Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhân ngày 4 tháng 7 năm nay, tôi xin phép nói thẳng một điều rằng: ngày độc lập của Mỹ năm 1776 là một sai lầm to tổ bố. Chúng ta nên than khóc vì sự thật là chúng ta đã phải rời xa Anh Quốc, chứ chẳng nên vui mừng gì sất.
Tất nhiên, thừa nhận sự tài ba của cuộc Cách mạng Mỹ thì cũng phải xem xét mặt trái của nó. Tôi khá là tin tưởng rằng nếu cuộc cách mạng kia đừng xảy ra thì lại hay hơn, vì ba lý do chính: Chế độ nô lệ sẽ được bãi bỏ sớm hơn, người da đỏ ở Mỹ có khi phải đối mặt với khủng bố lan tràn nhưng không bị quét sạch theo cái kiểu mà Andrew Jackson và các vị lãnh đạo khác của Mỹ đã làm, và Mỹ sẽ có một hệ thống chính phủ nghị viện – điều này sẽ giúp cho việc hoạch định chính sách trở nên dễ dàng hơn và làm giảm rủi ro sụp đổ nền dân chủ.
Việc bãi bỏ chế độ nô lệ sẽ diễn ra nhanh hơn nếu không có cuộc cách mạng
Tại sao tôi lại nói cuộc cách mạng này là một sai lầm? Bởi đế quốc Anh có thể sẽ hủy bỏ chế độ nô lệ sớm hơn Mỹ, và người ta bớt phải đổ máu hơn.
Vào năm 1834, chế độ nô lệ được bãi bỏ hầu hết trên các thuộc địa của đế quốc Anh, sau khi Đạo luật Bãi bỏ Chế độ Nô lệ (Slavery Abolition Act) được ban bố. Cũng nhờ đó mà tình trạng nô lệ ở Ấn Độ cũng được dẹp bỏ vào năm 1843. Ở chính nước Anh, nạn nô lệ đã được coi là bất hợp pháp ít nhất là từ hồi 1772. Những cải cách này diễn ra sớm hơn hàng thập kỷ so với Mỹ.
Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ để khỏi phải làm cách mạng. Những thập kỷ không còn tình trạng nô lệ sẽ mang lại một lợi ích lớn lao về mặt nhân đạo, và viễn cảnh này chắc chắn là đáng mong đợi hơn bất cứ một thành tựu nào mà cuộc cách mạng 1776 đã giành được cho người dân.
Lợi ích chính của cuộc cách mạng là nó mang lại nhiều quyền lực chính trị hơn cho đàn ông Mỹ da trắng. Đối với phần lớn những người dân còn lại của quốc gia – như là phụ nữ, nô lệ, người da đỏ – chẳng có gì khác biệt lắm giữa việc bị tước quyền trong một nước Mỹ độc lập và bị tước quyền trong một nước Mỹ thuộc địa chịu sự kiểm soát của Anh. Nếu có khác, thì hoàn cảnh thuộc địa lại hay hơn, vì ít ra phụ nữ và những người thiểu số sẽ không phải là nhóm bị chọn ra để tước quyền, mà ở đó ai cũng ngang hàng cả.
Nếu có bãi bỏ chế độ nô lệ thì nước Anh cũng chẳng mất mát gì mấy, giới chóp bu da trắng ở các bang miền Nam mới là kẻ sẽ mất nhiều. Các nhà cách mạng hiểu rõ điều này.
Thật vậy, chính cái mong muốn bảo vệ chế độ nô lệ đã kích thích miền Nam dồn tâm huyết cho cuộc chiến tranh. Năm 1775, sau khi chiến tranh bắt đầu ở Massachusetts, Huân tước Dunmore (mà sau đó là thống đốc của Virginia) đã hứa sẽ trả tự do cho các nô lệ nếu họ chiến đấu vì sự nghiệp của nước Anh. Eric Herschthal, một nghiên cứu sinh ngành lịch sử tại Columbia, cho rằng bản tuyên bố này đã đẩy người da trắng ở Virginia đến chỗ đứng sau phe nổi dậy.
Trong Rough Crossings, một cuốn lịch sử bàn về sự trung thành của người da đen trong cuộc cách mạng, Simon Schama viết rằng “đối với những người sở hữu nô lệ da đen ở miền Nam, thì cuộc chiến này là một cuộc cách mạng, đầu tiên và trên hết là để bảo vệ chế độ nô lệ”.
Những người nô lệ cũng hiểu rằng khả năng họ được giải phóng dưới sự cai trị của Anh dĩ nhiên tốt hơn là chịu cảnh nô lệ ở một nước Mỹ độc lập. Trong suốt thời gian chiến tranh, có khoảng 100,000 người nô lệ châu Phi trốn thoát, bị chết, hoặc bị giết, và hàng chục ngàn người gia nhập quân đội Anh, hơn hẳn số người tham gia vào cuộc nổi dậy. Nhà sử học Gary Nash viết trong The Forgotten Fifth, cuốn sách lịch sử về người Mỹ gốc Phi trong cuộc cách mạng, rằng “người Mỹ da đen trên con đường mưu cầu tự do đã bị buộc phải chiến đấu vì người Anh – trong cuộc chiến tranh giành độc lập để được ban phát tự do”. Vào cuối cuộc chiến, hàng ngàn người theo phe Anh đã được tự do và di tản đến Nova Scotia, Jamaica và Anh.
Điều này không có nghĩa là người Anh có động cơ mong muốn giúp đỡ nô lệ, tất nhiên là không rồi. Nhưng người nô lệ Mỹ đã phải chọn đứng về một phía trong cuộc cách mạng, và đó là phía của thực dân Anh. Họ không phải là kẻ ngốc. Họ biết rằng độc lập sẽ mang lại nhiều quyền lực hơn cho tầng lớp chủ đồn điền, những kẻ đã nô dịch họ, và rằng chiến thắng của Anh mới đem lại cho họ một triển vọng lớn hơn về tự do.
Sau cuộc chiến tranh Cách mạng Mỹ (1775-1783), nước Mỹ phải tiến hành thêm một cuộc chiến tranh 5 năm nữa (1861-1865) mới bãi bỏ được chế độ nô lệ. Tranh: Library of Congress/Kurz and Allison.
Độc lập là điều tồi tệ đối với người da đỏ
Bắt đầu từ Bản tuyên bố năm 1763, chính quyền Anh đã đưa ra những giới hạn chặt chẽ về việc di cư sang phía tây nước Mỹ. Không phải là nước Anh vị tha muốn giữ cho người dân da đỏ khỏi bị chinh phục hay bất cứ điều gì khác, thật ra nó chỉ muốn tránh xung đột biên giới mà thôi.
Nhưng tất cả đều giống nhau, chính sách này đã làm những người di cư Mỹ nản lòng, họ ngỡ ngàng khi thấy người Anh dường như đứng về phía người da đỏ hơn là đứng về phía họ, những người đàn ông da trắng. Ethan Schmidt viết trong cuốn Native Americans in the American Revolution rằng, “họ coi người da đỏ như những chướng ngại trong giấc mơ của họ về đất đai và của cải”.
Sự độc lập của Mỹ đã làm cho bản tuyên bố 1763 trở nên vô hiệu. Tuy nhiên, nó lại có hiệu lực ở Canada và được coi như là một tài liệu cơ bản định ra các quyền tự trị cho những bộ tộc đầu tiên. Nhà sử học Colin Calloway viết trong cuốn The Scratch of a Pen: 1763 and the Transformation of North America rằng bản tuyên bố này “vẫn là cơ sở cho các giao dịch giữa chính phủ Canada và các bộ tộc bản địa của Canada”.
Và, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà Canada đã không phải chứng kiến cái cảnh tượng chiến tranh và di tản của người dân da đỏ ở quy mô lớn và rộng khắp như Mỹ. Họ vẫn bị đối xử tàn tệ, đó là một tội ác không thể bào chữa. Tuy rằng Canada dưới thời cai trị của Anh và cả sau đó vẫn ngược đãi người dân bản địa một cách tàn nhẫn, nhất là trong nạn đói do chính phủ gây ra và việc bắt bớ lũ trẻ phải đi học tại các trường học. Nhưng những người dân bản địa Canada không phải trải qua một cuộc bành trướng về phía tây như người da đỏ ở Mỹ, cùng với bạo lực và chết chóc gieo rắc từ chính quyền Mỹ và người di cư da trắng. Nếu không có cuộc cách mạng, Anh có thể vẫn sẽ dịch chuyển về phía tây nơi miền đất của người da đỏ, nhưng sẽ không có nhiều người phải chết đến thế.
Trước chiến tranh, tộc người Apache và Comanche thường xuyên xung đột bạo lực với chính quyền Mexico. Nhưng họ vẫn là công dân của Mexico. Mỹ đã từ chối coi họ là công dân Mỹ trong suốt một thế kỷ.
Cuộc xâm lăng của nước Mỹ đã ép người da đỏ đến chỗ gần như tuyệt chủng. Tranh: WN.
Mỹ sẽ có một hệ thống chính quyền tốt hơn nếu ở lại với nước Anh
Thực lòng mà nói, tôi nghĩ rằng việc bãi bỏ chế độ nô lệ sớm hơn cũng đủ là nguyên nhân để chống lại cuộc cách mạng, và lại còn kết hợp với việc đối xử tàn tệ với người da đỏ nữa là quá đủ. Nhưng cũng đáng để dành ra chút thời gian mà tán dương một hệ quả quan trọng không kém quan trọng nếu Mỹ vẫn gắn bó với Anh: chắc hẳn chúng ta sẽ trở thành một nền dân chủ nghị viện chứ không phải là một nền dân chủ tổng thống.
Và các nền dân chủ nghị viện tốt hơn rất nhiều, rất rất nhiều so với nền dân chủ tổng thống. Mô hình nghị viện ít có khả năng sụp đổ thành chế độ độc tài, bởi nó không dẫn đến những mối xung đột không thể giải quyết giữa tổng thống và cơ quan lập pháp. Nó khó mà đi tới chỗ bế tắc.
Hiệu quả của hệ thống nghị viện cũng cho phép tạo ra các chương trình phúc lợi xã hội lớn hơn, làm giảm bất bình đẳng và cải thiện cuộc sống cho người nghèo. Chi tiêu của chính phủ ở các quốc gia theo mô hình nghị viện thường ở mức cao hơn 5% GDP so với các nước theo mô hình tổng thống. Nếu bạn tin tưởng vào việc tái phân phối của cải xã hội thì đây thực sự là một tin tốt lành.
Nền dân chủ nghị viện cũng có lợi khi Thượng viện yếu hơn. Mỹ đang phải chịu gánh nặng khi mà Thượng viện trao cho bang Wyoming một quyền lực tương đương với bang California, nơi có nhiều người gấp 66 lần. Thậm chí còn tồi tệ hơn, Thượng viện ở Mỹ lại có quyền lực ngang ngửa với Hạ viện. Hầu hết các quốc gia theo hệ thống của Anh đều có Thượng viện – chỉ có New Zealand đủ khôn ngoan để bãi bỏ nó – nhưng Thượng viện có quyền lực yếu hơn rất rất nhiều so với Hạ viện. Ở Canada, Thượng viện và Viện Quý tộc hiếm hoi lắm mới có ảnh hưởng đến luật pháp. Cùng lắm thì các viện này có thể đưa ra những điều chỉnh nhỏ. Không có nơi nào mà Thượng viện có khả năng cản trở kinh khủng như là Thượng viện Mỹ cả.
Cuối cùng, chúng ta vẫn có thể là một chế độ quân chủ dưới sự cai trị của Elizabeth II, và chế độ quân chủ lập hiến là hệ thống chính quyền tốt nhất được biết đến từ trước tới nay. Nói chung, trong một hệ thống nghị viện, bạn cần phải có một người đứng đầu nhà nước mà không phải là thủ tướng để làm vị trọng tài không vụ lợi khi xảy ra những bất đồng về cách thiết lập chính quyền – chẳng hạn nếu đảng lớn nhất được phép thành lập một chính quyền thiểu số, hay nếu các đảng nhỏ hơn được phép thành lập một liên minh. Người đứng đầu nhà nước thường là một tổng thống được bầu ra bởi quốc hội (Đức, Ý) hoặc người dân (Ireland, Phần Lan), hoặc một nhà chuyên chế.