Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu một chút về nhà tư tưởng Edmund Burke, cũng như bối cảnh và thời điểm mà ông viết tác phẩm nổi tiếng, “Những suy tư về cuộc Cách mạng ở Pháp” (Reflections on the Revolution in France). Đây được xem là một trong những cuốn sách nền tảng của chủ nghĩa bảo thủ (conservatism).
Vậy cụ thể thì Burke đã phê bình những gì về Cách mạng Pháp?
Vai trò của kinh nghiệm, sự hiểu biết từ thực tế truyền đời
Trong cái nhìn của Burke, những nhà cách mạng Pháp đang cho rằng, họ đã có trong tay tất cả những gì họ cần để thay đổi nước Pháp theo đúng hình ảnh lý tưởng của họ: một đất nước tự do, bình đẳng, bác ái nơi quyền tự nhiên của mọi người đều được bảo vệ.
Chỉ cần có lý tưởng là đủ!
Con người chỉ cần cam đảm, mạnh bạo, và kiên trì là có thể xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, dựa theo bất cứ lý tưởng nào của họ.
Bởi vì, chiếu theo một niềm tin được xây dựng từ cuộc cách mạng khoa học của các thế kỷ 16 và 17 tại Châu Âu, lý tính (rationality) – khả năng tư duy hợp lý và khoa học là một khả năng có sức mạnh vô biên giúp con người thực hiện lý tưởng của mình.
Trái lại, theo Burke, việc phá bỏ và xây dựng lại một xã hội hoàn toàn mới không thể là một việc chỉ cần có lý tính và một niềm tin sắt đá vào một thứ lý tưởng nào đó, là có thể thực hiện được.
Chú tâm của Burke là ở vào vế xây dựng và duy trì: xây lại mới khó, phá thì ai chả phá được
Burke đã chất vấn những nhà tư tưởng cách mạng của Pháp:
“Bàn luận về một thứ quyền trừu tượng của con người, như quyền được có thức ăn và thuốc men, để làm gì chứ? Vấn đề nằm ở phương pháp kiếm ra được những thứ đó và quản lý chúng. Mỗi lúc bị yêu cầu phải tính toán để có thể làm được những việc này tôi luôn luôn tư vấn là, chúng ta hãy kêu gọi sự giúp đỡ của một người nông dân và một ông bác sĩ, thay vì một vị giáo sư siêu hình học (metaphysics).”
Con người cần có tri thức, hiểu biết để có thể khai thác và quản lý tài nguyên, tài sản, cũng như của cải trong xã hội một cách hiệu quả. Nếu đảm bảo được tài nguyên, tài sản, của cải trong một xã hội được quản lý hiệu quả và phân chia hợp lý, thì sẽ góp phần giữ vững hòa bình ổn định cho xã hội đó.
Theo Burke, tất cả loại tri thức và hiểu biết theo kiểu ông vừa tả, không đến từ một thứ lý thuyết triết học siêu hình, trừu tượng nào, mà phải đến từ kinh nghiệm và từ hiểu biết thực tế. Đó là những thứ đã được con người lựa chọn từ thực tiễn, trải qua thử thách, trui rèn, cũng như kiểm nghiệm của thời gian.
Vậy sự hiểu biết cùng kinh nghiệm thực tế như thế từ đâu mà có?
Chúng đến từ truyền thống và những thiết chế sẵn có trong xã hội (ví dụ như hệ thống chính quyền phong kiến, chế độ tư hữu tài sản, nhà thờ, giai cấp quý tộc), được hình thành nhờ công sức mà nhiều thế hệ trước đã gom góp và xây dựng nên.
Với Burke, hệ thống chính quyền phong kiến, chế độ tư hữu tài sản, nhà thờ, giai cấp quý tộc đóng vai trò quan trọng không phải vì bản thân những thiết chế đó tốt đẹp gì. Burke cũng không hề cổ xúy cho việc đặt những thiết chế phong kiến truyền thống lên bàn thờ để rồi chổng mông lên bái.
Là một người đã dành gần cả đời phê phán lũ quý tộc và đòi giới hạn quyền lực của vua chúa – Burke hiểu rõ, đám vua chúa quý tộc có thể quậy phá, ham mê của cải, và lạm dụng quyền lực như thế nào.
Với Burke, các thiết chế truyền thống không được phép miễn nhiễm trước những thay đổi thời cuộc, nhưng quá trình thay đổi các thiết chế truyền thống sao cho phù hợp với thời cuộc phải là một quá trình chậm rãi, thay vì “thần tốc vũ bão”.
Những thiết chế đó phải được duy trì vì chúng là những thứ lưu giữ truyền thống, là những nguồn cội tri thức và trí thức nhiều thế hệ. Chúng có một vai trò thực dụng: giúp cho con người tiếp cận một cách mau chóng và tiện dụng kinh nghiệm, kỹ năng, và hiểu biết trong việc xây dựng, quản lý, và duy trì xã hội.
Có thể ví von là Burke đã nhìn những thiết chế phong kiến, tôn giáo truyền thống như những “data bank” – “ngân hàng dữ liệu điện toán” thời cận đại.
Trong khi các nhà cách mạng Pháp muốn “đập màn hình”, “xóa ổ cứng”. Sau đó quay ra ngồi lắp ráp, lập trình lại từ đầu một máy tính với hệ thống điều hành hoàn toàn mới cóng, thì Burke cổ xúy việc giữ lại máy móc cũ, những “bộ nhớ” truyền thống xã hội. Tuy cũ, nhưng không hề vô dụng.
Vai trò của thiên tư và bản tính của người dân Anh
Bên cạnh việc phê phán cái nhìn mà ông cho là, muốn “xóa bỏ tất cả làm lại từ đầu” một cách ngu xuẩn và kém thực tiễn của cuộc Cách mạng Pháp, Burke còn nhận định rằng, tin tưởng vào nền tảng của một cuộc cách mạng với lý thuyết siêu hình về quyền bình đẳng tự nhiên của con người, là một chính sách kém thực tế. Vì nó không nhìn nhận được mặt phi lý tính, khía cạnh “cảm xúc” thực tế của con người. Mà ở đây, là của bản thân người dân Anh.
Dùng suy đoán từ cảm nhận cá nhân mình, thay vì nghiên cứu tâm lý học thực nghiệm vốn chưa tồn tại vào thời của ông, Burke đã có phần võ đoán khi cho rằng, về bản tính, người Anh “ngại” những thứ sáng tạo mới mẻ, quá mang tính ‘cách mạng’.
Theo Burke, người Anh có một “sự chậm chạp lờ đờ và lạnh tanh” (“cold sluggishness”), chí ít là trong các vấn đề tư tưởng, đạo đức; và họ nên tự hào về điều đó thay vì cảm thấy xấu hổ.
Lợi dụng tâm lý bài Pháp khá thịnh hành của người Anh (Anh – Pháp mấy đời phong kiến đánh nhau, sự ghét bỏ, ngại ngần đã thành lịch sử), Burke hùng biện là nhờ cá tính ‘kém nồng nhiệt’, ‘ngại sáng tạo’ đó, mà người Anh vẫn giữ được sự độc lập tư tưởng với người Pháp!
Trong mắt Burke, người Anh không dễ trở nên quá khích về tư tưởng, không dễ bị kích động như người Pháp. Người Anh ôn nhu, sùng đạo, tôn trọng luật lệ, tuân thủ trật tự trị an, và tôn trọng truyền thống lịch sử. Người Anh yêu vua và kính Chúa.
Người Anh, về bản chất, muốn hưởng hòa bình cuộc sống hơn đạt lấy được một thứ lý tưởng siêu hình về nhân quyền hay sự bình đẳng nào đó.
Burke cho rằng những đức tính này không xuất phát từ một sự nhìn nhận duy lý tính nào cả, mà từ chính cảm xúc (feelings) mang tính bản quán (native) của bản thân người Anh. Ông đã viết rằng, những cảm xúc này tự nhiên như hơi thở, như “những trái tim bằng máu thịt đang đập trong lồng ngực chúng ta”.
Burke gọi những cảm xúc đó là những cảm xúc không dạy mà có (“untaught feelings”), và là những định kiến (prejudices).
Cái nhìn của người hiện đại dễ khiến chúng ta hơi cau mày khi thấy Burke cổ xúy cho “định kiến”, nhưng trong quan điểm dựa vào bối cảnh thời đại của Burke, lại có một sức thuyết phục khá kỳ lạ.
Theo Burke, con người phải được nhìn nhận trong trạng thái tự nhiên là “những sinh vật của thói quen” (creatures of habits). Con người tuân theo cảm xúc mà họ thường xuyên cảm nhận, theo thói quen hằng ngày, và theo cả những lối mòn tư duy sẵn có.
Con người có lý trí, nhưng lại không duy lý tính tới mức có thể dùng lý trí để hoàn toàn lập trình lại bản thân mỗi người theo một quy chuẩn lý tưởng trừu tượng nào đó.
Nhà nghiên cứu Russell Kirk phân tích rằng, “định kiến” trong tư tưởng của Burke “không phải là sự tin tưởng mù quáng (bigotry) hay mê tín (superstition), cho dù thỉnh thoảng định kiến có thể suy đồi thành những thứ như thế. Định kiến là những quyết định có từ trước (prejudgement), là câu trả lời từ trực giác và từ sự thống nhất ý kiến có từ tổ tiên (ancestral consensus of opinion), vốn có thể giúp cho một người đưa ra một quyết định dựa trên thuần lý trí (pure reason), khi mà họ không có đủ thời gian hay kiến thức để suy nghĩ thêm”.
Khi tự do một mình trong hoàn cảnh bình thường, để tiện cho việc đưa ra các quyết định – bao gồm cả những quyết định chính trị quan trọng, con người thường sẽ nghe theo những định kiến sẵn có của bản thân, thay vì những kêu gọi duy lý tính mới mẻ nào đó.
Và những định kiến của người Anh là những niềm tin, cảm xúc đầy kiêu hãnh của họ vào truyền thống đất nước, vào kinh nghiệm truyền đời, và vào sự ôn nhu chậm rãi không máu lửa ồn ào của cuộc sống.
Vì thế, theo Burke, những diễn xướng về một thứ nhân quyền tự nhiên bình đẳng siêu hình nào đó đơn giản là không phù hợp với cá tính, với cảm xúc và suy nghĩ của những người dân Anh bình thường.
Khăng khăng vào sức mạnh lý tưởng của thuyết quyền tự nhiên để đòi làm một cuộc “Cách mạng Pháp” ở Anh đơn giản là ngược ngạo và trái với lẽ tự nhiên.
Chủ nghĩa bảo thủ và những bài học hiện đại
Tác phẩm “Những suy tư về cuộc Cách mạng ở Pháp” hoàn toàn đi ngược lại làn sóng cảm xúc đầy phấn khởi và chào đón Cách mạng Pháp của phần đông giới trí thức Anh – Mỹ năm 1790. Thế nên, nó đã nhanh chóng nhận được sự đáp trả không e dè của những ngòi bút ủng hộ tư tưởng dân chủ, nhân quyền và Cách mạng Pháp.
Thomas Paine đã viết tác phẩm nổi tiếng Quyền Con Người (Rights of Man) để phản biện Burke.
Thông qua những lần tranh luận bằng bút chiến với Thomas Paine và một số tác giả khác, về sau, Burke đã định hình rõ ràng hơn suy nghĩ của ông. Và vì vậy, lần đầu tiên chủ nghĩa bảo thủ trong tư tưởng chính trị cận đại đã được hệ thống hóa, và Burke đã đóng góp không ít cho điều đó.
Chủ nghĩa bảo thủ trong tư tưởng chính trị hiện đại ngày nay vẫn mang những nét cốt yếu đã được Burke đưa ra trong các phê phán đầu tiên của ông về Cách mạng Pháp:
Cổ vũ sự duy trì truyền thống, nhưng duy trì một cách tích cực thay vì mù quáng.
Nhấn mạnh sự thay đổi chậm rãi ôn hòa, sao cho phù hợp với thời cuộc nhưng vẫn dựa vào truyền thống.
Tin tưởng vào kinh nghiệm truyền đời, và tôn trọng mặt bất toàn phi lý trí – những cảm xúc, định kiến, đức tin sẵn có – của con người khi quyết định những vấn đề chính trị quan trọng.
Luôn nghi ngờ những sản phẩm tư tưởng ‘cấp tiến’ siêu hình mang vẻ muốn áp đặt một “siêu kế hoạch” để đưa toàn bộ con người vào một khuôn khổ lý tưởng mới mẻ, nhưng nặng tính trừu tượng, thuần duy lý tính nào đó.
Tư tưởng cách mạng từ tốn ôn hòa của Burke cũng trở thành tư tưởng, tinh thần chính trị truyền thống rất đặc thù của Anh quốc.
Từ thời của Burke, chính quyền tại Anh có thể thay đổi, ngả theo tư tưởng này, cuốn theo tư tưởng kia, nhưng giữa các phe phái tư tưởng chính trị luôn có một sự thống nhất về phương pháp tranh đấu: chậm rãi, ôn hòa, và không bạo lực.
Phải chăng điều đó phản ánh tính chính xác trong nhận định của Burke về cá tính con người Anh, hơn là phản ánh sức ảnh hưởng quyết định từ tư duy của ông? Chẳng ai hiểu rõ điều này, ngay cả bản thân những người Anh “chậm chạp, lờ đờ, lạnh tanh”. (Mà thật ra thì họ vẫn luôn kín đáo tự hào về những bí ẩn của mình).
Ngoài ra, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy tư tưởng bảo thủ của Burke đã trở thành phương tiện đắc lực trong tay những ai muốn chống lại những học thuyết mang tính bạo lực cách mạng – những lý thuyết muốn bật gốc rễ, san bằng tất cả để xây lại, ví dụ như chủ nghĩa cộng sản. Hoặc những tư tưởng muốn dùng tư duy thuần duy lý tính để kiểm soát kinh tế, xã hội, và can thiệp sâu rộng vào đời sống con người, ví dụ như những phiên bản mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa xã hội (socialism).
Trong thời hiện đại, chủ nghĩa bảo thủ thường được gắn kết với chính trị cánh hữu (right-wing politics), là một nhóm nhiều tư tưởng và khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng đều có điểm chung là đề cao tự do cá nhân con người. Họ cũng đề cao việc bảo vệ tín ngưỡng tôn giáo (chủ yếu là Thiên chúa giáo), và chống lại việc mở rộng quyền lực nhà nước để chính quyền được phép can thiệp vào mọi mặt đời sống của người dân.
Cách mạng Pháp từ lâu đã được nhiều nhà tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội xem là một hình mẫu, để chứng minh bạo lực cách mạng trong lịch sử là cần thiết. Rằng một thứ lý tưởng siêu hình nào đó có thể làm nền tảng cho những thay đổi xã hội triệt để sâu rộng, được áp đặt một cách duy lý tính từ trên xuống.
Ngày 14 tháng 7 năm nay, hãy thử cùng trông ra ngoài quan điểm đó, bằng cách nhìn Cách mạng Pháp qua con mắt của Edmund Burke năm 1790.
Lý tưởng, dù đẹp đến mức nào đi nữa trên lý thuyết, cũng không đáng phải trả giá bằng việc hủy hoại tất cả những truyền thống sẵn có trong xã hội, vốn xưa cũ mà hữu dụng, lại gần gũi với bản tính con người. Và cách mạng, không nhất thiết lúc nào cũng phải đến bằng đao gươm và đại bác.