Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Trong kỳ trước chúng ta đã tìm hiểu lập luận của những người liên bang (ủng hộ Hiến pháp mới) và những người chống liên bang (phản đối Hiến pháp mới) về chính quyền cộng hòa. Ở phần này, chúng ta đi tiếp vào cuộc bút chiến về lý thuyết đại diện.
Tuy những người chống liên bang phê phán nền cộng hòa quy mô lớn, song họ cũng không hoàn toàn ủng hộ nền dân chủ trực tiếp. Thứ mà họ quan tâm là, làm thế nào để một “chính quyền đại diện” thực sự có tính đại diện.
Chính hình thức và chất lượng của tính đại diện được quy định trong bản hiến pháp mới đã gây ra bất đồng giữa những người chống và những người ủng hộ bản hiến pháp này. Ấy là do hai bên lập luận dựa trên hai lý thuyết đại diện khác nhau – lý thuyết “ủy nhiệm” và lý thuyết “độc lập”.
Theo lý thuyết ủy nhiệm, nhiệm vụ của người đại diện là phải phản ánh quan điểm của những người mà anh ta nhân danh, tức là người đại diện phải nghĩ và hành động như mọi người nếu họ ở vị trí của anh ta. Vai trò của anh ta không đơn thuần là đại diện cho lợi ích của cử tri, mà còn phải phản ánh tình cảm, tâm tư của họ. Vì vậy, anh ta phải là người đại diện “thực sự” của họ.
Trái lại, lý thuyết độc lập cho rằng người đại diện là một người phải tự đưa ra phán đoán riêng về lợi ích của cử tri, cũng như tự tìm cách đạt được những lợi ích này một cách tốt nhất. Anh ta được gọi là người đại diện “hình thức”, và như vậy anh ta sẽ không cần phải quan tâm đến tình cảm và thái độ của cử tri.
Nhìn chung, những người chống liên bang ủng hộ quan điểm ủy nhiệm.
Là một cây bút nổi bật trong số những người chống liên bang, Brutus cho rằng Hiến pháp mới tạo ra hai cơ quan đại diện (Hạ viện và Thượng viện) song chúng chỉ là danh nghĩa. Ông viết rằng, “càng suy nghĩ nhiều hơn về chủ đề này, tôi càng chắc chắn rằng, nếu sự đại diện chỉ đơn thuần mang tính hình thức thì quả là khôi hài”. Khi mô tả mối quan hệ giữa cử tri và người đại diện thực sự của họ, Brutus và các nhà lý thuyết ủy nhiệm viện đến các từ như “tương đồng”, “phản ánh”:
Thuật ngữ đại diện hàm ý rằng, những người được lựa chọn cho mục đích đại diện đều phải phản ánh quan điểm của người đã bầu cho họ. Như vậy, nếu là đại diện thực sự, thì người đại diện của nước Mỹ phải tương đồng với nhân dân. Phải làm sao để một người hoàn toàn xa lạ với một đất nước vẫn có thể hiểu về đất nước ấy khi nhìn vào những người đại diện.
Từ quan điểm ủy nhiệm này, Brutus kết luận rằng con số 65 người đại diện là quá ít để có thể thực sự đại diện cho một nước Mỹ đông dân. Thậm chí, khi dân số tăng, tính đại diện của cơ quan nhỏ bé này lại có thể giảm đi: “Rõ ràng nếu muốn một hội đồng thực sự tương đồng với người dân của quốc gia, thì nó cần phải có đủ người để đại diện cho tình cảm, quan điểm, và tâm tư của người dân quốc gia ấy”. Từ khía cạnh này, ông cho rằng bản hiến pháp mới đang tồn đọng một thiếu sót nghiêm trọng.
Dĩ nhiên, Brutus không hề đề nghị rằng mỗi cử tri cần có một người đại diện. Rõ ràng điều này là không thể, và nếu như vậy thì đây không còn là chính quyền đại diện, mà là một nền dân chủ trực tiếp. Chắc chắn đó không phải là hệ thống mà Brutus và những người chống liên bang mong muốn hướng tới. Mà họ ủng hộ một hệ thống đại diện dựa trên sự đại diện “thực sự”, ở đó sự đại diện không dành cho các cá nhân mà là cho các “tầng lớp” hay “giai cấp”.
Brutus nói, “lục địa rộng lớn này gồm rất nhiều giai cấp khác nhau. Để có được sự đại diện chuẩn xác, thì mỗi giai cấp phải được chọn ra người hiểu biết nhất về chính họ để làm người đại diện”. Các giai cấp ấy có thể là “nông dân, thương nhân, thợ máy, và các nhóm người khác, các nhóm này cần được đại diện dựa trên số lượng và tầm quan trọng tương ứng của họ. Những người đại diện phải thực sự hiểu rõ các ước muốn, lợi ích của các nhóm này, đồng thời phải có một nhận thức đúng đắn cũng như tinh thần nhiệt huyết trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng của các cử tri”.
Như vậy, theo quan điểm này, Brutus cho rằng phương thức bầu cử và hệ thống đại diện của bản Hiến pháp mới không chỉ cản trở sự đại diện của các nhóm khác nhau mà còn hoàn toàn gạt bỏ họ. Do đó, trong thực tế, ngoài những người giàu có ra thì hầu như không nhóm nào có người đại diện, ngay cả trong nhánh lập pháp, vốn được coi là dân chủ.
Brutus cảnh báo rằng “những kẻ sinh ra giàu có với địa vị cao sang sẽ khó mà hiểu được các mong muốn, khó khăn, và không thể nào đồng cảm hay quan tâm đến cảm nhận của những tầng lớp thấp hơn”. Và họ hình dung tới một chính phủ nằm trong tay thiểu số giàu có, chuyên đàn áp và bóc lột.
Brutus và những người chống liên bang cho rằng Hiến pháp mới được thiết kế nhằm tước quyền bầu cử và xâm phạm tới các giá trị cộng hòa cao cả. Do đó, họ đã tụ họp và phản kháng nhanh nhất có thể. Song ngay sau đó, quan điểm này bị đáp trả bằng bài viết hùng hồn của Madison trong Tiểu luận Liên bang số 10.
Madison chỉ ra rằng lựa chọn thực tế không phải là giữa dân chủ và cộng hòa, mà là giữa hai dạng cộng hòa (lớn và nhỏ) và hai dạng đại diện (uỷ nhiệm và độc lập). Liệu nền cộng hòa nhỏ cổ xưa có đáng mong muốn hơn nền cộng hòa rộng lớn hiện đại? Câu trả lời gần như không liên quan tới việc đại diện cho ai mà là đại diện cho cái gì.
Điều đó dẫn đến câu hỏi then chốt: cơ quan lập pháp nên đại diện cho lợi ích riêng của các nhóm, các tầng lớp khác nhau – mà Madison thường gọi là phe cánh – hay nên đại diện cho lợi ích chung?
Một phiên họp của Hạ viện Hoa Kỳ. Ảnh: Getty Image.
Madison cảnh báo rằng, nếu người Mỹ tuân theo lý thuyết đại diện ủy nhiệm, thì cơ quan lập pháp của họ sẽ là một hỗn tạp gồm các lợi ích phe cánh hẹp hòi, chứ không phải là một bộ lọc chuẩn xác cho lợi ích chung. Vì những người cộng hòa thực sự sẽ hướng tới lợi ích chung, nên câu hỏi đặt ra là “nền cộng hòa nhỏ hay nền cộng hòa rộng lớn, cái nào mới có thể giúp chọn ra những người đại diện cho thịnh vượng chung”.
Theo Madison, chỉ nền cộng hòa liên bang rộng lớn mới có thể giải quyết được vấn đề này. Ấy là bởi, thứ nhất, số lượng các ứng viên sáng giá trong nền cộng hòa rộng lớn sẽ nhiều hơn trong nền cộng hòa nhỏ. Và thứ hai, khi mỗi cuộc bầu cử có nhiều cử tri hơn, thì sẽ khiến cho các ứng viên kém cỏi khó mà giở trò và dùng những thủ đoạn xấu xa, đây chính là điều mà các cuộc bầu cử nhỏ thường gặp phải.
Madison cũng phản đối quan điểm của Brutus rằng giới giàu có sẽ gây ảnh hưởng lớn đến Hiến pháp. Theo Madison, của cải có thể dẫn đến suy đồi, tuy nhiên kiểu đại diện ủy nhiệm hẳn sẽ dẫn đến nhiều dạng suy đồi khác tồi tệ hơn. Trong khi Brutus phê phán những hành động không thực sự có tính đại diện, thì Madison chê bai những thủ đoạn của “các ứng viên tầm thường” trong một đám đông hỗn loạn. Hối lộ, khoa trương, mị dân, và “các thủ đoạn xấu xa” khác luôn là những khả năng tiềm ẩn. Nói cách khác, Brutus và những người chống liên bang chỉ quan tâm tới hành động của người đại điện sau khi họ được lựa chọn, còn Madison và những người liên bang tập trung vào cách mà các ứng cử viên giành ghế đại diện, rồi mới tới những dự định mà họ sẽ thực hiện sau khi thắng cử.
Song dù các lập luận của Madison rất thông minh, nó vẫn không hoàn toàn giải quyết được vấn đề về sự đại diện “thực sự” và đại diện “hình thức”. Để làm rõ hơn, Hamilton đã viết tiểu luận số 35. Ông đưa ra hai luận điểm.
Thứ nhất, ông cho rằng một cơ quan đại diện lớn sẽ khó hoạt động và không hiệu quả. Nếu cứ nhất nhất phải có một “cơ quan đại diện thực sự của mọi tầng lớp”, thì mỗi nghề nghiệp khác nhau sẽ phải cử một hoặc nhiều thành viên làm đại diện trong Quốc hội. Điều này sẽ tạo ra một cơ quan đại diện quá lớn và quá cồng kềnh đến nỗi “không bao giờ khả thi trong thực tế”. Ngoài ra, một hệ thống như vậy là không cần thiết, vì những người ở tầng lớp thấp luôn có xu hướng tự nhiên phục tùng những người có địa vị xã hội cao hơn so với họ.
Thứ hai, những người chống liên bang tin rằng cần có người đại diện cho mọi tầng lớp, để cho tình cảm và lợi ích của người dân được phản ánh tốt hơn. Nhưng theo Hamilton, tình cảm của các cử tri có thể không chính đáng, thấp kém, và thiếu sót. Và như vậy, cái hy vọng “hão huyền” về việc tạo ra một hệ thống đại diện thực sự sẽ không bao giờ có được trong bất cứ hình thức tổ chức nào.
Tuy nhiên, Hamilton lại vẫn chưa giải quyết được những chỉ trích liên hồi của người chống liên bang, rằng Hiến pháp mới sẽ làm trầm trọng thêm cái mặc cảm về sự thấp kém này. Nếu như vậy, chắc chắn bản Hiến pháp mới sẽ dẫn đến sự thờ ơ của công chúng, sự suy đồi chính trị, và đánh mất đức hạnh dân sự. Đây chính là những điểm mấu chốt cuối cùng của cuộc tranh luận mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ tới.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Tranh luận phê chuẩn Hiến pháp Mỹ – Kỳ 1: Cộng hòa hay Dân chủ
Kỳ 3: Tranh luận phê chuẩn Hiến pháp Mỹ – Kỳ 3: Đức hạnh và Nhân quyền