Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Bạn có thể nói báo chí Việt Nam nhất thế giới hoặc bét thế giới, tuỳ bạn tính từ dưới lên hay từ trên xuống.
Chỉ số tự do báo chí ổn định ở dưới đáy, bét bảng Đông Nam Á, thua Lào, kém xa Campuchia
Một trong những tổ chức xếp hạng tự do báo chí uy tín nhất thế giới, Reporters Without Borders (Phóng viên Không biên giới – RSF), xếp Việt Nam ở vị trí 175 trên 180 nước trên thế giới trong báo cáo gần nhất của mình.
Điều đó có nghĩa là báo chí Việt Nam chỉ tự do hơn được 5 nước, và đó là danh sách của những “thảm hoạ báo chí”: Trung Quốc, Syria, Turmekishtan, Eritrea, và… Bắc Triều Tiên. Trật tự này tương đối ổn định trong ba năm vừa qua.
Trong khi bạn có thể thở phào vì ít nhất còn hơn Bắc Triều Tiên thì tin buồn là chúng ta kém Lào đến 5 bậc, còn Campuchia đã nằm chót vót ở vị trí thứ 132. Điều đó có nghĩa là phạm vi tụt hậu của Việt Nam không còn có thể đo đạc ở tầm khu vực Đông Nam Á nữa, mà đã thu hẹp lại ở một khu vực nhỏ hơn, kém phát triển hơn, nơi chúng ta vẫn thường tự hào với địa vị “anh cả” của mình, đó là bán đảo Đông Dương.
Cần lưu ý rằng, khác với Việt Nam, người Campuchia có thể mở báo tư nhân và công khai chỉ trích chính quyền, mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong một bảng xếp hạng khác của Freedom House, tình hình đỡ tệ cho Việt Nam hơn một chút khi chúng ta xếp ngay trên Lào trong khu vực Đông Nam Á, với khoảng cách điểm chỉ là… 1/100. Luật Khoa sẽ có bài chi tiết hơn về bảng xếp hạng này.
Chấm Việt Nam 77.66 điểm trong thang điểm 100 (điểm càng cao thì mức độ tự do càng thấp), RSF cho biết: “Trong điều kiện báo chí đều nhận chỉ thị từ đảng Cộng sản, nguồn tin độc lập duy nhất là các bloggers và nhà báo công dân, những người phải chịu nhiều hình thức truy bức nặng nề, trong đó có cả việc bị công an thường phục hành hung”.
“Để biện minh cho việc bỏ tù họ [các nhà báo], Đảng đang gia tăng sử dụng các điều 88, 79, và 258 Bộ luật Hình sự, vốn quy định rằng việc ‘tuyên truyền chống nhà nước’, ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, và ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước’ phải bị trừng phạt bằng các án tù dài hạn”, báo cáo cho biết.
Top 10 nước kiểm duyệt tồi tệ nhất thế giới
Năm 2015, Committee to Protect Journalists (Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo – CPJ) công bố báo cáo về 10 nước kiểm duyệt gắt gao nhất thế giới, và những cái tên xuất hiện trong danh sách này không khác 10 nước xếp cuối bảng xếp hạng của RSF là bao. Việt Nam, không có gì ngạc nhiên, nằm trong danh sách này.
Đánh giá về Việt Nam, CPJ cho biết, “Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức các cuộc họp bắt buộc hàng tuần với các toà soạn báo, đài, và truyền hình để ra chỉ thị về những đề tài nào cần nhấn mạnh hay kiểm duyệt trong các bản tin của họ. Những đề tài bị cấm gồm có hoạt động của các nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động chính trị, sự chia rẽ phe phái trong nội bộ đảng Cộng sản, các vấn đề nhân quyền, và bất cứ thông tin nào đề cập tới sự khác biệt giữa hai miền Nam – Bắc – vốn từng chia rẽ [trong chiến tranh]”.
CPJ cũng nói rằng từ năm 2013, Việt Nam đã ban hành các quy định mới nhằm kiểm duyệt các nền tảng mạng xã hội, coi các hành vi đăng tải bất cứ bài báo, thông tin nào có biểu hiện “chống nhà nước” hoặc “gây hại đến an ninh quốc gia” đều là bất hợp pháp, kể cả đăng lại bài báo của nước ngoài.
Một trong 6 nước giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới
Một báo cáo khác của CPJ cho biết, tính đến ngày 1/12/2016, Việt Nam “đóng góp” 8 trong số 259 nhà báo đang bị giam giữ trên thế giới, xếp thứ 6 “toàn đoàn”.
Các nước giam giữ nhiều nhà báo hơn Việt Nam gồm có Thổ Nhĩ Kỳ (81 người), Trung Quốc (38 người), Ai Cập (25 người), Eritrea (17 người), Ethiopia (16 người). Iran đồng hạng với Việt Nam.
Trong danh sách 8 người có Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Minh Thuý, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già), Hồ Văn Hải (Hồ Hải), Đặng Xuân Diệu, Trần Huỳnh Duy Thức, và Hồ Đức Hoà.
Cần lưu ý rằng, khái niệm nhà báo (journalist) mà các tổ chức như CPJ dùng bao gồm cả các nhà báo công dân (citizen journalist), mà chúng ta hay gọi là blogger. Điều này khác với quan niệm phổ biến ở Việt Nam, vốn chỉ coi những người làm việc cho các toà báo chính thống, thậm chí phải có thẻ nhà báo, thì mới được gọi là “nhà báo”.
Các nhà báo trên đây đều bị bỏ tù vì những tội danh mà RSF đã nêu ở trên.