Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Hôm nay, 21/7, tờ The Times của Anh loan tin thành viên nữ duy nhất trong nhóm 11 thẩm phán đương nhiệm của Tối cao Pháp viện Anh, Nữ Nam tước Hale xứ Richmond, sẽ được bổ nhiệm làm chánh án của tòa án cao cấp nhất Anh quốc này.
Bà Hale sẽ thay thế chánh án hiện tại là Bá tước Neuberger, người đã quyết định sẽ về hưu trong hè năm nay.
Sinh năm 1945 với tên đầy đủ là Brenda Marjorie Hale, vị nữ thẩm phán này đã có tám năm làm thẩm phán Tối cao Pháp viện. Trước đó, từ 2004 bà đã làm thẩm phán Tòa án Thượng viện Anh (House of Lords), trước khi hệ thống tư pháp Anh được cải tổ vào năm 2009, cho phép hình thành Tối cao Pháp viện riêng biệt với Thượng viện.
Lần thăng tiến mới nhất này chỉ là một trong nhiều danh hiệu “đầu tiên” mà bà Hale đạt được trong suốt sự nghiệp pháp lý nổi bật của mình.
Sự nghiệp của những “lần đầu tiên”
Bà là nữ thẩm phán Tối cao Pháp viện đầu tiên chuyên về luật gia đình.
Trước khi trở thành nữ thẩm phán đầu tiên của tòa án cao nhất Anh quốc, vào năm 1984 bà Hale là nữ thành viên đầu tiên của Ủy Ban Luật pháp (Law Commission) – một ủy ban độc lập chuyên thẩm tra, tư vấn, đề xuất cải cách pháp luật cho Nghị viện Anh.
Trước đó nữa, bà là thành viên đầu tiên đi học luật và trở thành luật sư trong gia đình của mình. Bà Hale sinh ra trong một gia đình trung lưu tại vùng đất “thang mộc” Yorkshire miền Bắc nước Anh. Cha mẹ bà đều là giáo viên hiệu trưởng.
Bà Hale tốt nghiệp trường luật đại học Cambridge năm 1966 – một trong sáu sinh viên nữ của một khóa có hơn 100 sinh viên luật.
Bà được nhận vào làm trợ giảng trong trường luật đại học Manchester ngay sau khi tốt nghiệp. Tại Manchester, bà bắt đầu sự nghiệp học thuật pháp lý, chuyên nghiên cứu về luật gia đình và phúc lợi xã hội.
Năm 1969, muốn thử thách bản thân cả trong môi trường hành nghề luật khắc nghiệt, bà Hale thi vào luật sư đoàn để trở thành một luật sư tranh tụng (barrister). Bà đỗ đầu trong kỳ thi luật sư đoàn năm đó và từ khi ấy vừa làm luật sư tranh tụng bán thời gian, vừa dạy học và nghiên cứu tại trường đại học Manchester.
Trong vai trò nữ thành viên đầu tiên của Ủy ban Luật pháp, suốt các năm từ 1984 đến 1993, bà Hale đã đề xuất và vận động cho các cải cách pháp luật tiến bộ, nâng cao việc bảo vệ quyền trẻ em và quyền phụ nữ.
Cân bằng được cả sự nghiệp hành nghề luật sư, vận động cải tổ luật, và giảng dạy luật, năm 1989 bà Hale được phong danh hiệu Luật sư của Nữ hoàng (Queen’s Counsel) – danh hiệu được trao cho những luật sư dày dặn kinh nghiệm với danh tiếng và tư cách đạo đức tốt. Sau đó bà chính thức gia nhập lực lượng thẩm phán tại Anh năm 1994.
Tư tưởng vì quyền trẻ em và nữ quyền mạnh mẽ
Bên cạnh một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ, bà Hale được biết đến như là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất tại Anh ủng hộ quyền trẻ em, nữ quyền, và bình đẳng giới trong ngành tư pháp.
Người ta có thể thấy được điều đó qua cách bà vận động cải cách pháp luật một cách mạnh mẽ khi còn làm cho Ủy ban Luật pháp.
Các nỗ lực của bà Hale và các đồng nghiệp tại ủy ban này dẫn đến việc thông qua Đạo luật Trẻ em năm 1989 (Children’s Act 1989).
Đạo luật này lần đầu tiên chính thức đặt lợi ích của trẻ em – từ cái nhìn chủ quan, nhu cầu, và hoàn cảnh cụ thể của chính mỗi đứa trẻ – lên làm một trong các mối quan tâm hàng đầu của hệ thống tòa án trong quá trình xử lý bất kỳ một loại vụ việc nào có liên quan đến quyền lợi trẻ em.
Bà Hale cũng vận động cho việc đưa vào luật pháp Anh khái niệm ly hôn bất luận tội (no fault divorce) – cho phép các cặp vợ chồng ly hôn mà không cần phải chứng minh một trong hai bên đã vi phạm nghĩa vụ hôn nhân.
Cải cách này đi ngược lại luật truyền thống ở Anh, vốn quy định rằng nếu không chứng minh được bên còn lại đã vi phạm nghĩa vụ hôn nhân thì bên đòi ly dị phải đợi cho đủ hai năm sống ly thân đồng thuận, hoặc năm năm sống ly thân không đồng thuận, thì mới được luật cho phép ly dị.
Tuy nhiên, do gặp phải phản đối sâu rộng từ giới bảo thủ vốn đề cao nghĩa vụ hôn nhân gia đình truyền thống của Anh quốc, đề xuất cải cách này đã không thành công khi được đưa ra năm 1996.
Không nản lòng, bà Hale vẫn không ngừng vận động cho ý tưởng này khi đã trở thành thẩm phán.
Luôn quyết tâm và không ngại lên tiếng kêu gọi cải cách, bà Hale trở thành cái gai trong mắt nhiều người thuộc giới bảo thủ. Báo chí bảo thủ đã nhiều lần công kích cá nhân bà, cho rằng bà là một nữ thẩm phán thiên vị, “cuồng nữ quyền”, chỉ muốn cải cách luật pháp để phá hoại các nền tảng gia đình truyền thống của Anh quốc.
Bất kể điều tiếng, trong sự nghiệp tại Tối cao Pháp viện của mình, bà Hale vẫn gây ấn tượng là một trong những thẩm phán chú trọng bảo vệ quyền trẻ em và nữ quyền tích cực nhất, nhiều lúc theo những cách khá tương phản với nhiều đồng nghiệp nam giới khác của bà, phần đông trong số họ đã thành danh trong vai trò luật sư hành nghề trong các ngành hình sự, hành chính, và thương mại.
Một trong những phán quyết nổi tiếng nhất của thẩm phán Hale tại Tối cao Pháp viện là phán quyết vụ Radmacher kiện Granatino năm 2010.
Trong vụ này, tòa án phải quyết định một vấn đề hệ trọng là thỏa thuận phân chia tài sản tiền hôn nhân (pre-nuptial agreement) có được luật pháp Anh công nhận hay không.
Vấn đề là các thỏa thuận phân chia tài sản tiền hôn nhân này trong thực tế thường luôn có khuynh hướng thiên vị một bên của vụ việc – thường là bên người đàn ông – và theo đó dẫn đến các hệ quả pháp lý bất công cho người đàn bà.
Ví dụ, nếu một cặp vợ chồng đã ký thỏa thuận với nhau trước khi lên phường “bút sa gà chết, dắt nhau về nhà” rằng cái nhà là của anh, con gà là của chị – tức là theo một cách không công bằng về quyền lợi cho người phụ nữ chiếu theo luật hôn nhân gia đình thông thường – thì tòa án của Anh có nhất thiết phải tôn trọng thỏa thuận đó của hai anh chị khi họ ly hôn không?
Điểm bất ngờ trong vụ Radmacher kiện Granatino đó là bên đang đòi tòa công nhận hiệu lực của thỏa thuận lại chính là người vợ.
Phe đa số thẩm phán, toàn nam giới, đã quyết định chấp nhận hiệu lực của thỏa thuận tiền hôn nhân trong vụ này, và xác nhận rằng các thỏa thuận tiền hôn nhân nói chung sẽ được luật pháp Anh công nhận. Thẩm phán Hale là người duy nhất phản đối.
Chi tiết người phụ nữ trong vụ việc được hưởng lợi lớn từ thỏa thuận tiền hôn nhân không khiến thẩm phán Hale thay đổi quan điểm mang tính nguyên tắc của bà, vốn đã được bà nghiên cứu chuyên sâu, rằng loại thỏa thuận này là một công cụ dễ dẫn đến bất công cho nữ giới nói chung.
Suốt nhiều năm trong sự nghiệp bà Hale cũng luôn tận dụng nhiều cơ hội để chỉ ra tình trạng bất bình đẳng giới của ngành tòa án Anh, thể hiện rõ nhất qua việc bà là nữ thẩm phán duy nhất của Tối cao Pháp viện trong suốt nhiều năm.
Không ngại bày tỏ, chấp nhận thị phi
Với một quá khứ dài phải làm “người đầu tiên” và “người duy nhất” nhiều lần, có lẽ Nữ Nam tước Hale đã quá quen với việc phải thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.
Vì thế, bà có vẻ chẳng ngại ngần gì với thị phi, khác với phần đông giới thẩm phán Anh vốn vẫn luôn có truyền thống lịch duyệt, kín kẽ, cố gắng không thể hiện quan điểm cá nhân để bảo vệ hình ảnh “chí công vô tư” của họ.
Hồi năm ngoái, trước các phiên xử vụ Brexit nổi tiếng về việc chính phủ Anh có quyền kích hoạt quá trình rời Liên minh châu Âu (EU) hay không, bà Hale đã gây ra một số lùm xùm khi phát biểu trong một buổi thuyết giảng tại một trường đại học ở Malaysia. Bài giảng của bà nói về “các vấn đề trong luận điểm” của phe ủng hộ việc chính quyền Anh quốc có toàn quyền kích hoạt Brexit mà không phải thông qua Nghị viện Anh.
Vì vụ việc chưa được đưa ra xét xử, phe ủng hộ Brexit ở Anh lập tức lớn tiếng cáo buộc thẩm phán Hale thiên vị, yêu cầu bà phải xin rút và không tham gia xử vụ Brexit – vốn phải được tất cả các thẩm phán Tối cao Pháp viện xử.
Đáp lại, bà Hale thản nhiên chỉ ra rằng bà chỉ đang giảng giải lý thuyết pháp luật và bà đã trình bày một cách công bằng điểm mạnh, điểm yếu của cả hai bên trong vụ việc khi giảng bài. Bà đã không hề tiết lộ là mình sẽ đưa ra quan điểm cụ thể gì trong vụ việc.
Thẩm phán Hale cuối cùng vẫn tham gia các phiên xử vụ Brexit. Bà đã đưa ra một số câu hỏi khó nhưng đích đáng cho cả hai bên của vụ việc.
Bà đồng thời cũng có một đoạn trao đổi đáng nhớ với một luật sư của vụ việc: Khi vị luật sư phát âm tên De Keyser (tên một án lệ) là Đê Ki-sơ, bà Hale đã rất hồn nhiên thốt lên giữa phiên tòa đang căng thẳng, đại ý rằng, ‘trời đất, tui phát âm là Đê Cai-sơ, vậy ra trong cả đời làm nghề luật của mình tui đã phát âm tên án lệ này sai sao?’. Phút hài hước của bà cho tất cả các bên được vài giây thư giãn quý giá.
Sự thẳng thắn và tự nhiên dễ gần của bà Hale có thể làm phật lòng giới bảo thủ mong muốn có một hệ thống tư pháp lạnh lùng khinh khỉnh ra chiều “chí công vô tư”, nhưng chắc chắn được lòng giới sinh viên luật, những người luôn đón nhận nhiệt tình các cá tính nói trên của bà. Bà là một trong những thẩm phán được giới sinh viên yêu thích nhất, tới mức họ gọi đùa bà là “Beyoncé làng luật”.
Chúng ta hãy cùng chờ xem Nữ Nam tước Hale xứ Richmond sẽ trở thành một người “không thể thay thế” tại Tối cao Pháp viện Anh trong những năm tới như thế nào.
Tài liệu tham khảo: