Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Ở kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu về nguồn gốc của tội “tuyên truyền chống nhà nước” trong Bộ luật Hình sự. Vậy điều luật này đã được áp dụng trên thực tế ra sao?
Thời kỳ trước năm 1975
Không có nhiều tư liệu chính thức từ phía nhà nước về các bản án “tuyên truyền chống nhà nước”, nhưng thời điểm ban hành Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng (1967) trùng hợp với thời điểm xảy ra một vụ án chính trị thuộc loại lớn nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam: vụ án xét lại chống Đảng.
Nguyên nhân và sự thật về vụ án này cho tới nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng thực tế là có hàng loạt cán bộ cao cấp và văn nghệ sĩ khi đó bị bắt giam nhiều năm liền mà không qua xét xử, trong đó có các ông Viện trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Vũ Đình Huỳnh, con trai ông Vũ Đình Huỳnh là nhà văn Vũ Thư Hiên, Đại tá Lê Trọng Nghĩa, v.v.
Trong số những người bị bắt giam có một nhà văn sau này nổi tiếng với bộ tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000”: Bùi Ngọc Tấn.
Theo BBC, ông bị bắt năm 1968 và bị giam cho tới năm 1973 với cáo buộc về tội “tuyên truyền phản cách mạng”. Không có phiên toà nào đưa ra một bản án chính thức dành cho ông.
Trong một bài viết đăng trên báo Nam Định ngày 7/9/2015, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Nam Định Lương Hồng Minh cho biết, “trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (…) ngành TAND tỉnh đã phối hợp với lực lượng Công an, Viện Kiểm sát mở các đợt truy bắt, thụ lý và kịp thời đưa ra ánh sáng công lý nhiều vụ án chính trị. Điển hình như vụ án Đinh Viết Lộc, Ngô Văn Tước, Mai Viết Roãn xã Hải Vân (Hải Hậu) phạm tội tuyên truyền phản cách mạng; vụ án Lương Huy Hân và đồng bọn phạm tội tham gia tổ chức phản cách mạng; vụ án Nguyễn Văn Soái và đồng bọn phạm tội phản động”.
Cho đến nay, hồ sơ các vụ án này ở Việt Nam vẫn còn nằm trong vòng bí mật và công chúng không thể tiếp cận được.
Thời kỳ từ năm 1975 trở đi
Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, có thể đưa ra một suy đoán hợp lý là tội “tuyên truyền phản cách mạng” được áp dụng một cách tương đối phổ biến ở miền Nam.
Báo Công an Nhân dân ngày 20/8/2008 cho biết, ngày 29/7/1976, ông Đoàn Viết Hoạt bị bắt giam về tội “tuyên truyền tư tưởng phản động chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Sau đó, ông bị TAND TP HCM tuyên phạt 12 năm tù giam và được trả tự do ngày 9/2/1988.
Trước 30/4/1975, ông Hoạt làm việc với vai trò là phụ tá cho Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn. Sau khi được trả tự do năm 1988, đến năm 1990, ông bị bắt trở lại và theo lời ông kể thì ban đầu ông bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, nhưng sau đó ông bị chuyển sang tội danh “lật đổ chính phủ”. Ông được đặc xá năm 1998, xuất cảnh sang Mỹ và sinh sống ở Mỹ từ đó cho đến nay.
Cũng trên báo Công an Nhân dân, một bài viết khác cho biết vào năm 1984, một toà án ở thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử một nhóm văn nghệ sĩ về tội tuyên truyền phản cách mạng.
Nhưng không những giới hoạt động dân chủ ở miền Nam mới vướng vào vòng lao lý với tội danh này, mà ngay cả một cựu quan chức tình báo cũng không thoát nổi. Đó là ông Tạ Đình Đề.
Theo báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, ông Tạ Đình Đề “từng làm Phó ban Tình báo Liên khu 2, Trưởng ban Tình báo Tây Tiến, Đội trưởng biệt động Liên khu 2, Giám đốc Trường Hoa văn Liên khu 3…”.
Ông chính là người được nhắc đến trong một câu thơ Bút Tre: Hoan hô anh Tạ Đình Đề/Trước đi theo địch nay về với ta. Theo lời kể của ông Dương Thanh Biểu, nguyên phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, ông từng được “địch” (không rõ là ai, nhiều tài liệu nói là chính quyền Tưởng Giới Thạch) cử đi ám sát Hồ Chí Minh nhưng sau đó được Hồ Chí Minh cảm hoá và trở thành cận vệ của Chủ tịch. Đây cũng là một huyền thoại được lan truyền mà chưa có thông tin xác thực.
Theo ông Dương Thanh Biểu, năm 1986, ông được tiếp cận một kết luận của cơ quan điều tra, khẳng định “ông Tạ Đình Đề đã có hành vi thu lượm các câu ca dao, hò, vè có nội dung nói xấu lãnh đạo, sau đó đưa về nói lại cho nhiều người cùng nghe”. Ông cũng cho biết “cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông về tội tuyên truyền chống chế độ XHCN.”
Tháng 12/1987, chính quyền trung ương quyết định không truy tố ông Đề và khép lại hồ sơ này.
(Còn nữa)