.
Nhóm làm việc cũng cho biết, trong phản hồi của chính phủ Việt Nam có nhắc đến việc bà Quỳnh đã tham gia một tổ chức bất đồng chính kiến tên là “Người Việt yêu nước” từ năm 2009, rằng bà Quỳnh được một nhóm khủng bố tên là “Việt Tân” tài trợ để phát tán các tài liệu xuyên tạc và kích động người dân, và bà Quỳnh có kết hoạch tổ chức một cuộc “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền.
Chính phủ Việt Nam không cung cấp cho WGAD một chứng cứ nào về những cáo buộc nêu trên. Nhóm làm việc cho rằng nếu chỉ dựa trên mối quan hệ giữa bà Quỳnh với Việt Tân thì không đủ để biện minh cho việc bắt giữ bà.
Việc tạm giam bà Quỳnh để điều tra, theo Nhóm làm việc, cũng không thoả đáng vì bà Quỳnh không được trình diện trước toà để phản đối việc bị tạm giam. WGAD cho rằng việc tạm giam để điều tra chỉ nên được áp dụng nếu có căn cứ xác đáng về việc bị can sẽ bỏ trốn hoặc thay đổi các chứng cứ, và việc này cần phải được toà án quyết định, cũng như để ngỏ khả năng bà Quỳnh được tại ngoại hầu tra.
Một vấn đề nữa cũng bị Nhóm làm việc phê phán là việc bà Quỳnh bị biệt giam và không được tiếp xúc với bất kỳ luật sư nào trong quá trình điều tra. Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 của Việt Nam, “trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”. Nghĩa là bà Quỳnh không có được bất kỳ sự trợ giúp nào về pháp lý trong khoảng nửa năm bị điều tra.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ bị đem ra xét xử vào ngày 29/6 tới đây. Tuy nhiên, ngày 19/6, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của bà Quỳnh, cho biết bà chưa nhận được giấy mời và được nhân viên toà án trả lời rằng đây là “phiên toà đặc thù” nên bà không được tham dự.