Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Việc nhà giáo Phạm Minh Hoàng bị trục xuất gần đây đặt ra nhiều câu hỏi về quyền quốc tịch và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật quốc gia của công dân. Cho đến nay, theo quan điểm của người phát ngôn Bộ Ngoại giao và các văn bản được cung cấp từ phía ông Hoàng, có thể thấy ông bị tước quốc tịch trên với lý do vi phạm pháp luật và an ninh quốc gia Việt Nam; còn căn cứ tước quốc tịch của ông là văn bản được ký bởi Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhìn vụ việc từ góc độ pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và pháp luật so sánh, chúng ta thấy gì?
Không thuộc các trường hợp tước quốc tịch theo Luật Việt Nam?
Căn cứ pháp lý để tước quốc tịch công dân Việt Nam bao gồm hai trường hợp cụ thể quy định tại Điều 31 của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014).
Một là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, nhưng có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến độc lập dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hay gây ảnh nghiêm trọng đến uy tín của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Có thể thấy trường hợp của ông Hoàng không có bất kỳ đặc điểm nào được liệt kê kể trên. Ông là công dân Việt Nam, sinh sống lâu dài, có địa chỉ rõ ràng tại lãnh thổ Việt Nam, trước thời điểm bị trục xuất ông đang cư trú tại Việt Nam, ông cũng có các mối quan hệ nhân thân chặt chẽ tại Việt Nam. Vì vậy, bất kể ông có hành vi gây phương hại đến độc lập dân tộc hay không, việc tước quốc tịch của ông Hoàng theo điều khoản này là không hợp lý.
Trường hợp thứ hai, có khả năng bao quát hơn, bất kể người có quốc tịch đang cư trú trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, điều khoản này chỉ dành cho những người nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 19 Luật Quốc tịch. Cụ thể, Điều 19 nói về những công dân nước ngoài và không quốc tịch Việt Nam đang thường trú ở Việt Nam khi đạt đủ điều kiện nhất định sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam. Đối chiếu với tình huống này, ông Hoàng là một người Việt kể từ khi sinh ra và được công nhận là công dân của nhà nước CHXHCN Việt Nam sau khi hai quốc gia Việt Nam thống nhất. Vì vậy chúng ta cũng có thể loại bỏ khả năng ông bị xem xét theo điều khoản này.
Khi ông Hoàng đã ngay từ đầu không nằm trong hai trường hợp duy nhất được phép sử dụng phương pháp tước quốc tịch, cho rằng việc tước quốc tịch và trục xuất ông trong thời gian ngắn là “đúng quy trình” có vẻ hơi khiên cưỡng.
Mặt khác, đối với thủ tục hành chính kiến nghị tước quốc tịch, theo Điều 16 Nghị định 78/2009/NĐ-CP, một trong những tài liệu bắt buộc là ‘Các tài liệu xác minh, kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam’. Đúng như lập luận của ông Hoàng trong bài trả lời phỏng vấn BBC, thẩm quyền kết luận các tội nói trên thuộc về tòa án. Sự thật là ông Hoàng từng bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vào năm 2011. Ông hoàn thành việc chấp hành hình phạt tù vào ngày 13/1/2012, tức cách đây đã 5 năm. Không có ghi nhận nào khác về việc ông bị buộc các tội liên quan đến an ninh quốc gia trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây. Vậy nên rất có thể quy trình kiến nghị tước quốc tịch chỉ dựa vào bản án đã được chấp hành 5 năm tuổi. Điều này lại càng không hợp lý.
Ông Phạm Minh Hoàng trong phiên toà năm 2011. Ảnh: TTXVN/AFP.
Có cân nhắc pháp luật quốc tế, nhưng không xem trọng tinh thần pháp luật quốc tế
Lý do người viết cho rằng các nhân viên công quyền tham mưu ra quyết định tước quốc tịch của ông Phạm Minh Hoàng có cân nhắc quy định của pháp luật quốc tế là vì quyền quốc tịch (right to nationality) của một con người vẫn chưa được các quốc gia thống nhất là quyền cơ bản trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người. Vì vậy, tự thân mỗi quốc gia được quyền quy định căn cứ và điều kiện trở thành công dân của quốc gia mình, tự thân mỗi quốc gia có quyền kiểm soát việc cho phép hay không người phi quốc tịch và tị nạn được phép nhập quốc tịch của quốc gia mình.
Có lý do mà luật quốc tế thường chỉ tập trung nhiều vào việc đảm bảo rằng những cá nhân có duy nhất một quốc tịch không bị tước đi quốc tịch của mình. Tước đi quốc tịch duy nhất giống như tước đi ‘quyền được có quyền’ của một con người (right to have rights). Trách nhiệm bảo vệ nhân quyền trong pháp luật quốc tế là nhằm quy định nghĩa vụ cho quốc gia thành viên, Quốc gia thành viên từ đó nội địa hóa pháp luật nhân quyền để bảo vệ công dân của họ. Không có quốc tịch đồng nghĩa với việc một cá nhân không được bất kỳ quốc gia nào đứng ra bảo vệ những quyền cơ bản được ghi nhận trong pháp luật quốc tế hay quốc gia, khiến họ rơi vào tình trạng dễ bị xâm phạm hay lạm dụng. Vậy nên rất nhiều văn bản liên quan đến quyền con người đều cân nhắc tình trạng vô quốc tịch.
Công ước về Vị thế của Người không quốc tịch 1954, Công ước về Giảm bớt Tình trạng Người không quốc tịch 1961, hay các công ước khu vực như Công ước Liên Minh Châu Âu về Quốc tịch… đều định kiểm soát rất chặt quyền tước quốc tịch công dân của chính phủ, đặc biệt khi việc tước quốc tịch đó dẫn đến tình trạng vô quốc tịch. Có lẽ cũng vì lý do này, tước quốc tịch trước nay không quá thịnh hành ở Việt Nam, nhưng đã được sử dụng đối với ông Hoàng, vì ông còn quốc tịch thứ hai. Chính phủ Việt Nam nhờ đó có thể tránh bị cộng đồng quốc tế phản đối vì cố tình từ bỏ công dân và tạo ra người vô tịch.
Dẫu vậy, tinh thần của pháp luật nhân quyền quốc tế vẫn chưa hẳn đã được bảo đảm. Điều 15 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, một văn bản không có hiệu lực pháp lý nhưng thể hiện tinh thần chung của cộng đồng các quốc gia hiện đại, ghi nhận rằng ‘không cá nhân nào có thể bị tước đoạt một cách vô lý quốc tịch của mình’ (arbitrarily deprived of his nationality). Qua ghi nhận về thời gian thông báo, thời hạn trục xuất và cách thức trục xuất, có thể thấy sự vô lý và bất bình đẳng trong việc tước quốc tịch của ông Hoàng trên phương diện pháp luật quốc gia đã phân tích ở trên.
Ở một chừng mực khác, với quá trình sinh sống, giảng dạy lâu dài, các mối quan hệ gia đình chặt chẽ của ông Hoàng tại Việt Nam, và trên hết là nguồn gốc dân tộc, liệu chính phủ có đang vô trách nhiệm khi trục xuất một người đồng bào của mình ra khỏi quê cha đất tổ?
Trước khi bị tước quốc tịch Việt Nam, ông Phạm Minh Hoàng có song tịch Việt – Pháp. Ảnh: FB nhân vật.
Pháp luật các quốc gia trên thế giới:
Tước quốc tịch không phải là vấn đề xa lạ trên thế giới. Sau một thời gian dài bị ruồng bỏ, kể từ sự kiện ngày 11/9 tại New York, các quốc gia phát triển đang có dự định mang trở lại những đạo luật ‘Củng cố Tư cách Công dân’, trong đó cho phép tước quốc tịch các cá nhân tham gia các hoạt động khủng bố. Pháp luật Anh, Hoa Kỳ, Canada đề đã manh nha ghi nhận vấn đề này.
Để ủng hộ quan điểm nhà nước được quyền tước quốc tịch của công dân, một số học giả nước ngoài đưa ra các lý thuyết về hợp đồng trách nhiệm nhà nước và công dân. Họ cho rằng Quốc tịch là một đặc quyền của công dân mà nhà nước trao cho, với điều kiện rằng họ phải tuân thủ đúng trách nhiệm của mình đối với nhà nước đó.
Lý thuyết này thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại chứa đựng nhiều khuyết điểm trọng tâm. Những tội danh hình sự như tham nhũng gây ảnh hưởng thậm chí còn kinh khủng hơn đến danh dự và uy tín của một chính phủ. Hậu quả của hành vi này không thua kém việc một công dân công khai đứng lên chống lại sự tồn tại của nhà nước. Tại sao tội danh tham nhũng không bao gồm biện pháp trừng phạt là tước quốc tịch? Ngược lại, nếu cho rằng mối quan hệ nhà nước – công dân là một hợp đồng có điều kiện, liệu công dân có thể tước quyền chủ quyền lãnh thổ của một chính phủ hay không?
Ở mặt khác, nhằm phản đối việc áp dụng phương pháp tước quốc tịch, nhiều học giả khác cho rằng cần cân nhắc khái niệm “cái chết chính trị” (political death). Diễn giải một cách dễ hiểu, tước quốc tịch chẳng khác nào án tử hình. Một công dân bị tước quốc tịch đồng nghĩa với việc họ không còn tồn tại với nhà nước, mất đi mọi quan hệ pháp lý họ có tại quốc gia đó, và mất đi cả quyền sống tại nơi họ sinh ra và/hoặc lớn lên, làm việc – điều này chẳng khác gì cái chết. Chính phủ thực hiện việc tước quốc tịch cũng giải thoát cho chính mình mọi nghĩa vụ mà họ phải tôn trọng đối với công dân thông thường, như quyền khiếu nại tố cáo, quyền khởi kiện, quyền bình đẳng trước pháp luật hay không bị phân biệt đối xử…
Nhờ những tranh cãi pháp lý nghiêm túc, ngoại trừ Anh Quốc, hiếm khi có quốc gia phát triển nào thật sự áp dụng biện pháp trừng phạt tước quốc tịch. Trong án lệ Afroyim v. Rusk (1967) của Hoa Kỳ, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ghi nhận rõ rằng nhà nước Hoa Kỳ, bất kể hành pháp hay lập pháp, không được phép tự ý tước quốc tịch của công dân Hoa Kỳ.
Khẳng định này sau đó bị thu hẹp hiệu lực lại chút ít với án lệ Rogers v. Bellei (1971), khi Tối cao Pháp viện nhìn nhận lại rằng quy định không thể tước quốc tịch chỉ áp dụng cho các công dân được sinh tự nhiên (naturally born) tại Hoa Kỳ hoặc được nhập tịch (naturalisation) theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ. Cho đến nay, nhiều chuyên gia nhận định công dân gần như không thể bị tước quốc tịch Hoa Kỳ, trừ khi họ tự nguyện.
Nhìn chung, người viết cho rằng tuyên “cái chết chính trị” cho bất kỳ công dân nào là một biện pháp không cần thiết và thiếu tính nhân đạo.
Một mặt chúng cho thấy sự bất lực và thiếu trách nhiệm của chính phủ trong việc trừng phạt và cải tạo công dân bằng các biện pháp hành chính, hình sự sẵn có; là dấu hiệu của chủ nghĩa quan liêu và toàn trị.
Mặt khác, quyền quốc tịch của công dân không nên được xem là một quyền được ban phát bởi chính phủ. Ngay cả khi họ vi phạm pháp luật, trách nhiệm của nhà nước là phải xét xử minh bạch và công bằng, tạo cơ hội cho công dân cải tạo tại và sinh sống tại quê hương, không phải tước đoạt quyền sống chính trị của họ. Đặc biệt, trong trường hợp của ông Phạm Minh Hoàng, việc ông không hề nằm trong các trường hợp được phép tước quốc tịch hay có bản án ghi nhận hành vi phạm tội của ông càng khẳng định sự vô lý và vô tình của quyết định trục xuất.
Tài liệu tham khảo: