Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Anh Kim Chang-ho là một luật sư trẻ trong độ tuổi 30 tại Nhật Bản. Luật sư Kim có bằng hành nghề tại Nhật và cả tại bang New York, Hoa Kỳ. Anh hiện là Phó Tổng thư ký của tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Now tại Tokyo.
Luật sư Kim là thế hệ thứ 3 của một gia đình gốc Hàn Quốc tại Nhật Bản, nghĩa là cả bố mẹ anh và anh đều được sinh ra tại đất nước mặt trời mọc.
Thế nhưng, anh Kim chỉ có một quốc tịch duy nhất, đó là quốc tịch Hàn Quốc.
Vì có gốc gác là người Hàn Quốc nên cho dù được sinh ra tại Nhật Bản, anh Kim bị bắt buộc phải nộp đơn và cần trải qua thủ tục xin gia nhập quốc tịch (naturalization process). Anh không có quyền có quốc tịch Nhật Bản từ lúc sinh ra (citizenship by birth) như những người Nhật khác.
Trao đổi với Luật Khoa tạp chí, anh Kim cho biết, luật quốc tịch Nhật Bản hiện hành vi phạm trầm trọng quyền được có quốc tịch của cộng đồng người Nhật gốc Hàn tại đây. Chỉ vì có nguồn gốc là người Hàn Quốc mà quyền con người này của họ lại bị tước đoạt từ khi mới sinh, và họ phải trải qua một quá trình khá khắc nghiệt mới xin được nó.
Luật sư Kim cho biết thêm, bản thân anh là một luật sư nhân quyền nên anh sẽ không bao giờ nộp đơn để xin nhà nước Nhật Bản ban cho quyền mà anh vốn được có. Ngược lại, anh chọn con đường đấu tranh để lấy lại quyền con người của mình.
LS Chang-ho Kim (áo đen, giữa) trong một buổi họp cùng LHQ về vấn đề quyền công dân của người Nhật gốc Hàn. Ảnh: NV cung cấp.
Quyền có quốc tịch dựa trên lãnh thổ mà một người chào đời là một chuẩn mực pháp lý quốc tế: jus soli. Tuy không phải mọi quốc gia đều sử dụng chuẩn mực này khi công nhận quyền có quốc tịch của những người được sinh ra trên lãnh thổ của họ, nhưng luật Quốc tế xem quyền này là quyền con người.
Án lệ Trop v. Dulles, 356 U.S. 86, 101-102 (1958) của Hoa Kỳ gọi quyền được có quốc tịch là “quyền để có thể có những quyền khác” (right to have rights) của một người.
Theo International Justice Resource Center, những người không có quyền công dân và không có quốc tịch là một nhóm yếu thế trong xã hội, và vì thế, quyền con người của họ rất dễ bị vi phạm.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khẳng định một người có quyền được có quốc tịch từ khi sinh ra:
Điều 7: Mỗi đứa trẻ đều có quyền được có quốc tịch Điều 15: (1) Mỗi người đều có quyền được có quốc tịch. |
Dựa trên những quy chuẩn pháp lý của luật quốc tế nêu trên, thông thường một đứa trẻ sinh ra trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia và bố mẹ là những người định cư hợp pháp, thì sẽ mang quốc tịch của nước đó hoặc sẽ được cho phép có quốc tịch với những thủ tục dễ dàng hơn.
Thế nhưng, qua trao đổi với luật sư Kim Chang-ho, Luật Khoa tạp chí được biết, quyền con người căn bản này của các thế hệ người Nhật gốc Hàn đã bị vi phạm liên tục tại đây từ năm 1947 đến nay.
Vì sao lại xảy ra tình trạng như thế?
Trước và trong thời kỳ Thế chiến thứ Hai, bán đảo Triều Tiên và đảo quốc Đài Loan là thuộc địa của đế quốc Nhật Bản.
Vì vậy, người dân tại những nơi này cũng có quốc tịch Nhật Bản. Một số người trong số đó bị cưỡng ép đến Nhật để lao động, và họ bắt đầu sinh sống tại đó cho đến nay.
Sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, Nhật Bản thua trận và đầu hàng. Chế độ quân chủ chấm dứt, Nhật Bản trở thành một nhà nước dân chủ khi bản Hiến pháp năm 1947 ra đời.
Tuy nhiên, các quyền hiến định (constitutional rights) nằm trong Hiến pháp 1947 đều không được áp dụng cho công dân Nhật gốc Hàn.
Lý do là một ngày trước khi bản Hiến pháp 1947 có hiệu lực, một đạo hoàng lệnh (imperial order) đã được hoàng đế Nhật Bản ban hành. Theo đó, tất cả công dân Nhật gốc Hàn đều bị tước quốc tịch và ngay lập tức bị coi là người nước ngoài.
Tiếp theo, sau khi Hiệp định San Francisco 1952 (Treaty of San Francisco 1952) được ký kết, chính phủ Nhật Bản tiếp tục tước bỏ quốc tịch của tất cả người Nhật gốc Hàn và gốc Đài Loan, cho dù họ đang sinh sống tại Nhật.
Các phán quyết của Sở Tài phán Tối cao, tức là Tòa án Tối cao của Nhật Bản (Supreme Court of Japan – Saikō-Saibansho), từ đó cho đến nay, luôn đứng về lập luận của chính phủ Nhật Bản, tiếp tục không công nhận quyền được có quốc tịch của cộng đồng gốc Hàn và Đài Loan.
Dân số người Nhật gốc Hàn tại Nhật Bản từ 1910-2010. Nguồn: Chang-ho Kim
Trong một báo cáo gửi đến Liên Hiệp Quốc ngày 30/3/2017 trong dịp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền vòng 3 (Universal Periodic Review – UPR – Third Cycle) của Nhật Bản, luật sư Kim Chang-ho đã công bố thêm, chính phủ Nhật Bản còn sửa đổi một số đạo luật cấp quốc gia để đặt ra những quy định rất ngặt nghèo và bất công, chỉ áp dụng riêng cho người Nhật gốc Hàn trong các bộ luật dân sự và an sinh xã hội.
Từ năm 1952 đến năm 1980, các phúc lợi về y tế, an sinh xã hội, chế độ hưu bổng, v.v. của Nhật Bản đều không dành cho người gốc Hàn.
Người Nhật gốc Hàn cũng không được làm việc trong các cơ quan của chính phủ và không được làm một số ngành nghề, chẳng hạn như luật sư hay giảng sư đại học công.
Mãi cho đến năm 1976, người Nhật gốc Hàn mới có thể thi lấy bằng hành nghề và tham gia luật sư đoàn. Và cho đến năm 1982, giáo sư gốc Hàn mới được bổ nhiệm vào các trường đại học quốc gia.
Riêng đối với Bộ luật Quốc tịch, người Nhật gốc Hàn còn là nạn nhân của rất nhiều điều luật bất công, vi phạm quyền con người của họ một cách có hệ thống.
Đạo luật Quốc tịch Nhật Bản (Japanese Nationality Act) định nghĩa quyền có quốc tịch được dựa trên di truyền về mặt huyết thống (blood lineage). Do đó, một đứa trẻ mà cả cha lẫn mẹ đều là người nước ngoài thì không có quyền có quốc tịch Nhật Bản, cho dù nó được sinh ra tại đây.
Như đã nói ở trên, tất cả người Nhật gốc Hàn đều bị tước quốc tịch sau khi Thế chiến thứ Hai chấm dứt. Vì vậy, con cái của họ sinh ra tại Nhật Bản đều không được quyền có quốc tịch, trừ trường hợp bố, hoặc mẹ kết hôn với người Nhật.
Tuy rằng người Nhật gốc Hàn có thể nộp đơn xin gia nhập quốc tịch Nhật Bản, thế nhưng quy trình này lại được thực hiện bằng những phương pháp mang đầy tính phân biệt chủng tộc đối với những công dân gốc Hàn.
Cho đến năm 1995, những người gốc Hàn bị bắt buộc phải lấy tên Nhật Bản và đổi họ của mình sang tiếng Nhật nếu muốn xin gia nhập quốc tịch Nhật Bản.
Hiện nay, trong quá trình xét duyệt hồ sơ, chính phủ Nhật Bản vẫn đặt nặng vấn đề đồng hóa chủng tộc và văn hóa (ethnic and cultural assimilation), như là một điều kiện mà một người cần phải có nếu muốn được cấp quốc tịch.
Ví dụ như, những người tham gia hội đồng hương Hàn Quốc ở Nhật Bản – Mindan (Korean Residents Union in Japan) – có thể phải đối mặt với việc đơn xin nhập quốc tịch của họ bị từ chối, vì họ bị xem là vẫn còn muốn giữ sự kết nối với gốc gác Hàn Quốc của mình.
Ngoài ra, việc bài xích người nước ngoài tại Nhật Bản cũng có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Vì thế, người Nhật gốc Hàn còn là nạn nhân của những kẻ vị chủng cực đoan.
Một cuộc biểu tình của người Nhật chống người Hàn Quốc năm 2016. Ảnh: WSJ.
Trải qua hơn 60 năm đấu tranh cho quyền con người, người Nhật gốc Hàn đã đạt được một số thắng lợi đáng kể, trong đó có việc xóa bỏ những điều luật kỳ thị người gốc Hàn trong các bộ luật Dân sự và An sinh Xã hội. Các điều kiện để xin vào quốc tịch Nhật Bản cũng đã bớt hà khắc so với trước kia.
Thế nhưng hiện nay, họ vẫn tiếp tục nỗ lực nhằm xóa bỏ các điều khoản của luật Quốc tịch tại Nhật Bản chỉ công nhận quyền có quốc tịch dựa trên huyết thống. Ngoài ra, cộng đồng người Nhật gốc Hàn cũng đang vận động cải cách các điều luật bầu cử để những người gốc Hàn không hoặc chưa vào quốc tịch Nhật Bản cũng có thể tham gia bầu cử.
Vì những người gốc Hàn này trên thực tế không khác gì những công dân Nhật Bản. Họ đều sinh ra và lớn lên tại Nhật, đều thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công dân, chẳng hạn như đóng thuế thu nhập hằng năm. Do đó, họ xứng đáng có được quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tại Nhật.
Luật sư Kim Chang-ho là đại diện cho thế hệ mới của người Nhật gốc Hàn hiện đang dấn thân tiếp tục đấu tranh cho quyền con người của những cộng đồng thiểu số tại Nhật Bản.
Luật sư Kim cho biết, thông qua các cuộc vận động quốc tế, sử dụng các cơ chế của Liên Hiêp Quốc, vận động chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc, anh và các đồng sự hi vọng rằng họ sẽ thay đổi được luật quốc tịch của Nhật Bản trong một ngày không xa.
Ngoài ra, anh cũng mong rằng việc người Nhật gốc Hàn đấu tranh đòi hỏi quyền của mình sẽ giúp cho tinh thần đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền của người trẻ ở Nhật được nâng cao.
Tài liệu tham khảo: