Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhà tù Bastoy là một trong những nhà tù nhân đạo nhất thế giới. Nhà tù nằm trên một hòn đảo cùng tên, cách thủ đô Oslo của Norway 75 km về phía nam. Tại Bastoy, phạm nhân được tự do đi lại, trượt tuyết, câu cá nếu họ thích, chỉ cần họ giữ gìn hòn đảo sạch đẹp. Nhà tù này không những đối xử với phạm nhân như những con người mà còn giúp họ sống có trách nhiệm hơn.
Lược dịch từ: Too many prisons make bad people worse. There is a better way. (The Economist).
Phạm nhân ở Bastoy được thoải mái sử dụng búa, rùi và máy cưa xích. Họ phải có trách nhiệm với cuộc sống ở đây, tự đốn cây để làm đồ đạc, trồng trọt và chăn nuôi. Thị trưởng Bastoy ông Tom Eberhardt nói, hòn đảo sẽ bị phủ đầy cây nếu phạm nhân không giúp đốn bớt, vụ mùa sẽ thất thu nếu cánh đồng không có ai chăm sóc.
Không phải tất cả nhà tù ở Norway đều giống như Bastoy. Muốn chuyển đến Bastoy, các phạm nhân phải thụ án trong các nhà tù thông thường và thuyết phục chính quyền cho họ được giam ở Bastoy. Trong các nhà tù thông thường, phạm nhân được “chăm sóc” như một đứa bé. Còn tại Bastoy, họ được quyết định hầu hết mọi việc.
Norway có tỷ lệ tái phạm tội thấp nhất Bắc Âu, chỉ có 20% phạm nhân tái phạm tội sau hai năm mãn hạn tù. Ngược lại, một nghiên cứu ở 29 tiểu bang của Mỹ cho thấy tỷ lệ này vào khoảng 40%. Tỷ lệ phạm nhân tính trên đầu người của Norway thấp hơn 10 lần so với Mỹ, khoảng 74 phạm nhân trên 100.000 người dân.
Tất cả người Mỹ đến thăm Bastoy đều bị sốc: an ninh ở đây quá lỏng lẻo, không có hàng rào điện, và những người bảo vệ không mang súng. Tại một nhà tù ở Indian Springs, tiểu bang Nevada, Mỹ, các phóng viên được cảnh báo không mặc áo màu xanh vì đó là màu áo của các phạm nhân. Nếu bạo loạn xảy ra, bảo vệ sẽ khó nhận ra đâu ra phạm nhân và đâu là phóng viên.
Thực ra số lượng đang gia tăng của nhà tù không làm nhiều người xấu trở nên tốt hơn và làm xã hội an toàn hơn. Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Quốc Douglas Hurd cho rằng: “Nhà tù là một nơi tốn kém và làm những người xấu trở nên xấu hơn”.
Một tù nhân đang quét dọn bãi biễn của nhà tù Bastoy, Norway. Ảnh: Getty Images.
Nỗi ám ảnh ở các nhà tù
Theo Roy Walmsley, Viện Nghiên cứu Chính sách Hình sự (Institute for Criminal Policy Research), trên thế giới hiện có khoảng 10,3 triệu người đang ngồi tù. Con số này không bao gồm những trại tập trung lớn (big gulags), dành cho những ai chống chính quyền ở Triều Tiên và Eritrea (một nước nằm ở bờ Đông châu Phi giáp với Sudan và Ethiopia với dân số gần 6 triệu người). Con số này cũng thấp hơn so với số người đang chờ xét xử ở Trung Quốc mà nước này chưa hề tiết lộ thông tin.
Kể từ năm 2000, số lượng phạm nhân trên thế giới tăng 20%, trong khi dân số toàn cầu tăng 18%. Nam Mỹ có số lượng phạm nhân tăng nhanh nhất với 145%, kế tiếp là Đông Nam Á và Trung Đông với cùng mức tăng 75%. Trong khi đó, số lượng phạm nhân ở châu Âu lại giảm 21% so với năm 2000.
Nhiều nhà tù thật sự là địa ngục trần gian. Chúng luôn quá tải và không được quản lý tốt. Tại các nhà tù ở Syria, những người bất đồng chính kiến bị tra tấn tàn bạo. Họ bị đánh, chích điện, bị dùng hai tấm ván to đè nát cơ thể hoặc bị treo cổ ngay lập tức sau khi xét xử.
Mặc dù số lượng nhân viên bảo vệ đã vượt quá mức quy định nhưng một số nhà tù ở Brazil vô cùng lộn xộn. Các ông trùm ngồi tù ở đây muốn gì là được đấy. Phạm nhân có thể mua ma túy qua điện thoại. Đầu tháng 1 năm nay, các băng đảng tranh giành địa bàn ngay trong nhà tù khiến ít nhất 125 phạm nhân thiệt mạng. Tại một nhà tù ở thành phố Manaus, Brazil, thi thể tù nhân chất thành đống sau các cuộc ẩu đả.
Thống kê về các xu hướng nhà tù trên toàn cầu (Global Prison Trends) của tổ chức Cải cách Hình sự Quốc tế (Penal Reform International) cho biết nhà tù của gần 80 quốc gia đang hoạt động với 120% công suất. Nhà tù của hơn 50 quốc gia khác đang chạy với 150% công suất. Chính trị gia thường không quan tâm đến việc cải thiện nhà tù vì nó không mang lại phiếu bầu cho họ. Đa số cử tri xem tù nhân là người đáng bị trừng phạt.
So với các nước phát triển, Mỹ đang giam giữ nhiều phạm nhân nhất. Tuy nhiên, số người ngồi tù đang giảm đi. Năm 2008, cứ 100 người sẽ có 1 người ngồi tù nhưng đến năm 2015 thì phải 115 người mới có 1 người ngồi tù. Một vài tiểu bang ở Mỹ thấy rằng việc giam quá nhiều người không phải là cách làm cho xã hội an toàn hơn mà lại rất tốn kém. Họ đang tìm cách khác cho những tội phạm nguy hiểm và ít nguy hiểm hơn.
Sống một cuộc đời có trách nhiệm
Một lý do giải thích cho việc giam giữ phạm nhân là để trừng phạt họ. Nạn nhân có thể cảm thấy thoải mái khi thấy người phạm tội bị trừng phạt.
Nhiều người lại cho rằng mục tiêu của nhà tù là hạn chế tội phạm. Đầu tiên, nhà tù sẽ cách ly tội phạm khỏi xã hội. Họ không thể tiếp tục phạm tội khi ngồi trong tù. Nhưng việc giam giữ quá nhiều nam giới hiện nay, ví dụ như những người Mỹ da đen, sẽ ảnh hưởng đến nền tảng của gia đình và cộng đồng.
Thứ hai, những người chuẩn bị phạm tội sẽ suy nghĩ kỹ hơn để quyết định có phạm tội hay không. Tuy nhiên, mức độ của hình phạt thường không làm người ta từ bỏ ý đồ phạm tội. Việc quyết định có phạm tội hay không tùy thuộc vào khả năng bị bắt khi phạm tội và sự nghiêm minh của hệ thống tư pháp. Nhà kinh tế học Steven Levitt ước tính, cùng một đô-la nếu chi cho cảnh sát sẽ hiệu quả hơn 20% so với chi cho nhà tù để hạn chế tội phạm.
Tuy nhiên, nhiều cảnh sát hơn không có nghĩa tội phạm sẽ giảm đi. Tội phạm thường khó đoán, giận dữ và không kiềm chế được hành động. Vì thế, việc cải tạo là rất quan trọng. Hầu hết các phạm nhân đều sẽ được thả ra, thành công của nhà tù là làm sao để họ không tiếp tục phạm tội.
Việc giam giữ riêng các tù nhân nguy hiểm có nhiều lợi ích. Thứ nhất là chi phí sẽ giảm. Tống giam một tù nhân liên bang ở Mỹ tốn chi phí gấp 8 lần so với các bản án treo (probation). Thứ hai là tù nhân nguy hiểm không có cơ hội tiếp xúc, lôi kéo các tù nhân phạm tội nhẹ hơn.
Việc gắn chip cho người phạm tội đang được khuyến khích thay vì giam giữ họ trong các nhà tù. Một nghiên cứu của Rafael Di Tella (Đại học Harvard) và Ernesto Schargodsky (Đại học Torcuato Di Tella, Argentina) đã tiến hành so sánh tỷ lệ tái phạm giữa phạm nhân bị gắn chip và phạm nhân bị giam giữ trong các nhà tù khủng khiếp ở Argentina. Kết quả là chỉ có 13% phạm nhân bị gắn chip tái phạm so với tù nhân bị giam là 22%.
Trại tạm giam Thành phố Quezon, Philippines được thiết kế cho 800 phạm nhân nhưng đang quá tải vì chứa đến 3600 tù nhân. Ảnh: AP.
Tore (tên nhân vật được thay đổi), một phạm nhân ở Bastoy lãnh án 14 năm vì tội mưu sát và buôn bán thuốc phiện. Tore tấn công hai người bạn của mình bằng dao sau khi mất ngủ ba ngày liên tiếp vì chơi thuốc quá liều.
Những năm đầu tiên trong nhà tù thông thường, Tore luôn giận dữ và đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến anh phải phạm tội. Sau đó, Tore được điều trị bằng một liệu pháp tâm lý với một nữ cố vấn hiểu rõ những điều anh đã trải qua. Cô thuyết phục anh từ bỏ bia rượu và chia sẻ với Tore nỗi ăn năn, hối hận của anh. Cuối cùng Tore cũng từ bỏ bia rượu và chuyển đến nhà tù Bastoy.
Tại Bastoy, Tore học nghề làm mộc và được thả ba năm sau đó. Trước khi ra tù 18 tháng, Tore cũng như các phạm nhân khác được phép ra ngoài làm việc: tìm nơi làm việc, kiếm thu nhập và nơi ở sau khi ra tù. Còn các phạm nhân ở Mỹ chỉ được vài vé xe buýt và một ít quần áo khi mãn hạn tù.
Có nhiều lý do giải thích việc phạm nhân có tái phạm tội sau khi ra tù hay không. Adam Gelb của tổ chức Pew Charitable Trusts đưa ra một số nguyên tắc để xác định khả năng phạm nhân tái phạm tội.
Thứ nhất là hoàn cảnh gia đình và lịch sử phạm tội trước đó. Tuổi tác cũng rất quan trọng. Khoảng 68% tù nhân liên bang của Mỹ là những người được thả trước 21 tuổi và bị bắt trở lại trong 8 năm sau đó. Đối với những người trên 60 tuổi tỷ lệ tái phạm là 16%. Những yếu tố khác dễ tác động hơn như kiểm soát ham muốn kém, nghiện ma túy và chơi với bạn bè xấu.
Theo Edward Latessa (Đại học Cincinnati, Mỹ), các chương trình cải tạo tù nhân không nên chỉ hướng tới tội ác của họ, mà nên tập trung vào nhiều yếu tố khác như là khả năng sáng tạo, thể chất, và lòng tự trọng để làm giảm thiểu hành vi phạm tội. Các trại cải tạo không mấy hiệu quả: chúng chỉ nuôi dưỡng lòng hiếu chiến và mang những kẻ phạm tội lại gần nhau.
Oliver Bueno, một người từng buôn bán ma túy, kể lại “hầu như lúc nào tôi cũng bị đánh” trong suốt thời gian trong trại cải tạo vị thành niên tiểu bang Nevada, Mỹ. Những quản giáo trong trại là cựu quân nhân, những người phân biệt chủng tộc và như có thù oán đối với tội phạm. Càng bị đánh Oliver càng chán ghét chính quyền. Anh tiếp tục phạm tội ngay sau khi ra trại: gia nhập băng đảng, buôn bán ma túy và lao vào bạo lực. Không lâu sau, anh bị bắt khi đang tấn công ai đó bằng súng.
Hầu hết các nhà tù ở Norway đang áp dụng Liệu pháp Nhận thức Hành vi (Cognitive Behavioural Therapy) đối với phạm nhân. Liệu pháp này giúp các phạm nhân hiểu rõ ảnh hưởng của suy nghĩ và cảm xúc lên hành vi của mình. Trong quá trình điều trị, phạm nhân sẽ học cách tránh các suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng xấu lên hành vi và cảm xúc. Ví dụ như bạn biết rằng mình sẽ có ý đồ “đen tối” với Tom vào ngày anh ta nhận lương, tốt nhất bạn nên tránh gặp mặt anh ta vào ngày đó. Người cố vấn không nên tranh luận với phạm nhân, nên cho họ thấy họ đang được lắng nghe và động viên khi họ hành động có trách nhiệm.
Faye Taxman (Đại học George Mason, Mỹ), đã nghiên cứu về 500 chương trình cải tạo được áp dụng trong các nhà tù, nhà tạm giam và các cơ quan thi hành án treo (probation agencies). Thực hiện tốt liệu pháp này có thể làm giảm 10 – 30% tỷ lệ tái phạm tội.
Thomas Feucht và Tammy Holt (Viện Cai huấn Quốc gia – National Institute of Correction) đã nghiên cứu 50 chương trình cải tạo đáng áp dụng liệu pháp này tại Mỹ. Kết quả cho thấy liệu pháp này thành công với 74% phạm nhân hoặc hứa hẹn sẽ mang lại kết quả tích cực. Liệu pháp này đặc biệt phù hợp với trẻ vị thành niên và kém hiệu quả đối với những phạm nhân phạm tội bạo hành vợ.