Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Ở phần cuối cùng này, chúng ta sẽ tìm hiểu hồi kết của cuộc tranh luận cam go giữa những người liên bang (ủng hộ Hiến pháp mới) và những người chống liên bang (phản đối Hiến pháp mới).
Đức hạnh và suy đồi
Trong các thảo luận về cộng hòa, cụm từ “suy đồi” ám chỉ khi người cai trị và công dân ngừng quan tâm đến lợi ích chung, mà chỉ bận tâm tìm kiếm lợi ích cá nhân cho riêng họ (đặc biệt là lợi ích kinh tế). Cũng như cơ thể con người trở nên già nua theo tuổi tác, cơ thể chính trị chẳng sớm thì muộn cũng sẽ đánh mất tính thống nhất và tính gắn kết hữu cơ của chúng, để rồi các bộ phận sẽ bị chia tách bởi các phe phái và không còn hòa hợp cùng nhau cho những mục đích chung lớn hơn. Khi thôi quan tâm tới lợi ích chung, mỗi người sẽ không còn là một công dân đức hạnh. Như vậy, suy đồi là sự đánh mất đức hạnh trong cơ thể chính trị của một quốc gia.
Theo những người chống liên bang, nếu không có “sự đại diện bình đẳng và đầy đủ của các tầng lớp, các nhóm trong cơ quan lập pháp”, người ta sẽ khó mà chống lại nạn hối lộ, tham nhũng, và suy đồi. Sự suy đồi của các quan chức hay người đại diện vốn đã là thứ tồi tệ, song sự suy đồi của công dân lại còn tồi tệ theo một cách nghiêm trọng hơn. Bởi vì, nếu thành viên của một tầng lớp nào đó cho rằng “các cá nhân” xa lạ không thuộc tầng lớp của họ lại có khả năng đại diện tốt hơn lợi ích của họ, thì tức là họ đang từ bỏ sự tự do của mình.
Mặt khác, khi các công dân cảm thấy chính họ không có quyền lực và tiếng nói, thì họ sẽ chẳng có lý gì để quan tâm đến các vấn đề chung. Khi ấy, họ còn bận lòng tới thứ gì khác hơn là các vấn đề thuần túy cá nhân nữa? Và như thế, họ trở nên biếng nhác trước những vấn đề về lợi ích của chính tầng lớp họ, tức là lợi ích chung. Điều này chắc chắn sẽ làm suy đồi người công dân, và sau cùng nó sẽ đánh mất sự tự do.
Như vậy, những người chống liên bang cho rằng Hiến pháp mới chứa đựng cả hai khiếm khuyết vừa nêu. Thậm chí, nhiều người chống liên bang còn cảm thấy rằng bản Hiến pháp mới được thiết kế với mục đích kép: làm cho người dân tin tưởng vào tầng lớp trên; và như thế họ sẽ trở nên thờ ơ đối với các vấn đề chung. Do đó, theo cách hiểu của chủ nghĩa cộng hòa cổ điển thì bản Hiến pháp mới này chính là một công cụ làm suy đồi phẩm chất công dân và là kẻ thù của tự do.
Từ quan điểm về nền cộng hòa của những người chống liên bang, một bản hiến pháp không chỉ là một tập hợp các luật lệ. Nó còn phải là một nguồn cảm hứng và là công cụ giáo dục công dân về các quyền và bổn phận của họ. Tuy hiến pháp của các bang riêng lẻ vẫn chưa thực sự hoàn thiện, song chúng được cho là có khả năng thực thi chức năng giáo dục đó. Chúng nhắc nhở công dân rằng sự tự do cộng hòa sẽ dễ dàng mất đi khi công chúng trở nên thờ ơ.
Từ những luận điểm trên, chúng ta phải thừa nhận rằng những người chống liên bang đã rất đúng đắn khi phê phán rằng bản Hiến pháp mới đưa ra một thông điệp sai lầm tới người dân. Rõ ràng là lý thuyết đại diện “hình thức” của Hiến pháp mới mang theo một ẩn dụ rằng quan điểm của người dân là không quan trọng, và rằng chỉ có giới tinh hoa mới đủ khả năng để bảo vệ lợi ích chung. Đồng thời, bản Hiến pháp mới này cũng thất bại trong việc tạo ra những cảm quan thiết yếu nhất về đức hạnh dân sự – vốn xuất phát từ sự tham gia của người dân.
Bức tranh Ngày bầu cử ở Philadelphia 1815 (Election Day in Philadelphia 1815) của hoạ sĩ John Lewis Krimmel. Nguồn: Fine Art America.
Thiếu sót: tuyên ngôn nhân quyền
Hầu hết những người chống liên bang đều lên án rằng bản Hiến pháp được soạn thảo ở Philadelphia đã thiếu sót trầm trọng: nó không hề đưa ra một tuyên ngôn nhân quyền.
Họ cho rằng rất cần thiết phải bổ sung vào đó một bản tuyên ngôn nhân quyền, nhằm nhắc nhở mọi người – cả người cai trị lẫn bị trị – rằng thẩm quyền của nhà nước bị giới hạn bởi các quyền tự do không thể xâm phạm của người dân. Trong khi cuộc Cách mạng Vinh quang ở Anh đã dẫn đến một bản tuyên ngôn nhân quyền, thì lẽ nào cuộc Cách mạng Vinh quang của Mỹ lại không xứng đáng với một tuyên ngôn như vậy? Vậy thì cuộc cách mạng này diễn ra vì điều gì, nếu không phải là để bảo vệ các quyền và sự tự do của người Mỹ?
Để có thể bảo vệ các quyền ấy, thì ngay từ đầu cần phải quy định rõ về bản chất và phạm vi của chúng. Ý chí của người cai trị hay người đại diện luôn thất thường – ai mà biết được họ sẽ định đoạt như thế nào khi quyền lực đã được trao vào tay họ? Nếu không bị kiểm soát bởi luật pháp, thì quyền lực sẽ nhanh chóng bị lạm dụng.
Trong bất cứ xã hội nào, ngay cả trong các nền cộng hòa được tổ chức tốt nhất, luôn tồn tại một xu hướng suy đồi khó tránh khỏi. Theo quan điểm của những người chống liên bang, Hiến pháp mới sẽ tạo ra một nước cộng hòa kém cỏi, dễ bị rơi vào trạng thái suy đồi ngay tắp lự, vì bản hiến pháp này trao quyền cho người cai trị và người đại diện ở cấp độ quốc gia trong khi lại tước đi quyền của công dân ở cấp địa phương. Điều này khiến cho công dân và giai cấp của anh ta trở nên nhỏ bé hơn. Vì thế, những người chống liên bang cho rằng cần phải đưa ra “một tuyên ngôn về quyền” kèm với bản Hiến pháp mới, vì sợ rằng người dân có thể bị lừa dối và bị đưa vào một cái bẫy mà họ không thể thoát ra.
Brutus nói, nếu không bảo vệ nhân quyền, thì bản Hiến pháp mới sẽ hết sức thiếu sót. Theo ông, các lý lẽ ủng hộ tuyên ngôn nhân quyền đã quá rành mạch và thuyết phục, và vạch ra cái bản chất thực sự của các Publius và những người liên bang: “có những kẻ đang nỗ lực thuyết phục người dân rằng một tuyên ngôn nhân quyền là thứ không cần thiết, rõ ràng là họ đang cố gắng lừa dối và dẫn chúng ta vào con đường nô lệ”. Những người chống liên bang liên tục nhấn mạnh luận điểm vững chắc nhất của họ: khi không có một tuyên ngôn nhân quyền, thì hiến pháp mới chỉ tạo ra một chính quyền cộng hòa trên giấy.
Hoạt hoạ về Tuyên ngôn Nhân quyền Mỹ, tức 10 Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp nước này. Nguồn: ESL Resources.
Những vấn đề còn lại
Sau nhiều cuộc tranh luận, cuối cùng Publius và những người liên bang đã chiến thắng. Dự thảo Hiến pháp được mười ba bang phê chuẩn, có một vài bang chỉ đồng ý thông qua với điều kiện là phải nhanh chóng bổ sung thêm một Tuyên ngôn Nhân quyền. Như vậy, Tuyên ngôn Nhân quyền – mười điều bổ sung đầu tiên của Hiến pháp mới – đã được thông qua vào năm 1791, liệt kê rõ ràng các quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, và những quyền khác. Nhưng còn nhiều vấn đề khác vẫn chưa được giải quyết, mà quan trọng nhất trong số đó là vấn đề về nô lệ và ly khai.
Hiến pháp mới vẫn thừa nhận tính hợp pháp của chế độ nô lệ. Đối với việc phân chia tỷ lệ đại diện ở Hạ viện, mỗi nô lệ da đen ở các bang miền nam được tính bằng 3/5 của một người da trắng, nhưng họ lại không có quyền công dân. Hiến pháp cũng quy định rằng các nô lệ bỏ trốn phải được trả về với chủ.
Dù nhiều bang miền Bắc ghét chế độ nô lệ và tìm cách bãi bỏ nó, song họ biết rằng các bang sở hữu nô lệ ở miền Nam sẽ không bao giờ thông qua Hiến pháp mới trừ khi quyền sở hữu nô lệ được bảo vệ. Việc thừa nhận chế độ nô lệ trong Hiến pháp bị coi là một điều đáng tiếc song không thể tránh được. Hiến pháp mới cũng không cho Quốc hội có quyền cấm nhập khẩu nô lệ cho đến tận năm 1898. Song ngay cả khi Quốc hội có quyền làm như vậy, thì vẫn không thể chấm dứt chế độ nô lệ và việc buôn bán nô lệ trong nước.
Hiến pháp mới cũng không quy định rõ ràng về việc liệu một bang nào đó có thể bác bỏ các quyết định của chính phủ liên bang hay không, khi chúng gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho bang ấy, hoặc thậm chí là ly khai khỏi liên bang. Những người lập quốc vẫn hy vọng rằng những điểm thuận lợi của liên bang sẽ dư sức giữ cho các bang liên kết với nhau. Tuy nhiên, họ đã sai.
11 bang miền Nam tuyên bố ly khai khỏi Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến 1861-1965 vì muốn giữ chế độ nô lệ. Ảnh: PBS.org.
Nửa đầu thế kỷ 19 chứng kiến sự chia rẽ lớn giữa các bang nông nghiệp sở hữu nô lệ ở miền Nam và các bang đô thị công nghiệp ở miền Bắc. Vấn đề này bị đẩy lên đến đỉnh điểm vào năm 1861, khi các bang miền Nam ly khai khỏi liên bang. Liên hiệp bang Hoa Kỳ (miền Nam) thảo ra hiến pháp liên hiệp cho riêng họ, mà họ xem là thực sự có tính cộng hòa hơn so với hiến pháp trước. Chế độ quân đội dân sự trở thành nền tảng của quân đội liên hiệp, đối đầu với các lực lượng liên bang trong suốt 5 năm.
Vậy là, các câu hỏi chưa được giải quyết bằng bút chiến trong những năm 1787, cuối cùng đã bị mang ra giải quyết bằng sức mạnh quân sự trong cuộc nội chiến 1861-1865. Đây là điều mà các Publius và Brutus không thể lường trước.
Việc thành lập nước Mỹ nói chung, và tác phẩm Luận cương Liên bang nói riêng đã để lại một di sản phong phú cùng nhiều điều nan giải. Nó nêu lên các vấn đề chưa bao giờ được giải quyết: một chính quyền cộng hòa là gì? Nền cộng hòa hiện đại nên hướng tới các bổn phận dân sự hay là tới các quyền cá nhân? Chủ nghĩa tự do hiện đại dựa trên quyền có nên kết hợp với chủ nghĩa cộng hòa cổ điển dựa trên bổn phận để hình thành nên một tinh thần tự do cộng hòa?
Độc giả có thể đọc lại Luận cương Liên bang cũng như các ý kiến phản biện của những người chống liên bang để có thể soi tỏ phần nào những vấn đề hãy còn gây tranh cãi tới tận ngày nay.
(Hết)
Các kỳ trước: