Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngày nay, khi nói về dân chủ, người ta thường nghĩ tới một thể chế nơi con người vừa làm chủ nền chính trị quốc gia, vừa được hưởng nền pháp quyền, còn các quyền tự do cơ bản của họ thì luôn được bảo vệ. Song cách hiểu này liệu có đúng?
Hai mươi năm trước, trong một bài báo mang tên “Sự trỗi dậy của các nền dân chủ phi tự do” trên tờ Foreign Affairs, nhà báo Fareed Zakaria đã chỉ ra sự tồn tại của những nền dân chủ thiếu vắng tự do, tiêu biểu như Philippines, Pakistan, Peru, hay kể cả là Ấn Độ.
Vào năm 2003, ông tiếp tục phát triển lý thuyết của mình trong cuốn sách nổi tiếng “Tương lai của tự do” (The Future of Freedom).
Nghiên cứu này của Zakaria đã kéo theo một loạt những quan điểm đồng tình thái quá. Nhiều người đổ lỗi cho dân chủ vì đã trao quá nhiều quyền cho người dân. Họ lên án rằng chính dân chủ là “bà mẹ” của chủ nghĩa dân túy, tức là “bà ngoại” của các nhà độc tài như Hugo Chavez ở Venezuela hay Rodrigo Duterte ở Philippines. Theo họ, thứ siết cổ chủ nghĩa tự do chính là dân chủ chứ không phải bất cứ điều gì khác.
Song trong một nghiên cứu mới đăng trên tờ Journal of Democracy (Tạp chí Dân chủ) số ra tháng 7 vừa qua, giáo sư chính trị học Sheri Berman của Đại học Columbia (Mỹ) đã phản bác quan điểm cực đoan ấy bằng những lập luận hết sức chắc chắn.
Cuộc bút chiến sôi nổi về dân chủ và tự do ấy đã diễn ra trong suốt hai mươi năm qua trên diễn đàn chính trị Tây phương. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Fareed Zakaria là một gương mặt dẫn chương trình quen thuộc của CNN và là cây bút xã luận của The Washington Post. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Các nền dân chủ phi tự do trỗi dậy
Theo Zakaria, một quốc gia được gọi là dân chủ khi nó tổ chức các cuộc bầu cử cạnh tranh, công bằng, và định kỳ. Ở đây, dân chủ được hiểu như một quá trình lựa chọn chính phủ.
Trong khi đó, chủ nghĩa tự do hiến định tập trung vào những quyền tự do cơ bản của con người: tự do ngôn luận, lập hội, tín ngưỡng; và tự do tài sản. Để bảo vệ các quyền ấy, cần phải có nền pháp quyền, và quyền lực của nhà nước cần được phân chia và hạn chế. Như vậy, chủ nghĩa tự do là mục tiêu của chính phủ.
Zakaria quan sát rằng những quốc gia vừa dân chủ lại vừa tự do hiện mới tồn tại ở phương Tây là chính. Bên ngoài phương Tây lại là một thế giới hoàn toàn khác, tuy dân chủ chiếm ưu thế song chủ nghĩa tự do lại ngày càng thoái lui. Theo ông, đây là một mối nguy, bởi chủ nghĩa tự do dẫn đến dân chủ, nhưng dân chủ dường như lại không dẫn đến tự do.
Ông lý giải quan điểm này của mình bằng cách viện dẫn tiến trình lịch sử. Ở những nơi thiết lập tự do trước rồi mới dân chủ hóa sau, như châu Âu, thì ngày nay đã được hưởng nền dân chủ tự do thực thụ. Còn những nơi vội vàng thúc đẩy dân chủ trong khi chưa có tự do, như Mỹ Latin, châu Phi, Trung Á và thế giới Ả Rập, thì lại bị mắc kẹt trong một tình trạng chính trị hỗn độn tồi tệ.
Như vậy, hàm ý của Zakaria là một quốc gia không nên dân chủ hóa khi chưa có nền tảng tự do. Để củng cố cho quan điểm này, ông đưa ra những ví dụ hết sức thuyết phục, như trường hợp của Boris Yeltsin ở Nga đã bất chấp nghị viện và cai trị bằng sắc lệnh tổng thống, làm xói mòn những nguyên tắc hiến pháp cơ bản.
Zakaria cho rằng chủ nghĩa tự do đồng nghĩa với việc quyền lực phải bị hạn chế, trong khi đó dân chủ lại đòi hỏi phải tập trung và sử dụng quyền lực. Khi không bị chủ nghĩa tự do kiểm soát thì một chính phủ dân chủ luôn tin rằng nó sở hữu quyền lực tuyệt đối do người dân ủy nhiệm. Từ đó, nó sẽ thao túng quyền lực bằng những công cụ vượt ra khỏi hiến pháp, dẫn tới những kết quả đáng sợ như vi phạm các quyền tự do căn bản, chia rẽ sắc tộc, và thậm chí là gây ra chiến tranh.
Không nghi ngờ gì nữa, nghiên cứu của Zakaria đã mở rộng cửa cho những người sùng bái chủ nghĩa tự do: Họ kêu gọi tẩy chay dân chủ.
Tẩy chay dân chủ?
Nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu cảm thấy bị những lập luận của Zakaria thuyết phục. Cùng với đó, bức tranh ảm đạm của nền dân chủ toàn cầu đã khiến cho quan điểm tẩy chay dân chủ ngày càng có chỗ đứng.
Những người cổ xuý tự do liên tục kêu gọi hãy thận trọng với dân chủ, bởi dân chủ chỉ là phương tiện hình thành nên chính phủ, còn chủ nghĩa tự do mới là mục đích của chính phủ.
Theo họ, đối với những nền dân chủ tự do phương Tây đang đối mặt với khuynh hướng dân túy, thì cần phải tiết chế dân chủ. Còn đối với các quốc gia độc tài thì cần phải củng cố nền tảng tự do rồi mới dân chủ hóa. Họ thậm chí còn cổ vũ cho những nền chuyên chế tự do như Singapore và nhiều quốc gia Đông Á, bởi theo họ, những quốc gia này phát triển thật “đúng quy trình” như diễn biến lịch sử Tây phương, và họ tin rằng trong tương lai chúng sẽ chuyển mình thành những nền dân chủ tự do.
Lời kêu gọi này được ủng hộ rất mạnh mẽ trong những năm gần đây, khi các nền dân chủ phi tự do nổi lên ở các nước quan trọng như Nga, Venezuela, Nigeria, và Thái Lan, cũng như các khuynh hướng dân túy cực đoan lan rộng trong các nền dân chủ tự do lâu đời như Mỹ và Pháp.
Ngay cả trong giới hàn lâm, những lời kêu gọi giới hạn dân chủ tiếp tục vang lên, như được thể hiện trong các tác phẩm Against Elections của David Van Reybrouck, Against Democracy của Jason Brennan, hay The People Have Spoken (And They Are Wrong) của David Harsanyi.
Berman: không nên hạn chế dân chủ
Giáo sư Sheri Berman. Ảnh: CEU.
Trong bài báo đăng trên tờ Journal of Democracy mới đây, giáo sư Sheri Berman đã bác bỏ quan điểm này.
Tuy Berman phần nào đồng ý với Fareed Zakaria rằng nếu không có chủ nghĩa tự do thì dân chủ có thể dễ dàng rơi vào chủ nghĩa dân túy hoặc chủ nghĩa đa số, song theo bà, sẽ là hoàn toàn sai lầm khi đòi hỏi kiềm chế dân chủ để bảo vệ tự do.
Lập luận thứ nhất: Pháp đi từ dân chủ phi tự do sang dân chủ tự do
Theo Berman, những vấn đề trong nền dân chủ phi tự do mà Zakaria phê phán, thực ra không phải là hệ quả của dân chủ.
Chẳng hạn như nước Pháp đã chuyển mình thành nền dân chủ phi tự do sau cuộc cách mạng năm 1789. Những người bảo thủ như Edmund Burke viện dẫn trường hợp bạo lực đẫm máu này để khẳng định rằng dân chủ quá nguy hiểm.
Tuy nhiên, Berman lại cho rằng cơn hỗn loạn sau cuộc cách mạng Pháp thực ra chính là sản phẩm của lối cai trị độc tài trước đó của nhà vua, chứ không phải là do “dân chủ”. Vua Pháp đã liên minh với một nhóm nhỏ tầng lớp quý tộc, điều này đã khiến xã hội chia rẽ để rồi sau đó bùng phát khi nền độc tài sụp đổ.
Theo Berman, chính cuộc cách mạng Pháp đã thay thế trật tự kinh tế và xã hội phong kiến bằng một hệ thống thị trường dựa trên sở hữu tư nhân và bình đẳng trước pháp luật, do đó mở đường cho nền dân chủ tự do phát triển. Đức, Ý, Áo, Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác cũng trải qua những chặng đường tương tự.
Lập luận thứ hai: Chủ nghĩa tự do cũng có những vấn đề của nó
Berman cho rằng khi chủ nghĩa tự do không bị kiểm soát thì có thể rơi vào chế độ đầu sỏ hay kỹ trị, và những thứ đó cũng nguy hiểm và độc hại chẳng kém gì những vấn đề mà chủ nghĩa tự do muốn giải quyết.
Chẳng hạn, nhiều người (kể cả Zakaria) coi Anh là ví dụ điển hình về con đường phát triển chính trị thích hợp: nó đi từ chuyên chế tự do sang dân chủ tự do. Người ta thường coi cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688 đã giúp giới hạn quyền lực của vua Anh, tăng cường quyền lực của quốc hội và củng cố các quyền dân sự quan trọng.
Tuy nhiên, theo Berman, chủ nghĩa tự do của Anh khi ấy chỉ mang lại lợi ích cho một giới tinh hoa nhỏ hẹp. Tới đầu thế kỷ 20, Anh vẫn còn là một chế độ đầu sỏ của quý tộc, nơi quyền lực tập trung vào tay một tầng lớp địa chủ tinh hoa. Quyền bỏ phiếu bị giới hạn theo tài sản và tôn giáo; giới chóp bu hoàn toàn có thể chi phối nền kinh tế, xã hội và chính phủ một cách tồi tệ.
Nền chính trị thiếu tính dân chủ của Anh đã khiến cho chính quyền đầu sỏ kéo dài. Trong khi đó, người Công giáo bị áp bức, công nhân và người nghèo thường bị cấm tham gia chính trị, và nhiều quyền tự do dân sự của họ bị hạn chế.
Lập luận thứ ba: dân chủ không hề kìm hãm tự do
Theo Berman, cả hai khái niệm “dân chủ” và “chủ nghĩa tự do” đã phát triển song song suốt chiều dài lịch sử. Những ví dụ về nền dân chủ phi tự do hoặc thất bại dân chủ thường là một chặng của quá trình dài hơi, mà nhờ đó các thể chế, các mối quan hệ và các chuẩn mực của chế độ cũ bị loại bỏ, đồng thời tạo dựng nên những nền tảng của nền dân chủ tự do.
Berman cũng phản bác cái ý tưởng cho rằng các nền độc tài có thể dễ tạo ra nền tảng cho chủ nghĩa tự do. Thông thường, các học giả và các nhà quan sát khen ngợi tính “trật tự” và “ổn định” mà các chế độ độc tài mang lại, song họ không nhận ra rằng cái giá của chúng là tình trạng bất ổn và rối loạn lớn hơn trong tương lai.
Lập luận thứ tư: có tự do mà thiếu dân chủ thì cũng hết sức tồi tệ
Những người ủng hộ tự do thường muốn giữ cho đời sống chính trị tránh xa đám cử tri dốt nát, thay vào đó họ muốn trao quyền cho giới kỹ trị. Theo Berman, chính điều đó khiến cho hệ thống dần vượt ra khỏi tầm kiểm soát và trở nên vô trách nhiệm.
Giới kỹ trị cũng tư lợi chẳng kém gì ai. Một khi dân chủ bị hạn chế, giới này sẽ thu vén lợi ích về phần mình. Càng như vậy, người dân càng cảm thấy tức giận, và họ sẽ tìm mọi cách để loại bỏ những kẻ tham nhũng nhằm tái lập công bằng trong xã hội. Từ đó, chủ nghĩa dân túy ra đời.
—
Từ bốn lập luận trên, Berman kết luận rằng khi chủ nghĩa tự do và dân chủ đứng riêng rẽ thì chúng đều để lại những hậu quả tai hại. Tốt nhất là dân chủ và chủ nghĩa tự do phải được củng cố đồng thời.
Lịch sử đã cho thấy, nếu muốn ủng hộ chủ nghĩa tự do, người ta không thể để mặc cho các nhà độc tài ung dung cai trị và phớt lờ nỗi bất mãn của người dân. Thay vào đó, ta cần phải giải quyết các vấn đề về dân chủ và tự do cùng lúc. Bởi vì, dân chủ khiến cho chính phủ trở nên có trách nhiệm, các lợi ích được phân bổ rộng rãi cho người dân; còn chủ nghĩa tự do khiến cho quyền lực bị giới hạn, và các quyền của người dân được bảo vệ.
Tài liệu tham khảo:
1. Fareed Zakaria; The Rise of Illiberal Democracy; Foreign Affairs; 1997.
2. Jasin Brennan; 2016; Against Democracy; Princeton University Press.
3. David Harsanyi; 2014; The People Have Spoken (and They Are Wrong): The Case Against Democracy; Regnery Publishing.
4. Sheri Berman; “The Pipe Dream of Undemocratic Liberalism”; Journal of Democracy 28:3; 2017; trang 29-38.
5. Edmund Burke; 1790; Reflections on the Revolution in France; James Dodsley.