‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Hầu tước De Launay, cho đến lúc bị đám đông cuồng nộ đâm hàng trăm nhát dao và lưỡi lê, chặt đầu, quăng xác xuống cống rồi nã thêm một tràng súng ngắn nữa trong ánh chiều sẫm khói Paris, có lẽ vẫn không hiểu vì cái quái gì mà số phận lại nghiệt ngã với ông đến vậy.
Nửa ngày trước, sáng 14 tháng 7 năm 1789, trong vai trò tổng đốc nhà ngục Bastille, De Launay lịch sự tiếp đón hai vị đại biểu của người dân thủ đô Paris.
Không khí cách mạng đang sục sôi tại Paris. Trong cơn khủng hoảng kinh tế và lương thực, bất đồng giữa phe thường dân và chính quyền Hoàng gia Pháp ngày càng sâu nặng đến mức khó mà đảo ngược.
Hơn một tháng trước đó, người dân Paris đã tự thành lập chính quyền nhân dân địa phương, chính thức vào thế đối đầu với thế lực Hoàng gia và đa số quý tộc Pháp. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa động thủ mà mới chỉ gầm gừ với nhau.
Trong những cơn đói sôi sục và trước tin đồn phe Hoàng gia sẽ huy động quân lính đàn áp mình, người dân Paris trở nên cực kỳ lo lắng.
Nhà ngục kiêm pháo đài Bastille – vốn hay được dùng để giam giữ tù nhân chính trị, tức là tất cả những ai cả gan phê phán vương triều, chửi rủa đám quý tộc – từ lâu đã là cái gai trong mắt người dân phản đế tại Paris.
Các thủ lãnh chính quyền nhân dân địa phương Paris quyết định phải vô hiệu hóa súng ống, đồng thời tịch thu thuốc súng trong pháo đài Bastille.
Không có ai thật sư cần được ‘giải phóng’ từ nhà ngục Bastille. Ngày hôm đó, nhà tù có vỏn vẹn bảy tù nhân bao gồm bốn tù nhân thường phạm (tội làm giả giấy tờ) và ba người thuộc loại ‘gia đình có điều kiện’ trả tiền cho nhà tù ‘nhờ’ giam giữ người thân của họ vì nhiều lý do tế nhị khác nhau.
Thương lượng giữa De Launay và các đại diện nhân dân không đi đến đâu cả. De Launay, người về bản chất là một viên quan nhút nhát, chán phèo và chỉ biết tuân mệnh hơn là một tay quý tộc sắt máu, cương quyết không giao súng đạn khi chưa có lệnh hoàng gia.
Khoảng 1h30 chiều, các đại biểu chính quyền nhân dân định ra về để thảo luận thêm với nhau, tìm cách thuyết phục De Launay. Đó cũng là lúc đám đông người dân đang vây quanh pháo đài Bastille mất kiên nhẫn.
Được cầm đầu bởi một đám cựu sĩ quan quân đội bao gồm vài người đã từng tham gia cuộc Cách mạng Mỹ năm 1776, đám đông người dân Paris tấn công pháo đài. Phe bảo vệ pháo đài xả súng. Với vũ khí cướp được từ nhiều nơi khác, phe người dân đáp trả.
De Launay bị giết. Ảnh: Alamy.
Cuộc chiến ngã ngũ vào lúc khoảng 5h chiều, biết phe mình không đủ lương thực đề cầm cự lâu thêm, Hầu tước De Launay xin hàng.
Đám đông người dân xông vào bẻ kiếm của De Launay rồi gô cổ ông ta. Họ bàn cãi nhau xem phải làm gì với ông rồi quyết định đưa ông về tổng hành dinh chính quyền địa phương xét xử. Nhưng De Launay đã không bao giờ đi hết đoạn đường đó.
Đầu bị chặt của De Launay bị treo lên một ngọn giáo đem đi diễu hành trên đường phố Paris.
Biết rằng hành vi tấn công phá ngục Bastille đã đưa họ “vượt sông Rubicon”, đòn phản công của chính quyền Hoàng gia chỉ còn là vấn đề thời gian, người dân Paris hô hào nhau cầm súng đứng lên, cùng lập chiến lũy trên đường phố, biến cả thủ đô Paris thành bãi chiến trường cho những cuộc đụng độ mới.
Cuộc Cách mạng pháp kéo dài từ 1789 đến 1799 thường được xem là đã bắt đầu từ một ngày 14 tháng 7 đẫm máu như thế.
Cuộc cách mạng này đã làm thay đổi thế giới, theo nhiều cách.
Sự tàn bạo và đẫm máu của cuộc cách mạng 10 năm này cùng những hệ quả của nó dẫn đến một số cuộc cách mạng khác – những cuộc cách mạng không máu me, không súng đạn nhưng cũng không kém phần quyết liệt: những cuộc cách mạng của tư tưởng.
Một trong số đó là cuộc cách mạng tư tưởng góp phần khai sinh ra chủ nghĩa bảo thủ (conservatism), xuất phát từ phản ứng với Cách mạng Pháp của một nhà tư tưởng chính trị lớn, Edmund Burke.
Edmund Burke, nhà tư tưởng chính trị
Edmund Burke (1729-1797) sinh ra tại Ireland trong một gia đình trung lưu có cha là luật sư. Burke cũng học luật nhưng bỏ ngang để theo nghiệp viết lách về triết học, tôn giáo, và nghệ thuật tại Anh quốc. Sự nghiệp viết lách suốt đời này giúp ông trở thành bạn bè của nhiều nhà văn, nhà tư tưởng nổi tiếng của Anh và Mỹ thế kỷ 18.
Edmund Burke. Tranh của James Barry, trưng bày tại National Gallery of Ireland.
Năm 36 tuổi, sau nhiều năm làm thư ký cho một số chính trị gia Anh, Burke gia nhập đảng Whig (một đảng chính trị cổ xưa nay không còn tồn tại) và bắt đầu tham chính trong vai trò nghị viên Nghị viên Anh quốc.
Burke bắt đầu tạo dấu ấn lên chính trường bằng vốn học vấn uyên thâm cùng khả năng viết lách và hùng biện thao thao bất tuyệt của mình.
Ông dần trở thành ‘ngòi bút’ và ‘tiếng nói’ của cả đảng Whig, một đảng chính trị khi đó có tư tưởng quân chủ lập hiến: duy trì vương triều Anh quốc nhưng phải đặt vương triều đó dưới các hình thức kiểm soát hiến pháp của Quốc hội Anh, không cho phép vua chúa lạm quyền.
Burke xây dựng sự nghiệp chính trị của ông chủ yếu dựa trên việc đấu tranh cho sự giới hạn quyền lực vua chúa đó.
Ông cũng cổ vũ cho thị trường tự do và ủng hộ thực hiện minh bạch thông tin chính trị thông qua việc xuất bản rộng rãi cho công chúng nội dung các tranh luận tại quốc hội.
Burke cũng nổi tiếng với quan điểm cho rằng các đại biểu quốc hội tại Nghị viện Anh phải biết độc lập đưa ra phán quyết thay vì làm ‘con rối’ trong tay cử tri.
Tuy vẫn mang tư tưởng bảo hoàng – cổ xúy việc duy trì chế độ phong kiến vua chúa tại Anh, Burke vẫn gây được tiếng vang và tạo thiện cảm trong giới chính trị cấp tiến không bảo hoàng, bởi vì ông công khai lên tiếng ủng hộ Cách mạng Mỹ năm 1776.
Trước khi các bang thuộc địa Hoa Kỳ nổi dậy giành độc lập năm 1776, Burke đã đóng vai trò là cầu nối cho các bang thuộc địa Hoa Kỳ với chính quyền Anh quốc.
Ông tranh biện ủng hộ những phàn nàn của người dân Mỹ về những bất cập của chế độ thuộc địa Anh ở Hoa Kỳ, đồng thời ông cổ xúy việc tìm đến một giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan đến thuộc địa này.
Với một hình ảnh “phong kiến nhưng cấp tiến”, “theo vua mà vẫn gần dân” như thế, không lạ là nhiều nhà tư tưởng cùng thời với Burke nghĩ rằng ông cũng sẽ ủng hộ Cách mạng Pháp.
Ngay cả Thomas Paine cũng nghĩ vậy. Ông là bạn của Burke, và là một nhà tư tưởng chính trị chuyên cổ xúy các tư tưởng dân chủ tiến bộ góp phần đưa đến cuộc Cách mạng Mỹ năm 1776 và Cách mạng Pháp năm 1789.
Tuy nhiên, Burke đã làm nhiều người ngạc nhiên khi ông lên tiếng phản đối mạnh mẽ Cách mạng Pháp.
Phản ứng của ông dẫn đến một cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm với Paine và một số nhà tư tưởng khác về những tư tưởng chính trị nền tảng của học thuyết về quyền tự nhiên của con người (natural rights).
Trong cuộc tranh luận đó, Burke cũng đồng thời xây dựng những nền tảng cho một tư tưởng chính trị chưa thực sự được định hình vào thời đại của ông là chủ nghĩa bảo thủ.
Cách mạng Pháp và quyền con người
Một trong những tư tưởng dân chủ tiến bộ làm nền tảng tri thức cho cuộc Cách mạng Pháp là học thuyết về quyền tự nhiên của con người.
Học thuyết này cho rằng có tồn tại sẵn những quyền tự nhiên (natural rights) là những quyền con người nào sinh ra cũng đã có, không phụ thuộc vào văn hóa, lịch sử, hay chính quyền nào.
Các nhà cách mạng Mỹ năm 1776 dùng học thuyết này để tranh đấu cho quyền tự do của người dân các bang thuộc địa Hoa Kỳ, chống lại sự đàn áp và bóc lột của chính quyền thuộc địa Anh.
Chúng ta cũng có thể thấy bóng dáng của nó qua Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp, vốn cũng được trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Ảnh: Wikipedia.
Các nhà cách mạng Pháp năm 1789 cũng dùng học thuyết quyền tự nhiên này làm sức mạnh lý tính cho phong trào: chính quyền Hoàng gia, giới quý tộc và giới tăng lữ nhà thờ tại Pháp không thể dựa vào quyền lực sẵn có truyền từ bao đời qua để “ăn trên ngồi trốc” trong khi người dân thường, trung lưu hay nghèo khó phải chịu thống khổ.
Người dân thường tuy không là vua chúa, quý tộc, tăng lữ nhưng vẫn có những quyền tự nhiên của họ. Và vì thế, trên phương diện quyền, vua chúa, quý tộc, tăng lữ và thường dân phải bình đằng với nhau.
Hệ thống phong kiến cha truyền con nối và hệ thống nhà thờ “ăn theo” hệ thống phong kiến đó đang áp đặt một bộ khung chia chác quyền lợi “phản tự nhiên”, chỉ ưu tiên một thiểu số quý tộc và tăng lữ, thay vì bình đẳng bảo vệ quyền tự nhiên của tất cả mọi người.
Theo đó, những hệ thống này phải bị kiểm soát hay xóa bỏ. Nếu đám vua chúa, quý tộc, tăng lữ cương quyết không chịu nhượng bộ thì người dân thường phải đứng lên bảo vệ cho những quyền đó, và dẹp bỏ những kẻ cứng đầu.
Edmund Burke phản đối Cách mạng Pháp
Burke đầu tiên đưa ra các phản đối của mình trong tác phẩm “Những suy tư về cuộc Cách mạng ở Pháp” (Reflections on the Revolution in France) xuất bản năm 1790.
Trong tác phẩm này, viết dưới dạng một lá thư dài gửi cho một người bạn ở Paris, Burke muốn phản ứng lại trào lưu ủng hộ Cách mạng Pháp tại Anh vốn đang nóng lên sau những chiến thắng đầu tiên của người dân Pháp.
Burke chủ yếu mong muốn thuyết phục người đọc rằng không nên ủng hộ việc tiến hành một cuộc cách mạng như Cách mạng Pháp tại Anh quốc.
Burke phê phán Cách mạng Pháp thông qua ba luận điểm chính, nhiều khi được xoắn kết với nhau thay vì được chia rành rẽ trong tác phẩm:
1. Cuộc cách mạng này muốn gấp rút đưa vào thực tế một học thuyết siêu hình, trừu tượng về quyền tự nhiên của con người. Sự gấp rút đó kéo theo một làn sóng bạo lực đẫm máu khủng khiếp không đáng có;
2. Thứ học thuyết nền tảng cho cuộc cách mạng đó, một học thuyết về quyền con người bình đẳng muốn san bằng tất cả trật tự xã hội sẵn có, là một nền tảng trí thức yếu ớt (quyền chẳng biết từ đâu ra – tự nhiên là gì? Chúa hay con người?).
Quan trọng hơn, việc tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nền tảng trí thức duy lý tính (rational) này là một sai lầm vì nó kém thực tế, không nhìn nhận được thiên tư – những mong muốn, cảm xúc, và định kiến sẵn có – của con người. Đặc biệt là của chính người Anh;
3. Hệ thống chính trị phong kiến cha truyền con nối, chế độ tư hữu tài sản, và hệ thống tôn giáo nhà thờ, những thứ mà cuộc cách mạng này muốn hủy diệt, là những thứ không thể bỏ đi vì chúng có vai trò thực dụng tối quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của xã hội con người.
Chúng quan trọng và xứng đáng được duy trì không chỉ vì vai trò lịch sử của chúng mà còn vì chúng thuộc về truyền thống của con người, phù hợp với những thiên tư của con người. Không thể thay đổi hay chà đạp lên những thiên tư ấy bằng một bản kế hoạch duy lý tính kiêu ngạo nào đó của con người.
Phê phán của Burke về tính bạo lực cách mạng rồi sẽ được lịch sử chứng minh là xác đáng khi Cách mạng Pháp bị cuốn sâu hơn vào một cơn cuồng nộ của súng đạn và máy chém sau năm 1790.
Trong phần sau, chúng ta cùng nhìn vào hai luận điểm phê phán còn lại.
Tài liệu tham khảo: