Bốn yếu tố giúp Hàn Quốc đánh bại lá bài 'thiết quân luật' của tổng thống
Nền dân chủ non trẻ của Hàn Quốc chứng tỏ sự trưởng thành.
Vào năm 1787, bản dự thảo Hiến Pháp Mỹ được công bố rộng rãi để người dân 13 bang quyết định phê chuẩn hay bác bỏ. Một cuộc tranh luận quyết liệt đã diễn ra giữa những người ủng hộ hiến pháp – hay những người liên bang – và những người bác bỏ hiến pháp – hay những người chống liên bang.
Tư tưởng của những người ủng hộ liên bang được thể hiện trong tác phẩm Luận cương Liên bang (The Federalist Papers), do Alexander Hamilton, John Jay, và James Madison viết, với bút danh chung là Publius. Trong khi đó, tư tưởng chống liên bang không được hệ thống hoá trong một tác phẩm hoàn chỉnh, mà chỉ là các bài viết của nhiều tác giả khác nhau, nổi tiếng nhất là tác giả có bút danh Brutus (nhiều khả năng là Robert Yates).
Cuộc tranh luận của họ đã làm sáng tỏ các nguyên tắc của hiến pháp Mỹ với các vấn đề trung tâm như: chính quyền mới theo hiến pháp có phải là chính quyền cộng hòa hay không, sự đại diện như thế nào mới là đúng đắn, quân đội thường trực có cần thiết, và một nền cộng hòa có cần một tuyên ngôn dân quyền để bảo vệ các quyền và tự do của người dân hay không.
(Để hiểu chi tiết hơn về lịch sử Hiến pháp Mỹ các bạn có thể đọc bài: Lược sử hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ).
Bản gốc Hiến pháp Mỹ ngày nay được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: Madison.com.
“Cộng hòa” hay “Dân chủ”
Vào cuối thế kỷ 18, thuật ngữ “dân chủ” chưa mang ý nghĩa tích cực như ngày nay. Dân chủ thường được hiểu là sự cai trị theo giai cấp – mà cụ thể ở đây là các giai cấp thấp trong xã hội vì các lợi ích kinh tế và chính trị của chính họ. Trong mô hình phân loại sáu hình thức cai trị của Aristotle, thì dân chủ là hình thức cai trị của số đông, và được coi là hình thức cai trị “suy đồi”.
Tương tự với dân chủ, còn có một hình thức cai trị khác của số đông, song được coi là tốt lành, có tên gọi là “Polity” – mà người La Mã gọi đó là “cộng hòa”. Tới thời Phục Hưng, tư tưởng chính trị cộng hòa mới được Machiavelli khôi phục, và dần dần được áp dụng rộng rãi bởi James Harrington của thế kỉ 17 và các lý thuyết gia cộng hòa Anh của đầu thế kỉ 18.
Theo lý thuyết cộng hòa này, chính quyền được cai trị bởi (hoặc nhân danh) người dân, quyền lực của người cai trị hoặc “người đại diện” bị luật pháp giới hạn, nhằm mục đích bảo vệ các quyền và tự do của người dân.
Để hình thức chính quyền này tồn tại, người dân và người cai trị cần phải là những người có “đức hạnh”, tức họ phải có các phẩm chất như tinh thần cộng đồng, quan tâm đến lợi ích chung. Khi người dân mất đi những phẩm chất này thì họ trở nên “suy đồi” và dễ dàng đánh mất “tự do” của mình – tức là, sự tự do cai trị chính họ – vào tay những kẻ chuyên chế.
Để duy trì tự do và đức hạnh dân sự, cần có một đội quân dân sự gồm các công dân được trang bị vũ trang. Đội quân này chính là nơi gắn kết những người dân lại với nhau để bảo vệ cộng đồng bằng tinh thần chung. Đồng thời, sẽ không có kiểu đội quân thường trực với các binh sĩ chuyên nghiệp được trả lương, bởi sự hiện diện của nó là một mối đe dọa cho sự tự do của nền cộng hòa. Đây là một trong số các đặc trưng của truyền thống tư tưởng cộng hòa Atlantic.
Trong thời gian sau Cách mạng Mỹ (1776-1783), “cộng hòa” là khẩu hiệu của mọi nhà ái quốc. Khi Patrick Henry tuyên bố “hãy cho tôi tự do hay cho tôi cái chết”, tức là ông đang nói đến sự tự do cộng hòa, trong đó người dân được quyền cai trị chính họ. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi bản dự thảo Hiến pháp được công bố vào ngày 17/9/1787, câu hỏi đầu tiên được nêu lên – và người ta lặp đi lặp lại suốt một thời gian sau đó – là liệu chính quyền theo hiến pháp này có thực sự là một chính quyền cộng hòa hay không.
Những người theo chủ trương liên bang cho rằng bản dự thảo Hiến pháp đã tạo ra một chính quyền cộng hòa, trong khi những người chống liên bang phủ nhận điều này. Như một tác giả chống liên bang từng viết, vấn đề không phải là giữa “những người ủng hộ liên bang” và “người chống liên bang” mà là giữa “những người cộng hòa thực thụ” như ông, và những người cộng hòa giả mạo như các Publius. Tuy nhiên, các Publius cho rằng bản dự thảo Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thực sự của chính quyền cộng hòa.
Nhưng cái khó ở đây là: các Publius và những người ủng hộ liên bang đang bảo vệ cho một dạng cộng hòa hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử, cũng như trong thực tiễn và lý thuyết chính trị cộng hòa – “một nền cộng hòa với quy mô rộng lớn”.
Vào thời điểm dự thảo Hiến pháp Mỹ được công bố năm 1787, nước Mỹ có 13 bang ở miền Đông (đỏ). Ảnh: Wikipedia.
Các lý lẽ về quy mô
Nền cộng hòa Mỹ có quy mô rộng lớn, với lãnh thổ của một đế chế cùng triển vọng mở rộng hơn nữa về phía Tây và phía Nam, khi dân số ngày càng tăng.
Những người chống liên bang cho rằng “nền cộng hòa với quy mô rộng lớn” là điều hết sức nghịch lý. Nổi bật nhất trong nhóm này là Brutus đến từ New York. Brutus nói, nếu chịu khó học hỏi những con người vĩ đại và sáng suốt nhất từng viết về “khoa học chính quyền”, thì dễ thấy một kết luận hiển nhiên rằng “nền cộng hòa tự do không thể nào tồn tại trong một đất nước có diện tích mênh mông với dân số ngày càng tăng như Mỹ”.
Theo Brutus, trong lịch sử chưa hề tồn tại bất cứ nền cộng hòa tự do nào với quy mô rộng lớn từng tồn tại. Các nền cộng hòa Hy Lạp và La Mã đều có quy mô nhỏ bé. Khi những đế chế này mở rộng thông qua các cuộc chinh phạt lãnh thổ, chúng không còn là một nền cộng hòa nữa, chính quyền của chúng đã thay đổi từ các chính quyền tự do nhất thành các chính quyền chuyên chế nhất từng tồn tại.
Brutus trích dẫn lời Montesquieu rằng “một nền cộng hòa chỉ có thể tồn tại trong một lãnh thổ nhỏ”. Tự bản chất các lãnh thổ lớn với dân số đa dạng sẽ không phù hợp với việc tự cai trị, mà chúng phù hợp với chế độ quân chủ hoặc chuyên chế. Brutus chỉ ra rằng “khi thống nhất cái lục địa mênh mông này về tay một chính quyền, vì các mục đích đối nội cũng như đối ngoại, thì chúng ta buộc phải hy sinh tự do của bản thân”. Do đó, nếu nước Mỹ cố tạo ra một nền cộng hòa với quy mô rộng lớn thì sẽ cực kỳ nguy hại.
Các Publius nhanh chóng đáp lại bằng tiểu luận Liên bang số 9 và số 10. Trong tiểu luận số 9, Hamilton cho rằng những thứ mà Brutus đề cập đã hoàn toàn lạc hậu. Theo ông, so với thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, khoa học chính trị đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Những nguyên tắc chính trị khi xưa, nay đã được khám phá hoặc trở nên ngày càng hoàn thiện. Sự phân chia quyền lực giữa các nhánh khác nhau, sự kiểm soát và cân bằng giữa chúng, sự độc lập của tư pháp, chính quyền đại diện với những người đại diện được bầu chọn – tất cả đều là những khám phá hoàn toàn mới trong thời hiện đại. Đó là các phương tiện đầy sức mạnh, để từ đó một nền cộng hòa có thể đạt được thành công ở bất cứ quy mô nào.
Đồng thời, các Publius cũng cố gắng bác bỏ việc viện dẫn từ những tác giả nổi danh như Montesquieu. Theo Hamilton, tiêu chuẩn của Montesquieu không hề phù hợp với Mỹ. Có thể thấy, ngay cả từng bang riêng lẻ như là Virginia, Massachusetts, Pennsylvania, New York, North Carolina, hay Georgia đều rất lớn so với tiêu chuẩn “quy mô giới hạn” mà Montesquieu đặt ra. Do đó, cần một tiêu chuẩn mới cho nền cộng hòa hiện đại.
Tái định nghĩa nền cộng hòa
Khi Hamilton bác bỏ luận điểm về kích thước giới hạn của nền cộng hòa trong tiểu luận Liên bang số 9, ông đã tạo ra bước đệm để Madison tái định nghĩa nền cộng hòa trong tiểu luận Liên bang số 10. Đây chính là tiểu luận nổi tiếng nhất trong tác phẩm Luận cương Liên bang.
Trong tiểu luận này, Madison chỉ ra những tác hại của “phe cánh” hiện tồn trong hệ thống cũ, và theo ông có hai cách để tránh điều này. Thứ nhất là loại bỏ nguyên nhân của chúng, và thứ hai là kiểm soát ảnh hưởng của chúng. Cách thứ nhất đòi hỏi tài sản phải phân chia bình đẳng (vì sự đố kỵ là nguồn gốc chính của phe cánh), và phải loại bỏ tự do – yếu tố sống còn cho sự tồn tại của phe phái. Nhưng Madison nói, điều này thật điên rồ vì “phương cách cứu chữa còn làm cho căn bệnh tồi tệ hơn”. Cách cứu chữa khả dĩ duy nhất là kiểm soát ảnh hưởng của phe phái. Và chỉ có một nền cộng hòa mở rộng mới có thể đem lại điều này.
Madison phân biệt rõ giữa “dân chủ” và “cộng hòa”. Thuật ngữ “dân chủ” mà Madison nhắc đến chính là cái mà ngày nay chúng ta gọi là nền dân chủ trực tiếp – nghĩa là, sự cai trị bởi toàn thể những người dân sinh sống trong một vùng lãnh thổ tương đối nhỏ. Dân chủ đơn thuần là một hệ thống trong đó số đông sẽ cai trị. Và kiểu cai trị này rất dễ bị thao túng để biến thành kiểu cai trị phe cánh, và không thực sự bị kiểm soát. Một “nền dân chủ thuần túy” không thể khắc phục được những vấn đề của phe cánh. Đó chính là nhược điểm của hệ thống Hiến pháp cũ. Một dạng cai trị hoàn toàn khác – một nền cộng hòa – mới là thứ “mang lại nhiều triển vọng và hứa hẹn sẽ khắc phục được những vấn đề hiện tồn”.
Từ đó, Madison đã tái định nghĩa rằng, một nền cộng hòa phải có hai đặc trưng. Thứ nhất, nó gồm một hệ thống đại diện, và thứ hai, nó có diện tích rộng. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu xem hai đặc trưng này được Madison giải thích như thế nào, và những người đại diện sẽ trung hòa và điều chỉnh các lợi ích cạnh tranh ra sao, để từ đó kiểm soát được những tác động tai hại của vấn đề phe cánh.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Tranh luận phê chuẩn hiến pháp Mỹ – Kỳ 2: Lý thuyết đại diện
Kỳ 3: Tranh luận phê chuẩn Hiến pháp Mỹ – Kỳ 3: Đức hạnh và Nhân quyền